Chủ đề Suy Niệm Tuần cửu nhật Suy Tôn Thánh Giá Năm 2024

Thứ tư - 28/08/2024 21:44 624 0
 


CHỦ ĐỀ SUY NIỆM TUẦN CỬU NHẬT SUY TÔN THÁNH GIÁ NĂM 2024
NGƯỜI NỮ TU MẾN THÁNH GÍA SỐNG TINH THẦN THUỘC VỀ

“Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc là Đức Kitô, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ” (Cl 2, 7).

Để ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, trước hết chúng ta phải xác định ơn gọi của mình là một hồng ân phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa, đồng thời tình yêu ấy được đáp trả bằng việc hiến thân trọn vẹn cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và bước đi trong đường lối của Người. “ Các con hoàn toàn thuộc về Đức Kitô vì đã hiến thân trọn vẹn cho Người” ( Đc. Lambert – Btt 4). Theo Linh Đạo Mến Thánh Gía, việc đáp trả lời mời gọi của Chúa là họa lại cuộc đời Chúa Giêsu, để“nên đồng hình đồng dạng với Người”
[1] trong việc sống các mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Chính tình yêu của lời “mời gọi” từ Thiên Chúa và “đáp trả” của con người nói lên sự hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa theo khuôn mẫu đích thực là Chúa Giêsu, Người đã sống sự thuộc về Thiên Chúa một cách tuyệt vời và hoàn hảo khi Người luôn quy hướng về Cha (Lc 18,19) đến nỗi Chúa Cha và Người chỉ là một (Ga 10,30); Người luôn gắn bó với Cha (Ga 17, 18) và nhất trí với Cha cũng như tìm cách làm đẹp ý Cha trong mọi sự (Ga 8, 29); Người không tự làm theo ý mình nhưng luôn theo những gì Chúa Cha muốn: “Lương thực Ta là thi hành ý của Cha” (Ga 4,34), vì thế Người đã khẳng định: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,15).

Ý thức thuộc về Thiên Chúa giúp chúng ta ý thức thuộc về Thân Mình của Chúa Kitô là Giáo Hội. Cũng như đầu và thân thể nối kết và truyền thông sự sống cho nhau thế nào, Chúa Kitô và Giáo Hội cũng liên kết mật thiết với nhau như vậy. Đức Thánh Cha Phaolô VI nói rằng: “Có một sự tách biệt vô lý, đó là yêu mến Chúa Kitô mà không yêu mến Giáo Hội, nghe Chúa Kitô mà không nghe Giáo Hội, ở với Chúa Kitô mà lại ở ngoài lề Giáo Hội. Đó là điều không thể có được”.

Khi tuyên khấn, mỗi người nữ tu Mến Thánh giá công khai tuyên xưng : Từ nay con “ tự nguyện cam kết bước theo sát dấu chân Chúa Giêsu trên đường Thánh Gía để hiến thân trọn vẹn cho Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại”và ý thức thuộc về Hội Dòng MTG Qui Nhơn với một lời nguyện ước “Con tận tình phó thác đời sống con cho Hội dòng này, để cùng với chị em bước đi trong linh đạo Mến Thánh Gía”( x . Hc Điều 31 A). Với ý thức này, chúng ta thấy mình có trách nhiệm với các chị em cùng chung sống trong một mái nhà, nói cách khác là có trách nhiệm với Cộng Đoàn, với Tỉnh Dòng và Hội Dòng trong mọi lãnh vực. Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy một đời sống được xây dựng vững chắc trong Đức Kitô thì luôn biết cảm tạ. Sự lớn lên trong đời sống tâm linh luôn đi đôi với sự sung mãn trong tâm tình tri ân: “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc là Đức Kitô, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ” (Cl 2, 7). Khi càng chìm sâu trong Thiên Chúa, càng nếm cảm được nguồn ân sủng phong phú của Chúa, càng biết ơn Người, chúng ta sẽ chỉ còn một khát vọng là được thuộc trọn về Người.

Với chín ngày chuẩn bị Mừng Kính Thánh Giá Chúa, Tước hiệu của Hội dòng, chúng ta sẽ lần lượt đào sâu ý nghĩa và tâm tình của Chúa Cứu Thế muốn nhắn gởi cho nhân loại đặc biệt là những bạn tình của Ngài, các nữ tu Mến Thánh Giá, những lời cuối cùng nhằm giúp chúng ta say mến Mầu nhiệm Thập Giá và thực thi những sứ điệp từ Thập Giá trong cuộc sống hằng ngày để sống tâm tình tạ ơn, bởi tạ ơn sẽ nuôi dưỡng tinh thần thuộc về của mỗi chúng ta. Calvê nơi hành hình tội nhân giờ đây đã trở thành ngọn núi hấp dẫn lôi cuốn thế giới đến chiêm ngắm và đón nhận tình yêu của Đấng chịu đóng đinh, cách riêng những người nữ tu Mến Thánh Giá qua mọi thời đại.

------------------------

Ngày Thứ Nhất, 05/9/2024

"Lạy Cha, xin tha cho chúng" (Lc 23, 34)

Gợi ý: Thánh Luca viết: "Ngài bị đóng đinh vào thập giá". Sự đau đớn thật hiển nhiên, và cả sự ô nhục nữa. Chúa Giêsu không những bị tử hình theo kiểu người nô lệ, Chúa còn bị đóng đinh treo giữa hai tên trộm cướp. Chúa bị liệt vào hàng những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Những kẻ bàng quan đứng dưới chân thập giá cũng sỉ nhục Ngài như thế. Quân lính La Mã thì bắt thăm áo của Ngài, chúng thản nhiên chứng kiến phút hấp hối của Ngài. Nhưng với tình yêu vô biên, Ngài đã cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng”. Lời nói đầy bao dung này Chúa Giêsu cho chúng ta một gương mẫu tuyệt vời về yêu thương kẻ thù và tha thứ những xúc phạm của tha nhân, và đây là sứ điệp đầu tiên của Ngài trên Thập Giá.
Chúa Giêsu không chỉ nghĩ đến các lý hình đã đóng đinh Ngài, Ngài còn hướng đến các người tội lỗi, Ngài nghĩ đến chị, tôi và mọi người trong nhân loại. Vì không một ai trong chúng ta vô tội.
Điều này Chúa muốn dạy chúng ta điều gi? Hội Thánh là Mẹ và là Thầy, vì Hội Thánh sinh thành, dưỡng dục các tín hữu chúng ta trong đời sống đức tin “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 17-18). Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội ở mọi nơi trên thế giới. Đó là một sự thuộc về rất đặc biệt, một sự liên kết thánh thiêng với Giáo Hội.
Là những người được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bàn tay Giáo Hội, chúng ta sống tình con thảo với Giáo Hội bằng một cảm thức sâu sắc mình thuộc về Giáo Hội, để yêu mến và xây dựng Giáo Hội qua việc hăng say dấn thân trong những sứ vụ được trao và sống sứ mạng chuyển cầu cho mọi thành phần trong nhân loại. 
Đức thánh Cha Phanxicô trong bài giảng buổi sáng, ngày 30-1-2014 tại nhà nguyện Thánh Marta, Ngài nói “Xin Chúa giúp chúng ta tiến bước trên con đường này, để ngày càng đào sâu cảm thức chúng ta thuộc về Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội” 
[2].

Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu, nhờ bí tích rửa tội, chúng con được gia nhập gia đình Giáo Hội, được lớn lên trong đời sống đức tin và được đón nhận bao phúc lành thiêng liêng qua Giáo Hội. Khi bước vào đời thánh hiến, cuộc đời chúng con được Giáo Hội chăm sóc, giáo dục và dưỡng nuôi trong đời sống đức tin và ơn thánh. Nhờ Giáo Hội con được sống cho Chúa, bởi vì chính “Giáo Hội không những phê chuẩn việc khấn dòng để đưa đời tu lên địa vị bậc sống theo giáo luật, mà qua việc cử hành phụng vụ, Giáo Hội còn trình bày việc khấn dòng ấy như một bậc sống thánh hiến cho Thiên Chúa” 
[3]. Xin giúp chúng con luôn yêu mến Hội Thánh là mẹ và góp phần mình xây dựng Giáo hội địa phương bằng đời sống gương mẫu nơi đời sống chung cộng đoàn và trong sứ vụ.

Thực hành: Cầu nguyện cho Hội Thánh khắp nơi và Hội Thánh địa phương mà chị em mình đang hiện diện luôn được hiệp nhất để bước đi cùng nhau mà làm vườn nho cho Chúa.

----------------------

Ngày Thứ Hai, 06/9/2024:

“Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43)

Gợi ý: Đức Giêsu đã mở rộng trái tim và vòng tay yêu thương để tha thứ, đón nhận và san sẻ Nước Trời cho kẻ chịu đóng đinh bên hữu Ngài. Lời yêu thương này của Chúa Giêsu là động lực thúc đẩy chúng ta sống quảng đại hơn trong đời sống cộng đoàn, biết đón nhận tất cả mọi chị em chúng ta với những khác biệt về tính tình, tuổi tác, nếp suy nghĩ…
Khi kẻ tử tội bị đóng đinh bên hữu biết người cùng bị đóng đinh bên cạnh mình Đức Giêsu Nazareth, Vua dân Do thái, tâm hồn anh dậy lên tâm tình tin yêu. Một tia sáng từ Thập giá chiếu ra làm rực sáng đức tin của anh nên anh đã dâng lời khẩn cầu: Xin Ngài nhớ đến con khi Ngài về nơi vương quốc. Chính lúc tử thần rình rập bên cạnh, có một người nhìn biết Chúa Kitô là Chúa của một vương quốc. Chúa đã cứu chữa anh khi phán: “Hôm nay, con sẽ ở trên thiên đàng cùng với Ta”.
Lòng từ ái của Chúa đối với người trộm gợi nhớ lời sấm ngôn: Tội lỗi con có thắm như hồng điều, cũng sẽ nên trắng sạch như tuyết, có thẫm tựa vải đỏ, cũng sẽ mịn mướt như lông chiên. (x. Is 1,18). Ơn tha thứ Chúa ban cho người trộm thống hối càng làm chúng ta hiểu hơn lời Chúa phán: “Ta không đến kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi kẻ tội lỗi…” (Mt 9, 13) Lời hứa thiêng đàng cho anh trộm lành “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”nói gì với chúng ta ? Nhẩm đi nhắc lại lời này, để lời này thấm vào trong tâm hồn. Chúa nhân hậu và giàu lòng thương xót biết bao. Hãy ở lại trong thinh lặng để cảm nếm hương vị dịu ngọt của lòng Chúa xót thương. Hãy cảm tạ Chúa vì chị, tôi, chúng ta chẳng là gì trước nhan Thiên Chúa nhưng Ngài đã yêu thương, tha thứ và nhẫn nại để cho chúng ta được sống trong nhà dòng- nhà của Chúa cho đến lúc này.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, giữa những thất vọng nản lòng, xin khơi lên trong con niềm hy vọng. Giữa vực sâu của đam mê tội lỗi, xin cho con nghe được lời Chúa thứ tha. Giữa lúc bị cuộc đời từ khước, giữa lúc bơ vơ đi trong đêm tối của thất bại, hiểu lầm, kết án, xin cho con biết nhìn lên Chúa như người trộm lành nhìn Chúa, và xin cho con bắt gặp được ánh mắt đầy từ nhân của Chúa, để khát khao một mình Chúa, và khát khao Nước của Ngài. Xin cho con thấy trần gian này quá bé nhỏ, để thấy Nước Trời đang rộng mở chờ con. Xin Chúa giúp con biết gắn kết đời mình với Chúa đó là đích đến của đời Con. Đó chính là Thiên Đàng mà ai cũng ao ước. “Sống kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng con ở trên thiên đàng” (Paglia )

Thực hành : Hãy nhớ lại những tội lỗi của mình, đặc biệt tội nào mình cảm thấy nặng nề, và trong thinh lặng, xin Chúa giúp chúng ta biết thống hối ăn năn và cầu xin Chúa tha thứ, như anh trộm lành đã làm.  Hãy sống tâm tình biết ơn Chúa bằng sự gắn kết mật thiết với Người và sống tình liên đới với chị em trong mọi sự.

------------------------

Ngày Thứ Ba, 07/9/2024:

“Đức Giêsu nói với Thân Mẫu rằng: “thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19, 26-27).

Gợi ý: Đây cũng là lời mà Chúa Giêsu đã nói với mỗi chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Giá, để từ dưới chân Thập giá, những con người say mến Đấng Chịu Đóng đinh được khơi nguồn sự sống nhờ tình yêu của Mẹ Maria. 
Mẹ đứng dưới chân Thập giá được gọi là Đức Mẹ Đồng Công cứu chuộc, vì những đau khổ của Mẹ do kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu chuộc cho loài người. Là người nữ tu Mến Thánh Giá chúng ta được phúc là con của Mẹ, và được mời gọi theo con đường của Mẹ: Cùng chịu chết với Đức Kitô để sống lại với Người (Rm 6, 8).
Ngày nay, Đức Mẹ muốn nhìn thấy hình ảnh Đức Kitô, Con Mẹ nơi người nữ tu Mến Thánh Giá nên Mẹ sẵn sàng giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, chúng ta được khuyến khích trở nên người mẹ, người chị chứ không phải là một cô gái già. “Chớ gì niềm vui của sự phong nhiêu thiêng liêng này đánh động cuộc sống của chị em, hãy trở thành những người mẹ, theo hình ảnh của Đức Maria là Mẹ và hình ảnh của Giáo hội là Mẹ.[4]

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm được rằng chúng con là những người có phúc vì có Mẹ Maria cùng đồng hành, giữa những long đong và bấp bênh của phận người, giữa những thăng trầm của cuộc đời làm người môn đệ Chúa. Xin Chúa cho con cảm nhận được sự hiện diện của Mẹ đang đi cùng, cùng như thông cảm và hiểu chúng con với tấm lòng Từ Mẫu của Mẹ. Xin cho con đón lấy cuộc đời với bao điều trái ý, cực lòng…để cùng Mẹ thưa tiếng “Xin Vâng” cho trọn hành trình Thập Giá. Xin Chúa cho mỗi chị em chúng con biết xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc là lòng yêu mến đối với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh nơi sống đời sống thiêng liêng sâu sắc, thể hiện niềm vui của lòng biết ơn Chúa, biết ơn Mẹ Giáo Hội và Hội dòng. Lạy Chúa, bởi đâu đó trong thâm sâu cỏi lòng con đang hư hỏng, đang ngụy trang dưới dáng vẻ của điều tốt lành. Điều này đã được Đức Thánh Cha phanxicô cảnh báo về tinh thần thế tục đang thống trị tâm hồn con người. Ngài cho rằng đây là một thái độ quy nhân căn bản. Nó thể hiện như thể tách ra khỏi tính thế tục kia, nhưng thực ra là tìm kiếm vinh quang của nhân loại chứ không thực sự quy hướng về Thiên Chúa
[5] và Ngài căn dặn cách riêng các tu sĩ phải cẩn thận để không rơi vào tính thế tục thiêng liêng.… Xin Chúa cứu chúng ta khỏi một Hội Thánh thế tục với những cạm bẫy của hoạt động thiêng liêng và mục vụ bề ngoài! Tính thế tục ngột ngạt này chỉ có thể được chữa lành bằng việc hít thở không khí trong lành của Chúa Thánh Thần, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tính vị kỷ trong bộ áo đạo đức bề ngoài mà không có Thiên Chúa. Chúng ta đừng để mình bị cướp mất Tin Mừng”(EG 97)

Thực hành: Yêu mến việc lần hạt Mân Côi. Thực hành các việc thiêng liêng với lòng khao khát thật, ước muốn thuộc về Chúa và Hội dòng cách chân thật.

----------------------------

Ngày Thứ Tư, 08/9/2024:


 "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao ngài bỏ rơi con" (Mt 27, 46)

Gợi ý: Đây là lời biểu lộ nỗi thống khổ tột cùng của Con Thiên Chúa. Lời than thở của Chúa Giêsu không phải là một lời tuyệt vọng nhưng là lời của tình yêu bởi Ngài đã hòa mình vào trong biển khổ đau của con người. Trong cuộc khổ nạn, Chúa chịu đựng mọi sự xỉ nhục của đám đông, sự bỏ rơi của các môn đệ và cả sự nhạo cười của những kẻ cùng bị đóng đinh với Ngài. "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao ngài bỏ rơi con" (Mt 27, 46). Đây là lời cầu nguyện của một tâm hồn tín thác, Ngài đã trao phó tất cả mọi sự trong tay Cha. Như thế, nhờ hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà mọi khổ đau của người nữ tu Mến Thánh Giá có giá trị cứu độ.
Người môn đệ của Đấng Chịu Đóng Đinh, chúng ta sẽ phải trải qua những giây phút đau khổ, cô đơn ấy. Chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu thưa lên Cha lời cầu nguyện tín thác của người con thảo phó mình trong tay Cha, để cây Thập Giá Thiên Chúa đã trồng nơi mảnh đất Hội dòng thân yêu của chúng ta qua Đức Cha Lambert sẽ mãi mãi trổ hoa yêu thương ở bất cứ nơi nào có sự hiện diện của người nữ tu Mến Thánh Giá.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, sống linh đạo Thập Giá giữa cuộc đời, giữa những bôn ba đi tìm sự thụ hưởng của nhân loại hôm nay, chúng con chẳng khác nào kẻ lội ngược dòng, kẻ sống không giống ai, sẽ có tiếng chê bai nhạo cười, có bao lời khinh khi chỉ trích…Xin nâng đỡ niềm tin yếu kém của con. Xin cho con được ngụp lặn trong biển cả của lòng thương xót Chúa, để con luôn được bình an giữa bao biến động của cuộc đời và nhẹ nhàng bước đi trong Linh đạo Mến Thánh Giá. Xin Chúa cho mỗi chị em chúng con can đảm nói không với tinh thần thế tục. “Thật lạ, thưa Cha…tính trần tục là một lối sống hời hợt…. Ai đó có thể nói với tôi như thế. Chúng ta đừng tự lừa dối mình! Không có gì thuộc về thế gian là hời hợt! Nó có rễ sâu, rễ rất sâu. Nó giống như một con tắc kè hoa, nó thay đổi, nó đến và đi tùy theo hoàn cảnh, nhưng bản chất thì như nhau, một lối sống đi vào mọi nơi, kể cả Giáo hội. Tính trần tục, lối thông diễn trần tục, mọi thứ đều có thể được tạo ra để có vẻ ngoài theo một hình thức nhất định”
[6]

Thực hành: Xét mình xem tinh thần thế tục của chị em chúng ta đang được ẩn dấu dưới vỏ bọc nào? Tìm cách tốt nhất để loại bỏ ngay trong đời sống cá nhân và cộng đoàn.

--------------------

Ngày Thứ Năm, 09/9/2024:

“Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất, và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Ta khát”. (Ga 19, 28)

Gợi ý: Thân xác Chúa Giêsu bị treo trên Thập Giá chẳng những gánh tội thay cho loài người nhưng còn chịu đựng những đau đớn nơi thân thể, trái tim bị đâm thủng, dòng máu đã trút cạn. Ngài không một lời kêu trách, vẫn hy vọng nơi lòng từ tâm của nhân loại nên Ngài đã kêu lên: “Ta khát”.
Tiếng kêu “Ta khát” vẫn luôn vang vọng trong chúng ta. Cơn khát của tình yêu đến tận cùng, chấp nhận trút bỏ vinh quang và chết như một tội nhân. Tất cả những điều ấy là để cứu chúng ta thoát khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, để chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa. Chúng ta hãy mở lòng mình ra đón nhận tình yêu ấy và để cho mình được biến đổi.
Cùng chiêm ngắm Đức Giêsu, Đấng đã tuyển chọn, yêu thương và hiến mạng vì tôi, để thêm một lần xác tín căn tính của mình. Tôi thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Giáo Hội, thuộc về Hội dòng và Cộng đoàn mình đang là thành viên mà chính Lời khấn dòng đòi buộc mỗi người. Có như thế mỗi chúng ta sẽ dễ dàng làm dịu cơn khát tình yêu thương phục vụ mà nhân loại đang chờ đợi nơi người sống đời thánh hiến. Đời thánh hiến phản ảnh vẽ lộng lẫy của tình yêu. Bởi vì, bằng sự trung thành với mầu nhiệm Núi Sọ, đời thánh hiến tin ở tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và sống với lòng tin đó. Như vậy, đời thánh hiến góp phần gìn giữ trong Giáo Hội ý thức sinh động rằng Thập giá là sung mãn tình yêu của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế gian. Thập giá là dấu chỉ vĩ đại về sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô, và điều đó đặc biệt đúng trong những nỗi khó khăn và thử thách. Có rất nhiều người được thánh hiến liên tục làm chứng về điều đó với một sự can trường rất đáng khâm phục, khi họ thường xuyên phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn, kể cả bị bắt bớ và tử đạo” (ĐSTH 24).

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy trọn cả trái tim con xin cho trái tim con chỉ còn khao khát tình yêu của Chúa, Đấng đã chết vì yêu con. Xin cho con biết khao khát yêu thương con người, đặc biệt những con người bé nhỏ nghèo hèn xung quanh con, và yêu thương những người chị em cùng bước đi trong linh đạo Thập Giá, để mọi cơn khát của tiền, tình, danh vọng không còn chỗ trong trái tim con. Xin cho con luôn sẵn sàng làm dịu cơn “khát” của Chúa và của anh chị em con bằng một phong cách mới, phong cách của người thuộc về Chúa thật sự, phong cách của người nữ tu chân chính. Amen

Thực hành: Sống tinh thần lệ thuộc trong cộng đoàn bằng việc : Chào đi chào về,  Xin phép, Cám ơn, Xin lỗi…

-----------------------

Ngày Thứ Sáu, 10/9/2024:

“Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30)

Gợi ý: Trong cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu chỉ khao khát một điều là thực thi ý Cha. Giờ đây, trong giây phút cuối đời trên Thập Giá, Ngài đã thưa lên với Cha “Mọi sự đã hoàn tất”. Ngài đã hoàn tất mọi sự theo ý Chúa Cha trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại. Ngài đã làm tất cả những gì cần phải làm của một trái tim yêu thương đến tận cùng. Ngài đã hoàn tất công trình cứu chuộc để chúng ta bước vào một khởi điểm mới, một cuộc tái sinh mới.

Chúa Giêsu đã chấp nhận chết đi như hạt lúa mì để mang lại sự sống mới cho nhân loại. Chính qua cái chết của Ngài mà lời thưa “Xin Vâng” của Ngài đối với Chúa Cha được trở nên trọn vẹn nhất.
Người nữ tu Mến Thánh Giá tiếp nối sứ mạng cứu thế của Đức Kitô và hoàn tất những gì còn thiếu nơi thân thể Người là Hội Thánh qua: lời kinh chuyển cầu, đặc biệt bằng tinh thần khổ chế và đời sống chứng nhân phục vụ. Cụ thể là chu toàn mọi bổn phận với lòng yêu mến, tinh thần trách nhiệm bởi luôn nhận thức mình thuộc về gia đình của Chúa, Gia đình được Chúa qui tụ là Cộng đoàn mà mình đang là thành viên.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hoàn tất hy tế Thập Giá nhưng Chúa không rời khỏi Thập Giá, Ngài tiếp tục hiến tế mỗi ngày qua Thánh lễ, Ngài mời gọi chúng con vác Thập giá mình mà bước theo Ngài, không phải Thập Giá của hận thù, ghen ghét, ích kỷ  mà là Thập Giá của Tình Yêu và phục vụ. Xin cho con cảm nghiệm nơi Thập Giá niềm vui và ân phúc, vì đã hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và anh chị em đồng loại.
Xin cho chúng con biết rao giảng về tình yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng chứng tá, bằng cuộc đời khổ chế hy sinh, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa nơi đời sống chung cộng đoàn và nơi sứ vụ.

Thực hành: Thực hiện một vài hy sinh, cố gắng thể hiện tinh thần thuộc về của mình nơi đời sống cộng đoàn.

------------------------

Ngày Thứ Bảy, 11/9/2024:

"Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46)

Gợi ý: Sau khi hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó là cứu chuộc loài người. Cuối cùng Đức Giêsu đã thổt lên: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Như một lời khải hoàn, Chúa Kitô, Đấng từ trời xuống, đã chu toàn nhiệm vụ, hoàn tất cuộc hành trình, nay trở về cùng Chúa Cha để tỏ niềm tôn phục Đấng đã phái Ngài đi thực thi công cuộc cứu chuộc trần gian.
Đây là lời nguyện của người con thảo hướng về Thiên Chúa và gọi Người “Cha ơi !”. Đây là lời nguyện đã từng được thốt lên bởi biết bao nhiêu người đau khổ có trước Đức Giêsu và có sau Đức Giêsu, và chắc chắn, cũng sẽ là của mỗi chúng ta, vào giờ phút thử thách tận cùng, tận căn nhất của một đời người: bệnh tật, bách hại, bỏ rơi, hiểu lầm, kết án…Đây là lời nguyện của sự tín thác vào bàn tay của Thiên Chúa là Cha:  Phó thác sự sống của mình trong bàn tay của Cha, bàn tay đã chở che con từng ngày bằng lòng bao dung và thương xót: “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139, 5).
Đức Kitô đã mang lấy thân phận con người để ôm ấp, chia sẻ, an ủi, thương cảm, bao dung, và đặt hết vào bàn tay của Chúa Cha với tâm tình của người con thảo. Chúng ta xác tín rằng, cuộc đời của chúng ta, dù có như thế nào, đã được phó thác trong tay Chúa Cha rồi, nhờ Đức Kitô, trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Bàn tay Thiên Chúa Cha nhân hậu và giàu Lòng Thương Xót đã giải phóng Đức Kitô khỏi sự chết, cũng sẽ giải phóng chúng ta khỏi sự chết, để đưa vào cung lòng Tình Yêu và Sự Sống vô biên của Người.
Người nữ tu Mến Thánh Gía hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc là Đức Kitô, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ.  (x Cl 2, 7). “Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đấng Chịu Đóng Đinh, là suối nguồn của niềm hy vọng. Từ từ chúng ta hiểu rằng hy vọng với Chúa Giêsu là học đã trông thấy ngay từ bây giờ cái cây nơi hạt giống, Phục Sinh trong thập giá, sự sống trong cái chết. Thật là hữu ích cho chúng ta khi dừng lại trước Chúa chịu đóng đanh”[7]
Chúng ta tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, chúng ta Vâng Phục Thánh Ý đó và chúng ta vâng phục với tư cách của người con yêu mến cha mình chứ không phải vâng phục như một kẻ nô lệ. Chúng ta đã mặc lấy tâm tình và cách sống của Chúa Kitô để mọi ngày trong đời sống của chúng ta là lời tạ ơn và tín thác của người con thảo hiếu.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Khi Chiêm ngắm Chúa trên Thập Giá xin cho con hiểu được ý nghĩ và giá trị của Thập Giá trong cuộc đời mình. Xin cho con được cuốn hút bởi mầu nhiệm Tử Nạn của Chúa Giêsu, Đấng như hạt lúa, chết đi để ban cho chúng ta sự sống. Chính Ngài là hạt giống niềm hy vọng của chúng con. Chúa đã sống tâm tình tín thác trọn vẹn trong tay Chúa Cha, xin ban cho con ơn biết hiến dâng đời mình trong bàn tay của Chúa. Xin hãy tràn ngập tâm hồn con ơn bình an của Chúa, xin hãy xâm chiếm toàn thân con bằng sự hiện diện của Chúa, để con gieo rắc tình thương của Chúa trong những nơi con đến phục vụ, trong cộng đoàn con đang sống. Và xin cho con được hoàn toàn thuộc trọn về Chúa trong Hội Dòng của con qua Ba Lời Khấn: Khiết tịnh,  Nghèo Khó và Vâng Phục theo gương Chúa.

Thực hành: Tinh thần thuộc về Thiên Chúa và Hội dòng được thể hiện qua việc thực thi Lời Khấn dòng. Sống Lời khấn thanh thoát, vui tươi.

---------------

Ngày Thứ Tám, 12/9/2024:
 “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 20-21).

Gợi ý: Tiếp nối những lời của Chúa Giêsu trên Thập Giá là lời của Đấng Phục Sinh. Khi Chúa Giêsu sống lại và hiện ra với các môn đệ, Ngài chỉ cho các ông xem những vết thương của Ngài, những dấu đinh nơi thân thể Ngài là dấu tích của tội lỗi mà con người đã gây nên cho Chúa, trong đó có cả các môn đệ của Ngài. Thế nhưng, khi Chúa hiện ra với các môn đệ, Chúa không hỏi các ông về quá khứ tội lỗi của các ông. Lời đầu tiên của Ngài là lời chúc bình an, là lời loan báo ơn tha thứ. Nếu chúng ta không tin vào Đấng Phục sinh thì những đau khổ của chúng ta không có lối thoát, niềm tin và việc đi theo Chúa Giêsu trở nên điên dại, hão huyền. Nhưng Chúa Kitô đã sống lại, Thập Giá mang một ý nghĩa mới, nó không còn là dấu hiệu của khổ đau và tủi nhục nhưng là dấu hiệu của tình yêu, lòng thương xót, thứ tha và là dấu hiệu của niềm hy vọng.
Mỗi lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ, Chúa đều cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Đấng Phục Sinh vẫn luôn mang những vết tích của Đấng Chịu Đóng Đinh.
Theo tinh thần của Đức Cha Lambert de la Motte, để sống tương quan tình yêu đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa, lối đi duy nhất của người nữ tu Mến Thánh Giá là phải đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Mỗi ngày tích cực sống giá trị của Tin Mừng cách triệt để, thực hiện vai trò trung gian chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, xin Ngài luôn hiện diện và đồng hành bên con trong mọi giây phút sống, và xin cho con cảm nghiệm ơn tha thứ và lòng thương xót của Chúa, để cuộc đời con là một chuỗi ngày quên mình phục vụ, hy sinh không toan tính thiệt hơn để xây dựng cộng đoàn con đang sống trở thành cộng đoàn của lòng thương xót. Xin cho con luôn yêu Ngài và thuộc về Ngài luôn mãi để khi chịu đóng đinh cùng Ngài, loại trừ thói hư tật xấu của tinh thần thế tục con mới có thể được Phục Sinh với Ngài trong Tình Yêu Vĩnh Cửu. Amen

Thực hành: Tôi đã sống tinh thần tu trì thế nào? Tôi đã để cho tinh thần thế tục chiếm lấy qua những cử chỉ lời nói thiếu nhân bản, thiếu tinh thần tu đức? Tôi có quyết tâm nào cho những ngày tiếp nối ?

------------

Ngày Thứ Chín, 13/9/2024:
“Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 19, 14)

Gợi ý: Giữa biến cố Lên Trời của Chúa Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống lần đầu tiên, các Tông đồ tụ tập nhau cùng với Đức Maria để cùng Mẹ chờ đợi ơn Thánh Thần; Mẹ đã ở với Giáo Hội trong lời cầu nguyện (x. Cv 1,14). Là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội, Đức Maria thực thi tình hiền mẫu này cho đến khi lịch sử kết thúc.

Như xưa, Mẹ Maria đã kín đáo dõi theo Con Mẹ trong cuộc sống công khai cho tới chân thập giá, và giờ đây Mẹ tiếp tục dõi theo con đường của Giáo Hội trong lời cầu nguyện thinh lặng. Như thế, sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa với mười một Tông đồ, không phải là một ghi chú lịch sử đơn sơ của một điều đã qua, nhưng có một ý nghĩa giá trị rất lớn, bởi vì cùng các tông đồ, Mẹ chia sẻ điều quý báu nhất: đó là ký ức sống động về Chúa Giêsu, trong lời cầu nguyện và sứ mệnh của Chúa đã ủy thác, và cũng là duy trì sự hiện diện của Chúa.

Là nữ tu Mến Thánh Giá với vai trò trung gian chuyển cầu trong nguyện đường và trong cuộc sống, chúng ta không thể thiếu đời sống cầu nguyện, không thể thiếu đời sống cộng đoàn và không thể không học theo gương Mẹ Maria trong mọi lãnh vực cuộc sống… để tất cả cùng hiệp nhất, yêu thương, nguyện cầu trong tình yêu Thánh Thần vì không có Thánh Thần chúng ta không thể trở thành chứng nhân được.

Chúng ta cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm Đấng Chịu Đóng Đinh “Chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi ơn gọi; nhờ ân sủng căn bản của Thánh Thần, việc Chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh là khởi điểm của mọi ân huệ, đặc biệt nhất là ơn sống đời thánh hiến”( Tông Huấn Vita Consecrata, số 23). Còn Đức Cha Lambert- Đấng sáng lập dòng của chúng ta khuyên thế này:  Đối với những người thuộc Hội Mến Thánh Giá, nếu họ đi theo Con Thiên Chúa bằng sự từ bỏ chính mình, vác thập giá bản thân mà tiến bước trên đường Núi Sọ suốt cả cuộc đời, họ sẽ chu toàn thánh ý Thiên Chúa cách hoàn hảo theo đúng ơn gọi của mình. (x. Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 760).

Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng ta hiểu biết sự cần thiết của lời cầu nguyện, và giúp chúng con luôn khắng khít yêu Chúa Giêsu Con Mẹ như Mẹ đã từng sống, và mãi dõi theo trong suốt hành trình dương thế. Đấng Sáng Lập của chúng con đã xác tín mình được chính Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh chiếm lấy. Vì thế ngài đã sống tinh thần thuộc trọn về Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh bằng một tình yêu thực tiễn, ngài đã sống điều mà thánh Phaolô tông đồ trải nghiệm: “ Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cor, 2,2). “tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người… chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt” (Pl 3,7-12).

Con đã tự nguyện cam kết thuộc về Chúa qua Hội dòng này... Nhưng còn 
đó một góc khuất trong tâm hồn con chưa hoàn toàn sống tâm tình thuộc về gia đình Hội dòng. Vắng bóng tinh thần thuộc về nên con chưa xác tín ơn gọi, chưa để Chúa là cùng đích cuộc đời, Con chỉ thuộc về Chúa vài mươi phần trăm, thuộc vê Hội dòng vài phần trăm? Cuộc sống và cách dấn thân cho sứ vụ của con đang bị phân ra từng mảnh nhỏ, không có định hướng và sự thống nhất nên con cảm thấy cô đơn lạc lõng và co cụm trong những cái tư riêng, thuộc về bản thân, khó cộng tác, hợp tác …Xin Mẹ giúp chúng con thêm một lần xác tín căn tính của mình. Tôi thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Giáo Hội, thuộc về Hội dòng và Cộng đoàn mình đang là thành viên mà chính Lời khấn dòng đòi buộc mỗi người. Xin hiệp nhất chúng con dù mỗi chúng con là một cuộc đời, một ẩn số khó hiểu nhưng Thiên Chúa quy tụ chúng con trong tình yêu Giêsu, Đấng chịu đóng đinh là đối tượng lòng trí chúng con. Xin cho con xác tín như mẹ Têrêxa Calcutta “Theo huyết thống, tôi là người Anbani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian. Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về trái tim Chúa Giêsu” (Mẹ Têrêxa Calcutta) 

Thực hành: Dâng hy sinh - cầu nguyện cho mỗi chị em biết sống tinh thần thuộc về và cho sự hiệp nhất giữa các thành viên trong Hội dòng, Cộng đoàn.

THỰC HÀNH CHUNG:
1/ Tùy hoàn cảnh cộng đoàn có thể làm đài Thánh Giá nơi trang trọng.
2/ Mỗi sáng và tối hát: ĐK. Lạy Đấng Tình Quân con tôn thờ. Con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con. Mũi tên nào say đắm bắn trúng con tim hồng. Để từ nay con sống là sống cho, cho tình yêu. Và dầu cho con chết là chết cho, cho tình yêu. PK 3. Con ước vọng theo Ngài suốt đời con, xin dâng làm lễ vật cuộc đời con. Trong nguyện cầu thanh vắng với hy sinh, để nên lời ca hát khúc ân tình.
3/ Mỗi cá nhân cố gắng thuộc lòng câu nói của Đấng Sáng Lập “ Các con hoàn toàn thuộc về Đức Kitô vì đã hiến thân trọn vẹn cho Người” ( Đc. Lambert – Btt 4).
4/ Ăn chay vào ngày 13/9 trước lễ Suy Tôn Thánh Giá, hy sinh và cầu nguyện cho mỗi thành viên trong Hội dòng luôn sống lòng tri ân để nuôi dưỡng tinh thần thuộc về. Và cầu nguyện những kế hoạch của Hội dòng.

-----------------------------
[1] TH. Đời Sống Thánh Hiến số 16
[2] ĐTC Phanxicô, bài giảng buổi sáng tại nhà nguyện Thánh Marta, ngày 30-1-2014
[3] Huấn thị Những Chỉ Dẫn Về Việc Huấn Luyện số 21
[4](x. Đức thánh Cha Phanxicô tiếp kiến khoảng 900 thành viên của Hiệp Hội Quốc Tế các Nữ Tu Bề Trên Tổng Quyền tại Roma ngày 8.5.2013)
[5]
 PHANXICÔ, Sức Mạnh Của Ơn Gọi, Dg. Lê Công Đức, Nxb. Đồng Nai, 2019, tr. 94.
[6] (x. Bài giảng tại Santa Marta, ngày 16 tháng 5 năm 2020 của ĐGH Phanxicô)
[7]  (x. Bài huấn dụ của ĐGH Phanxicô ngày 13.04.2017)


 

Tác giả bài viết: Vùng Phú Yên

 Tags: Tài liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây