Ôi Bác ái!

Thứ sáu - 21/10/2022 21:16 969 0
 

ÔI BÁC ÁI !
              
Trong câu chuyện chia sẻ về cuộc đời chiều nay. Có nhiều câu chuyện để trao đổi nhưng chủ đề chính với người bạn chiều nay đó là về bác ái.

              
Bạn tôi kể câu chuyện cũng như cung cách sống của bạn của bạn.

              
Câu chuyện bạn của người bạn đó là cô ấy mồ chôi cha mẹ. Sau biến cố bi đát nhất của cuộc đời, cô được hai bác cưu mang như cha mẹ sinh ra mình vậy. Rồi thời gian dần trôi, hai bác đến tuổi già sức yếu. Bác trai dường như không còn khả năng để chủ động trong sinh hoạt cá nhân và dĩ nhiên cần sự trợ giúp. Người trợ giúp ấy không ai khác ngoài người vợ của mình. Bác gái của người đó lớn tuổi và đã có cái lưng bị còng.

              
Giữa hoàn cảnh hai bác cũng chính là hai người không có công sinh nhưng có công dưỡng như vậy, lẽ ra đứa cháu hay là đứa con trong gia đình đó phải là người gọi là trả ơn, báo hiếu cho hai bác. Thế nhưng tuyệt nhiên cô ấy vô cảm trước những hạn chế của tuổi già của hai bác của mình. Được một cái là cô đó thích tham gia hội đoàn cũng như thích làm việc bác ái. Cô đó sẵn sàng bỏ thời gian của mình ra để theo chỗ này chỗ kia làm việc bác ái nhưng trong chính gia đình thì lại bỏ bê.

              
 Kể xong, bạn tôi hỏi : “Bố ơi ! Cách hành xử của bạn đó như thế nào hả Bố ? Bố cho con lời khuyên !”.

              
Khuyên thì khuyên chứ cũng chả có gì là khó. Trước khi đưa đến lời khuyên đó là phân tích về công lao nuôi dưỡng của hai bác để rồi đứng trước tuổi già thì bổn phận mình mình phải chăm sóc lại hai bác để phần nào gọi là bù đắp công ơn dưỡng dục của hai bác. Có lẽ mỗi người có một suy nghĩ cũng như cách hành động để rồi cô kia không thích chuyện ở nhà để lo cho hai bác nhưng lại thích làm việc bác ái ở ngoài đường.

              
Và rồi tôi đưa ra suy nghĩ cũng như lập trường sống của tôi. Nếu là tôi thì tôi sẽ chọn chuyện ở nhà để chăm sóc hai bác trước khi ra ngoài đường làm việc bác ái. Tôi đưa ra kết luận đó là sự tự do chọn lựa của mỗi người để rồi mỗi người tự do chọn cho mình cách sống. Nếu là khuyên thì khuyên nên bác ái ngay trong gia đình mình trước đã.

              
Tôi chợt nhớ về người bạn. Bạn ấy xem chừng ra cau có, cáu gắt với mọi người và hay nạt nộ. Thế nhưng trong lòng bạn thì bạn chả có gì để để bụng kể cả tiền nong. Có bao nhiêu là bạn sẵn sàng cho đi. Chỉ tiếc thay là bạn cho đi đều là cho những người bên ngoài xem chừng ra không thân tộc, không máu mủ với bạn. Nhìn thấy cảnh bạn cho đi mà tôi cảm thấy có điều gì đó tiếc nuối vì tôi biết chắc rằng gia đình bạn ấy (anh chị em) rất cần sự chia sẻ của bạn ấy. Vì thân cận nên tôi hiểu và thấy và nghe từ chính trong gia đình bạn ấy nói về sự thiếu thốn ngay trong chính gia đình. Thế nhưng rồi bạn ấy vẫn cứ vui vẻ cho người ngoài một cách vô tội vạ.

              
Đứng trước tình cảnh ấy, tôi không hề hé nửa lời. Đơn giản là lớn rồi cũng như tôn trọng tự do của mỗi người nên tôi không lên tiếng. Chỉ tiếc thay cách bác ái, cách cho đi của bạn ấy dường như không đúng chỗ và không phù hợp. Người cần đón nhận sự cho đi, lòng bác ái của bạn đó chính là người ngay trong gia đình của bạn ấy.

              
Lần kia, sau khi ban phép xá giải cho một người, người đó nứt nở vì hối hận. Cô ta hối hận khóc thật nhiều bởi vì cô vừa mất mẹ. Cô cảm thấy có lỗi, cô cảm thấy nuối tiếc vì khi mẹ cô còn sống, mẹ cô cần sự chăm sóc của cô thì dường như cô bỏ ngoài tai và dành thời gian để tham gia hội đoàn và ca đoàn. Cô tiếc nuối nhưng rồi mẹ của cô đã không còn để cô dành thời gian chăm sóc mẹ nữa.

              
Kinh nghiệm của người này là một kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống dành cho những ai có cha mẹ già. Thường thì người ta không quý khi những thứ quý giá ở bên cạnh. Chỉ đến khi điều quý giá đó mất đi thì họ mới nhận ra và khi đó là đã muộn.

              
Dĩ nhiên ai ai cũng biết rằng cha mẹ già, ông bà nội ngoại ở cái tuổi già họ thường trở về tuổi thơ, tuổi con nít nên họ hay đòi hỏi, hay nhõng nhẽo. Có những người già do ức chế tâm lý nên họ có cách hành xử khác. Đứng trước hoàn cảnh đó, hơn ai hết con cháu phải là những người chăm lo cho ông bà cha mẹ ở tuổi già. Tiếc thay là có những người quên đi cái bổn phận thiết yếu nhất ngay ở chinh trong gia đình họ mà họ không làm nhưng họ lại thích đi làm bác ái.

              
Đơn giản và dễ hiểu là vì khi làm bác ái ở ngoài thị họ sẽ được đánh bóng tên tuổi, họ được người khác thấy và ghi công. Còn khi họ làm bác ái ở trong gia đình thì dường như không ai thấy cũng như gi công.

              
Vẫn là sự tự do chọn lựa cách sống của mỗi người.

              
Phần tôi, tôi luôn nghĩ đến những người thân cận cũng như bác ái với những người thân cận trước khi đi bác ái ở ngoài đường. Đơn giản rằng chính những người đó là những người hơn ai hết cần sự chia sẻ của ta. Và cũng nên nhớ khi già, khi hữu sự thì ta cần nhờ đến ai hơn. Khi hữu sự thì ngay chính những người trong nhà lại là những người lo cho ta hơn ai hết.

              
Bác ái là điều rất cần trong cuộc sống con người. Thế nhưng rồi bác ái cũng cần cân nhắc, cần suy nghĩ cũng như chọn lựa chứ không phải chỗ nào cũng bác ái và nhất là bác ái những chỗ không cần thiết hay bác ái tên tuổi.

              
Nói đến bác ái tôi nhớ đến một cha giáo kia. Cha luôn nhắc nhở môn sinh của mình sống công bằng trước đi đã rồi hẳn nói đến bác ái. Kèm theo đó, Cha phê phán thói bác ái háo danh nghĩa là làm bác ái chỉ vì đánh bóng tên tuổi của mình.

              
Thật vậy, trong cuộc sống nhiều khi ta chú trọng bác ái quá mà quên đi đức công bình. Trước khi thực thi bác ái nên chăng ta phải sống công bằng với nhau.

              
Trên hết mọi chuyện, Chúa Giêsu dạy con người hết sức thận trọng về việc bác ái. Chính vì thế khi nghĩ hay làm việc bác ái, ta nên suy nghĩ, cân nhắc và cẩn trọng kẻo không chúng ta cũng sẽ rơi vào cung cách sống của những biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu. Không khéo, chúng ta sẽ trở thành những luật sĩ và biệt phái thời nay.

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây