“Bánh ít trao đi, bánh quy trao lại” với Thiên Chúa

Thứ năm - 30/06/2022 19:40 3.918 0
 
 

“BÁNH ÍT ĐI – BÁNH QUY TRAO LẠI”  VỚI THIÊN CHÚA
         
Chúa thương ban cho mỗi người một quỹ thời gian rất lớn, kèm theo nhiều của cải vật chất nữa. Tiếc thay có những người  vẫn hơn thua tính toán với Chúa từng giờ, từng phút và từng khoảng lặng để ở bên Chúa ...


Ta vẫn hay nghe nói “Bánh ít trao đi, bánh quy trao lại”. Câu nói này có nghĩa là nếu bạn được nhận được thứ gì đó thì trước hết bạn hãy cho người khác thứ quan trọng đối với họ. Câu nói này xuất phát từ một hiệu ứng tâm lý có tên là “Có qua có lại”.

Thật vậy, thực tế cuộc sống ta thấy chuyện có qua có lại trong cuộc sống là chuyện thường tình và con người sẽ cảm thấy khổ sở khi mắc nợ một ai đó. Đây cũng là chiến thuật cổ xưa xuất hiện trong những giống loài có nguồn cung cấp lương thực không ổn định. Giả sử ta là một người nguyên thủy săn bắn – hái lượm, vào một ngày bắt được một con hươu nhưng không ăn hết con hươu đó. Đứng trước tình cảnh này, ta quyết định chia sẻ thịt con hươu với những người khác trong bầy đàn của mình và có thể yên tâm rằng họ sẽ giúp lại mình khi mà ta không kiếm được thức ăn.

Có qua có lại là một chiến thuật sinh tồn hết sức hiệu quả trong xã hội loài người, là một loại quản lý rủi ro. Nếu không có chiến thuật này, con người và nhiều giống loài khác sống phụ thuộc bầy đàn hẳn đã biến mất từ lâu. Đây cũng là cơ chế quan trọng thúc đẩy sự hợp tác giữa người với người và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Sẽ không có nền kinh tế nào hết nếu thiếu đi chiến thuật có qua có lại.

Và cạnh đó, ta cũng có nghe “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Hiểu một cách đơn giản, “Có qua có lại mới toại lòng nhau” nghĩa là hai bên đồng đều, không ai hơn ai. Người ta thăm hỏi, giúp đỡ, làm điều tốt cho mình thì bản thân mình cũng phải đáp lại một cách tử tế, chu đáo,..có như thế mối quan hệ mới giữ được sự bền chặt. Nói tới nói lui cũng nói về hai chữ “công bằng”. Thật ra, ai cũng muốn nhận được sự công bằng ngoại trừ những kẻ muốn không bỏ công nhưng lại nhận nhiều lợi ích.

Cuộc đời là như vậy, hành xử giữa người với nhau là như vậy. Còn với Thiên Chúa, Chúa là Chúa, là Chủ cuộc đời của những người tin thì người tin hành xử như thế nào ?

Có một thực tế đáng để suy nghĩ. Có những người tin Chúa nhưng niềm tin ấy có được khi và chỉ khi họ được Thiên Chúa làm cho họ những điều mà họ muốn, họ thích. Ngược lại họ sẵn sàng ngoảnh mặt làm ngơ và có khi còn chối Chúa nữa.

Trong cuộc sống, có khi do họ quá lười biếng hay quá tham lam để rồi họ cứ mãi chật vật trong đời sống kinh tế. Đa phần là họ đã không nỗ lực đủ hay là không cảm thấy đủ để rồi cứ mãi chông chênh.

Với những kiểu người “cày ngày không đủ tranh thủ cày đêm” thì ta lại thấy một thực tại đáng buồn và cái kết cuộc đời của họ không như họ muốn. Họ vịn vào kế sinh nhai, họ bỏ thời gian nhiều quá để họ chạy vạy cho cuộc sống đến độ họ không còn một chút thời gian hay tâm trí nào dành cho Chúa nữa.

Thử làm một bài toán hết sức bình thường và đơn giản. Quỹ thời gian mà mỗi người có là do ai  và bởi ai ? Có phải là của con người hay không ? Những gì mà con người toan tính trong cuộc đời có phải đều do con người làm chủ mình hay có một bàn tay nào khác quyền năng đó là chính Thiên Chúa.

Một người thân quen, hò hẹn sẽ đến dùng bữa nhân dịp mừng Lễ. Cách đặc biệt là còn hò hẹn để tham dự Thánh Lễ nữa. Thế nhưng đến đúng ngày Lễ thì mọi sự hoàn toàn không như ý muốn đã đề ra. Sáng sớm ngày hôm đó, người chồng phải vội vã để đưa người  vợ đi cấp cứu. Và dĩ nhiên là chiều hôm mừng Lễ cũng như vài ngày sau đó thì người đó phải ở bên cạnh vợ trong bệnh viện.

Hoàn toàn không thể nào tính toán và nói trước được những dự tính của mình.

Một người nữa, trên đường đi làm từ sở về nhà thì bỗng nhiên bị một người kia đâm ngang vào chiếc xe của mình. Tai nạn ập đến : Gãy xương và phải bó bột. Thời gian nghỉ dưỡng để cho vết thương và xương lành âu cũng là 1 tháng !

Đang yên đang lành bỗng nhiên phải dừng mọi công việc 1 tháng. Khó chịu nhất là mọi sinh hoạt thường ngày nay bị dừng lại hết vì lý do sức khỏe.

Có một thực tế là con người thực dụng quá để rồi người ta chỉ nghĩ cũng như chỉ biết đòi người khác trao lại những gì mình cho đi hay là  có qua có lại mới toại lòng nhau với người đời. Còn với Thiên Chúa thì dường như người ta vô cảm và dửng dưng với Thiên Chúa.

Điều này chứng minh rõ nét trong đời sống đạo của một số người. Họ dành quá nhiều thời gian cho việc vui chơi, giải trí, tán gẫu, nhậu nhẹt và cho những chuyện không đâu  vào đâu nhiều hơn là dành cho Chúa. Thậm chí mỗi tuần chỉ có 1 Thánh Lễ (độ 1 giờ đồng hồ) dành cho người tin theo Chúa nhưng có người vì lý do này lý do khác cũng vui vẻ bỏ. Còn có người đi thì đi như cho có và tính trước tính sau với Chúa nữa.

Sống công bằng với người đời rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là công bằng với Chúa. Chúa cho ta quá nhiều nhưng rồi ta vẫn hành xử cách bất công với Chúa, tính toán với Chúa thật nhiều.
Hãy nhìn lại tất cả những gì ta có là do ai và bởi ai để rồi ta cũng hãy hành xử công bằng với Đấng đã ban cho ta những gì ta đang có. Đừng để đến một lúc nào đó ta không còn cơ hội để dành thời gian, khoảng lặng tâm hồn cho Đấng là Chúa, là chủ của cuộc đời ta.

Vật chất, tiền bạc ... ai ai cũng cần nhưng có lẽ nó chả phải là cùng đích của cuộc đời. Chúa mãi mãi vẫn là điểm đến và đích đến của những ai tự xưng mình là Kitô hữu.

 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây