Đi tìm ý nghĩa của đau khổ

Thứ ba - 08/02/2022 20:32 1.410 0
 
 
 
Đi tìm ý nghĩa của đau khổ

         
Một trong những vấn nạn nhân sinh mà chúng ta đi tìm kiếm cách vô ích câu trả lời đó là vấn nạn đau khổ. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đau khổ luôn là một khắc khoải cho nhân loại qua mọi thời.
         
Đối với Kitô hữu, đau khổ còn là một huyền nhiệm không chắc làm sáng tỏ được, thế nhưng, dưới ánh sáng của Tin Mừng vấn đề sẽ được khai tỏ. Thái độ của Kitô hữu trước đau khổ được mời gọi hãy ứng xử theo khuân mẫu của Đức Kitô : không phẫn uất, cũng không thất vọng nhưng nhẫn nhục đón nhận và phó thác hoàn toàn trong bàn tay của Chúa Cha. Làm cho việc chịu đựng đau khổ trở nên có ích.
         
Ta đã từng nghe về cuộc chiến trong nội tâm của ngôn sứ Giêrêmia, một trong bốn vị ngôn sứ lớn của Cựu Ước. Cuộc đời của ông thật là lắm nỗi gian truân. Ông đã được Chúa gọi đi làm ngôn sứ cho Ngài, cho dù ông không muốn, ông nói: “Người đã dụ dỗ tôi, và tôi đã để mình bị dụ dỗ” (Gr 20, 7). Thế nhưng, vâng lời Thiên Chúa, ông vẫn chấp nhận từ bỏ ý riêng để thực hiện sứ mạng của một vị ngôn sứ, một sứ mạng đầy những thử thách, cam go. Ông đã được Thiên Chúa sai đi “để nhổ và lật đổ, để hủy và để phá, để xây và cấy trồng” (Gr 1, 10b). Ông đã lên tiếng tố cáo sự tham nhũng, bất trung của nhà cầm quyền đối với giao ước. Theo lời Chúa, ông còn phải lên tiếng cảnh cáo dân về đời sống sa đọa của họ. Ông loan báo về những ngày hoạn nạn sẽ tới, nếu dân không thay đổi lối sống, trở về với Thiên Chúa.
         
Đứng trước những lời cảnh báo của vị ngôn sứ, chẳng những vua quan, dân chúng không chịu hối cải, nhưng còn xem ông như là kẻ chuyên loan báo tai họa. Và thế là họ tìm mọi cách làm hại ông. Ông đã bị bắt bớ, giam cầm, bỏ đói, hành hạ đủ cách đủ kiểu, chết đi, sống lại. Thậm chí cả bạn bè, thân hữu nhiều khi cũng tìm cách tránh xa ông. Trong nỗi đau khổ cùng cực đó, ông đã phải thưa lên với Giavê, Thiên Chúa: “Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó”. Cả cuộc đời của vị ngôn sứ hình như luôn đối mặt với đau khổ, cho dù ông đã hết lòng vâng nghe theo lời Chúa. Đau khổ quả là một mầu nhiệm mà vị ngôn sứ không thể hiểu nổi.
         
 Không riêng gì ngôn sứ Giêrêmia, những nỗi đau khổ do hiểu lầm, chống đối, ganh tỵ, thậm chí có khi còn bị kết án, tẩy chay …, bởi chính những người gần gũi mình nhất, hình như luôn gắn liền với sứ mạng của người tông đồ. Cùng chung một cảm nghiệm về đau khổ đó, tác giả Thánh Vịnh cũng kêu lên: “Tôi bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến tôi mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ, Chúa đổ trên mình tôi”.
         
Đau khổ của ngôn sứ Giêrêmia, của các người công chính trong Cựu ước, tất cả như tập trung và báo trước cho hành trình thập giá của Đức Kitô. Với con đường thập giá, Đức Kitô đã mang vào thân thể Ngài tất cả sự tủi hổ, oan ức, cùng với biết bao nỗi đắng cay khi bị người thân, kẻ nghĩa phản bội, rồi bỏ Ngài mà trốn chạy ngay giữa lúc Ngài cần họ nhất.
         
Như thế, với cái nhìn tự nhiên, đau khổ tự nó là một cái gì thật ghê gớm, đáng sợ không thể hiểu nổi và người ta càng không thể hiểu, khi những thấy cả những người công chính, thánh thiện cũng gặp phải biết bao đau khổ, thử thách.
         
Tuy nhiên, lời Chúa  cho thấy, sức mạnh của đau khổ không phải là tuyệt đối. Chính nhờ đau khổ, chúng ta sẽ có dịp để cảm nghiệm rõ hơn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Với kinh nghiệm của mình, tác giả Thánh vịnh mời gọi chúng ta: “Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh, vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù”.
         
Chắc chắn không ai lại không đau khổ – bằng cách này hay cách nọ, tinh thần hoặc thể lý. Chúa Giêsu nói với Thánh Faustina: “Con đừng ngạc nhiên vì đôi khi bị tố cáo bất công. Chính Ta đã từng uống trước chén đau khổ bất công này vì yêu con.” (Nhật Ký, 289) Và như để động viên chúng ta chịu đau khổ, Thánh Faustina cho biết: “Tôi thấy rằng sự đau khổ và lời cầu nguyện của tôi đã gông cùm Satan và giành lấy nhiều linh hồn khỏi nanh vuốt của nó.” (Nhật Ký 1465)
         
Đau khổ, một vấn đề nhân sinh, một vấn nạn, một thách đố… của triết học, của văn chương, của tâm lý học, của mọi suy tư khôn ngoan, nhưng trên hết, có thể nói là của mọi tôn giáo (tôn giáo nào cũng đề cập đến vấn đề đau khổ). Từ xưa tới nay, con ngưới đã tốn biết bao giấy mực để bàn về vấn đề nhức nhối của kiếp người này. Mọi cố gắng, tìm tòi nghiên cứu mong tìm được câu trả lời về nguồn gốc, ý nghĩa của đau khổ, nhưng quan trọng hơn vẫn là cố gắng tìm một liều thuốc khả dĩ chữa trị cho “căn bệnh trầm kha” này.
       
 Nhưng khốn nỗi! Khi con người gặp đau khổ, mọi giải thích, khuyên răn xem ra là trở nên vô nghĩa. Mọi bàn luận, suy tư phải dừng lại trước kinh nghiệm đau khổ của chính mỗi người.
         
Đến lúc không chịu nỗi con người tìm cách tránh khổ, khi tránh không được, con người chạy đến tôn giáo, vì có nhiều tôn giáo chỉ cho người ta phương pháp tránh đau khổ.
         
Tôn giáo không chủ trương tránh khổ, thứ nhất vì đó là điều không tưởng. Đau khổ sinh ra do lòng ham muốn, mà nhiều khi có có những ham muốn cao thượng, tốt đẹp, nay diệt ham muốn, chẳng những diêït luôn cả những ham muốn cao cả, hướng thượng nơi con người ta?
         
Thứ đến, tránh đau khổ chỉ là một phương cách tiêu cực. Chấp nhận đau khổ một cách anh hùng mới là phương cách tích cực. Huống chi đau khổ còn cần thiếtđể tôi luyện con người cho càng ngày càng tốt đẹp hơn. Tất cả ai có kinh nghiệm chấp nhận đau khổ trong ý thức đều công nhận rằng nhờ đó đau khổ bị triệt tiêu và tan vỡ nên dũng lực hơn, tốt đẹp hơn.

         
Lâu nay, những người công giáo chân chính đều tìm thấy trong đau khổ có những ý nghĩa thâm sâu. Qua mỗi dịp đau khổ, ta tìm thấy một bài học sâu xa Chúa muốn dạy ta, hay huấn luyện cho ta có một khả năng, đức tính nào đó trên bước đường tìm về chân lý là chính Chúa.
     
 Đau khổ cũng là một mầu nhiệm, và bởi là mầu nhiệm, sự hiện hữu của đau khổ cũng vượt quá sự hiểu biết của loài người, đồng thời cũng là món qùa cần thiết và qúi báu Chúa ban cho nhân loại. Từ đó, thái độ của con người trước đau khổ là đón nhận với lòng hân hoan và cảm tạ Thiên Chúa.
         
Chỉ bằng đau khổ, Thiên Chúa toàn năng mới có thể cứu nỗi chúng ta, ngoài đau khổ, không còn con đường cứu rỗi nào khác. Như thế, qủa nhiên đau khổ là một mầu nhiệm, vượt qúa sự hiểu biết của loài người với tất cả những hạn hẹp của đầu óc một loài thụ tạo.
         
Thực sự chẳng có ai thích tìm đau khổ, người ta muốn tránh bao nhiêu có thể. Nhưng điều người ta không tìm vẫn tự dưng mà đến. Vì nó như một phần của cuộc đời con người, dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải đối diện. Vấn đề ta tích cực đón nhận, và tìm ra nơi nỗi đau khổ ấy một ý nghĩa.
         
Qua đau khổ, ta có cơ hội nhận ra điều gì là căn cốtnhất của đời mình. Cũng chính qua đau khổ thúc đẩy tha nhân phải tìm đếnchia sẻ cảm thông, nâng đỡ nương tựa vào nhau, đồng hành với nhau, tạo nên sức mạnh kiên cường của tình thương để quật ngã những nỗi nguy nan, hiểm nghèo. Đau khổ chứa đựng một bài học giúp con người nhận ra thân phận mong manh, yếu đuối của mình. Sự cảm nhận chân thực đó khơi nên nỗi khao khát thẳm sâu nhất vọng lên từ tấm lòng mỗi người là muốn sống yêu thương. Khát vọng yêu thương vô biên của nhân thế chỉ có thể được thỏa mãn khi mọi người biết cùng nắm tay nhau tìm về với tình yêu tuyệt đối và bất tận nơi Thiên Chúa là Đấng luôn mong mỏi chia sẻ cuộc sống thần linh tràn trào hạnh phúc cho thụ tạo giống hình ảnh Ngài.
 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây