Hiệp nhất: mơ ước và thách đố của người môn đệ

Thứ ba - 28/12/2021 05:01 1.151 0
 
 

HIỆP NHẤT : MƠ ƯỚC & THÁCH ĐỐ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
      
   
Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao ... Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn ... Là những câu nói như ước ao của con người về sự hiệp nhất, yêu thương. Còn với nhà tu thì ta lại thấy văng vẳng bên tai câu chữ : Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống bên nhau ...
         
Rõ sàng sự hiệp nhất và yêu thương có vai trò và vị trí then chốt trong đời sống chung, đời sống gia đình và cộng đoàn. Nếu như một gia đình, một cộng đoàn mà chia rẽ thì chắc chắn không bao giờ làm được chuyện gì và có làm đi chăng nữa cũng sẽ chuệch choạc vì lẽ "trống thổi xuôi kèn thổi ngược" hay "ông nói gà bà nói vịt".
         
Chuyện không hợp nhất trong gia đình, chuyện bất hợp tác trong đời tu ngày hôm nay dường như nó tăng lên theo cấp số nhân chứ không dừng lại ở cấp số cộng nữa. Đơn giản là ta thấy gia đình đi đến bờ vực của tan vỡ không phải là chuyện hiếm có hay ít thấy nữa nhưng tỷ lệ ly hôn ngày hôm thật đáng gờm. Cộng đoàn tu cũng thế ! Cộng đoàn chia rẽ và cấu xé nhau ngày nay xem chừng ra không phải là chuyện khó tìm hiếm thấy nhưng nhờ các trang mạng và qua các trang mạng người ta sẽ rất dễ tìm thấy nội bộ chia rẽ.
         
Dẫu rằng ai ai cũng biết tác hại của bất hợp tác và không hiệp nhất nhưng rồi lại cứ ngày phát triển trong cuộc sống. Điều nghịch lý về ước mơ và thách đố của sự hiệp nhất ấy nó lại tồn tại ngay trong chính con người của ta, trong chính bản thân của ta, trong cộng đoàn tu, trong gia đình của ta. Có khi chỉ là 2 hay là 3 người ở với nhau nhưng giờ cơm có lẽ là giờ thinh lặng đáng sợ. Mạnh ai người đó ăn và không ai nói chuyện với ai. Tệ hơn nữa là dù sống chung nhưng giờ ăn lại khác nhau để tránh mặt nhau. Có khi giấu để cho đẹp mặt gia đình hay cộng đoàn nhưng chỉ giấu được một ngày hay vài nữa. Dài ngày thì chắc chắn người ngoài hay giáo dân sẽ khám phá ra nét đẹp của gia đình cũng như vẻ đẹp của cộng đoàn đó.
         
Có thể không hiểu nguyên nhân nhưng rồi nhìn hiện tượng đó ai mà không buồn. Con người mà, đồng loại mà, anh em cùng tu chung với nhau mà chứ đâu phải người đó là xa lạ không dính dự gì với ta. Nhìn những cảnh đổ nát trong một gia đình, một cộng đoàn ai ai cũng nhói cả lòng nhưng có khi ngoài tầm tay với và cũng chả giúp được gì.
         
Tiếc thay những người biết mà vẫn cố chấp, vẫn loại trừ nhau và nói xấu cũng như chà đạp nhau lại là những người có đạo và thậm chí là người chủ tế Thánh Lễ trong cộng đoàn mình sống.
         
Hẳn ta còn nhớ, trong mỗi Thánh Lễ, từ giáo dân đến linh mục và nhất là linh mục luôn luôn thốt lên với Chúa :  Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông đồ rằng:
"Thầy để lại bình an cho các con,
Thầy ban bình an của Thầy cho các con".
Xin đừng chấp tội chúng con,
nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa;
xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an
và hợp nhất theo thánh ý Chúa.
         
Thế nhưng rồi, bước xuống khỏi Bàn Thờ và ra khỏi cửa Nhà Thờ sau mỗi Thánh Lễ ai còn nhớ và sống tâm tình mà mình gào thét lên với Chúa có khi chưa được 5 phút. Có nghĩa là vừa bước chân ra khỏi Nhà Thờ thì có khi ta lộ hình một con người gian ác, gây bất bình và chia rẽ.
         
Và ai ai khi nhìn lên Thập Giá cũng sẽ nhận ra cái chết của Con Người ấy khởi đi từ sự gian ác, từ sự ganh ghét, từ sự hận thù và bất công. Tưởng chừng là mọi người rút kinh nghiệm và nhìn lên Con Người ấy để suy nghĩ và sống nhưng rồi cuộc sống cứ lây lất và ngụp lặn trong giận hờn và ganh ghét.
         
Nhìn lên Con Người ấy, ta phát hiện ra cuộc đời Con Người ấy là mẫu của sự yêu thương, sự vâng phục và nhất là sự hiệp nhất. Con Người chịu chết treo ấy khi còn sống luôn luôn hướng về Cha và kết hiệp với Thần Khí.
         
Thật dễ thương khi mỗi Thánh Lễ ta cùng hướng lòng lên linh mục chủ tế để nghe câu :
Chính nhờ Người, với Người và trong Người,
Mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa
Là Cha toàn năng,
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
         
Thiên Chúa yêu thương và hiệp nhất. Còn ta, ta là ai ? Ta có mang lại yêu thương và hiệp nhất trong cộng đoàn, trong gia đình của ta hay không ? Và như vậy, sự hiệp nhất mãi mãi là mơ ước và thách thức cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có quyền mơ ước nhưng chuyện sống lại là hành động của mỗi người chúng ta. Khi và chỉ khi ta nói và hành động thì khi ấy hoa quả sẽ đến với ta. Khi ta gieo yêu thương, hòa bình và hiệp nhất thì ta cũng sẽ nhận lại được hoa quả là hiệp nhất và yêu thương mà ta đã gieo.
         
Tưởng nghĩ Thần Khí rất cần trong cuộc đời của ta nhưng vì ta đánh mất Thần Khí hay không để cho Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động trong ta để rồi đời ta cứ mãi lênh đênh. Khi không có Thần Khí thì chả bao giờ ta biết hiệp nhất, yêu thương anh chị em đồng loại được bởi lẽ hoa quả của Thần Khí là : “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, đại lượng, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gal 5, 22)


 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây