Mạng xã hội và tầm ảnh hưởng của giáo dục

Thứ hai - 18/10/2021 05:20 692 0
 
MẠNG XÃ HỘI VÀ TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO DỤC

 
   
         
Mạng xã hội không phải là con dao 2 lưỡi nữa nhưng nó lại là con dao nhiều lưỡi. Công tâm mà nói thì lợi cũng có nhưng thiệt hại cũng hơi nhiều.
         
Ròng rã mấy tháng qua, mọi người "chơi" mạng xã hội đều biết, đều nghe, đều thấy về những câu chuyện đại loại như là đấu tố, moi móc, sao kê ... Và tưởng chừng như nó ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống. Có lẽ mặt phải, mặt tốt cũng có nhưng e rằng mặt trái và mặt xấu làm hoen đi hình ảnh, tâm hồn đẹp của nhiều người.
         
Dĩ nhiên trong xã hội ta lên án cái xấu nhưng cái gì cũng vậy, nó cũng có chừng mực của nó. Khi người ta đi quá lố và quá mức câu chuyện nó sẽ đi theo chiều hướng phi giáo dục và kèm theo những tác hại của nó. Nếu như những câu chuyện tục tằn, hận thù, moi móc nhau không dừng lại thì e rằng chuyện giáo dục không chỉ cho con trẻ bị ảnh hưởng mà ngay cả người lớn cũng ảnh hưởng.
         
Mở mạng ra, ai ai cũng mong nghe những lời hay ý đẹp nhưng tiếc thay những lời hay ý đẹp và những câu chuyện thiện lương quá khiêm tốn để rồi những câu chuyện khiếm nhã lên ngôi. Khổ thay tâm lý người ta thích nghe những câu chuyện có tính chất giật gân, huyền bí và kích động nên rồi để khó mà làm cho tâm hồn người ta được ngây thơ và trong sáng. Chính vì vậy, nhiều câu chuyện trên mạng xã hội không chừng sẽ làm cho người ta trở nên quen thói đấu tố, nói hành, nói xấu và moi móc đời tư nhau.
         
Giáo dục phải nói là chuyện hệ trọng cả đời người. Con người luôn luôn bị tác động từ những câu chuyện, hình ảnh, hoạt động để rồi cần và cần lắm sự cân nhắc chọn lựa nguồn thông tin để nạp vào đầu mình.
         
Còn nhớ câu chuyện ảnh hưởng giáo dục của Mạnh Tử thật hay.
         
Mạnh Tử mồ côi cha và chịu sự giáo dục nghiêm túc của mẹ là Chương Thị, sau này được gọi là Mạnh Mẫu. Bà nổi tiếng với câu chuyện 3 lần chuyển nhà để cho con trai mình được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất.
         
Chuyện kể rằng, mẹ con Mạnh Tử sống gần bãi tha ma. Hàng ngày, Mạnh Tử vẫn thường ra đây nô đùa, ông thường diễn lại những cảnh nhìn thấy ở bãi tha ma. Mạnh Mẫu nhận thấy đây không phải là chỗ ở tốt cho con trai mình, bà liền chuyển nhà sang một khu phố mua bán sầm uất nhưng tình hình không khả quan cho lắm. Ông học cách cân, đong, đo, đếm của những kẻ mua bán, hay khoe khoang đồ của mình. Lần này, Mạnh Mẫu chuyển nhà đến gần một ngôi trường, Mạnh Tử sống gần đây nên học những khuôn mẫu lễ giáo, học hành chăm chỉ, lúc bấy giờ Mạnh Mẫu mới thở phào: “Đây mới là chỗ ở của con ta”.
         
Từng có lần, nhà hàng xóm giết lợn, Mạnh Tử thấy vậy hỏi mẹ giết lợn để làm gì, bà lỡ miệng nói đùa:“Để cho con ăn”. Sau đó, bà đi mua thịt lợn về cho con ăn vì bà nghĩ nếu mình nói dối con chẳng khác nào dạy con nói dối. Một câu chuyện nổi tiếng khác về Mạnh Mẫu dạy con đó là khi đang dệt vải, thấy con trốn học đi về. Bà kêu Mạnh Tử đến gần rồi cầm dao chặt đứt tấm vải và mắng: “Con đi học mà bỏ học chẳng khác nào mẹ dệt vải mà chặt đứt nó vậy”. Thấm thía lời mẹ dạy, ông chăm học, dần trở thành học sinh giỏi nhất lớp và bậc đại hiền triết sau này.
         
Mạnh Mẫu nổi tiếng là một bà mẹ có cách giáo dục con nghiêm khắc và chu đáo nhất trong lịch sử. Bà có những cách dạy con hiệu quả như chấp nhận chuyển nhà để chọn môi trường sống thích hợp với con để tránh những ảnh hưởng xấu từ môi trường bên ngoài đem lại. Đồng thời, bà gieo vào tiềm thức con cái đức tính chân thật để tạo cho con nếp sống đạo đức sau này, dạy con tính cần cù, chăm chỉ, siêng năng, không biếng nhác, có một thái độ kiên trì nhẫn nại, khắc phục khó khăn, gian khổ.
         
Giữa khung cảnh xã hội như hiện nay và nhất là thời phát triển của mạng xã hội kèm thêm sự phát triển của những kênh chuyên moi móc đời tư, đấu tố, mạ lị, bêu xấu người khác trên mạng quả là nhức nhối. Cả người lớn cũng bị cuốn hút vào những câu chuyện xem chừng có vấn đề về nhân bản, nhân cách dị dạng nên rồi nó ảnh hưởng rất nhiều về suy nghĩ, về cung cách sống trong gia đình, trong môi trường sống.
         
Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng ! Mãi mãi là câu nói rất hay để mỗi chúng ta định hướng chuyện giáo dục của chính bản thân và con cái.
         
Áp lực để giải quyết những trò chơi, những quyến rũ không tốt trên mạng đã làm cho nhiều người đau đầu nhức óc. Nay lại có thêm những câu chuyện đấu tố hay sao già sao kê gì đó nữa lại làm cho đầu óc người ta ngày càng rối cũng như dễ tiêm nhiễm những thói xấu vào trong tâm hồn.
         
Chuyện nhỏ mà ai ai cũng có thể thấy đó chính là câu chuyện về người đã khuất. Luân thường đạo lý thì dường như ai ai cũng muốn để cho ngườ đã khuất được yên vì họ đã không còn trên dương gian này nữa. Chỉ có những người bất bình thường mới đem người đã khuất ra dày xéo và nguyền rủa. Tiếc thay là có những người xem chừng ra nghiện nghe những lời nguyền rủa ấy và cứ để tâm vào những câu chuyện phản cảm, phản giáo dục vào trong tâm hồn.
         
Mỗi người phải thật bình tĩnh, thật quyết tâm và cố gắng để gỡ mình ra khỏi những câu chuyện xem chừng ra phi nhân cách, phi giáo dục như hiện nay đang lan tràn trên mạng xã hội và các kênh truyền thông.


 

 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây