Amata J.N. | Amata J.N.
“Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mc 10, 6-9).
Trong Bí tích hôn nhân, các đôi vợ chồng được trao cho một sứ mạng riêng biệt, bắt đầu từ những việc đơn giản, bình thường, yêu thương bằng tình yêu mà Chúa Kitô đã yêu thương Giáo hội của mình. Giáo hội là hiền thê của Chúa Kitô. “Điều đó có nghĩa là hôn nhân đáp lại ơn gọi đặc thù và phải được xem như là một sự thánh hiến (x. Gaudium et spes, 48; Familiaris consortio, 56). Đó là một sự thánh hiến : Người nam và người nữ được thánh hiến trong tình yêu của họ” (Tiếp kiến chung 2/4/2014). Thực vậy đó là một ý định tuyệt vời ẩn tàng trong bí tích hôn nhân. Và nó được thực hiện trong sự đơn sơ cũng như trong tính mỏng giòn của thân phận con người.
Bởi đó, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng “trong đời sống hôn nhân các cặp vợ chồng luôn gặp nhiều khó khăn: trong công việc, thiếu thốn tiền bạc, những vấn đề về con cái. Nhiều khó khăn lắm! Và đôi khi hai vợ chồng trở nên căng thẳng và cãi vã nhau. Trong gia đình vợ chồng luôn cãi nhau, đôi khi chén đĩa cũng bay theo”.
Nhưng chúng ta phải luôn bắt đầu lại:
“Và để làm hòa không cần thiết phải gọi Liên Hiệp Quốc đến nhà để giải hòa. Một hành động nho nhỏ đủ rồi, một lời chào, vuốt ve âu yếm! Ngày mai sẽ được bắt đầu trở lại. Đó là cuộc sống, đẩy nó về phía trước với lòng can đảm muốn sống chung với nó. Đời sống hôn nhân là cái gì đó rất tuyệt vời và chúng ta luôn phải gìn giữ nó, gìn giữ cho con cái mình”.
Chúng ta có thể làm gì để giữ được sự hiệp nhất trong gia đình?
Khi hai người nam nữ cử hành bí tích Hôn nhân, có thể nói, Thiên Chúa được "phản chiếu" ở nơi họ, Ngài ghi vào trong họ những đường nét đặc trưng và đặc tính không thể xóa nhòa của tình yêu Ngài. Tuy nhiên trong cuộc sống hằng ngày, đôi vợ chồng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, khiến cho đời sống hôn nhân mất đi nét đẹp ban đầu và sự hiệp nhất trong tình yêu của họ. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra một số lời khuyên có giá trị dành cho đời sống hôn nhân, ngài nói : “Bí quyết ở chỗ là tình yêu mạnh mẽ hơn trong những lúc cãi vã nhau, và chính vì thế tôi khuyên các đôi vợ chồng : đừng kết thúc một ngày vì đã cãi nhau mà không làm hòa”.
Đức Thánh Cha đưa ra ba từ “thần diệu”, như mối dây liên kết cho sự hiệp nhất: xin phép, cám ơn và xin lỗi.
Có ba từ cần phải nói ra luôn luôn, ba từ cần phải có trong nhà đó là : xin phép, cám ơn, xin lỗi. Đó là ba từ thần diệu.
Xin phép : để không được xen vào trong đời sống vợ chồng.
Cám ơn : vợ chồng cám ơn nhau; cám ơn vì những điều mà anh đã làm cho em, cám ơn vì điều đó. Đó là vẽ đẹp của việc thể hiện lời cám ơn!
Và giống như chúng ta đều mắc sai lầm, có một lời cảm thấy khó khi nói ra, nhưng cần phải nói đó là : Xin lỗi.
Và một lời khuyên đặc biệt quan trọng khác đóng vai trò nền tảng trong đời sống hôn nhân đó là duy trì mối tương quan với Thiên Chúa, ĐTC nói: “Chúng ta biết rất rõ có rất nhiều khó khăn và thử thánh trong đời sống vợ chồng... Quan trọng là duy trì mối dây ràng buộc sống động với Thiên Chúa, Đấng là nền tảng của mối liên hệ vợ chồng. Và mối liên hệ thực sự là luôn luôn ràng buộc với Thiên Chúa. Khi gia đình cầu nguyện, họ duy trì mối dây ràng buộc. Khi chồng cầu nguyện cho vợ và vợ cầu nguyện cho chồng thì mối quan hệ đó trở nên mạnh mẽ”.
“Xin phép, cám ơn và xin lỗi, cộng với lời cầu nguyện cho nhau của hai vợ chồng và luôn làm hòa trước khi một ngày kết thúc, đời sống hôn nhân sẽ tiến bộ”.
Còn tôi thì sao, tôi phải làm gì để gìn giữ mối dây hiệp nhất trong gia đình mình? Tôi có cầu nguyện cho những người thân yêu của tôi không? Tôi có hỏi ý kiến của vợ/chồng của tôi không? Tôi có xin người bạn đời của mình cầu nguyện cho những dự định của tôi không? Làm thế nào để bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với người thân? Tôi có xin lỗi và tha thứ không?