Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô – Người Cha Can Đảm và Thầm Lặng

Thứ bảy - 26/04/2025 04:50

Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô – Người Cha Can Đảm và Thầm Lặng

Những ngày này, khi cùng mọi người tín hữu Tưởng nhớ và Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tôi được gợi lên hình ảnh của một người cha – không ồn ào, không phô trương, nhưng luôn hiện diện bằng trái tim âm thầm và đầy tình thương. Ngài sống giản dị giữa chốn quyền uy, lựa chọn bước xuống để gần gũi với đoàn chiên,“mang nặng mùi con chiên của mình”[1] và để Giáo hội tiếp tục bước đi với tinh thần canh tân.

Trong một thế giới chuộng quyền lực, hình thức và danh vọng, Đức Phanxicô đã chọn cách sống “ngược dòng”. Ngài chọn cho mình danh hiệu Phanxicô – cái tên đã hé mở tinh thần khó nghèo, đơn sơ và yêu thương toàn thể thụ tạo. Ngay từ giây phút ấy, cả Giáo hội như nhận ra một làn gió mới đang thổi vào lòng mình – một vị mục tử với trái tim nhân hậu, gần gũi, bước đi với con người thay vì đứng trên con người.

Ngài không chỉ nói về nghèo khó, ngài sống nghèo khó. Không chỉ giảng về khiêm nhường, ngài trở thành khiêm nhường. Từng cử chỉ nhỏ bé của ngài – như ở tại nhà khách Thánh Mácta thay vì dinh Tông Tòa, tự mang vali, tự trả tiền phòng sau khi được bầu làm giáo hoàng ...đã trở thành biểu tượng sống động của một đức tin hành động, một sự giản dị trong nếp sống.

Tấm lòng của người cha, người thầy đã từng trải với bề dầy kinh nghiệm mục vụ, ngài đã gởi gắm tâm tư : “Khi một linh mục không trở nên ‘người cha’ đối với cộng đoàn của mình, khi một nữ tu không trở nên ‘người mẹ’ với tất cả những ai họ cùng làm việc, thì họ trở nên buồn bã. Cội rễ của buồn phiền trong đời sống mục vụ thực tế nằm ở chỗ thiếu tinh thần của người cha, tinh thần của người mẹ, do việc sống cuộc đời dâng hiến ấy cách tồi tệ, trong khi lẽ ra phải dẫn chúng ta đến việc sinh hoa kết trái.”[2]

Ngài là người cha dám cất tiếng trước bất công, nhưng không với giọng điệu giận dữ hay chỉ trích; mà với nỗi đau âm ỉ và tiếng nói của lòng trắc ẩn. “Hãy mở con tim cho lòng thương xót và đừng khép mình lại trong sự thờ ơ. Đây là lời ngài đã nói trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta ngày 17/09/2019. Lòng trắc ẩn đưa ta đến với nẻo đường “công chính thực sự”, và giải thoát ta khỏi việc khép kín nơi chính mình. Ngài đã từng lo lắng về môi sinh, di dân, người nghèo… không phải chỉ mang tính xã hội, mà là một tiếng kêu mời con người trở lại với căn tính làm con Thiên Chúa – nơi mà mọi người đều là anh chị em trong thông điệp Laudato si’ mà Ngài gởi cho thế giới từ năm 2015,

Và,
Một trong những hình ảnh khắc sâu nhất trong lòng tôi – và có lẽ của nhiều người – đó là khoảnh khắc ngài bước một mình giữa quảng trường thánh Phêrô trống vắng, dưới cơn mưa nặng hạt, trong thời khắc đại dịch COVID-19 hoành hành. Không có đám đông tung hô, không có âm thanh hùng hồn, không đèn hoa, vệ sĩ – chỉ có ngài, thánh giá, và lời cầu nguyện thầm lặng dâng lên Chúa vì toàn thể nhân loại đang đau thương trong thời điểm kinh hoàng ấy.

Khoảnh khắc một cụ ông 84 tuổi năm đó, ngài không chỉ là Giáo hoàng, ngài là người cha đang quỳ gối cho đoàn con – và cũng là người đại diện cho cả thế giới, dâng lên một tiếng thở dài không thành lời để chuyển trao sức mạnh của Ơn Thánh cho nhân loại. Hình ảnh tuyệt đẹp của Ngài hôm ấy dạy tôi rằng, có những lúc chúng ta không cần làm gì vĩ đại  – chỉ cần hiện diện, trong lặng thinh, trong lời cầu nguyện, với một trái tim không ngừng hy vọng.
Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô – Người Cha Can Đảm và Thầm Lặng, vì dám đối diện với những thách đố trong lòng Giáo hội và xã hội. Thầm lặng – vì nhiều khi ngài chọn im lặng như một cách lắng nghe và tôn trọng. Trong mỗi cử chỉ, ánh mắt, lời nói của ngài là sự hiền từ của một người cha đang nâng đỡ những tâm hồn mỏi mệt.

Giữa thế giới tràn ngập tiếng ồn, hình ảnh, mạng xã hội và những cuộc tranh luận không hồi kết, sự hiện diện của một con người như Cố Giáo Hoàng Phanxicô thật sự là một lời mời gọi: Hãy sống thầm lặng - biết lắng nghe và yêu thương sâu sắc. Hãy sống can đảm – không phải là phô trương sức mạnh, mà là dám lội ngược dòng, dám từ bỏ, dám yêu thương và hy vọng.

Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô đã sống như thánh Giuse – vị thánh của sự âm thầm và trung tín. Ngài yêu mến thánh Giuse cách đặc biệt và để lại cho chúng ta gương mẫu về một người cha hiền lành, thánh thiện, không nổi bật nhưng vững chãi, không phô trương nhưng mãnh liệt trong đức tin. Thánh Giuse là một trong những vị thánh mà ngài yêu thích nhất. Ngài giải thích lý do này trong chuyến tông du Phi Luật Tân vào ngày 16 tháng 1 năm 2015. “Tôi dành cho Thánh Giuse một tình yêu tuyệt, bởi vì ngài là một người đàn ông trầm lặng và nghị lực. Trên bàn của tôi, tôi có một bức ảnh của Thánh Giuse đang ngủ. Ngay cả khi Ngài ngủ, Ngài cũng chăm sóc Giáo Hội!”
 
Giờ đây, vị cha chung đã ngủ yên - ngài được yên nghỉ bên Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, tôi tin rằng trái tim hiền từ của ngài vẫn đang hướng về Giáo hội, về thế giới, và về từng người con đang tiếp tục trên hành trình đức tin - hành trình của “những người hành hương của hy vọng”. Xin ngài tiếp tục cầu nguyện cho mọi thành phần dân Chúa – và cho con: được ơn sống can đảm và thầm lặng giữa ồn ào của thế giới nhiều biến động hôm nay, với đức tin mạnh mẽ và lòng tận tụy phục vụ trong bổn phận nhỏ bé của mình.

[1]. Bài giảng Thánh lế truyền dầu 02/04/2015).
[2].  (Nguồn: Mạng Lưới Cầu Nguyện)

 

Tác giả bài viết: Nt. Anna Lê ( MTG/ QN )


 
 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

 

Những tin cũ hơn