Chiêm ngắm Đức Kitô chịu đóng đinh để tập sống tinh thần khổ chế
TT/MTG QN
2021-08-10T21:34:37-04:00
2021-08-10T21:34:37-04:00
https://hoidongmtgquinhon.org/suy-niem-ben-thanh-gia/chiem-ngam-duc-kito-chiu-dong-dinh-de-tap-song-tinh-than-kho-che-323.html
https://hoidongmtgquinhon.org/uploads/news/2021_05/suy-ton-thanh-gia.jpg
MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
https://hoidongmtgquinhon.org/uploads/logonew.png
Chiêm ngắm Đức Kitô chịu đóng đinh để tập sống tinh thần khổ chế.
Lời nguyện đầu :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giây phút đầu tiên trong ngày chúng con xin dâng lên Chúa lời tán dương, ngợi khen, chúc tụng tạ ơn tình yêu Chúa. Tình yêu Chúa đã phủ bóng trên từng người suốt những ngày thánh qua, mỗi người một cách và trong khung thời gian 65, 60, 50, 25 năm hay mới chập chững bước vào đời thánh hiến, tất cả luôn được Chúa bảo bọc, chăm sóc gìn giữ trong gia đình Hội dòng.
Xin Chúa cho chúng con sống trọn ngày hôm nay theo Thánh ý Chúa, biết gieo mầm tình yêu bằng việc sống mầu nhiệm Thập giá qua đức ái trọn vẹn với tha nhân, trước tiên nơi chị em mà mỗi người đang cùng chung sống. Xin cho con biết chia sẻ gánh nặng cho nhau, với nhau để con đường lữ hành tiến về Golgotha có gồ ghề, chông gai, dốc dác, nhưng luôn cảm nhận được niềm vui vì nhìn thấy ánh quang cứu độ và sự sống vĩnh cửu đang chờ đợi chúng con phía trước. Chúng con xác tín rằng: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10, 29-30 ). Xin cho chúng con biết luôn “tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cor 13, 4-7), để hoàn tất đời mình như hiến lễ toàn thiêu dâng về Nhan Thánh Chúa.
Nguyện xin Ba Ngôi cực thánh hướng dẫn, thánh hóa và giúp chúng con sống trọn ý nghĩa mầu nhiệm Thập giá trong từng ngày theo linh đạo Mến Thánh Gía mà mỗi chúng con đang bước đi.
Đọc Lời Chúa ( Mc 10, 28 – 31)
Suy gẫm:
Hiện nay, một trong những vấn đề được các nhà đào tạo trong các Hội dòng quan tâm đó là trào lưu “ tục hóa”, “ tục hóa” đang len lỏi khắp mọi ngỏ ngách của đời sống người Kitô hữu, làm cho những giá trị tinh thần bị coi nhẹ. Nền văn hoá này đang len lỏi vào tận tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống của những người chọn cho mình con đường hẹp của đời tu, cha Hồng Giáo nhận định: nó “vào tận bên trong những đan viện kín cổng cao tường nhất ”[1]. Chủ nghĩa thực dụng đáp ứng liền tay những nhu cầu của con người, trong khi những giá trị thiêng liêng thì mơ hồ, xa rời với thực tế. Các phương tiện truyền thông hiện đại ngày một phong phú và phổ biến. Đời sống thánh hiến đang từng ngày đối diện với những thách đố nẩy sinh từ sự thay đổi của con người và xã hội. Đây là điều mà Đức Thánh Cha Bênêdictô đã lên tiếng vào ngày 03/02/2010 tại Naples rằng: “Nền văn minh tục hoá đã thâm nhập vào trong tâm trí của các tín hữu và một số cộng đoàn sống tận hiến, lấy cớ cần một sự cởi mở với tính hiện đại và một cách để tiếp cận với thế giới đương thời”
Lý tưởng đời tu đẹp biết bao đối với một Thanh tuyển sinh mới bước vào Dòng. Tình yêu với Đấng Chịu Đóng Đinh cháy bỏng biết bao đối với một Tập sinh mới tuyên khấn. Thế nhưng, thời gian êm đềm trôi qua, êm đềm đến nỗi làm mờ nhạt tình yêu thuở ban đầu lúc nào không hay biết, và đời tu bị cuốn vào vòng xoáy của thời đại, của những nhu cầu, những đòi hỏi sao cho bằng bè bằng bạn, sao cho giống với mọi người nên không còn nhớ mình là người đã tận hiến, không còn nhớ mình đã tình nguyện lội người dòng đời để minh chứng về một giá trị của sự chọn lựa cho vĩnh cửu.
Nói đến đời tu là nói đến sự từ bỏ. Ở góc nhìn thế tục, từ bỏ là một ý niệm tiêu cực, là bỏ đi những gì thuộc về mình, những gì mình có, mình thích,..., một cảm giác như bị lột sạch chính mình vậy. Thế nhưng, ở góc nhìn tu đức, siêu nhiên, từ bỏ là một giá trị tích cực. Người tu sĩ sẵn sàng từ bỏ điều này để được một điều khác lớn hơn, từ bỏ giá trị này để được một giá trị khác cao hơn. Có lẽ ai cũng biết vậy, nhưng thực tế, từ bỏ là một sự chiến đấu cam go và liên lỉ.
Từ bỏ là thách đố lớn nhất của đời tu. Nhưng “Từ bỏ” lại là bí quyết để nên thánh. Đấng Sáng lập khả kính của chúng ta nhận định như sau: “Đi đàng nhân đức như chèo thuyền giữa dòng nước ngược, như trèo núi cho đến đỉnh cao, để bước tới trong đàng nhân đức cho đến đỉnh trọn lành”
Là người nữ tu Mến Thánh Giá bước theo Đức Giêsu Kitô với một niềm hy vọng lớn lao, sẵn sàng từ bỏ với một niềm xác tín và hy vọng “Có Chúa là có tất cả”, tự nguyện hy sinh để được nên giống Chúa. Kinh nghiệm của Thánh Phaolô, sau khi quay trở về với Chúa, Ngài đã hăng say với lý tưởng của mình bất chấp mọi gian nan, hiểm nguy, Ngài đã tâm sự với các tín hữu thành Côrintô: “Tâm hồn tôi chan chứa niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2Cor 7, 4) đó cũng là điều mà Đấng Sáng lập chúng ta đã từng sống và nêu gương cho chúng ta.
Đời sống của Đức Cha Lambert, một cuộc sống rất khắc khổ- thường xuyên đánh tội, chay tịnh, kết hợp hy sinh với cầu nguyện vì đối với ngài “khổ chế làm cho thân xác phục tùng tinh thần cũng như tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện”. Ngài không cậy dựa vào tiền bạc, sự thông thái của mình hoặc thế lực quan quyền của vua chúa trần gian nhưng chỉ dùng những phương tiện Phúc Âm đề ra: đó là rao giảng Lời Thiên Chúa với lòng tín thác vô biên, với tinh thần bác ái vô hạn, tinh thần sẵn sàng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu và với một tâm hồn cầu nguyện liên lỉ.
Khổ chế, là phương thế giúp chúng ta trở thành con người thuần thục để xứng đáng hưởng sự bình an và hạnh phúc chân thật do chính Chúa ban tặng. Sống tinh thần khổ chế theo linh đạo Mến Thánh Giá không chỉ nhắm đến việc chế ngự thân xác, nhưng còn gắn liền với nhân đức thờ phượng. Theo Đức Cha Lambert, suy niệm và bắt chước Chúa Giêsu Kitô là thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật.
Hy sinh và cầu nguyện đi đôi với nhau như hai khía cạnh thiết yếu của cùng một hành vi hiến tế của Đức Kitô. Chính Đức Giêsu tôn vinh Chúa Cha và cứu độ loài người bằng hy sinh và cầu nguyện. Theo Đức Cha Lambert, tinh thần khổ chế của người nữ tu Mến Thánh Giá còn có tác dụng luân lý tu đức vì “khổ chế làm cho thân xác phục tùng tinh thần, cũng như tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện”.
Thực vậy, trong cuộc đời dâng hiến của người tông đồ Mến Thánh Giá, không thể không sống tinh thần khổ chế. “Đời sống người tông đồ là một cuộc chết đi liên lỉ, chết đi đối với chính mình, chết đi đối với thế gian, để chỉ sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Chúa Kitô” (Bức tâm thư số 10 của Cha Lambert)
Hiến chương điều 64, 1 cũng dạy, khổ chế là: Kiên trì trung thành chu toàn bổn phận; Chấp nhận những khó khăn trong công việc và tương quan xã hội; Nhẫn nại chịu đựng những thử thách của cuộc sống thường gây bất ổn và lo âu; Sẵn sàng chấp nhận bệnh tật, thiếu thốn và chịu bách hại vì công lý.
Khổ chế là con đường riêng và đặc thù của người nữ tu Mến Thánh Giá, sống tinh thần khổ chế trong thời đương đại không làm cho chúng ta bị “lạc điệu, lỗi nhịp”trong bài ca cuộc đời, vì Khổ chế là cần thiết và đã mang lại những điều tốt đẹp cho con người ở mọi thời “Nếu hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Sự thật này đã được sống đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, của các dòng tu và đã sản sinh ra biết bao nhiêu thánh nhân, cũng như các bậc kỳ tài. Công đồng Vaticano II đã hơn một lần tái khẳng định sự cần thiết trong hiến chế tín lý về Giáo Hội số 44.
Khổ chế để đi theo Đức Kitô và nên giống Đức Kitô, sống tinh thần khổ chế là một trong những cách thế đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Đấng chịu đóng đinh. Người nữ tu Mến Thánh Gía là Tông Đồ thừa sai, là con người của sự tận hiến, dấn thân cho Nước Trời và dấn thân cho phần rỗi của anh em, của chính mình.Tự nguyện sống khổ chế là yếu tố để chúng ta nên giống Đấng chịu đóng đinh và hiệp thông sâu xa với Người để mang ơn cứu độ cho anh chị em mà mình được gởi đến trong sứ vụ mỗi ngày. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta cùng chia sẻ đau khổ với nhân loại bằng cầu nguyện và để giúp nhân loại vượt qua đau thương vì đại dịch chúng ta nỗ lực hy sinh, khổ chế cùng chia sẻ tình thương dành cho mọi người trong khả năng của mình.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, cám ơn Chúa đã cho chúng con hiểu : sống khổ chế là chấp nhận chết dần, chết đi một ít con người thấp hèn của mình để người khác được sống một cuộc sống dồi dào hơn. Khổ chế không còn là sự kiên khem, từ bỏ tiện nghi, đánh tội để kiện toàn chính mình, nhưng khổ chế mang chiều kích tình yêu của sự tự nguyện để trong mọi sự vươn lên đến với Chúa và thông hiệp với nhau trong một tình yêu, một sự sống mang giá trị vĩnh cửu.. khổ chế như thế là khổ chế của Thập giá, khổ chế của người môn đệ Chúa. Xin cho chúng con dám từ bỏ những gì cản trở con đến với Chúa, nhiều khi đó không phải là điều xấu, nhưng vì nó không phù hợp ý Chúa. Xin cho con đừng tiếc nuối khi phải hy sinh, khi phải nhượng bộ, không tranh chấp để đòi công bằng cho “ vinh, nhục”. Xin cho con nhờ tình yêu mà luôn vui trong mọi hoàn cảnh, dù là gai gốc, trái ngang, nghịch lý,… Xin cho con can đảm dấn bước trên con đường theo Chúa. Cũng xin cho con đừng bao giờ hài lòng về chính mình hôm nay, nhưng phấn đấu hơn cho ngày mai. Và cuối cùng, xin cho con trung thành xin vâng trong lý tưởng tận hiến theo Linh đạo Mến Thánh Giá. Amen
[1]. Lm Nguyễn Hồng Giáo, Chúa gọi tôi đi theo Người, học viện Phanxico, năm 2006, p. 232
Tác giả bài viết: TT/MTG QN