Ngày thứ II – Tuần cửu nhật Suy Tôn Thánh Giá năm 2021

Thứ tư - 01/09/2021 08:22 965 0



 
Để biểu lộ lòng thảo kính đối với Thiên Chúa là Cha, hết lòng ghi ơn đấng sáng lập và tiền nhân, đời sống thánh hiến của mỗi chúng ta cần phải được nuôi dưỡng, củng cố, phát triển toàn diện nơi cộng đoàn qua việc tích cực sống ba chiều kích “ Chiêm niệm, khổ chế, tông đồ”. Vì thế,
Chúng ta cùng bước vào tuần cửu nhật chuẩn bị lễ suy tôn thánh giá trong năm thánh với chủ đề : Người nữ tu Mến Thánh Gía sống tâm tình tri ân trong đời sống cộng đoàn qua ba chiều kích “Chiêm niệm, khổ chế, tông đồ”. 

Ngày thứ II – Tuần cửu nhật Suy Tôn Thánh Giá năm 2021
 

Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ, “xin cho chúng được nên một” (Ga 17,21). Đó là kinh nguyện của Ngài trước cuộc Khổ nạn, chúng ta có thể nói đó là di chúc tinh thần của Đức Giêsu.


Lời nguyện đầu :

Lạy Thiên Chúa là Đấng rất yêu thương và đầy lòng nhân hậu, chúng con tạ ơn Chúa về những ơn lành chúng con đã lãnh nhận do ân sủng Chúa ban nơi đời sống của chúng con cho đến giờ này. Những tục lệ, truyền thống tốt đẹp mà chúng con đang có là nhờ các bậc tiền nhân qua dòng thời gian đã chọn lọc, chắt chiu, gìn giữ, bảo tồn và truyền lại cho chúng con, chúng con xin tạ ơn Chúa và ghi ơn tiền nhân.  

Nhờ Ân Sủng của Chúa Thánh Thần, xin làm cho lòng biết ơn Chúa, tri ân tiền nhân của chúng con ngày càng sâu lắng qua đời sống yêu thương, hiệp nhất với nhau trong cộng đoàn. Nhờ cảm nghiệm hạnh phúc từ cuộc sống ngập tràn yêu thương và không ngừng đổi mới về ơn hiệp nhất mà mỗi người là một tác nhân không thể thiếu nơi đời sống chung. Xin cho mỗi người chúng con biết nhìn nhận phẩm giá và công lao của nhau và của người khác để luôn biết trân quý, yêu thương, khích lệ, sống tinh thần liên đới với nhau ; sẵn sàng chia sẻ cho nhau của cải tinh thần và vật chất để giúp nhau trung thành với giao ước thánh hiến và đạt tới sự trưởng thành toàn diện. Và hân hoan đón nhận thành quả Chúa ban nơi đời sống mục vụ tông đồ trong tinh thần“Tôi trồng. Apollo tưới. Nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên”. (1Cr 3,6)


Suy niệm:

Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ, “xin cho chúng được nên một” (Ga 17,21). Đó là kinh nguyện của Ngài trước cuộc Khổ nạn, có thể nói đó là di chúc tinh thần của Đức Giêsu.

Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối mỏng giòn của các môn đệ, nên Người tha thiết cầu xin Cha cho họ được hiệp nhất trong tin yêu, để các ông có thể thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, một sứ mạng vô cùng khó khăn và đầy những thử thách, mà các ông phải tự mình đương đầu. Dù sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, hoạt động của các ông không qui về mình hay hướng về người khác, nhưng qui về Chúa. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu cầu nguyện : "Xin cho họ nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha" (Ga 17, 21). Nhờ "sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần", được ràng buộc "bởi sợi dây bình an", tất cả họ sẽ "duy trì sự hiệp nhất của Thần khí... Chỉ có một Thân mình và một Thần khí " (Ep 4, 3 - 4), giúp họ hợp nhất cùng nhau.

Lời khẳng định trên đây Chúa Giêsu cho biết các môn đệ không thuộc về thế gian "Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian" (Ga 17, 14).

Người sống đời thánh hiến sống trong thế gian, phục vụ và lo cho đời sống con người trên thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Người sống đời thánh hiến là người đã được chọn, thánh hiến và cắt tỉa để họ sinh nhiều hoa trái. Đức Giêsu đã xin Chúa Cha thánh hiến họ "trong sự thật". Sự thánh hiến này không phải chỉ ở bên ngoài nhưng nó là sự thật, sâu sắc tận thâm sâu cõi lòng.

Lời cầu nguyện “Xin cho chúng nên một” vẫn còn tha thiết và mới mẻ bởi vì sự hiệp nhất mà Đức Giêsu mong ước cho Giáo Hội của Người vẫn chưa thể thực hiện được, ngay trong Giáo hội, cũng có tranh chấp về quốc tịch, giống nòi, ảnh hưởng, số lượng  và xã hội khác nhau. Ngay trong một xứ đạo, họ đạo, chúng ta cũng thấy có nhiều sự khác biệt, nhiều bất công, rồi đến cộng đoàn nhỏ nơi các gia đình, cộng đoàn dòng tu vẫn còn đó nhiều tranh chấp, đố kỵ, hơn thua…

Sự hợp nhất phải được xây dựng trên tình yêu, luôn mong muốn điều tốt lành cho mọi người không phận biệt tuổi tác, điạ vị, trình độ văn hóa, kinh tế, màu da, quốc tịch hay nghề nghiệp…Sự hợp nhất phải được xây dựng trên tình huynh đệ, xa tránh mọi lời chỉ trích, luôn biết nhường nhịn, tránh làm tổn thương đến đức ái, tổn thương phẩm giá vì thiếu sự chân thành, tín nhiệm và thành thật. Sự hiệp nhất còn mời gọi chúng ta thực hiện công bằng xã hội, không thỏa hiệp với bất cứ hình thức bất công nào (x. GL 640)

Căn nguyên của bao nhiêu chia rẽ quanh chúng ta - giữa con người với nhau, trong gia đình, ngoài xã hội, giữa các dân tộc và cả giữa các tín hữu hay giữa những người sống đời tu trì - cội rễ ấy ở trong nội tâm chúng ta. Chúng ta nhận thấy mình không có khả năng bảo tồn sự hiệp nhất, ngay cả trong chính bản thân mình. Thánh Phaolô tông đồ cũng cảm thấy trong nội tâm xu hướng hướng về sự ác“Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).

Người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi sống với nhau như một giao ước trong nếp sống cộng đoàn thì lời cầu nguyện “Xin cho chúng nên một” của Đức Kitô cần phải được thực hiện ưu tiên trong đời sống chung song song với đời sống cầu nguyện. Nếu không hợp nhất, nên một với nhau trong nếp sống thì không thể nên chứng nhân cho một cuộc sống vĩnh cửu mà Đặc Sủng của Hội dòng chờ đợi nơi con cái mình.

Đây là dịp thuận tiện, dịp mừng năm thánh 350 năm thành lập Hội dòng chúng ta cùng nhìn lại và được mời gọi sống mật thiết hơn với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh để sống giao ước tình yêu thánh hiến cách hạnh phúc. Hăng say làm tông đồ nhờ chuyên chăm cầu nguyện và thực hiện khổ chế, nỗ lực canh tân đời sống cá nhân làm cho đời sống nội tâm thêm phong phú để xây dựng cộng đoàn thành gia đình đích thực có Đức Kitô làm trung tâm. Có Đức Kitô trung tâm sẽ có khả năng vượt qua những thách đố của những chia rẽ, thù hận - tranh chấp, hơn thua - được mất để đạt tới niềm vui qua việc thực thi tình bác ái huynh đệ.  

Người Nữ tu Mến Thánh Giá sống tình thần hiệp nhất yêu thương còn được thể hiện nơi tâm tình biết ơn lẫn nhau, người đi trước kẻ đi sau, chị làm việc này em làm việc kia, san sẻ, nâng đỡ… Nhờ đó, cộng đoàn có thể đạt tới thành quả của sự cầu nguyện, trong mọi nơi mọi lúc mỗi người trong cộng đoàn có thể vui sống tâm tình tạ ơn và chúc tụng “Tôi trồng. Chị tưới. Em chăm sóc… Và  Thiên Chúa đã cho lớn lên”.


Lời nguyện kết :  

Lạy Chúa Giêsu, sự hiệp nhất rất quan trọng nơi cộng đoàn của chúng con, Chúa đã từng cầu nguyện cho các Tông Đồ về lãnh vực này.  Hôm nay xin liên kết chúng con nên một trong tình yêu Chúa với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Xin Chúa tác tạo sự hiệp nhất yêu thương nơi cộng đoàn chúng con, nhờ đó mỗi người trở nên hình ảnh sống động tiên báo về Nước Trời mai sau. Xin cho chúng con luôn biết sống chân thành, cởi mở và thành thật với nhau, biết phát huy nét đẹp “ Xin phép, cám ơn và xin lỗi” trong đời sống thường ngày để xua tan những căng thẳng, hiểu lầm không đáng xảy ra trong đời sống vì quên những nghĩa cử của nét đẹp cơ bản ấy.

Xin tạo cho chúng con một tinh thần mới của lòng tri ân và niềm vui vì được thánh hiến để mỗi người trở nên chứng nhân và là lời loan báo Tin mừng của Chúa cho mọi người đang đi tìm kiếm chân lý vào hạnh phúc đích thực.  Amen.



Thực hành: Trung thành với các lời nguyện tắt và phát huy nét đẹp “ Xin phép, cám ơn và xin lỗi” trong đời sống thường ngày.
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây