Ngày thứ VI: Tuần cửu nhật Suy tôn Thánh Giá năm 2021

Chủ nhật - 05/09/2021 21:46 1.230 0
 


 
Cùng với chị em trong đại gia đình dòng Mến Thánh Giá, chúng ta đã sống tâm tình tạ ơn suốt năm thánh mừng kỷ niệm 350 dòng Mến Thánh Giá Việt Nam vào năm 2020. Đối với chị em Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, chúng ta đã đi qua hơn nửa chặng đường của năm thánh mừng kỷ niệm 350 năm dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong đến Qui Nhơn. Đây là thời gian ân sủng giúp mỗi người cảm nhận niềm vui lớn lao được Thiên Chúa yêu thương, thánh hiến và mời gọi bước theo Đức Kitô sống linh đạo yêu mến Thánh Giá. Sống giao ước tình yêu tập trung vào mầu nhiệm thập giá cứu độ của Chúa Giêsu Kitô để đạt đến sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Người.

Để biểu lộ lòng thảo kính đối với Thiên Chúa là Cha, hết lòng ghi ơn đấng sáng lập và tiền nhân, đời sống thánh hiến của mỗi chúng ta cần phải được nuôi dưỡng, củng cố, phát triển toàn diện nơi cộng đoàn qua việc tích cực sống ba chiều kích “ Chiêm niệm, khổ chế, tông đồ”. Vì thế,
Chúng ta cùng bước vào tuần cửu nhật chuẩn bị lễ suy tôn thánh giá trong năm thánh với chủ đề : Người nữ tu Mến Thánh Gía sống tâm tình tri ân trong đời sống cộng đoàn qua ba chiều kích “Chiêm niệm, khổ chế, tông đồ”. 


 
Ngày thứ VI: Tuần cửu nhật Suy tôn Thánh Giá năm 2021

Tâm tình tạ ơn nảy sinh từ tâm hồn yêu thương tha thứ. Thánh Phaolô khuyên giáo hữu Côlôxê đối xử với nhau bằng tâm tình biết ơn lẫn nhau nên phải: “Có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải trách móc người kia” (Cl 3, 12-13).

Lời nguyện mở đầu:
 
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con ! Giây phút đầu tiên của ngày sống mới chúng con đến bên Cha để dâng lời tri ân cảm tạ, tôn thờ yêu mến Cha với trọn cả con người và ý chí chúng con. Tri ân Cha đã ban cho chúng con Thánh tử Giêsu để Ngài tự hiến nên của ăn thiêng liêng cho chúng con trong Thánh lễ mỗi ngày và Lời của Ngài làm kim chỉ nam cho chúng con trong hành trình tiến về quê trời hạnh phúc .
Chúng con cám ơn Cha về hồng ân sự sống và ơn gọi thánh hiến mà chúng con đang bước đi, hồng ân này cả cuộc đời chúng con dâng hiến vẫn không sao đáp đền cho cân xứng. Xin cho chúng con biết siêng năng suy gẫm tinh thần khiêm tốn của Đức Kitô trên Thập Gía để đời sống chúng con lấp đầy sự giản dị đơn sơ khiêm tốn, yêu thương và tha thứ mà chính Chúa Giêsu đã nêu gương trong cuộc thương khó, nhờ đó cộng đoàn của chúng con luôn chan hòa tình yêu thương “tỉ muội”.
Đặc biệt trong ngày hôm nay ngày thứ sáu trong tuần cửu nhật mừng lễ Suy Tôn thánh Gía mỗi chúng con được mời gọi sống tâm tình tri ân tiền nhân và biết ơn lẫn nhau, xin cho lời khuyên của Thánh Phaolô dành cho giáo hữu Côlôxê cũng là lời dạy đối với chúng con lúc này, để sống tâm tình biết ơn Chúa, tri ân tiền nhân, cám ơn nhau cần “Có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải trách móc người kia” (Cl 3, 12-13).

Suy niệm :

Ðức Giêsu đã nêu gương và dạy chúng ta về lòng yêu thương vô vị lợi, tha thứ vô điều kiện và không xét đoán người khác. Trên thập giá, Người đã nói lời tha thứ cho  những kẻ làm khổ và giết mình. Ðó là việc làm trái với tính tự nhiên của con người, nhưng Ðức Giêsu đã vượt thắng và muốn chúng ta đi trên con đường của Ngài là yêu thương, và yêu thương tới cùng.
 
Không ai là một hòn đảo và cũng không ai là người hoàn hảo. Tự bản chất, con người sống với nhau và cho nhau. Và cũng tự bản chất, con người vốn rất giới hạn và bất toàn. Khi sống với nhau, làm phát sinh nhiều mối liên hệ, phát sinh nhiều mâu thuẫn và va chạm. Con người càng có nhiều khuyết điểm bất toàn thì sự va chạm càng nhiều. Vì thế, thánh Phaolô khuyên mỗi chúng ta thế này: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” (Cl 3,13)
Vâng, chúng ta hãy chịu đựng nhau và hãy tha thứ cho nhau, chịu đựng lẫn nhau bởi vì có những điều chưa hài lòng về nhau; Chúng ta hãy tha thứ cho nhau vì có những hành vi cố tình hay hữu ý làm mất lòng nhau. Và quan trọng hơn cả, chúng ta chịu đựng và tha thứ cho nhau bởi vì Thiên Chúa đã chịu đựng và tha thứ cho mỗi chúng ta. Biết bao lần chúng ta bất xứng, vấp ngã và tội lỗi. Biết bao lần chúng ta xúc phạm và sống không đẹp lòng Người; Vậy mà Thiên Chúa đã kiên nhẫn chịu đựng, tha thứ và chờ đợi để tha bao tội lỗi cho chúng ta.

Lời khuyên của thánh Phaolô rất ý nghĩa đối với chúng ta dịp dọn lòng mừng lễ Suy tôn thánh giá trong năm thánh hồng ân 350 năm Hội dòng được thành lập. Chúng ta được mời gọi sống tâm tình tạ ơn, tâm tình tạ ơn nảy sinh từ tâm hồn yêu thương tha thứ. Và để yêu thương và tha thứ Thánh Phaolô dạy cần phải  “Có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải trách móc người kia” (Cl 3, 12-13).

Trong đời sống thể chất thường ngày, làm sao chúng ta tránh khỏi những hành động va chạm, xích mích, và không vừa ý nhau, hiểu lầm nhau.

Trong đời sống tâm linh, làm sao chúng ta tránh khỏi những hành vi lệch lạc, những hành vi không đẹp lòng Thiên Chúa.

Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy nỗ lực hơn nữa để sống thánh thiện, cố gắng hơn nữa để sống hy sinh, từ bỏ và  quảng đại để kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, chấp nhận nhau, thông cảm, tha thứ cho nhau. Nhờ biết sống vượt lên những tầm thường, nhỏ nhen của kiếp sống, Ân Sủng của Chúa sẽ trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện nơi đời sống của mỗi người.

Thế nhưng, lý thuyết là thế - xem ra rất dễ nhưng trong thực tế thì không dễ chút nào. Bởi, theo tâm lý tự nhiên chúng ta thường hay để ý, xét nét nhau trong những chuyện cỏn con rồi trách móc, soi mói dẫn đến nói hành nói xấu nhau. Chúa muốn chúng ta thông cảm bao dung, quảng đại, chấp nhận và tha thứ cho nhau.

Yêu thương nhau như Chúa muốn là chín bỏ làm mười thay vì lên án, phê phán, xét đoán trong đời sống chung. Yêu thương như Chúa muốn đòi hỏi mỗi chúng ta một đời sống cầu nguyện chuyên chăm và tinh thần hy sinh liên lỉ. Càng bén rễ sâu trong đời sống cầu nguyện, kết hợp mật thiết với Chúa, chúng ta sẽ dễ chấp nhận, chịu đựng và tha thứ cho người khác. Có như vậy, tâm hồn chúng ta mới thật sự cảm nhận được sự bình an sâu lắng, sự bình an mà Chúa Giêsu ban tặng cho mỗi người.

 Kinh nghiệm thiêng liêng trong đời sống tâm linh cho biết,

Một tâm hồn kiêu căng, tự phụ không thể có được tâm tình biết ơn, nhớ ơn.
Tâm tình biết ơn bắt đầu bằng việc biết ơn về những ơn huệ nhỏ, ân huệ không nhìn thấy …Khi con người biết ơn Chúa về sự vật hay ân huệ gì dù lớn hoặc nhỏ, thì họ luôn muốn nhớ đến Chúa, nhớ đến Đấng đã thi ân cho mình.  

Cùng suy ngắm lòng bao dung của Chúa trên thập giá để lời di chúc của Ngài trở nên hữu hiệu và sống động trong đời sống của mỗi chúng ta nơi cộng đoàn. Khiêm tốn nhận biết thân phận tội nhân của mình để đón nhận ơn tha thứ và quảng đại thứ tha trong cuộc sống thường ngày.

Vì đã được tuyển chọn, thánh hiến, và yêu thương, chúng ta không thể sống tầm thường, nhưng cần tập luyện để sống đời thánh hiến thánh thiện với các nhân đức mà Đức Kitô đã dạy trong Hiến chương Nước trời, trong Hiến chương, Nội qui của Hội dòng, có nỗ lực sống như thế chúng ta trở nên người con thảo của Cha trên trời và tâm tình tạ ơn, nhớ ơn của chúng ta sẽ không là lời trên đầu môi chót lưỡi nhưng là tâm tình tận trong cõi lòng mà Chúa vẫn ưa thích.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không muốn chúng con nên thánh trong nhà nguyện qua việc đọc kinh, cầu nguyện, mà nên thánh ở việc sống tình con thảo với Chúa Cha trong mọi hoạt động sống của chúng con, yêu Chúa và thương yêu anh chị em theo gương và lời Chúa dạy. Cụ thể là phải “Có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải trách móc người kia”,tránh nổi giận la rầy, hơn thua, la mắng, thiếu công bằng, bác ái với tha nhân…Xin cho chúng con biết tự chủ, biết im lặng đúng nơi đúng chỗ, biết chịu đựng, nhẫn nại khi phải nghe những lời khích bác, thêm sớt sai sự thật… để chia sẻ với Đức Giêsu khi kẻ ghét Chúa vẫn la ó chưởi rủa và nói lời không đẹp dành cho Chúa, trên thập giá Chúa đã giữ im lặng, sự thinh lặng đã trả lời tất cả.

Và… Lạy Chúa, nhẫn nhịn không đồng nghĩa với hèn nhát nhu nhược. Xin cho chúng con theo gương Chúa dám can đảm lên tiếng bênh vực công lý và tích cực góp phần đẩy lùi tội ác và các thói hư, tật xấu, giả hình, thiếu thành thật ra khỏi cuộc sống mình, ra khỏi nơi làm việc, trong cộng đoàn cách khôn ngoan, tế nhị.  Amen

Thực hành: Năng dâng các lời nguyện tắt để sống tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn nhau trong đời sống chung.


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây