Chiêm ngắm mẫu gương “tự hủy” của Chúa Giêsu

Thứ hai - 18/10/2021 23:22 2.008 0

 

Chiêm ngắm mẫu gương “tự hủy” của Chúa Giêsu
 



Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa đang hiện diện thật trong Nhà Tạm đơn sơ khiêm tốn để ở với chúng con từng ngày; chúng con xin tôn thờ, cảm tạ, chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng thánh giá mà cứu độ trần gian.

Khi đóng đinh Chúa trên cây thập giá, những đầu mục Do Thái tưởng họ đã hạ gục được tên chuyên làm phép lại, tên phạm thượng, thỏa lòng ghanh ghét đố kỵ, hân hoan đã hoàn toàn chiến thắng …Nhưng Giờ Tử Nạn đối với Chúa không phải là thất bại, nhưng là Giờ được Chúa Cha tôn vinh. Như hạt lúa phải chịu mục nát, chịu chết đi mới sinh được nhiều hạt lúa mới, nhờ cái chết trên thập giá, Chúa đã được Chúa Cha tôn vinh cho sống lại và đặt làm Chúa tể muôn loài.

Lạy Chúa Giêsu, giờ phút đầu tiên của ngày mới này xin thương ban ơn Chúa Thánh Thần trên chúng con, giúp chúng con cảm sâu về mẫu gương tự hủy của Chúa mà vui lòng đón nhận những trái ý, nghịch cảnh, khó khăn mà mỗi người sẽ gặp trong cuộc sống với niềm tin yêu hy vọng. Xin cho chúng con ý thức rằng: thập giá là đường tự hủy Chúa đã vui lòng bước đi để thực hiện thánh ý Chúa Cha và đạt tới vinh quang bất diệt, xin cho chúng con cũng biết sẵn lòng vác thánh giá đời mình để mong đạt đến sự hoàn thiện như Chúa muốn, có như thế mới hy vọng ngày sau chúng con cũng được Chúa Cha tôn vinh trên Thiên Đàng.

Tin mừng (Ga 12: 24-26 )

 “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.



Suy gẫm :


“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà chết đi, mà thối đi, thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt” (Ga 12,24) Kinh nghiệm trồng lúa là kinh nghiệm rất thường đối với những người nông dân. Người Do thái thời xưa và người làm ruộng thời nay, ai cũng biết rằng hạt lúa khô, trước khi phát triển thành cây lúa trĩu hạt, nó phải chịu trải qua nhiều giai đoạn khó khăn đau đớn và cuối cùng phải bị mục nát đi.


Trước hết, hạt lúa đã được chọn: sàn sảy những hạt lép loại bỏ những hạt bị sâu mọt, sau đó người ta ngâm nước cho thấm ướt, ủ kín dưới tấm ni lông hay tấm khăn vải trong vài ngày, thỉnh thoảng tưới nước ấm để rồi nó tự xé vỏ cho mộng lúa đâm ra bên ngoài. Tiếp theo, người ta mang đi gieo lên trên ruộng bùn, phơi mình ra giữa trời nắng nóng hoặc bị lún sâu xuống nước và bùn đất. Nằm sâu trong lòng đất nó phải rút hết chất dinh dưỡng của mình để nuôi mầm lúa. Khi mầm lúa ra rể bám được vào lòng đất thành cây lúa non thì cũng là lúc nó phải mục nát đi, bị phân hủy không còn là hạt lúa nữa. Nhờ hạt lúa bị mục nát, bị phân hủy mà người nông dân mới có đồng lúa chín vàng trĩu hạt cho mùa thu hoạch dồi dào.


Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh rất thông thường trong cuộc sống, cùng ví dụ đơn sơ dễ hiểu trong qui trình phát triển của cây lúa để diễn tả một chân lý quan trọng, đó là quá trình kết tinh những thành quả trong cuộc đời mỗi người, nhất là cuộc đời của chính Ngài, từ khi rời bỏ Ngai Trời vinh hiển để sinh xuống làm thân phận con người cho đến lúc chịu treo trên Thập Giá, chết đi và sống lại.


Qua hình ảnh qui trình mục nát của hạt lúa mì, Chúa Giêsu mời gọi mọi người bước vào khám phá “mầu nhiệm tự hủy” đến tột cùng của Ngài.Thánh Phaolô đã trình bày mầu nhiệm này trong thư ngài gửi cho tín hữu Philipphê. “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu ” ( Pl 2, 6-9 ). Chính nhờ sự hủy mình ra không của Chúa Giêsu mà kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa đã được thực hiện. Từ đó, nhân loại liên tục được hưởng nhờ hoa trái ân sủng từ trời cao, được ban xuống nhờ công nghiệp Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu.


Sự tự hạ và lựa chọn của Đức Kitô là đi tới cùng đích của thân phận thụ tạo. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7). Đây là hành vi đối lập lại với “sự bất tuân phục” của Ađam xưa đã mở lối cho tội lỗi và sự chết xâm nhập vào thế giới nhân loại. Ở đây ta có thể hiểu dọc suốt cuộc đời của Đức Giêsu Kitô đó là “vâng phục”: Người đã vâng phục Chúa Cha, bằng lòng chịu chết…đây chính là hành vi nói không với tội lỗi và sự chết. Tình yêu và sự vâng phục dâng hiến luôn đi cùng với nhau. Sự vâng phục hoàn hảo nhất là vâng phục vì tình yêu. Ngôi Lời đã tự huỷ chính mình để có thể sống hoàn toàn cho Chúa Cha và cho loài người chúng ta.

Tình yêu Đức Giêsu dành cho Chúa Cha và con người không thể diễn tả bằng lời nên Người đã thể hiện bằng hành động là đã chết cho người mình yêu.

Hành trình Khổ Nạn của Chúa Giêsu là hành trình tự hủy đến tận cùng, hành trình này trở nên gương mẫu để người tín hữu, nhất là người sống đời thánh hiến theo linh đạo Mến Thánh Giá học hỏi và cố gắng noi theo mỗi ngày. Trong đời sống Đức Tin muốn trở nên trọn lành, người tín hữu phải chấp nhận hy sinh chiến đấu chống lại cám dỗ, chấp nhận nhiều thiệt thòi để tuân giữ trọn Luật Chúa dạy, phải can đảm coi nhẹ mạng sống của mình để giữ vững niềm tin. Nhờ đó, Giáo Hội có được những con người thánh thiện, là hoa thơm trái tốt, hằng nuôi dưỡng và điểm tô cho cuộc đời. Qua dòng thời gian, Giáo hội đã không thiếu những bậc anh hùng là cha ông chúng ta đã anh dũng sống đức tin, kiên trì liên lỉ sống mầu nhiệm tự hủy hy sinh theo con đường Đức Giêsu đã đi.  

Để đi con đường tự hủy qua cuộc tử nạn mà trong vinh quang phục sinh của Đức Giêsu, chúng ta cần ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy chuyên cần cầu nguyện kết hiệp với Chúa Giêsu theo gương Đức Maria để đón nhận ơn ơn biến đổi nhờ Thánh Thần.
Chúng ta cùng tập luyện sự tự hủy bằng việc thực hành một vài nhân đức :

  • Tập loại trừ thói lười biếng, tôi sẽ làm một việc mà lâu nay mình không thích: quét nhà, lau bụi, ngăn nắp, trật tự…

  • Tập bỏ dần thói dững dưng vô cảm, tôi sẽ quan tâm đến người khác để giúp họ một việc nhỏ âm thầm, kín đáo…

  • Tập sống khiêm nhường tôi sẽ khen ai đó khi họ làm điều tốt, điều hay…

  • Tập bỏ tính xấu hay bào chữa lỗi lầm, phê phán người vắng mặt tôi sẽ nói điều tích cực về người thứ ba…

  •  Tập bỏ tính quan liêu, trên trước tôi sẽ mỉm cười thân thiện và mở lời chào hỏi người nhỏ hơn và không nói to tiếng…


Thật sự, để trở nên hạt lúa chịu mục mát trong đời sống nhân bản và siêu nhiên không dễ dàng. Để trở nên gần gũi với Đức Giêsu hơn trong mầu nhiệm tự hủy càng không đơn giản; không đơn giản, không dễ dàng nghĩa là không thể không thực hiện được.“Con nhà Tông không giống lông thì giống cánh” các thánh nhân và tiền nhân trong Hội dòng đã đi vào con đường hẹp, đường tự hủy và đã cống hiến hết mình để chúng ta có ngày hôm nay từ  ơn huệ đức tin, ơn sống đời thánh hiến, gia sản thiêng liêng và các truyền thống tốt lành…đến cơ sở vật chất, là con cháu lẽ nào chúng ta lại chối từ, hay chỉ sống tầm thường? Lẽ nào chúng ta không cố gắng sống và lưu truyền chút gì cho thế hệ các em đằng sau chúng ta?   

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, để sống tự hủy như Chúa không dễ dàng nếu con không cố gắng tập luyện những đức tính nhân bản căn bản cần thiết trong đời sống cá nhân và đời sống chung. Xin cho con trở nên người trưởng thành để hiểu rõ những đổi thay, khó khăn, thử thách là một phần của cuộc sống. Nhờ đó, con sẽ  đón nhận, tập luyện và thực hành những hy sinh nho nhỏ trong cuộc sống với một tâm hồn sẵn sàng, xin cho con biết thực hiện những khổ chế âm thầm và xem nó như cơ hội để học tập rèn luyện bản lĩnh nơi đời thường, có như thế con mới có khả năng sống mầu nhiệm tự
hủy khi Chúa đòi hỏi con hy sinh hơn trong dịp khác, trong biến cố khác của cuộc đời.
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây