Tình yêu Thiên Chúa luôn ở giữa đau khổ của con người

Thứ hai - 01/11/2021 23:13 1.837 0
 
 

Tình yêu Thiên Chúa luôn ở giữa đau khổ của con người
 

Lời nguyện đầu: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trước nhan thánh Chúa với thân phận thụ tạo bé nhỏ, con xin mặc lấy tâm tình của người con thảo hiếu xin dâng lên Chúa niềm tri ân cảm tạ. Cảm tạ Chúa đã yêu thương chúng con bằng tình yêu lớn lao qua việc tự hiến trên thánh giá và khiêm tốn ẩn thân trong nhà tạm đơn hèn để trao ban cho chúng con muôn phúc lành của Chúa Cha. Đặc biệt ơn sự sống Chúa thương ban cho mỗi người để giờ này chúng con được hiện diện trước Thánh Thể Chúa.
  
Cám ơn Chúa đã mời gọi, tuyển chọn chúng con trong ơn gọi Mến Thánh Giá, để từng ngày chúng con thay cho anh chị em trong nhân loại yêu mến, tưởng nhớ và suy niệm mầu nhiệm tình yêu qua Thập Giá và khi chiêm ngắm Chúa nơi Mầu nhiệm Thập Giá chúng con lại được kín múc thêm nhựa sống cho đời thánh hiến của mình. Xin Chúa ban tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần xuống trên mỗi chúng con, để khi chiêm ngắm Chúa chịu khổ hình thập gía chúng con càng hăng say sống sứ mạng chuyển cầu cùng với khổ chế hy sinh, hầu mong tiếp tục cùng với Chúa hiến tế cuộc đời mình mang ơn cứu rỗi cho con người trong thế giới hôm nay.

Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse cùng triều thần thánh đồng hành cùng chúng con trong giờ này.

 Lời chúa: ( Cv 9, 1- 5)

Suy niệm:
    
Lời Chúa trong sách Công Vụ tông đồ vừa nghe cho chúng ta thêm một lần nữa xác tín  Đức Giêsu đã chết, Phục Sinh và Lên Trời vinh hiển nhưng vẫn tiếp tục đau khổ trong các chi thể của Chúa là mỗi chúng ta và toàn thể nhân loại.Vì thế, khi chiêm ngắm mầu nhiệm thập giá của Chúa, không để chỉ nhìn lại biến cố lịch sử đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng còn là lời mời gọi cảm nghiệm về một tình yêu tự hiến, tình yêu ấy vượt lên cả không gian và thời gian. Đức Giêsu Kitô tiếp tục hiến tế từng ngày trong đời sống Giáo hội, nơi đời sống của từng người tín hữu mang danh Đức Kitô“. Việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể là linh hồn của mọi đời sống Kitô hữu. Việc tôn sùng đó xuất phát từ tình thương và phục vụ tình thương, là đối tượng ơn gọi của chúng ta trong Đức Giêsu Kitô”1 .
Vì thế, việc suy gẫm mầu nhiệm thập giá không bao giờ nhàm chán hay lỗi thời nhưng luôn sống động và mới mẻ mỗi ngày trong đời sống Giáo hội. Để thấy rõ điều đó chị em chúng ta cùng điểm qua một vài nét trong Tin Mừng để xác tín rằng Chúa đang muốn mượn đôi tay, khối óc, con tim và cả cuộc đời của người nữ tu Mến Thánh Gía để tiếp tục hy sinh để nhờ Đức Kitô, trong Đức Kitô với Đức Kitô cứu độ trần gian.
    
Dầu là Con Thiên Chúa nhưng khi mặc lấy thân phận con người Chúa Giêsu đã được dâng hiến cho Thiên Chúa theo nghi thức của lề luật, đã cúi xuống lãnh nhận phép rửa từ tay Gioan…cũng vậy mỗi chị em chúng ta đã được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, được dâng hiến cho Thiên Chúa qua lời khấn dòng. Khi cam kết sống lời khấn dòng mỗi chị em chúng ta bước đi trên con đường linh đạo và sứ mạng mà Hội thánh đã chuẩn nhận và được các nữ tu qua các thời kỳ lịch sử đã sống và thực thi thật xuất sắc sứ mạng cao cả này suốt 350 năm qua.

Mỗi thành viên trong Hội dòng sẽ là Tông đồ thừa sai theo gương những người phụ nữ thiện chí đã từng theo Đức Kitô trên hành trình sứ mạng của Người.“Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai  và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ. ( Lc 8.1-3).
 
Khi tự nguyện cam kết bước theo con đường hẹp này, mỗi người đã sẵn lòng bỏ mọi sự và quảng đại để sống bác ái, yêu thương, phục vụ tha nhân mà sứ vụ Hội dòng trao phó.
  
Và…cũng trên hành trình rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu và các Tông Đồ của Ngài cũng đã gặp bao trở ngại, chống đối, cả những ghanh tị, so đo dẫn đến bị trù dập và kết án tử cho các Ngài bởi các Biệt Phái, pharisêu...
 
Trong hành trình theo Đức Kitô nơi đời sống cộng đoàn thánh hiến, nhiều lần chúng ta cũng đã đóng vai của các Pharisêu khi phê bình, lên án, kết án người khác khi không có một lý do chính đáng hay chỉ là một cảm nhận chủ quan của tình cảm…“Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỵ ám".Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi".( x. Mt 11, 18- 19a). Trong đời sống không ít lần chúng ta cũng đã có thái độ và phán đoán như thế ! Khó cũng nói, dễ cũng không bằng lòng. Nhanh cũng chê, chậm cũng không ưng, buồn thì nói sao buồn?...Chúa Giêsu đã bị kết án rất bất công, ai trong chúng ta cũng biết rõ như thế !
 
Lắm lần chúng ta đã dễ dàng kết án nhau khi chưa rõ ngọn nguồn, phê phán và có thể gán tội ngay lập tức khi hành động của ai đó không vừa mắt mình. Nhiều lần chúng ta đã lấy mình làm chuẩn mực cho người này kẻ kia…để rồi dễ dàng nói xấu người chị em và còn kéo người khác về phe mình; loại trừ, không hợp tác chung tay…Nếu có bao nhiêu lần như vậy cũng là bấy nhiêu lần chúng ta tạo nên những khoảng cách trong tình yêu dành cho Đức Kitô và làm hình ảnh của Người nơi chính mình và nơi chị em bị nhòe đi hoặc bị bóp méo… Bao nhiêu lần chị em đau khổ, cô đơn vì những hiểu lầm, buồn phiền…là bấy nhiêu lần Chúa nói với ta : Nếu Ta không phạm tội gì sao lại đánh tôi, bắt bới tôi?  Mỗi người, mỗi chị em đích thực là hình ảnh của Chúa như Người đã nói. “Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ là làm cho chính Ta sao?”( x Mt 25,40).

Nếu nghiêm túc khao khát thăng tiến trong đời sống nội tâm, thực tâm suy gẫm về sự thánh thiện cần phải luyện tập mỗi ngày chúng ta sẽ thấy rõ hơn hình ảnh của một Đức Kitô chịu đóng đinh đang hiện diện trong đời sống mình và sẽ tìm gặp Chúa cách thận trọng, hết lòng tôn trọng phẩm giá mỗi người. Mỗi lần chúng ta chịu đau khổ, bị hiểu lầm, mệt mỏi, chán chường hãy thinh lặng để nghe Lời Chúa: “Trong thế gian, anh em sẽ gặp gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
  
Con người ta sống là phải chịu thử thách như một điều tất yếu tiêu cực, chứ không phải là “để” chịu thử thách như một chọn lựa tích cực. Vì thế, thử thách chỉ là yếu tố tác động đến cuộc sống chứ không thể “qui định” cuộc sống của ta. Do đó, nếu chúng ta can đảm trực diện với mọi thử thách trong sự tín thác vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, nhờ ơn Chúa để vươn lên tốt đẹp hơn là chúng ta đã chấp nhận ý Chúa trên đời mình. Trong tin tưởng và phó thác, tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên: Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề. (Tv 34, 19)
  
Trở về trong thẳm sâu lòng mình và nghiêm túc đọc lại lược sử mà Chúa đang viết ngang qua cuộc đời để biết tôi đang là ai, thuộc nhóm nào trong hành trình cuộc sống? Chúng ta trong nhóm của Biệt Phái, Pharisiêu…hay đang thuộc nhóm môn đệ chân chính của Chúa Giêsu trên đường khổ nạn và can đảm đứng dưới chân Chúa như người môn đệ Yêu Chúa và được Chúa yêu ?
   
Và, thêm một lần nữa nghĩ về cách hành xử của mình trong cuộc sống thường ngày: “Tôi đã quá khắc khe với người khác mà rộng lượng với chính mình hay đã biết khắc khe với chính mình mà rộng lượng với người”. "Thánh Giá của Đức Kitô cũng mời gọi chúng ta hãy để cho mình được chinh phục bởi tình yêu của Ngài, trong khi dạy chúng ta luôn luôn nhìn vào những người khác với lòng thương xót và sự dịu dàng; đặc biệt là những người đau khổ, những người đang cần sự giúp đỡ, những người cần một lời nói hay một hành động cụ thể đòi hỏi chúng ta phải bước ra ngoài chính mình để gặp gỡ họ và chìa tay ra với họ”.“Với Chúa Kitô, sự ác, đau khổ, và cái chết không có tiếng nói cuối cùng, bởi vì Ngài ban cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thánh Giá từ một công cụ của sự thù ghét, thất bại và sự chết thành một dấu chỉ của tình yêu, chiến thắng và sự sống.” 2

Niềm tin của người tín hữu, người sống đời thánh hiến không miễn trừ cho ta khỏi những khó khăn, thử thách; nhưng nhờ đức tin chúng ta sẽ được cứu khỏi đắm chìm trong hố sâu buồn phiền, thất vọng. Ta sẽ ứng xử thế nào trước những khó khăn, thử thách tất yếu đang và sẽ xảy đến trong đời sống? Có điểm khác biệt nào trong cách phản ứng của mình trước những khó khăn, thử thách giữa người tin và người không tin vào Thiên Chúa, người sống đời thánh hiến và giáo dân sống giữa đời ? Hãy mở lòng để cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa luôn tỏ hiện trong những bất ngờ, khó hiểu, trái ý, khó khăn ta sẽ vững tin hơn khi biết phó thác mọi hoàn cảnh xảy đến trong cuộc sống cho Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Tình Yêu !

 
Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì những giây phút cận kề bên lòng Chúa, thường xuyên chiêm ngắm thánh giá để biết Chúa yêu chúng con dường bao, nhìn vào cuộc sống để thấy cách chúng con đáp trả tình yêu Chúa như thế nào?...Xin cho mỗi chị em chúng con biết nỗ lực đáp đền tình Chúa yêu thương bằng sự trung thành và khát khao gắn kết với Chúa qua đời sống cầu nguyện, hy sinh, hiệp nhất, yêu thương và phục vụ. Để nhờ qua cuộc sống với cả những cố gắng chúng con có thể nói như thánh Phaolô “Chúng tôi đang rao giảng tin mừng mà không có Tin Mừng nào khác ngoài Tin Mừng Chúa Ki-tô chịu đóng đinh cho mọi người”.( x. 1Cr 2, 1-3) và không tình yêu nào lớn hơn tình yêu ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã dành cho con người bằng cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.   Amen .


1 .( x. Thánh Gioan Phaolô II Tông thư về mầu nhiệm Thánh Thế và việc phụng thờ Mình và Máu Thánh Đức Kitô)
2 . ( x. những câu nói nổi tiếng của ĐGH Phanxicô ).
   


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây