Tinh thần tông đồ của người nữ tu Mến Thánh Giá

Thứ hai - 22/11/2021 23:24 2.010 0
 
 
 
TINH THẦN TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ

Lời nguyện đầu:

 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin Chúa đang hiện diện với chúng con nơi đây, vì Chúa đã nói“ Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa”. Với niềm xác tín đó, chúng con tin Chúa đang hiện diện trong nhà tạm và trong mỗi tâm hồn chúng con, chúng con xin thờ lạy, chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã thương ban cho chúng con. Chúa đã nâng đỡ, gìn giữ, bảo vệ chúng con được sống trong ân sủng Chúa, tất cả đều phát xuất từ tình yêu nhưng không của Chúa dành cho chúng con.
 
Nguyện xin Chúa ban Thánh Thần hướng dẫn chúng con, mở lòng chúng con đón nhận ơn của Thần Khí, để nhờ ơn soi dẫn của Ngài chúng con luôn bước theo Chúa Kitô chịu đóng đinh trong niềm vui, bình an và hy vọng. Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm sâu sắc về hành trình mình đang đi là hành trình của tình yêu, để mỗi người được ơn trung thành, kiên trì với sứ mạng của mình trong mỗi giây phút sống. Sứ mạng của người tông đồ thừa sai “ Người tông đồ là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Giêsu Kitô” ( ĐC Lambert – Ts 31)

Đọc Tin Mừng: Lc 8, 1 – 3

Suy gẫm :
 
“Các bà Maria Macđala, Gioanna, Susanna và nhiều bà khác nữa đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (x. Lc 8, 2 – 3).
   
Giữa xã hội Do-thái thời xa xưa trọng nam khinh nữ, thậm chí người phụ nữ được xếp hàng thứ sáu, đứng sau cả vật nuôi. Người phụ nữ Do-thái hầu như không có tiếng nói, đến cả việc cưới xin và ly hôn cũng do quyết định của người nam. Dọc suốt những trang Thánh Kinh Cựu Ước, dường như bóng dáng của người phụ nữ bị  lãng quên. Các Kinh sư Do-thái tuyệt đối không nhận phụ nữ làm đồ đệ, họ phân biệt đối xử trong mọi sinh hoạt xã hội, kể cả việc phụng tự và các nghi lễ thanh tẩy.      Trong Tân Ước, thánh Matthêu đã kể tên bốn người phụ nữ trong gia phả của Chúa Giêsu (Tharma, Rakhap, Rút, Maria) xuyên suốt lịch sử cứu độ và đỉnh điểm nơi người phụ nữ tuyệt vời là Mẹ Maria.
  
Hôm nay, chúng ta suy niệm đoạn Tin Mừng kể lại việc một số các phụ nữ đi theo giúp đỡ Chúa Giê-su và nhóm mười hai Tông Đồ để lo việc rao giảng Tin Mừng. Điều này cho thấy Chúa Giêsu không phân biệt đối xử mà còn đón nhận những người phụ nữ cộng tác với Người trong việc rao giảng Nước Thiên Chúa. 
 
Gần hơn, trong gia sản thiêng liêng mà Đấng Sáng Lập dòng Mến Thánh Giá đã để lại nơi bản chất của Hội dòng “ Do hồng ân thánh hiến đặc biệt, chị em được gắn liền với sứ vụ của Đức Kitô một cách sâu xa trong công cuộc cứu độ thế giới” ( Hc Đ 67/1), Chị em  phải gắn bó với Giáo Hội địa phương và cộng tác với hàng giáo sĩ theo qui định của Giáo Hội và Luật Dòng” ( HC.Đ 5 /1.) Vì thế, chúng ta được mời gọi trở nên  “…cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Giêsu Kitô”(x.  ĐC Lambert – Ts 31).
 
Cùng đọc lại lịch sử của Hội dòng dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta càng cảm nhận về sự quan phòng đầy tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua lịch sử cứu độ và niềm hạnh phúc khi được mời gọi bước đi trong linh đạo Mến Thánh Giá. Những người phụ nữ Châu Á tại vùng Viễn Đông đã cộng tác đắc lực cho công cuộc truyền giáo bằng sự hiện diện, bằng những công việc âm thầm  nhưng mang lại hiệu quá tông đồ cao không kém những lời giảng thuyết đầy thuyết phục của các tông đồ.
 
Vai trò của những người phụ nữ đi theo Chúa Giêsu và các tông Đồ trong hành trình truyền giáo thật đáng trân trọng. Sự hiện diện của họ trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và trong những giây phút cuối đời của Ngài cho chúng ta thấy  tầm quan trọng của đời chứng tá âm thầm trong đức tin. Chứng tá ấy nói với chúng ta rằng trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô dù có âm thầm và vô danh đến đâu mỗi người đều có một chỗ đứng quan trọng và không thể thay thế được.
 
Nhìn lại chặng đường đã qua, những nữ tu Mến Thánh Giá từ thời kỳ khai sinh Hội dòng cách đây 350 năm, từng ngày các chị âm thầm bước theo Đức Giêsu, đã quảng đại dâng hiến cho Chúa tất cả sự nhiệt thành, khả năng yêu thương, ý muốn, trí hiểu… để nên chứng nhân của lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em đồng loại.

Lúc này, chị em chúng ta cũng đang từng bước cộng tác với các chủ chăn tại mỗi địa phương để tiếp nối sứ mạng trung gian bằng những công việc cụ thể và thiết thực nhất. Đặc biệt hơn chúng ta được mời gọi thực hành tinh thần Tông Đồ căn bản nhất là đời sống cộng đoàn. Chúng ta đã, đang thực hành tinh thần này thế nào trong cuộc sống của mình? Lòng tốt mà chị em chúng ta thực thi dành cho nhau và cho những người mình có trách nhiệm trong sứ vụ mục vụ, phục vụ như thế nào?  

Mẹ Têrêxa Calcuta đã kể lại một câu chuyện cảm động như sau: Hôm ấy có một người lạ mặt đến thăm các bệnh nhân. Ông ta đến nhà vào lúc một Sơ vừa mới đem một người hấp hối từ ngoài đường về. Sơ này tìm thấy kẻ hấp hối đang nằm bất tỉnh bên ống cống, mình phủ đầy giòi bọ, trông thật ghê tởm. Thế nhưng, không chút ái ngại, Sơ ấy vẫn chăm sóc bệnh nhân cách kỹ lưỡng. Sơ nhặt từng con giòi, rửa sạch sẻ mọi chỗ, vừa làm vừa mỉm cười với tất cả lòng thương mến. Sơ làm việc cách thản nhiên, không bận tâm để ý đến ai cả. Trong khi đó, người khách lạ đứng ở một góc phòng quan sát từng cử chỉ của Sơ ấy. Sau cùng, người khách lạ kia đến gặp tôi và trút hết tâm sự: - Thưa Mẹ, sáng nay con đến nhà này với tâm hồn của một kẻ vô thần. Lòng con đầy căm hờn và oán giận. Nhưng bây giờ, con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin vào Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đã đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không thể nào có đủ nghị lực để yêu mến tha nhân được.

Thực tế cuộc sống có nhiều sự kiện, sự việc không mấy tốt đẹp khiến cho mỗi chúng ta có thái độ nghi kị, thủ thế, ích kỷ để rồi chỉ biết lo cho mình mà không quan tâm đến nhu cầu của người khác, không muốn chia sẻ những gì mình có, những gì mình đã được lãnh hội từ nơi Thiên Chúa, nơi mẹ Hội dòng để phục vụ cho lợi ích chung, lợi ích cho dân Chúa. Lắm khi còn tìm cách để khước từ, không muốn chia sẻ, tẩy chay, loại trừ, cô lập anh chị em  mình….đó  là thái độ không hợp với ý Chúa, không đúng với tinh thần của người sống đời thánh hiến. Điều đó không chỉ đi ngược mà còn quá xa với tinh thần Tông Đồ của người nữ tu Mến Thánh Giá. Tinh thần Tông Đồ mà đức cha Lambert muốn các nữ tu của mình thực hiện đó là “ Đến với mọi người bằng thái độ kính trọng, hiền hòa, khiêm nhu, rao giảng Đức Ki tô chịu đóng đinh, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những cong việc phục vụ thiết thực, nhất là bằng đời sống phù hợp với Mầu nhiệm Thập giá của Đấng mình muốn rao giảng” ( Hc Đ 67/2b).

Chị - tôi, chúng ta sống tinh thần Tông Đồ Lâm Bích như thế nào? 
 
Lời nguyện kết:


Lạy Chúa Giêsu, trên đường thi hành sứ mạng của Chúa luôn có sự cộng tác tích cực của nhiều phụ nữ, hành trình loan báo Tin Mừng hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng con tham gia vào sứ mạng chung của Giáo Hội, chúng con được cùng với các mục tử thi hành sứ mạng Tông Đồ trong điều kiện có thể nơi chúng con được sai đến và hiện diện. Xin cho chị em chúng con  được sai đến nơi đâu, sống trong hoàn cảnh nào cũng biết thể hiện tinh thần thừa sai của mình qua nếp sống cộng đoàn. Xin cho mỗi người luôn biết chiếu tỏa niềm vui Tin Mừng bằng phong cách sống trưởng thành, quân bình, bằng nghĩa cử nhân hậu, hành động xả thân vì tha nhân. Xin đổi mới tâm hồn chúng con và mặc cho mỗi người trái tim thịt mềm, biết yêu thương và đồng cảm với anh chị em chung quanh  và phục vụ mọi người như phục vụ Chúa nơi hành trình cuộc sống của chúng con. Amen


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây