Bài suy gẫm Lễ các Thánh Nam Nữ
Lời nguyện đầu:
Lạy Cha, giây phút đầu tiên của ngày mới chúng con đến bên Cha với tấm lòng của người con thảo hiếu; xin dâng lên Cha tâm tình ngợi khen, cảm mến, tri ân vì muôn ân huệ Cha đã thương ban trên cuộc đời chúng con. Tội lỗi, yếu đuối của kiếp người đã đánh mất tương quan tình yêu với Cha, nhưng lòng từ bi của Cha đã khỏa lấp và nối kết chúng con với Cha bằng con đường Khổ Nạn - Phục Sinh của Đức Giêsu con yêu dấu của Cha.
Cám ơn Cha đã cho chúng con cơ hội để chiêm ngắm mẫu gương thánh thiện, sống động và gần gũi của các thánh nam nữ, những vị đã theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá và sống trọn vẹn tám mối phúc trong hành trình dương thế của các ngài. Mừng kính các ngài trên thiên quốc, xin Cha ban Chúa Thánh Thần cho chúng con để Người hướng dẫn chúng con biết sống Tám Mối Phúc theo với hoàn cảnh của mỗi người trong hiện tại hầu có thể đạt đến sự hoàn thiện như lời mời gọi của Đức Kitô :“ Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48)
Đọc Tin Mừng : Mt 5, 1-12
Suy gẫm:
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta :“ Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Hoàn thiện là nên thánh.
Nên thánh không phải là ơn gọi chuyên biệt dành riêng cho một số người, nhưng đó là ơn gọi của tất cả mọi người Kitô hữu. Giáo hội đã phong thánh rất nhiều vị thánh, các ngài thuộc đủ thành phần, từ Giáo Hoàng, Giám mục, các linh mục, tu sĩ, giáo dân những người sống bậc hôn nhân gia đình, các thánh không phân biệt lứa tuổi. Bí quyết nên thánh của các Ngài rất giản đơn là hoàn thiện ơn gọi trong những bổn phận hằng ngày với niềm đam mê cháy bỏng dành cho Thiên Chúa và con người trong sứ mạng của mình; cho dù cuộc sống của các Thánh vẫn có những khiếm khuyết, nhưng tình yêu Thiên Chúa lấp đầy những lỗ hổng của thiếu sót, lầm lỗi và biến đổi cuộc đời các Ngài nên hoàn thiện.
Thánh Gioan tông đồ mời gọi chúng ta hãy luôn quy chiếu đời mình về Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa.“ Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người” (1Ga 3, 2 ). “Ai đặt hy vọng vào Đức Kitô, thì làm cho mình nên thanh sạch” (1Ga 3,3). Đức Kitô Đấng thanh sạch, là Con Chiên tinh tuyền, Ngài là chuẩn mẫu về sự thánh thiện để chúng ta noi theo. Ngài đã sống tận căn mầu nhiệm yêu thương để diễn tả sự thánh thiện nơi Ngài. Vì thế, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ sống tình yêu mà Ngài đã sống và để lại cho hậu thế như lời di chúc “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12). Thập giá và cái chết của Đức Giêsu là nguyên mẫu về sự thánh thiện mà mỗi Kitô hữu phải học hỏi, cảm mến và thành tâm bước theo để đạt đến sự thánh thiện.
Ngày lễ mừng kính các Thánh Giáo hội cho chúng ta suy gẫm về tám mối phúc mà Đức Giêsu đã công bố trong bài giảng trên núi. Đây chính là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm Thập giá. Sống tinh thần khó nghèo, hiền lành khiêm tốn, nhẫn nhục, quảng đại, xót thương, sống như sứ giả hòa bình… tất cả đều là điểm nỗi bậc của mầu nhiệm Thập giá, con đường dẫn đến sự trọn lành.
Chúng ta thường hay nghĩ : tôi chỉ là một con người tầm thường tội lỗi và yếu đuối, làm sao tôi có thể nên thánh được? Con đường nên thánh của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu rất đơn giản đã được ghi trong “ Một tâm hồn”, Chín tháng đầu tiên trong Nhà kín Lisieux, Têrêsa cảm nghiệm thật nhanh hương vị Thánh giá, tức là cái giá phải trả cho sự thánh thiện. Chị phải chấp nhận những buồn phiền lo âu về gia cảnh cha già neo đơn ( chị nhớ nhà); chịu đựng trước ánh nhìn của người khác về cái tuổi trẻ con của chị, chị còn phải vật lộn với chính bản thân khi phải trút bỏ tất cả để thích ứng được với cuộc sống chung trong cộng đoàn…“Đau khổ dang tay đón tôi và tôi đã gieo mình vào khổ đau với lòng yêu mến.”Thánh giá thường xuyên hơn cả trong suốt chín năm tu trì của chị thánh là những nỗi đau âm ỉ trong tâm hồn, chị thấy mình bất toàn kiểu Phêrô “Tinh thần thì mau lẹ nhưng xác thịt lại yếu đuối,” như thấy mình bị bỏ rơi không niềm an ủi kiểu “con tim vô tình,” như thấy mình bị mỏi mệt nản lòng kiểu “hai môn đệ trên đường Emmaus.” cũng khởi đi từ những Thánh giá trong lòng vốn nhiều thao thức ấy, thánh nữ khám phá ra tâm tình tin yêu phó thác làm thành ý tưởng chủ đạo giúp chị nên thánh, đó là “ muốn những gì Chúa muốn”, “Giữa lòng Giáo hội con sẽ là Tình yêu”.
Trong chúng ta ai cũng có thể gặp đau khổ cách này cách khác, nếu biết đón nhận đau khổ theo phong cách Têrêsa bằng niềm đam mê dâng hiến tất cả để nguyện cầu cho việc truyền giáo, cho một bệnh nhân, một linh mục hoặc cho một mục đích cao thượng thì quả đã nhận lấy Thánh giá một cách hiệu quả nhất. Đó là đường Thánh giá của hy sinh - là đường Thánh giá của hy vọng.
Theo linh đạo của Hội dòng chúng ta, phong cách nên thánh của người nữ tu Mến Thánh Giá là làm sao cho mỗi người đạt đến sự hiểu biết, yêu mến và dấn thân trọn vẹn cho Đức Kitô để Người mượn thân xác tiếp tục hy sinh cứu độ thế gian, say mến Chúa bằng sự kết hiệp liên lỉ với Người trong lời kinh chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống.
Con đường nên thánh của các thánh không hoàn toàn bằng phẳng, cuộc đời các ngài đều có một quá khứ không mấy đẹp như thánh Catarina Siêna,Thánh Augustinô và cũng có thể là tên trộm cướp như tên trộm lành cùng được đóng đinh với Chúa, gần gũi chúng ta hơn cả là các bậc tiền nhân : ông bà tổ tiên, Đấng sáng lập dòng, các nữ tu Mến thánh giá tiên khởi …chính các ngài đã để cho tình yêu Đức Kitô chi phối toàn bộ cuộc sống và dám lắng nghe tiếng Chúa, quyết tâm sống cho Chúa, vì Chúa trong sự trung thành trong mọi hoàn cảnh.
Chúa đang mời gọi chị em chúng ta nên thánh với con người và hoàn cảnh riêng của mỗi người, cùng những sa ngã trong quá khứ, mỏng giòn của hiện tại và thập giá là chính con người của tôi hôm nay,
Tôi đã chuẩn bị và xây dựng hạnh phúc thật của đời mình trên nền tảng nào? Niềm đam mê của tôi là gì ? Có phải là tình yêu dành cho Đức Kitô không ? tôi có dám muốn điều Chúa muốn?
Lạy Chúa, con đường hạnh phúc thật sự Chúa muốn mời gọi chúng con là nên thánh. Cơ hội nên thánh luôn ở trong tầm tay của chúng con trong việc chu toàn bổn phận của mình với thái độ vui tươi, tin tưởng và phó thác nơi tình yêu thương của Chúa. Không cần tìm đâu xa bởi ơn thánh Chúa đang tràn ngập trong những biến cố vui buồn, thành công thất bại, trong những hiểu lầm, chỉ trích, trong cả những đau khổ chúng con đang chịu vì sức khỏe thể lý, vì áp lực công việc, khó khăn trong công tác, yếu đuối của bản thân, những rạn nứt trong tương quan hiệp thông nơi đời sống cộng đoàn.
Cơ hội nên thánh trong những khổ chế hy sinh nho nhỏ như: xếp lại một cái ghế, cái bàn không ngay ngắn, để lại đúng vị trí một cái tô, ly, chén mà mình lấy sử dụng; bỏ chút ít thời gian để dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ những khu vực sinh hoạt chung; khổ chế sử dụng những vật dụng cá nhân được trao và chia sẻ mà mình không thích.
Cơ hội nên thánh trong việc hãm dẹp lời nói đôi co, la lối om sòm vì những bất đồng ý kiến với chị em. Cơ hội nên thánh trong việc biết sử dụng thời gian Chúa ban trong việc mưu ích cho đời sống thiêng liêng, nhân bản, tri thức và tông đồ…Cơ hội nên thánh trong việc yêu thương, phục vụ, tha thứ cho anh em trong những liên hệ hằng ngày.
Cơ hội nên thánh là sử dụng các phương tiện truyền thông sao hữu ích nhất cho đời sống thiêng liêng cũng như việc trao dồi thêm kiến thức liên quan đến công tác Tông đồ mình đang thi hành.“Thánh thiện và tội lỗi, lắm lúc chỉ do thắng bại của một phút hy sinh”( ĐHV. 172),
Nên thánh không phải là cố gắng tìm kiếm và làm những công việc lớn lao, phi thường nhưng là khiêm tốn chu toàn bổn phận hằng ngày một cách tốt đẹp với lòng yêu mến Chúa thật sự.
Thế nhưng, cuộc sống thực tế của mỗi chúng con lại phản chứng với những gì chúng con nói và giảng dạy, muốn hy sinh từ bỏ để theo Chúa nhưng vẫn còn cố níu kéo danh vọng, địa vị, ảnh hưởng cá nhân. Muốn dấn thân phục vụ người nghèo, người đau khổ, bệnh tật …nhưng khi đụng chạm thực tế thì sợ mất thời gian, sợ ảnh hưởng sức khỏe, …Muốn thăng tiến trong đời sống thiêng liêng nhưng ngại nỗ lực tập luyện đời sống nhân bản, tu đức, nhân đức. Con người yếu hèn của chúng con là như thế! Chúng con hiểu rõ hành trình theo Chúa là cuộc lội ngược dòng để khỏi bị nhấn chìm trong lối sống theo thói đời, lối sống thế gian nhưng sao lối sống theo thế gian vẫn dễ dàng và hấp dẫn; chúng con chưa đủ ý chí và ít cố gắng để tập luyện cho mình sức mạnh của nội lực để vượt qua cơn lốc của chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ, có khi phớt lờ những lời cảnh tỉnh, làm lơ trước tiếng lương tâm, lời nhắc bảo để rồi bình an sống trong cái vỏ giả tạo.
Lạy Chúa, các Thánh đang hưởng cuộc sống hoan lạc trên trời vì đã đi trọn con đường hẹp của Tám mối Phúc, xin cho chúng con ơn biết phân định và chọn lựa đúng đắn để luôn sống phù hợp với con đường Chúa muốn chúng con đi hôm nay để mai ngày chúng con cũng được sống bên Chúa và các Thánh trong cõi phúc đời đời.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, tám mối phúc thật mà Chúa đã truyền dạy thật ngược đời, thật khó chấp nhận, bởi loài người vẫn thường nghĩ rằng, để được hạnh phúc, phải thành đạt về nhiều mặt trong cuộc sống: tiền bạc, bằng cấp, việc làm ổn định, thu nhập cao…nhà lầu xe hơi, đạt đến đỉnh cao của danh vọng và được hưởng lạc thú. Đã có lúc chính con cũng cảm thấy tám mối phúc là điều tiêu cực trong một xã hội khoa học phát triển, cuộc sống con người cần phải đạt đến mức tối đa để được sử dụng các phương tiện hiện đại cho nhu cầu sống. Người ta còn đua nhau giải quyết thế nào để xóa đói giảm nghèo trong khi Chúa lại khuyến khích sống nghèo, sống hy sinh, từ bỏ…
Nhưng,
Lạy Chúa, Lời Chúa cho con hiểu rằng: kẻ nghèo là kẻ tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự. Người nghèo của Chúa là người không cậy dựa vào của cải trần gian, không cậy dựa vào sự gì ngoài một mình Chúa. Trong mọi hoạt động, suy nghĩ cả tính toán làm ăn sinh sống cũng được chi phối bởi lòng yêu Chúa, cho vinh danh Chúa. Lạy Chúa, xin cho con hiểu được chân lý cao siêu đó, và cho con cảm nghiệm được cái phúc của kẻ không có gì, không dính bén với bất cứ sự gì ở đời, để được chính Chúa là sự giàu sang đích thực. Xin lấy ra khỏi trái tim con những ham muốn vật chất, những thu vén ích kỷ nhỏ nhen, những hận thù ghen ghét vụn vặt và lấp đầy trong con một tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường, nghèo khó, lòng bác ái vị tha và một tình yêu chân thật.
Lạy Chúa, Chúa chính là gia nghiệp và là hạnh phúc của con – con xin thuộc về Ngài Amen.