Suy niệm chủ đề - Tuần III Mùa vọng 2021

Chủ nhật - 05/12/2021 20:13 876 0
 

 
 

SUY NIỆM CHỦ ĐỀ - TUẦN III MÙA VỌNG 2021

                           "Chúng tôi phải làm gì đây? " (Lc 3,10-18)



Lời nguyện mở đầu :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Vì yêu thương, Chúa đã Nhập Thể làm người để cứu độ chúng con; thế nhưng, nhiều lúc chúng con chưa ý thức được hồng ân cao cả đó, xin cho từng người trong gia đình nhân loại và trong Hội dòng chúng con quyết tâm đổi mới từng ngày theo lời mời gọi của thánh Gioan, để bớt bất xứng trước tình yêu cao vời của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, thánh Gioan được tuyển chọn để dọn đường cho Chúa và ngài xuất hiện với lối sống khắc khổ, khiêm nhường. Khi nghe Thánh Gioan rao giảng kêu gọi sám hối, dọn con đường tâm hồn, thì đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối; nhiều người muốn phục thiện, sẵn sàng muốn thay đổi cuộc đời nên đã đến hỏi thánh nhân: “ Chúng tôi phải làm gì?” câu hỏi từ đám đông thuộc đủ mọi lứa tuổi, địa vị trong xã hội, câu hỏi liên quan đến đạo lý, cách đối nhân xử thế trong xã hội… Một thái độ hoán cải thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm. Trước tấm lòng chân thành của họ. Thánh Gioan đã đưa ra cho họ hướng dẫn cụ thể và thích hợp tuỳ theo hoàn cảnh và địa vị của mỗi người. Sự hoán cải đích thực khởi đi từ việc “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy, đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, hãy sống công bình bác ái ”.

Lạy Chúa, lời mời gọi của Thánh Gioan đối với những người đương thời cũng là lời mời gọi dành cho từng người chúng con trong bối cảnh xã hội hôm nay. Biết bao người, bao gia đình, cộng đoàn đang gặp khó khăn thử thách về vật chất cũng như về tinh thần giữa đại dịch covid, họ đang mong chờ một sự an ủi, động viên, sẻ chia từ mọi thành phần trong gia đình nhân loại. Xin cho chúng con biết thay đổi đời sống bằng cách thực thi Lời Chúa nhằm trở nên một cộng đoàn chứng nhân, đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người.

SUY NIỆM :

Khi nghe Gioan Tẩy Giả rao giảng, từng đoàn người kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối, họ muốn thay đổi đời sống nên hỏi thánh nhân: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thái độ của họ thành khẩn, đơn sơ và đầy quyết tâm….Trước tấm lòng chân thành của họ. Thánh Gioan đã đưa ra cho họ hướng dẫn cụ thể và thích hợp tuỳ theo hoàn cảnh, địa vị, điều kiện sống của mỗi người. Sự hoán cải đích thực khởi đi từ việc chia sẻ, chu toàn bổn phận hằng ngày và tôn trọng người khác... và

Phải làm những việc cụ thể : đó là sống công bình bác ái .

Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”, “ lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”. Chia sẻ trong tinh thần yêu người khác như chính mình. Cơm ăn áo mặc là những gì thiết thực và trong tầm tay mọi người. Ai cũng có thể làm được, chỉ cần lòng mình muốn là có thể làm được tất cả. Công bình cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Chỉ đơn sơ giữ đúng luật pháp: nhân viên thu thuế “Không đòi hỏi quá mức ấn định”, là ông chủ - bà chủ phải trả lương cân xứng cho nhân viên, người làm công cho mình; không bóc lột sức lao động, không lạm dụng chức quyền để chèn ép, lợi dụng họ khó khăn thiếu thốn để tiếp tục trục lợi...Thực thi công bằng, bái ái là hành vi đơn sơ, thiết thực nhưng rất quan trọng để được ơn cứu độ. Bác ái là tiêu chuẩn, là thước đo Thiên Chúa sẽ dùng để phán xét con người là loài có lý trí và tự do bao lâu còn sống trên đời này. Thánh Phaolô đã nhắc các tín hữu Côrintô điều này từ thời xa xưa: “ Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, Cả ba đều tồn tại,Nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”. ( 1 Cor 13: 13)

Gioan Tẩy Giả kêu gọi thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, với những người sống chung quanh, ngài không bảo mọi người phải ra khỏi môi trường cũ, bỏ nghề nghiệp… ngài chỉ kêu mời người ta từ bỏ nếp sống cũ, tinh thần cũ. Người làm nghề thu thuế cứ thu thuế, người kinh doanh hãy lo kinh doanh, người làm chủ công sở hãy hết lòng cho sự phát triển, binh lính hãy phục vụ trong khiêm tốn, can đảm….ai nấy vẫn cứ làm nghề của mình nhưng thực thi bằng tinh thần mới là công bằng, bách ái và điều quan trọng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới phong cách làm việc,

“Chúng tôi phải làm gì đây?”  là lời chất vấn đối với mỗi người trong chúng ta trong thời gian này, mỗi người một hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau trong cuộc đời và trong Hội dòng, chúng ta cũng có thể hỏi mình trong thời gian ân phúc vừa qua, đã sống thế nào để tri ân Chúa, cám ơn tiền nhân và sống công bình bác ái với nhau nơi cộng đoàn, nơi môi trường mình đang thi hành sứ mạng ? Chúng ta đã sống thế nào để người trẻ mà chúng ta có bổn phận chăm sóc, giáo dục, phục vụ, người trẻ đang sống chung với mình tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và khát khao dấn thân trong hy vọng, tin yêu và hạnh phúc vì cảm nhận được tình thương yêu, học được gương cầu nguyện và tinh thần thuộc về Chúa trong đời sống chúng ta ?


Chúng ta thường bất bình với thế giới, với người chung quanh về lãnh vực công bình bác ái, chúng ta mong ước đổi mới thế giới, mong ước đổi mới cộng đoàn, ước mong thay đổi người này kẻ nọ...“Người người đều muốn thay đổi thế giới, nhưng ai cũng không muốn thay đổi chính mình” (Lev Tolstoi). Hãy nghe lời Thánh Gioan Tẩy Giả, đừng đòi hỏi người khác đổi mới nếu chính mình không đổi mới. Hãy đổi mới chính mình trước, rồi mọi người sẽ đổi mới. Khi mọi người đổi mới, thế giới sẽ đổi mới. Hãy bắt đầu sống tốt. Rồi mọi sự và mọi người quanh ta sẽ trở nên tốt. Sống tốt chính là bắt đầu thay đổi thế giới. Sống tốt chính là góp phần vào công trình cứu chuộc của Đức Giêsu.

Chúng ta có nhiều cách giới thiệu Chúa cho người khác, tùy theo sáng kiến mà Chúa soi sáng cho mỗi người. Cách giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống gương mẫu, đời sống hiền lành, khiêm nhường, bác ái, vị tha của chúng ta. Thực tế đã chứng minh - nhiều người tin Chúa vì thấy đời sống gương mẫu, bác ái của các linh mục, tiếp xúc - làm việc chung với các tu sĩ hiền lành, khiêm nhường,  các tín hữu quảng đại, yêu thương nhau... Chính nếp sống đạo đức, thánh thiện, ngay thẳng, chân thành của chúng ta sẽ trở nên tiếng vang, trở nên gương phản chiếu tình yêu, lòng thương xót của Chúa trước mặt mọi người. Một đời sống lành thánh, khiêm nhường, bác ái có sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn trăm ngàn bài giảng hùng hồn, bởi “Trăm nghe không bằng một thấy”.

Lời nguyện kết :

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Khi cam kết sống lời khấn dòng theo linh đạo Mến Thánh Giá, và đời sống chung nơi cộng đoàn là con để cho mình hoàn toàn thuộc về Chúa, khi chúng con tuyên xưng sẽ tận tình phó thác đời sống con cho Hội dòng này cho đến chết là con công khai gắn kết đời con cho Chúa qua mọi biến cố thăng trầm của Hội dòng; con có bổn phận góp phần mình cho sự thánh thiện và phát triển về thể chất của Hội dòng…Thế nhưng, nhiều lúc con chỉ biết phàn nàn, than thở, đứng ngoài cuộc trong các sự kiện lớn nhỏ để chê bai, chỉ trích; chưa dốc tâm, dốc sức, đóng góp khả năng làm cho đời sống cá nhân và cộng đoàn được thăng tiến.

Lạy Chúa, chỉ khi chúng con sống trọn vẹn cho Chúa với lòng sám hối thực sự, biết nhìn rõ mình và người khác… cùng khiêm tốn cộng tác với nhau trong mọi lãnh vực chúng con mới có khả năng canh tân đời sống và khi thực sự cảm nhận ơn gọi thánh hiến là hồng ân quý giá đến từ Thiên Chúa và sự cưu mang của Hội dòng, của tình liên đới với nhau trong cộng đoàn mới mong mình có khả năng làm chứng cho giới trẻ hôm nay về sự hiện diện và quyền năng cứu độ của Chúa.

Lạy Chúa, xin biến đổi con và giúp chúng con thực thi Lời Chúa mỗi ngày. Amen

Thực hành :
Không càm ràm, phàn nàn khi gặp trái ý. Hy sinh làm 3 việc âm thầm và sẵn sàng với việc chung với ý thức làm gương sáng cho người trẻ.



 

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây