Cùng với Đức Kitô vác thánh giá đời mình

Thứ ba - 18/01/2022 04:11 418 0
 


CÙNG VỚI  ĐỨC KITÔ VÁC THÁNH GIÁ ĐỜI MÌNH

Lời nguyện mở đầu :

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, chúng con xin tôn thờ Chúa nơi đây mà trong mọi nhà thờ trên khắp thế giới, con xin chúc tụng ngợi khen và yêu mến Chúa vì Chúa đã dùng Thánh giá mà cứu độ trần gian.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa thấu hiểu nhân loại đang bước đi trong đau khổ buồn phiền vì những bất an con người gây ra cho nhau. Chúa biết rõ thập giá mà các gia đình trẻ đang phải mang vác vì những bất đồng, thiếu chia sẻ, cảm thông cho nhau làm cho gia đình không còn là mái ấm yêu thương, các trẻ em phải sống trong sợ hãi buồn phiền vì cha mẹ thường xuyên cãi vã, các em không được hưởng một nền giáo dục lành mạnh, nhiều trẻ vị thành niên phải bỏ học để đi làm kiếm sống… Và biết bao người đang phải mang lấy những khổ đau bất hạnh vì những hình thức khác nhau mà chỉ mình Chúa mới biết các khó khăn đó phải giải quyết cách nào, cách nào để thoát khỏi phiền muộn và đau khổ.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng tốt lành thánh thiện vô cùng, xin giúp chúng con và mọi người biết vác thánh giá của mình như Chúa đã vác thánh giá của Chúa. Xin giúp chúng con ngày càng trở nên thánh hiện hơn nhờ biết đón nhận thập giá trong tin yêu và bước đi với Chúa trong sự tín thác. Xin Chúa cho chúng con cảm nghiệm rằng: Thiên Chúa chẳng đòi hỏi chúng con điều gì mà chính Ngài trước đó đã không ban cho chúng con “Chúng ta yêu vì Ngài đã yêu chúng ta trước” (1Ga 4,19).

Suy Niệm:

Sứ điệp Mùa Chay 2015, Đức Thánh Cha Fancis cảnh báo về lối sống đang diễn ra trong xã hội và thế giới hôm nay. Đó là lối sống dửng dưng vô cảm, thiếu quan tâm đến người khác. Ngài nhắc lại câu chuyện Cain và Abel trong Cựu Ước. Cain vì ghen tỵ, nghĩ là Thiên Chúa thương Abel hơn mình, nên đã tìm cách thủ tiêu Abel. Sau khi gây ra điều ác, Cain lẩn trốn Thiên Chúa, nhưng ánh mắt của Thiên Chúa vẫn dõi theo anh. Chúa hỏi anh : Cain ơi ! Em ngươi đâu ? Cain đã trả lời hết sức nhẫn tâm : Tôi không biết ! Tôi không phải là người canh giữ em tôi !

Dửng dưng, vô cảm đã ăn sâu vào tâm khảm của con người từ thời nguyên thủy là thế!

Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá cho ta thấy tình yêu hy sinh đến cùng của Thiên Chúa qua người Con Một yêu dấu của Ngài. Vì yêu con người, muốn con người hạnh phúc, Chúa Giêsu đã chấp nhận cuộc hành hình đau đớn và cuối cùng là cái chết nhục nhã trên thánh giá.

Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá càng cho chúng ta thấy sự
dửng dưng, vô cảm của con người, của xã hội trước bản án bất công mà giới lãnh đạo đã cố tình áp đặt trên con người công chính.

Thật vậy, khi chấp nhận mang lấy những khổ đau và nhục nhã của cái chết nơi thập giá, Đức Giêsu đã trở nên như hạt lúa phải mục nát đi để, từ đó, sự sống mới phát sinh, như Thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Điều này có nghĩa là : Đức Giêsu Kitô, khi tự hạ làm nô lệ, khi tự để mình bị trói buộc trong cuộc khổ nạn và từ bỏ chính mạng sống của mình, chính lúc ấy, Ngài đã thể hiện một tình yêu vẹn toàn, yêu cho đến tận cùng là cái chết. Nhờ cái chết của Đức Kitô sự sống đời đời bắt đầu xuất hiện cho chúng ta. Đó chính là con đường nối kết giữa sự chết và sự sống: chấp nhận khổ đau và chết vì yêu thương sẽ mở ra con đường dẫn đến sự sống muôn đời.
         
Sự dửng dưng, vô cảm trước hết đến từ các môn đệ. Các ông là những người gần Chúa Giêsu nhất, đáng lẽ các ông phải là người hiểu và cảm thông với Chúa hơn mọi người. Thực tế thì ngược lại, các ông chỉ quan tâm đến bản thân, mà không hề đồng cảm với Chúa Giêsu khi Ngài phải đối diện với cuộc thương khó.Trong lúc Chúa đau khổ đến nỗi có thể chết được, thì các ông vẫn còn say trong giấc ngủ, mắt các ông còn nhắm lại. Khi Giuda dẫn người Do Thái đến bắt Chúa, Chúa Giêsu hết sức bênh vực cho các tông đồ, Ngài còn đề nghị với chúng : Các anh bắt tôi thì cứ bắt, nhưng hãy để cho những người này đi. Các tông đồ giật mình thức giấc trước hành động bắt Chúa của bọn lính Do Thái, các ông phản ứng một cách yếu ớt…cuối cùng tất cả đều bỏ trốn, mặc cho Chúa Giêsu bị quân dữ bắt trói và lôi đi.

Sự vô tâm của Giuda đã dẫn đến sự nhẫn tâm, tàn ác khi anh vì 30 đồng bạc, đã chấp nhận làm môi giới để quân lính bắt Thầy mình, đẩy Thầy vào con đường chết. Biết trước Thầy sẽ bị bắt, nhưng anh vẫn thản nhiên bước đến chào và hôn Thầy. Một sự giả dối không thể ngờ được, cái hôn không biểu lộ tình yêu thương thân thiện nồng ấm, nhưng đã trở thành dấu chỉ của sự phản bội. Nụ hôn của Giuda lúc này càng làm cho Chúa Giêsu tổn thương hơn, tâm hồn tan nát khi bị phản bội bởi chính người học trò yêu quý.

Sự phản bội của Giuđa đã gây đau khổ cho Chúa Giêsu, các tông đồ khác cũng không khá hơn. Các ông trước đây có người từng thề sống thề chết với Thầy “ Thưa Thầy,bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”(Ga 6, 68). “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng.”( Lc 22,33). Vậy mà giờ đây, chỉ một chút sợ hãi, các ông đã bỏ trốn hết. Simon Phêrô là người được Chúa tin tưởng đặt làm đầu trong anh em, ông chỉ dám đi theo Chúa xa xa vì sợ liên lụy. Khi thử thách đến, Phêrô đã không ngại ngần từ chối mối liên hệ của mình với Thầy Giêsu, Đấng đã yêu thương ông.“Tôi thề là không biết người ấy.”

Đau khổ khác mà Chúa Giêsu phải chịu, đó là sự vô ơn và vô cảm của đám đông. Giữa những người la hét đòi đóng đinh Chúa, không thiếu những kẻ mới mấy ngày trước hoan hô, vỗ tay reo mừng khi Chúa vào thành Giêrusalem, tung hô Ngài là con vua Đavít…trước dinh Philatô, họ đã trở mặt và tuyên bố : Chúng tôi không có một vua nào khác ngoài Cesare.
 
Trong lúc chịu đau khổ cùng cực trong tâm hồn và thể xác, chúng ta nhận thấy lòng thương xót của Chúa Giêsu vẫn tuôn trào qua hành động đón nhận tất cả những cực hình qua ánh mắt yêu thương, tha thứ của Chúa. Trong lúc quân dữ đang hùng hổ tìm bắt, Chúa Giêsu hết sức ôn tồn, bình tĩnh bước ra gặp chúng và hỏi : Các anh tìm ai ? Nó đáp : Tìm Giêsu Nazareth. Ngài đáp : Chính tôi đây. Một lời nói với đầy sức mạnh và uy quyền đã khiến chúng bật ngã ra đàng sau.

Chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá trong vai trò của người Nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta để Chúa Giêsu nhìn mỗi người với cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ. Trong thinh lặng, Chúa nói với tôi: “Ta tha thứ mọi tội lỗi cho con”.

Chiêm ngắm Chúa trên thập giá càng làm cho ta cảm nghiệm hạnh phúc vì biết mình được yêu thương. Trên thánh giá Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy tha thứ cho kẻ thù. Người làm gương cho chúng ta khi xin Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ mình, những kẻ gây bao tổn thương cho mình.

Biết bao lần tôi khẳng định vị thế của mình trong cộng đoàn và trong sứ vụ phục vụ, nơi môi trường hoạt động. Sự cố chấp làm tôi mù quáng, không nhìn ra đâu lẽ phải, không nhận ra sự thánh thiện cần phải vương tới; vì cố chấp nên không nhận chính mình, không nhận ra những yếu kém, tầm thường của mình. Chúa Giêsu đã tha thứ cho kẻ phản bội trong lúc trái tim Người rướm máu. Điều đó dạy chúng ta bài học thấm thía về sự tha thứ; để có thể tha thứ, phải chấp nhận hy sinh; cần quên mình, tự hạ và tự hủy nhiều hơn nữa. Khi tha thứ, tôi phải chịu tiếng là hèn nhát, chấp nhận bị tổn thương…chúng ta đã có chút trãi nghiệm về điều này trong cuộc sống chung. Trong khi nỗ lực tập luyện để đạt đến hoàn thiện trong đời thánh hiến : khi tôi tha thứ, tôi tìm được sự an bình thanh thản trong tâm hồn.

Nhìn lên thập giá, chúng ta được mời gọi hãy chết đi cho tội lỗi, và sống lại trong ân sủng ; hãy vượt qua mọi dục vọng đam mê và điều khiển lý trí của mình theo như ý Chúa, như Thánh Phaolô đã nêu gương cho chúng ta : “Tôi chịu đóng đinh vào thập giá với Chúa Kitô, nên tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Lúc gặp đau khổ, buồn phiền, trái ý, bệnh tật, bị vu khống hay bị tổn thương chúng ta thường có thái độ nào?

Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên Thánh Giá, suy niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Người, chúng ta hãy cầu nguyện theo cách của Thánh nữ Bernadette: “Con không xin thoát khỏi khổ đau, nhưng xin Ngài đừng bỏ mặc con trong lúc khổ đau”.
 
Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến,
Khi vượt thắng chính mình, gạt bỏ được sự ghen ghét, hờn giận con cảm thấy mình rất đáng yêu, trong lòng tràn niềm vui và dào dạt hạnh phúc, giống như con vừa nhận được một món quà đặc biệt. Lòng thương xót và tha thứ càng thể hiện rõ trong đời sống chung nơi cộng đoàn: khi mọi người biết sống hết mình ích chung, vì nhau, hy sinh góp phần mình làm cho đời sống chung trở nên nhẹ nhàng thanh thoát. Hy sinh tự hủy, quan tâm, yêu thương trong đời sống chung là lúc chúng con góp phần mình làm cho lòng thương xót của Chúa được thực hiện.

Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, cuộc sống này sẽ tốt đẹp, hạnh phúc và bình an biết bao khi mỗi người cảm nghiệm được sự tha thứ và thương xót cần thiết như thế nào trong cuộc sống, để làm cho thế giới này có một cuộc sống tươi đẹp như mọi người hằng ước mong. Xin cho chúng con và mọi người trên thế giới biết nhìn ngắm Thánh Giá để chiêm ngưỡng và cảm nghiệm tình yêu cao cả của Chúa, Đấng thương xót và tha thứ đến tận cùng, để rồi con người cũng biết bày tỏ lòng xót thương và tha thứ cho nhau và cho anh chị em chung quanh. Lạy Chúa, con không xin thoát khỏi khổ đau, nhưng xin Ngài đừng bỏ mặc con trong lúc khổ đau. Amen 


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây