"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo"

Thứ hai - 14/02/2022 18:27 4.380 0
 
 

"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo"

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa là Cha nhân lành, chúng con cám ơn Chúa đã dành cho chúng con muôn ơn lành trong cuộc sống. Cám ơn Chúa đã ban chính con một là Đức Giêsu để Người mang vác mọi tội lỗi và bệnh hoạn tật nguyền của nhân loại nơi cuộc thương khó của Người.

Lạy Chúa Giêsu, Cuộc thương khó và cái chết tủi nhục trên thánh giá của Chúa đã hoàn tất nhưng Chúa vẫn đang tiếp tục mang lấy tội lỗi của cả nhân loại, và của chúng con qua việc hiến tế trong tiệc Thánh Thể. Chúng con thường phàn nàn, than trách sao Chúa trao cho chúng con thánh giá quá nặng, khiến chúng con nhiều lần ngã quỵ, thoái lui. Xin Chúa giúp chúng con khi chiêm ngắm Chúa trên thánh giá được tăng thêm sức mạnh của niềm tin và tình yêu mến để không bao giờ bỏ cuộc; dù ngã nhiều lần, nhưng chúng con vẫn tin rằng Chúa sẽ giúp mỗi người đứng dậy và tiếp tục bước đi trong mỗi hoàn cảnh cuộc đời. Được như thế, chúng con biến những trắc trở của phận người thành cơ hội chung chia thập giá với Chúa mọi ngày trong hành trình đời sống của chúng con.

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến và ở lại với chúng con trong giờ nguyện gẫm này.

Suy niệm:

Thập giá tự nó là điều khó chấp nhận nếu không muốn nói là ai trong phận người cũng không muốn nhắc tới hoặc tìm mọi cách để tránh né bao nhiêu có thể. Dù người trí thức hay bần nông, người sống đời tu hay đời thường đều muốn nói không với thập giá. Bản tính con người ta là vậy, nhưng "vác thập giá mình " là điều kiện tất yếu để bước theo Chúa Giêsu và thuộc về Người.

Thập giá gắn liền với cuộc đời mỗi người. Đó là giới hạn bản thân, những đau bệnh phần xác hay tinh thần, những tương quan trong đời sống gia đình, xã hội, nơi cộng đoàn bị trục trặc; hoặc thất bại trong việc làm ăn sinh sống, bị thua thiệt trong các lãnh vực xã hội…cả những hoài bão và ước mơ không được toại nguyện người ta cũng cảm thấy đó là đau khổ … tất cả những gì xem ra không vừa ý con người cho đó là những thập giá? Nhưng những không vừa ý trong đời đó lại là sự thật không thể thiếu của kiếp nhân sinh . Đức Phật đã từng nói: “Biển có thể cạn, núi có thể sụp đổ, quả đất có thể băng hoại nhưng khổ đau không bao giờ chấm dứt đối với người còn vô minh và ái dục”. Chỉ khi nào con người thoát khỏi “ tham sân si” và khi nhìn nhận thập giá cuộc đời như bạn đồng hành, biết đón nhận và ấp yêu như là thánh giá Chúa Kitô, tìm cách thăng hoa để biến nghịch cảnh cuộc đời thành cơ hội rèn luyện bản thân, thánh hóa cuộc sống lúc đó chúng ta mới đủ khả năng và sức mạnh để dễ dàng vượt qua và mới có khả năng đón nhận trong niềm tin vì được vinh dự tham gia vào con đường tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.

 

Cả cuộc đời con người gắn liền với đau khổ, sự khổ của con người trong cuộc sống không có từ ngữ nào có thể diễn tả mặc dù có khi nó được cụ thể rất ngắn gọn và súc tích trong dân gian: “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”. Chúng ta không dừng lại ở đó: thập giá của đời mình cần đón nhận như là thánh giá Chúa. Cuộc đời mỗi người đều có nhiều thập giá và chúng ta cần tìm cách vượt qua, nghĩa là vác lấy thập giá cuộc đời và thánh hóa chúng theo như ý Chúa muốn.

 

Có thể nói cơn cám dỗ thường xuyên đối với chúng ta là tìm kiếm một Đức Giêsu không thập giá, muốn một thứ “Kitô Giáo” dễ dãi và hợp thời hơn, ước mong đi theo Chúa Giêsu không vác thánh giá. Kinh nghiệm này không phải của chúng ta nhưng từ rất nhiều thế kỷ trước đây đã được Thomas Kempis tổng hợp và ghi lại trong sách Gương Chúa Giêsu như sau: “ Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác thánh giá với Người. Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người. Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người. Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người. Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ muốn uống chén đắng với Người.  Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người".


Chúa Giêsu luôn mời gọi những ai muốn theo Ngài, những ai muốn làm môn đệ chân chính của Người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mc 8, 34) và "Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy" (Mt 10, 38).


Sống đời Kitô hữu đích thực là bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá, chấp nhận đau khổ vì Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Không ai được phép từ chối thập giá vì đây là căn tính của Kitô hữu, là yếu tố nền tảng, là khả năng hạ mình để chấp nhận trở nên ngu dại trước mặt người đời vì ơn cứu độ của mình và nhân loại. Thập giá mà mỗi chúng ta phải vác mỗi ngày chính là bổn phận phải chu toàn, là từ bỏ những thứ không cần thiết trên hành trình đức tin là từ bỏ ý riêng, là chọn lựa lối sống của Tin Mừng để sống vai trò chứng nhân của người môn đệ và phục vụ mọi người trong yêu thương.  

Đối với chúng ta những người nữ tu mến thánh giá hãy theo gương vị tông đồ dân ngoại yêu mến Đức Giêsu Kitô và sẵn sàng hiến thân cho Ngài đến nỗi xác tín: “Tôi mang trong thân mình tôi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10). “Tôi thông phần vào sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Người, để làm sao đạt tới ơn Phục Sinh từ cõi chết” (Pl 3,10-11).

Như thế, khi chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá, ta nhận ra Chúa Giêsu đang nhìn tôi với cái nhìn đầy yêu thương. Trong thinh lặng, Chúa nói với tôi: “Ta tha thứ mọi tội lỗi cho con”. Chiêm ngắm Chúa trên thập giá đem lại cho tôi hạnh phúc vì thấy mình được yêu thương. Chiêm ngắm Chúa trên thập giá đức tin của mỗi người được củng cố, lòng yêu mến của mình sẽ được gia tăng để rồi dù tôi, chị, em và bất cứ ai, theo Chúa bao lâu, ở bậc sống nào hay thi hành sứ mạng trong môi trường nào chúng ta sẽ đón nhận thập giá trong niềm tin yêu hy vọng.

Ngắm nhìn thập giá Đức Kitô chúng ta còn được mời gọi hãy chết đi cho tội lỗi, và sống lại trong ân sủng ; hãy vượt qua mọi dục vọng đam mê và điều khiển lý trí của mình theo như ý Chúa mà Thánh Phaolô đã nêu gương cho chúng ta : “Tôi chịu đóng đinh vào thập giá với Chúa Kitô, nên tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Bao lâu chúng ta chưa khám phá giá trị của những đau khổ thử thách và bao lâu chúng ta chưa có kinh nghiệm hay sức mạnh của ơn thánh để vượt qua đau khổ, thử thách thì chúng ta chưa vui lòng đón nhận tất cả những gì mình gặp phải và như vậy không thể vác thập giá đời mình để đi theo Chúa một cách đúng nghĩa được.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đón nhận mọi khổ đau của kiếp người và mang nó trên đường lên núi sọ và thánh hóa tất cả nơi cái chết của Người. Trên thánh giá Chúa mang cho thập giá một ý nghĩa mới và cho đến hôm nay Chúa vẫn đang mang lấy Thập giá đời chúng con, xin cho chúng con vui lòng vác thập giá đời mình theo Chúa mỗi ngày.  

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn bên cạnh Chúa Giêsu trên hành trình dương thế, hôm nay Mẹ vẫn ở bên chúng con trong hành trình của mỗi người như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng. Chúng con phó thác nơi Mẹ:  những người đau bệnh; những người bị bỏ rơi, nhưng người nghèo, những người đang thất vọng vì cuộc sống quá nhiều khó khăn cho lòng thương xót của Đức Giêsu. Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu và can đảm như người nữ tỳ khiêm tốn. Mẹ hiểu chúng con, Mẹ biết chúng con cần gì và chắc chắn Mẹ sẽ ban cho những ơn chúng con cần để làm vinh danh Chúa. Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha và làm điều mà Chúa Giêsu dạy để sẵn sàng cùng với Người mang lấy trên thân mình nỗi đau của chúng con và gánh lấy những thương tích của anh chị em chung quanh để qua Thánh giá, nhờ Thánh giá dẫn đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh. Amen


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây