Thập giá – bài học của Tình yêu và Tha thứ

Thứ ba - 08/03/2022 23:52 1.368 0
 

Thập giá – bài học của Tình yêu và Tha thứ

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Ba Ngôi,chúng con cám ơn Chúa đã gìn giữ chúng con đến sáng nay. Chúng con xin tôn thờ yêu mến chúc tụng và ngợi khen Chúa. Chúng con  muốn sống tâm tình chuyển cầu ngay trong phút này. Chúng con xin dâng Chúa mọi người thân yêu của chúng con, những người chúng con có trách nhiệm trong sứ vụ giáo dục đức tin, hướng dẫn trong đời sống nhân bản, những người chúng con chưa yêu mến, những người có lần đã làm tổn thương con cách này cách khác…xin vì tình yêu lớn lao của Chúa, xin Chúa ban muôn phúc lành trên tất cả.

Lay Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng và lòng quảng đại tha thứ vô biên - xin cho các Kitô hữu và từng chị em trong Hội dòng chúng con trái tim thịt mềm để mỗi người biết sẵn sàng phục vụ trong âm thầm giữa một thế giới chỉ biết đề cao quyền lực và lợi nhuận; Xin dạy chúng con biết yêu thương tự hiến, biết cộng tác và đồng trách nhiệm giữa một xã hội đầy phe phái chia rẽ, say mê thống trị và chiếm đoạt, kỳ thị hơn thua…Xin cho chúng con thấm nhuần tình yêu của Chúa khi chiêm ngắm Thập Giá Đức Kitô, Ngài là Đấng công chính, nơi cuộc khổ nạn và thập giá Ngài đã trở nên gương mẫu cho tình yêu và lòng tha thứ vô điều kiện cho những người đã làm tổn thương Ngài. Cuộc đời và cái chết trên thập giá đã chứng minh về lời dạy của Ngài để lại trong Thánh Kinh và nơi Giáo Hội hôm nay

Xin Mẹ Maria, cha Thánh Giuse cùng các thánh giúp chúng con luôn biết nhìn ngắm Đức Kitô trên thập giá cùng học với Ngài bài học yêu thương và tha thứ để biết sống hiệp thông liên đới với nhau cách khiêm nhường, quảng đại, sẵn sàng cho đi hơn là tính toán hơn thiệt.

Lạy Ba Ngôi cực thánh, xin cho chúng con luôn sống trong hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con và trong lòng từng con người cũng như những sự kiện lớn nhỏ trong đời. Amen

Lời Chúa trích Thư thứ 1 Thánh Phao lô Tông đồ gửi tín hữu Corintô.
 
Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp,  Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.

Suy niệm:

Trước những thuyết giáo quá đáng về đấng Giêsu thành Nadaret.  Nói về những người có đức tin, thánh Phao-lô gọi là những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Ngài muốn nói đức tin là một ơn gọi của Thiên Chúa, hay hơn thế nữa là một ân huệ của Chúa. Họ chỉ có thể tuyên xưng điều mà họ cho là một sự thật không thể chối cải được, mặc dù thật kỳ lạ: chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh. Thật vậy đối với người Do-Thái cũng như người Hy-lạp, thập giá vừa là một điều ô nhục vừa là điên rồ. Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.
Để hiểu được sự điên rồ của Đấng chịu đóng đinh chúng ta cùng chiêm ngắm Ngài trên thánh Giá. Cùng hình dung nỗi thống khổ về tinh thần và cả nơi thân xác mà Đức Giêsu Kitô phải ghánh chịu. Chúng ta chứng kiến sự hy sinh lớn lao của Đức Giêsu dành cho nhân loại qua những vết thương nơi thân thể Ngài, nơi những lời tha thứ dành cho lính tráng, quan quyền và cả những ngươi môn đệ yêu dấu.

Chúng ta không thể hình dung, không thể cảm nhận hay diễn tả được tình yêu của Đức Giêsu đã dành cho Chúa Cha và nhân loại cũng như mỗi người chúng ta mà chỉ biết cung kính quỳ gối trước thánh giá để bái thờ, yêu mến, suy tôn. Thiên Chúa có thể cứu chuộc nhân loại bằng nhiều cách, Ngài cũng có thể bày tỏ tình yêu thương nhân loại bằng nhiều cách, nhưng Ngài lại muốn chọn cây thập giá để diễn tả tình yêu và sự tha thứ đến cùng dành cho nhân loại tội lỗi đáng thương.

Tự nó, thập giá chỉ là hai thanh gỗ bắt chéo được dùng đẻ hành hình tội nhân, nó là hình ảnh của sự chết chóc ghê sợ và đau khổ tột cùng. Nhưng từ khi Đức Giêsu đón nhận cây thập giá và ôm lấy nó cho đến khi bị treo trên đó, Ngài đã biến cây thập giá thành cây thánh giá, biến sự thù hận thành yêu thương, biến sự chết chóc thành sự sống. Chúa Giêsu đón nhận cây thập giá vì lòng yêu mến vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha.

Là Ngôi Hai Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã chấp nhận đến thế gian mang lấy thân phận con người, để cứu chuộc nhân loại. Tiên tri Isaia giới thiệu Ngài đã vâng phục hoàn toàn, trở nên như một người tôi tớ, bị người đời nhục mạ khinh dễ, hành hạ : Người chẳng còn dáng vẻ oai phong, mặt mũi tan nát, phải đau khổ triền miên, Ngài đã mang lấy tất cả những đau khổ bệnh tật của chúng ta. (x. Is 42:1-7). Theo cái nhìn của người đời, Đức Giêsu như kẻ bị ruồng bỏ, bị Thiên Chúa nguyền rủa, giáng họa, bị giết, bị chôn vùi, nhưng tiên tri Isaia cho thấy: Ngài chịu tất cả những sự ấy là vì chúng ta đã gây ra lỗi lầm. Vì Người là Tôi Tớ hoàn toàn vâng phục, nên Thiên Chúa sẽ là Đấng Chí Công, sẽ trả lại cho Ngài ánh sáng vinh quang và ban muôn dân nước cho Ngài làm gia sản.

Chúa Giêsu đón nhận tất cả nỗi đau khổ trong tâm hồn, đến đau khổ thể xác chỉ vì yêu thương và tha thứ. Lúc đau khổ, ai cũng mong muốn có những người thân ở kề bên để chia sẻ, an ủi, động viên. Đáng lẽ, các tông đồ là những người đã theo Chúa sẽ phải là những người hiểu Chúa nhất, gắn bó với Chúa và an ủi Chúa nhiều hơn hết trong lúc này. Tuy nhiên các ông ở gần bên Chúa, nhưng lòng các ông xa Chúa, các ông theo Chúa, nghe Chúa nhưng không hiểu tâm trạng của Chúa. Vì thế, chính các ông lại gây ra nỗi khổ tâm cho Chúa nhiều hơn.

Giuđa, có thể vì anh ham tiền,  anh theo Chúa hoàn toàn vì mục tiêu chính trị và vụ lợi, vì thế khi không được như ý, anh đã trở thành kẻ phản bội . Anh đã thỏa thuận với các thượng tế, luật sĩ để trao nộp Ngài. Anh gây ra cho Chúa nỗi đau vì bị đệ tử phản bội, đưa Ngài vào cái chết. “Hễ tôi hôn mặt ai, thì đó là Người, các ông cứ bắt lấy”.
Đối các môn đệ khác: Trong lúc Chúa Giêsu một mình đi cầu nguyện, các ông lại nằm ngủ. Mặc dù không trực tiếp phản bội Thầy như Giuđa, nhưng khi chứng kiến các thượng tế và quân lính kéo đến, các tông đồ đã tỏ ra hết sức hèn nhát, bỏ chạy tán loạn. Simon Phêrô phản ứng trong tuyệt vọng, ông rút gươm ra, nhưng chỉ dám nhắm vào một tên đầy tớ mà thôi. Ông và môn đệ kia theo Chúa Giêsu đến dinh thượng tế, nhưng chỉ dám theo xa xa. Cuối cùng trong dinh thượng tế, trước mặt một đứa đầy tớ gái, Phêrô sợ hãi từ chối, không dám nhận mình là môn đệ của Giêsu. Trước sự yếu đuối và hèn nhát của các tông đồ, Chúa Giêsu không trách các ông, Ngài vẫn đứng ra để bảo vệ các ông: “Nếu các anh bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi”.

Các Thượng tế và Luật sĩ đã đi đến tận cùng của sự gian manh độc ác, họ tìm mọi cách và dùng mọi thủ đoạn để loại trừ Đức Giêsu, các thượng tế và luật sĩ đã mượn tay của tổng trấn Philatô để đẩy Chúa Giêsu vào cái chết thập giá. Như những kẻ chủ mưu đã thỏa mãn về kế hoạch của mình, trên hành trình thập giá, chính các thượng tế, luật sĩ và đám đông dân chúng là những kẻ gây ra đau khổ cho Chúa Giêsu nhiều nhất. Quan Philatô là người đại diện cho công lý, đã biết rất rõ âm mưu thâm độc của các thượng tế, biết những lời cáo buộc là giả dối, nhưng ông lại không dám lên tiếng bênh vực cho sự thật…

Trong suốt hành trình thập giá, Chúa Giêsu chỉ giữ im lặng. Ngài im lặng đón nhận tất cả những đau khổ thể xác và tinh thần, bị môn đệ phản bội, chịu sự hành hạ của những tên lính, sự nhục mạ của dân chúng và của các thượng tế. Từ trên cây thập giá Chúa Giêsu nhìn xuống đám đông dân chúng với cái nhìn xót thương của một người cha trước những đứa con ngỗ nghịch và sẵn sàng tha thứ cho sự bội bạc của chúng. Trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã biến tất cả đau khổ và dâng cả mạng sống của mình làm của lễ hy tế để xin ơn tha thứ cho toàn nhân loại. Trong lúc đau khổ tột cùng, sự cô đơn vô hạn, Chúa Giêsu đã dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng”. Ngài còn biện minh: “Vì chúng lầm không biết”. 

Suy niệm về những đau khổ của Đức Giêsu, chúng ta chiêm ngắm một tình yêu vĩ đại Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài đã chết vì ta, chết thay cho ta, để đem lại cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa.

Thánh Giá là sự điên rồ trước sự khôn ngoan của thế gian nhưng Thiên Chúa đã dùng sự điên rồ ấy để biểu lộ tình yêu của mình và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Mầu nhiệm Thánh Giá là con đường chắc chắn dẫn đưa đến đời sống vĩnh cửu. Chính vì thế trong mọi thời, các chứng nhân trung kiên đã khước từ bước qua Thánh Giá mà sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình và cái chết để bảo vệ đức tin của mình. Các ngài đã nắm chắc phần thưởng mà Đức Giêsu long trọng công bố trong Hiến Chương Nước Trời: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 11-12)

Là những người mang danh hiệu Mến Thánh Giá, chúng ta đang theo sát dấu chân Đức Giêsu trong hành trình sống đời thánh hiến, chúng ta thường xuyên chiêm ngắm và suy niệm về cuộc thương khó của Đức Kitô;  Xin cho việc sống mầu nhiệm thập giá trong đời sống chúng ta trở thành tâm tình thờ lạy, biết ơn và quyết tâm nên giống Chúa ngang qua việc thực thi tình yêu thương bác ái và tha thứ cho nhau trong đời sống chung trong, đón nhận những trái ý, buồn lòng trong đời sống để bước theo Chúa cách vững vàng trung tín, vui tươi vì yêu mến Chúa và thương yêu anh chị em nơi cộng đoàn và trong sứ vụ để đem lại ơn cứu độ cho bản thân và mọi người.  Amen.

Thay lời nguyện kết : Hát kinh hòa bình


 

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây