Lời thưa “xin vâng” của Đức Maria

Chủ nhật - 20/03/2022 19:19 2.785 0
 

Lời thưa “xin vâng” của Đức Maria

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là  Cha của chúng con ! Giây phút đầu tiên của ngày sống mới chúng con xin dâng lời tri ân- cảm tạ, tôn thờ và yêu mến Ba Ngôi với trọn cả con người và ý chí chúng con. Tri ân Cha đã ban cho chúng con Đức trinh nữ Maria, nhờ tiếng “xin vâng” của Mẹ trong ngày truyền tin mà kế hoạch cứu độ nhân loại của Cha được thực hiện. Nhờ lời xin vâng của Mẹ mà mỗi người trong nhân loại chúng con diễm phúc được Chúa Giêsu đến ở cùng và chia sẻ vui buồn cùng lãnh nhận cứu độ mà Cha sẽ ban cho chúng con nhờ qua cuộc thương khó - chịu chết và Phục Sinh của Người, chúng con cũng được đức trinh nữ Maria đồng hành bảo bọc trong suốt hành trình cuộc sống.

Trong ngày kính nhớ việc sứ thần Truyền tin cho Mẹ, ngày Giáo Hội hân hoan mừng kính trọng thể Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chúng con muốn chiêm ngắm hai mẫu gương của sự Vâng phục nơi Đức Giêsu và Mẹ Maria. Xin Cha ban Chúa Thánh Thần cho chúng con để nhờ ơn Thánh Thần hướng dẫn chúng con biết noi gương Mẹ Maria sống Thánh ý Chúa trong vui mừng và hy vọng qua mọi biến cố lớn nhỏ nơi đời sống .  

Suy niệm:

Khi nhận tiếng “Kính Mừng” vinh dự
Gap-ri-en thần sứ tặng ban
Chữ “Eva” Mẹ đảo vần
Thành “Ave” gửi bình an cho đời.
[1],  ngày lễ Truyền Tin, Giáo hội cất lên lời ca tụng, lời tuyên xưng đức tin về Mầu nhiệm ngôi Hai Thiên Chúa làm người qua tiếng kính mừng vinh dự của một cô thôn nữ. Giáo hội cùng với Mẹ Maria hát bài ngợi khen về biến cố quan trọng, biến cố Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ, Thiên Chúa muốn chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Tin đó quá bất ngờ, vượt mọi suy nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi đợi chờ của con người, phản ứng của Đức Mẹ bắt đầu là bỡ ngỡ bàng hoàng lo sợ, nhưng tiếp đó là lời xin vâng của niềm tin yêu phó thác (Lc 1, 38).

Xin vâng là tuân phục ý Chúa. Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa với sự từ bỏ mình, hoàn toàn tín thác đời mình trong tay Chúa. Sau lời thưa “xin vâng” của Đức Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng  Mẹ. Tất cả đều diễn tiến trong âm thầm, khiêm tốn.

Từ đó tiếng “xin vâng” trở nên như giao ước mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới “Khi nhận tiếng “Kính Mừng” vinh dự. Gap-ri-en thần sứ tặng ban,  Chữ “Eva” Mẹ đảo vần Thành “Ave” gửi bình an cho đời”
[1].

Lời Xin Vâng của Mẹ đã làm cho Con Thiên Chúa trở nên con của Mẹ và Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Lời Xin Vâng của Mẹ là sự đáp trả đầy tin yêu, ngược với từ khước Thánh ý Thiên Chúa của Ađam Evà ngày xưa.

Lời Xin Vâng của Mẹ chấm dứt vai trò của Cựu Ước và mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn của Tân Ước. Lời Xin Vâng của Mẹ là tiếng đáp trả đầy thảo hiếu của một người con đối với Cha. Chương trình cứu độ chỉ có thể được thực hiện với hai tình yêu : tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của nhân loại. Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài, còn nhân loại thì mở rộng cõi lòng để đón nhận Người Con ấy.

Ngày xưa ma quỷ đã dùng phương tiện nào thì hôm nay Thiên Chúa cũng dùng phương tiện ấy. Đúng thế, ngày xưa ma quỷ đã dùng mưu cám dỗ một người phụ nữ để làm cho nhân loại bị hư đi thì hôm nay Thiên Chúa cũng dùng một người phụ nữ để lập lại một trật tự mới, làm cho nhân loại trở nên tốt lành.
  • Ngày xưa Evà đã làm cho nhân loại phải chết thì hôm nay Maria sẽ làm cho nhân loại được sống.
  • Ngày xưa Evà kiêu căng, tự mãn thì hôm nay Maria khiêm nhường, tín thác.
  • Ngày xưa Evà đã tin vào lời dụ dỗ của ma quỷ thì hôm nay Maria tin vào lời của sứ thần Thiên Chúa.
Đó là những tương phản giữa cũ và mới, giữa ngày xưa và hôm nay, giữa Evà và Maria, để chúng ta có thể thưa lên như thánh Phaolô : “Ngày xưa bởi một người mà nhân loại phải chết thì hôm nay cũng bởi một người mà nhân loại được sống”.

Sau khi nghe Thiên Thần giải thích, Đức Mẹ đã thưa xin vâng: “Này tôi là tôi tới Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,38). Nhờ tiếng thưa “Xin Vâng” của Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thể Làm Người, lịch sử Cứu Độ đã bắt đầu sang trang và biến Mẹ từ một thiếu nữ Do thái trở thành Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Khi nói về tầm quan trọng hai tiếng xin vâng của Mẹ, công đồng Vatican II đã lặp lại lời của các Giáo Phụ xưa rằng : Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng : “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (x. Lumen gentium, số 56). Thánh Bênađô thì kêu lên rằng: “Ôi trinh nữ, Adam đang khóc lóc cầu khẩn Mẹ trả lời, Đavit cũng khẩn cầu, các tổ phụ cũng không ngớt nài xin. Câu trả lời ấy cả thế giới này đang phủ phục dưới chân Mẹ và chờ đợi nó. Bởi việc giải thoát cho những ai đang đau khổ, chuộc lại kẻ giam cầm, trả tự do cho người bị kết án và sau cùng là phần rỗi của mọi con cái Adam, của toàn thể dòng dõi Mẹ đều tùy thuộc vào lời thưa của Mẹ”.

Đối với Mẹ, để thưa xin vâng, Mẹ phải chấp nhận hy sinh, hy sinh vì lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhân loại. Lời thưa xin vâng của Mẹ, thể hiện sự phó thác tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Bởi vì, lời thưa xin vâng không chỉ thực hiện trong biến cố truyền tin mà còn kéo dài trong suốt cuộc sống của Mẹ. Sau biến cố truyền tin là cả hành trình dài đầy gian nan đau khổ. Từ việc bị Thánh Giuse hiểu nhầm, đến việc sinh con trong hang đá nghèo hèn, lạnh lẽo. Việc bà Anna loan báo về sự đau khổ của Hài Nhi khi Mẹ đưa Chúa Giêsu dâng trong đền thờ. Việc đưa con trốn sang Ai cập khỏi Hêrôđê lùng bắt. Suốt ba mươi năm tại làng quê Nazaret, Mẹ sống âm thầm cùng với Thánh Giuse nuôi Chúa Giêsu khôn lớn. Sau đó, Mẹ đã đồng hành với con suốt ba năm trên mọi nẻo đường rao giảng Tin mừng. Đặc biệt, khi Mẹ chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của con mình trên thập giá… Qua những biến cố đau thương như vậy, để thưa xin vâng, Mẹ phải có một niềm phó thác và một đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa. Chính bà Êlizabeth đã xác nhận điều đó khi nói với Mẹ rằng: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Như vậy, để cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu rỗi nhân loại, Mẹ Maria đã thực hiện lời xin vâng một cách trọn vẹn bằng cả cuộc sống.
 
Đối với chúng ta hôm nay, sự vâng lời cũng rất cần thiết: Người dưới vâng lời người trên, con cái vâng lời cha mẹ, học sinh vâng lời thầy cô, vợ chồng lắng nghe nhau… Đó không chỉ là nét đẹp của cuộc sống hằng ngày để gia đình, xã hội có tôn ti trật tự mà còn là điều kiện để gia đình hạnh phúc và xã hội bình yên. Chúng ta thử hình dung: Nếu trong một gia đình mà con cái không vâng lời cha mẹ, vợ chồng không biết lắng nghe nhau; ở nhà trường, học sinh không vâng lời thầy cô; xã hội không có trên dưới… thì gia đình, nhà trường, xã hội đó sẽ như thế nào? Thực tế cho chúng ta thấy, vì không biết vâng lời cho nên con cái hư hỏng, trò đánh thầy, hỗn loạn nhiều nơi trong xã hội chúng ta đang sống.

Đối với đời sống thánh hiến của chúng ta “Đức Vâng Lời” cũng không kém phần quan trọng nó chi phối toàn bộ đời sống của chúng ta. Đức vâng lời được thể hiện qua việc lắng nghe tiếng Chúa trong Kinh Thánh, các giới răn, hiến chương - nội qui của Hội dòng. Thực hành lời Chúa và tuân giữ các lề luật được Giáo hội chuẩn nhận là chúng ta đang sống nhân đức vâng lời với lòng yêu mến cậy trông cách thiết thực, cụ thể nhất.

Việc thực thi đức vâng lời không phải lúc nào cũng dễ dàng nhất là khi không hiểu ý bề trên, có những gợi ý, những lệnh truyền được xem là chói tai, bất công khi:  thay đổi sứ vụ, thay đổi nơi chốn không hợp sở thích…sự vâng lời đó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, thậm chí cảm thấy mất mát, thua thiệt và khổ đâu.

Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng theo gương Đức Maria học đức khiêm nhường và tín thác cùng luôn gắn kết đời mình với Đức Giêsu trong cầu nguyện và một khi cảm thấy khó vâng lời hay đón nhận lệnh truyền trái ý hãy chạy đến với Đức Giê su trong  vườn Cây Dầu và cùng với Ngài thân thưa với Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39), để tiếp tục phân định và sẵn sàng vâng phục trong yêu mến cậy trông như Người.
Nhờ tiếng xin vâng của Mẹ Maria, nhân loại đã bước sang một trang sử mới là trang sử Cứu độ, nhờ tiếng xin vâng của Đức Ki tô mà nhân loại được giải thoát khỏi sự chết muôn đời,

Ngày nay, Giáo Hội và xã hội, Hội dòng đang rất cần những tấm lòng nhạy bén, quả cảm để thưa “Xin vâng” bằng tinh thần hy sinh, khiêm tốn trong khi thi hành sứ vụ để mang lại hiệu quả tông đồ cho anh chị em chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta biết noi gương Mẹ, chấp nhận hy sinh để luôn thưa xin vâng trong những điều đẹp ý Chúa.

Lạy Mẹ Maria, có những lúc con đã nghe được tiếng Chúa gợi ý cho biết những công việc phải làm, nhưng khi nhìn lại bản thân, con thấy mình chỉ là một con người bé nhỏ, bình thường như bao nhiêu người khác, vì thế, con ngần ngại không dám tiến thân. Hôm nay, khi suy niệm về biến cố Truyền Tin, con hiểu ra rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, cũng không có gì là bé nhỏ tầm thường vô giá trị. Xin Mẹ giúp con từ nay biết lắng nghe và thực hiện ý Chúa với tâm tình đơn sơ phó thác như Mẹ ngày xưa.

 Lời nguyện kết:
  
Lạy Cha! Chúng con cám ơn Cha đã cho chúng con những giây phút trầm lắng trong giờ suy gẫm sáng nay để suy niệm về tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria và nhìn về tinh thần vâng phục của chúng con. Cuộc sống của chúng con còn quá xa tinh thần nhân đức của lời khấn vâng phục trong tiếng thưa “xin vâng” nơi những biến cố lớn nhỏ của ngày sống, trong các giờ giấc theo chương trình sống của cộng đoàn, khi được gợi ý thay đổi nhiệm sở, chuyển đổi công tác. Xin ban ơn đức tin cho chúng con, xin ban thêm lòng yêu mến Chúa, yêu mến Hội dòng, yêu quý ơn gọi thánh hiến và giúp chúng con được ơn can đảm như Chúa Giêsu và  Mẹ Maria mà sẵn sàng thưa “ xin Vâng” trong mọi biến cố lớn nhỏ của ngày sống. Xin giúp chúng con hiểu rằng đời sống người tu sĩ không được thanh luyện, không có thử thách, khổ đau hay chán nản lùi bước, buông xuôi trước khó khăn gian khổ e rằng con là tu sĩ giả. Xin cho chúng con những nữ tu Mến Thánh Giá của thời hiện tại được ơn can đảm, hiên ngang sống mầu nhiệm Thánh giá ngang qua đức vâng phục thánh hiến.  

Lạy Thiên Chúa Cha, xin Ngài hành động nơi chúng con theo Thánh Ý Ngài, xin giúp chúng con luôn can đảm “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong lúc gian nan khốn khó. Nhờ Đức trinh nữ Maria nguyện giúp cầu thay và đồng hành với chúng con, giúp chúng con kiên cường sống trọn ba đức đối thần suốt cuộc đời này. Xin vâng là tuân phục Thánh Ý Chúa, dù biết rằng “vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9), nhưng chắc chắn không là điều dễ thực hiện, mà phải nỗ lực rất nhiều và phải cậy nhờ ơn Chúa. Xin Chúa thương giúp chúng con. Amen

 
  1. Các giờ kinh Phụng vụ, Thánh thi kinh chiều II, Lễ Đức Mẹ.
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây