SỐNG NIỀM VUI KHI BIẾT MÌNH ĐƯỢC CHÚA YÊU.
"Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”.
(Lc 15,31)
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin Chúa đang ngự trong nhà tạm và trong tâm hồn chúng con, chúng con cám ơn Chúa về sự hiện diện đầy yêu thương và khiêm tốn của Chúa để ở thật gần với Chúng con. Chúng con tri ân Chúa về thời gian Chúa ban, thời gian như ân huệ Chúa dùng để chúng con nên thánh là việc chọn Chúa làm cùng đích cuộc đời mình, nhưng đâu đó trong tâm hồn và cuộc sống chúng con đã chọn những thứ khác, Chúa là thứ yếu trong các ưu tiên chọn lựa của con, nên con còn so bì hơn thiệt, tính toán … Phụng vụ Lời Chúa tuần 4 cho chúng con nhìn nhận về thực trạng cuộc sống mình. Dù sống trong ơn Chúa, được bao bọc bằng tình yêu thương của gia đình Cộng đoàn, Hội dòng nhưng chúng con vẫn mù lòa trước những thần tượng giả tạo. Chúng con được nuôi dưỡng bằng ơn thánh nhưng vẫn bị lôi cuốn bởi sai lầm và giả dối, vẫn cảm thấy mình bị thua thiệt, hy sinh nhiều hơn người khác; vẫn thấy mình không được đối xử công bằng giữa đời sống chung trong cộng đoàn. Chúng con vẫn còn mù tối trước tình yêu lớn lao Chúa dành cho mỗi người trong chúng con.
Giờ này, chúng con muốn đứng lên “trở về với Chúa là cha nhân hậu”, nguyện xin Chúa ban Chúa Thánh Thần đến với tâm hồn mỗi chị em chúng con. Để nhờ ơn soi sáng của Ngài, tâm hồn chúng con được tình yêu Chúa đụng chạm, được ơn biến đổi để con luôn cảm nhận tình thương của Cha “lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”, Lạy Chúa là đấng giàu lòng xót thương , xin hãy đến và làm cho mỗi người là đứa con trưởng thành và sống trung tín với tình Ngài như người con thảo hiếu.
Suy Niệm:
Tài sản – là một trong những vấn nạn muôn thuở của mọi thời đại. Ở mọi nơi, mọi thời, nơi các gia đình và trong xã hội…bất kể nơi nào cũng có thể xảy ra tranh chấp về tiền bạc, tài sản bất chấp luân thường đạo lý, ngay cả những người cùng huyết thống. Vì cái tên “tài sản”, “tiền bạc” ấy mà chuyện bạo hành trong gia đình, gia tộc, kiện tụng, ra tòa, sao kê, tính sổ không bao giờ dừng lại trong xã hội loài người. Tài sản ít, tiền bạc ít thì việc tranh chấp, thưa kiện nhỏ gọn trong làng xã, số tài sản càng nhiều…sự đụng chạm càng lớn nó nhân rộng ra đến thành phố, quốc gia, quốc tế…,
Tiền bạc, tài sản quan trọng thật. Vì không có nó, con người không thể sống, nhưng tiền bạc, tài sản không phải là cứu cánh, là cùng đích của đời người. Nếu lệ thuộc vào đồng tiền, chén gạo con người sẽ trở thành nô lệ. Nếu biết làm chủ đồng tiền, nó chỉ là phương tiện để sinh sống mà thôi, nó không thể là ông chủ của mình được. Khi quá coi trọng tiền bạc vật chất, con người dễ bị dẫn dắt hoặc tự thân hoán đổi vị trí, nhân phẩm quí giá của mình. “ Tiền là Tiên là Phật…”
Vì quan niệm có tiền là có tất cả, nên vì tiền bạc, tài sản con người giành giật, sát hại, loại trừ nhau cho dù đó là anh chị em ruột thịt. Câu chuyện đứa con hoang đàng là một ví dụ. Nhu cầu cần phải có nhiều tiền nên người con thứ cứ phải mải miết chạy đua trong vòng xoáy bạc tiền. Người con thứ trong Tin mừng, dường như đã quá chán ghét, quá mệt mỏi với cuộc sống cần lao vất vả, những hoạt động nhàm chán, buồn tẻ được lặp đi lặp lại hằng ngày, mở mắt ra là phải tất bật bôn ba lao động kiếm tiền…nên anh đã nài xin cha, chia gia tài cho anh: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.” (Lc 15.12). Nhận số tài sản cha trao, giã từ cuộc sống vất vả với việc kiếm tiền, anh lên đường đi tìm chốn hưởng thụ, tiêu xài, sử dụng tiền,
Người cha đáp ứng đòi hỏi của con mình, chia cho anh những gì mà ông đã ấn định và thế là anh lên đường. Chân trời hạnh phúc mở ra trước mắt anh với biết bao viễn tượng đẹp, hấp dẫn, kỳ thú. “Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình”, những tháng ngày hạnh phúc với việc tiêu tiền và cái kết “ túi anh sạch hết tiền”. Hết tiền đồng nghĩa với việc mất tất cả: bạn bè, tiệc tùng, thỏa mãn dục vọng… Anh lâm vào con đường khốn cùng không lối thoát. “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho”( Lc 15,16)
Từ một chàng thanh niên con nhà đại gia bảnh bao, tiền bạc rủng rỉnh túi, bạn bè “kẻ đón người đưa” ăn chơi xa xỉ, nơi anh thường lui tới là nhà hàng - quán bar… giờ đây anh không còn gì cả, anh đã trở thành kẻ bần cùng, thấp kém, một kẻ chăn heo thuê, cả thức ăn của heo anh muốn ăn cho đỡ đói nhưng vẫn không ai cho. Xã hội và con người đã quay lưng lại với anh, nhục nhã, tủi hờn quá, anh quyết tâm quay trở về, chỉ cần cầu xin sự tha thứ của cha mình, chỉ cần được làm người đầy tớ, chỉ cần được trở thành người làm công của cha thôi, anh cũng cảm thấy ấm tình người, anh nghĩ: “Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với trời và và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công của cha vậy.”(Lc 15,17-19). Đến lúc này, anh đã nhận ra hạnh phúc quí báu, giá trị vô cùng mà anh đã mù quáng vứt bỏ. Anh đứng lên - đi về quyết tìm lại nó,
Quả thật không phụ lòng tin tưởng hy vọng của anh, cha anh đã cho anh nhiều hơn điều anh dám tưởng tượng và nghĩ tới. Khi thấy anh trở về và cầu xin tha thứ, ông rất vui mừng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15, 22-24)
Và…,Người con cả đã từ chối không tham dự ngày vui. Anh nghĩ rằng mình tinh sạch, trung thành và thảo hiếu. Theo một nghĩa nào đó, anh tinh sạch vì trung thành làm việc, không phải là người tiêu xài hoang phí, một con người chăm chỉ, thận trọng luôn ở trong nhà cha. Thế nhưng, anh lại là con người có một quả tim nghiệt ngã, con tim bị đóng băng mà không hề biết. Anh không có khả năng tha thứ, nên anh không có động lực để yêu thương em và cảm nhận tình thương của cha mình. Anh Cả đã để qua một bên những kinh nghiệm đẹp mà anh ta có thể sống, nó nằm ở trong tầm tay của anh ta, đó là cảm nghiệm được tình yêu của cha già dành cho, lãnh nhận niềm vui sâu xa của việc làm hòa với nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Bóng dáng của người cha là biểu tượng lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với con người. Không phải ai cũng có thể nhận biết mình được Chúa yêu, có thể vì chưa cảm nhận được người khác yêu mình và mình chưa yêu ai bao giờ !
Câu chuyện gia đình này cũng đang nói về tâm trạng, tương quan của từng người chúng ta với Thiên Chúa, tương quan của chúng ta với nhau trong đời sống chung nơi gia đình Hội dòng, Cộng đoàn; tương quan đã bị tổn thương, sứt mẻ…hậu quả của ích kỷ, nhỏ nhen, tầm thường…cần được hàn gán, phục hồi, hòa giải.
Chúng ta cùng ở lại bên Chúa qua các cử hành phụng vụ và giữ thinh lặng nội tâm là việc làm cần thiết để cảm nghiệm sâu xa niềm vui của đứa con thảo hiền luôn nghe được lời thân thương của cha. “Các con hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô, vì đã hiến thân trọn vẹn cho Người” (Đc. Lambert – Btt 4).
Chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa, được mời gọi nhìn lại tâm tình sống của mình đối với Chúa, đối với Hội dòng, cộng đoàn và gia đình huyết thống. Biết đâu đó, tôi cũng là đứa con ích kỷ, lo nghĩ đến bản thân, vun vén tích lũy cho riêng mình, đòi quyền lợi, quên nghĩa vụ, hơn thua, so đo tính toán... Và đâu đó tôi chỉ thấy người khác được ưu đãi, trọng vọng hơn mình để rồi so bì, bất mãn như những người con trong Tin Mừng,
Tôi là đứa con nào trong gia đình của Chúa?
Vì sao tôi trở nên người con Cả ? Phải chăng vì tôi đang đóng chặt lòng mình không nhận thấy, chẳng cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa ngang qua ơn gọi, tình chị em dành cho nơi sứ vụ và trong đời sống chung ?
Tôi là đứa con Thứ ? Vì sao? Bởi Tôi không cảm nhận được tình thương từ nơi Thiên Chúa, không cản nhận sự cao quý của ơn gọi để rồi sống đời tận hiến kiểu “nửa vời”, “nhạt nhẽo”, “chân trong chân ngoài” ?
Tôi cảm nhận thế nào về câu nói của Đc. Lambert “con hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô, vì đã hiến thân trọn vẹn cho Người” (– Btt 4), để sống niềm vui và hạnh phúc trong ơn gọi của mình.
Con người thường đối xử khắt khe với người khác, nhìn thấy kẻ ác, người xấu mà được may mắn, được đối xử khoan nhân thì thường tỏ ra tức giận, ghen tỵ.
Hỏi ai có được tấm lòng quảng đại như Thiên Chúa? Hỏi ai có được cái nhìn bao dung của Ngài và sống như Ngài ?
Giả như ai cũng có thể biết trở lại như người con thứ, giả như ai cũng sớm nhận ra giá trị tình thương mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, thì có lẽ thế giới đã tốt hơn, xã hội bớt đau khổ vì chiến tranh hận thù và giảm thiểu nhiều tội lỗi, sự chết…
Giả như người sống đời tận hiến theo linh đạo Mến Thánh Giá nào cũng xác tín mạnh mẽ về ơn gọi cao quý của mình thật cao cả là chết đi cho thế gian thì mỗi người đã tích cực sống giao ước tình yêu đối với Thiên Chúa là Đấng đã kêu gọi và thánh hiến mình ngang qua việc sống ơn gọi tràn niềm vui.
Tôi có mau mắn và sẵn sàng trở về với Chúa vì biết mình được yêu ? Tôi có sẵn sàng sống cho Chúa và tha nhân vì xác tín mình được chọn cách nhưng không nhờ tình yêu và đã tự nguyện hiến thân cho Người qua việc khấn dòng?
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa, tính cách của hai người con trong Tin mừng hôm nay, nơi con có cả. Sự ích kỷ thích hưởng thụ hơn là phục vụ, hy sinh, khó chịu khi phải đi vào con đường hẹp của Ngài cùng với lòng ghen tương tức giận mỗi khi thấy kẻ ác được may mắn, thành công khiến cho con bất an, hậm hực. Thế nhưng, dù con là ai, dù con có thế nào thì con biết Ngài vẫn luôn yêu thương, tha thứ và chờ đợi con trở lại. Ước gì con có thể nghe và hiểu được lời Ngài trong thinh lặng: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con…” (Lc 15, 31). Xin cho con vững tin và can đảm để chỉ biết tìm kiếm Chúa là cùng đích của đời con, Chúa mới là gia nghiệp của con trọn đời và cho con sống một đời sống trưởng thành, kiên trì và trung thành chu toàn bổn phận trong tin yêu, chấp nhận những bất ổn và không công bằng trong cuộc sống vì biết rằng tình cảm nơi đời sống chung trong cộng đoàn không phải là phép toán nhân chia cộng trừ.
Giữa một thế giới ồn ào, bon chen, hơn thua ghanh tị…tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi lòng khoan dung tha thứ, đón nhận và sẻ chia càng trở nên xa lạ, lu mờ; xin cho con nỗ lực dấn thân sống lời cam kết thánh hiến cách vui tươi - hạnh phúc và thực thi sứ mạng trong sự gắn bó với một mình Chúa nhờ đó con sẽ mãi là đứa con thảo hiếu của Cha và trở nên chứng nhân cho lòng khoan dung thương xót của Ngài trong cuộc sống hôm nay.
Lạy Chúa, xin giúp mọi người trên thế giới biết kiến tạo sự an bình, hòa bình và công lý. “việc mở ra và vạch ra một con đường hòa bình là một thách đố, và còn phức tạp hơn khi những lợi ích và mối quan hệ giữa con người, cộng đoàn và quốc gia, nhiều và đối nghịch”. Xin cho mọi người có một lương tâm đạo đức, với một ý chí cá nhân cương quyết để xây dựng hòa bình và an bình cho nhân loại. Đặc biệt, chúng con nài xin Chúa thương ban cho cuộc chiến tranh đẫm máu tại Ukraine sớm được chấm dứt để người dân Nga và Ukraine cùng toàn thế giới được hưởng nền hòa bình đích thực. Amen
Thực hành: Cùng với Đức Kitô sống niềm vui vì được làm con Chúa, được thuộc về Chúa qua lời khấn dòng và thể hiện niềm vui bằng cách:
- Xác tín và tập cảm nhận tình thương trong đời sống chung không phải là phép tính cộng trừ nhân chia.
- Vui vẻ thực hiện việc bổn phận trong niềm vui và vì lòng yêu mến Chúa cầu nguyện cho hòa bình sớm trở lại trên đất nước Ukraine.