Thập giá - mời gọi sống khổ chế

Thứ tư - 02/03/2022 09:26 1.394 0
 
 
 
 
THẬP GIÁ- MỜI GỌI SỐNG KHỔ CHẾ
 
 
 
“Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23)
 

Lời nguyện đầu:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con sống đến giây phút này, Chúa cho chúng con thêm cơ hội để tôn thờ, yêu mến và suy gẫm, chiêm ngắm Chúa trên thánh giá để chia sẻ với Chúa bài học của sự khổ chế.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con- những tâm hồn tự nguyện hiến dâng đời mình cho Chúa trong Hội dòng Mến Thánh Giá muốn chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu tự hiến của Chúa; Ngắm nhìn Chúa chịu treo trên thập giá, chúng con nhận ra Chúa đang nhìn chúng con với cái nhìn đầy yêu thương. Và trong thinh lặng, Chúa nói với từng người chúng con: “Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ chính  mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).

Nhìn lại những ngày tháng qua, mỗi chúng con: kẻ nhiều người ít, kẻ nhớ người quên nhưng cũng đã cố gắng sống tinh thần khổ chế, hy sinh theo lời mời gọi từ thập giá Chúa qua Tin Mừng cũng như qua Hiến Chương, Nội Quy của Hội dòng. Xin Chúa giúp chúng con can đảm bước theo Chúa mỗi ngày trên con đường khổ chế, hy sinh. 
 
Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con hiểu thấu, cảm sâu lời hằng sống của Chúa Giêsu Kitô.

Suy niệm:

Bước vào đời tu, Người tu sĩ nào cũng ý thức rất rõ rằng đi tu là từ bỏ mọi sự để bước theo Đức Kitô một cách thật gần gũi. Nhưng thế nào là “bước theo Đức Kitô”? Không phải cứ tuyên ba lời khấn là người tu sĩ ngay lập tức trở thành thánh. Không phải cứ khoác lên người chiếc áo dòng là người tu sĩ bỗng được biến đổi trọn vẹn cả xác thân. “Mang danh là người tu sĩ” thì khác với “tư cách một tu sĩ thực thụ”. Điều kiện tiên quyết Chúa Giêsu đưa ra cho những ai muốn theo Người là “Hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23)

Đi theo Chúa là đi vào con đường của Chúa. Con đường của Chúa là con đường từ bỏ. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc từ bỏ không ngừng. Từ bỏ trời để xuống trần gian. Từ bỏ địa vị Thiên Chúa để làm con người. Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Đức Chúa Cha. Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình. Đó là một cuộc chiến khốc liệt khiến Người phải toát mồ hôi máu. Hình ảnh Người chết trần trụi trên Thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng.

Con đường của Chúa là con đường Thánh giá. Người đã ôm lấy Thánh giá và vác trên vai. Không phải chỉ là Thánh giá gỗ trên đường lên Núi Sọ, nhưng là Thánh giá cuộc sống trải dài suốt đời người.

Thánh giá kiếp người, kiếp nghèo. Thánh giá bị chống đối, bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, bị phản bội. Thánh giá thách thức, thất bại. Thánh giá oan ức, tủi nhục và cô đơn. Thánh giá nặng lắm nên nhiều lần Người đã ngã xuống. Thánh giá ghê sợ lắm nên Người đã có lần muốn chối bỏ. Nhưng rồi Người lại đứng lên tiếp tục vác đi cho đến cùng cho trọn con đường hiến tế. Nhưng nếu đường của Chúa Giêsu chỉ dừng tại đây thì đó là một con đường bế tắc.
 
Nếu định mệnh của Chúa Giêsu kết thúc tại Núi Sọ thì đó là một cuộc đời diệt vong, một hành trình không hy vọng. Nhưng không! con đường của Chúa còn là con đường Phục Sinh. Sứ mệnh của Đức Kitô là một hành trình mang lại vinh quang ngang qua Thánh Giá. Như thế từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.
 
Là nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta sẵn sàng đón nhận thập giá hằng ngày, để làm bằng chứng tình yêu duy nhất dành cho Đức Kitô chịu đóng đinh và anh chị em đồng loại. Người nữ tu Mến Thánh Giá tận tình noi gương Thầy Chí Thánh, vác thập giá bằng sự từ bỏ mình, mang trong thân xác cuộc khổ nạn Chúa, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Đức Kitô và Phúc Âm của Ngài.
 
Khổ chế mang tính cách tự nguyện, nhằm mục đích thông phần Thập giá Đức Kitô, với những vất vả, đau đớn bên ngoài và tâm tình vâng phục bên trong đối với thánh ý Đức Chúa Cha. Sống tinh thần khổ chế trên bình diện một Kitô hữu và trên bình diện của một nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta chấp nhận thập giá của chính đời sống thánh hiến bằng cách cố gắng chu toàn bổn phận, các đòi hỏi của ba lời khấn, sống đời cầu nguyện liên lỉ, luyện tập cho mình có một nội tâm sâu sắc, sống chung cộng đoàn và công tác xã hội. Hiến Chương điều 63/1 đã dạy: “Khổ chế là thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô để cùng với Người tham dự vào đời sống mới. Con đường hoàn thiện phải ngang qua thập giá, không thể nào đạt được sự thánh thiện, nếu không từ bỏ con người cũ, chiến đấu nội tâm và tu luyện”.

Chúng ta vinh dự đã sống sự kiện lịch sử quan trọng của Hội dòng mừng năm thánh 350 năm Hội dòng được khai sinh đã mở ra, hướng lòng chúng ta tri ân quá khứ, nỗ lực trong hiện tại và hướng đến tương lai trong niềm hy vọng ngang qua những hy sinh khổ chế từng ngày. Chúng ta không thể dừng lại ở niềm tri ân nơi cảm xúc nhất thời, nhưng là thể hiện lòng yêu mến bằng cả những hy sinh, từ bỏ, vui lòng đón nhận những phần việc xem ra âm thầm, đơn điệu, không chút danh giá trong đời thường để sống hiện tại cách hăng say.



Sống đời tu, người tu sĩ cần hy sinh nhiều lắm: nào là phải để con tim mình thanh thoát, không được có gì sở hữu riêng; nào là phải từ bỏ luôn cả phán đoán, ước muốn, chương trình, kế hoạch tốt đẹp của mình
, phải hạn chế trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông… đó là những đòi hỏi của tuổi thanh xuân , rồi nỗi cô đơn khi tuổi già đến, không còn bôn ba với công việc, phải chuyển giao những công trình, sự nghiệp mà mình đã cố gắng gầy dựng cả đời, những buồn tủi, đau khổ, thử thách …những câu kinh, lời nguyện cầu có thể trở nên nhàm chán; cuộc sống cứ đồng điệu, đời sống chung nhiều phiền phức lắm lúc trở nên gánh nặng. Khi tất cả mọi sự dường như quay lưng lại, người tu sĩ được mời gọi nhìn lên đồi vắng, nơi có một bóng hình bị treo trên cao. Đó là hy sinh, là thập giá, là cái giá và cũng là phần thưởng của đời tu.

Tiếp nối gia sản của tiền nhân chúng ta cùng đón nhận những trái ý cả những điều xem ra là sự thiệt thòi, mất công bằng …để sống khổ chế hy sinh hầu góp phần làm cho đời sống mình an vui, hạnh phúc; tiếp tục viết những trang sử trong thời hiện tại của Hội dòng. 

 Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đón nhận thập giá như dấu chỉ của tình yêu – một tình yêu tinh tuyền với Chúa Cha và với con người. Chúng con muốn theo Chúa nhưng chúng con ngại sống hy sinh, tránh né khổ chế. Xin giúp chúng con sẵn lòng hy sinh, từ bỏ những gì nhỏ nhỏ trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết đón nhận hoàn cảnh của mình theo thờ gian Chúa muốn. Xin cho chúng con vui với hiện tại - tri ân quá khứ và hướng đến tương lai với một niềm hy vọng. Cùng xin Chúa cho chúng con biết đón nhận thập giá đời mình với tâm tình tạ ơn, để chúng con được trở nên người môn đệ thân thiết đang theo sát chân Đấng chịu đóng đinh: Đấng mà chúng con đã chọn làm đối tượng duy nhất của lòng trí mình. Amen


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây