Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá để cảm nhận tình yêu
và sống lòng thương xót
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng, qua thánh tử Giêsu, Chúa giới thiệu cho chúng con lòng từ bi thương xót của Chúa, chúng con xin dâng lời chúc tụng, ngợi khen tôn vinh Chúa; chúng con cám ơn Chúa đã luôn dành cho chúng con những gì cao quý và tốt đẹp nhất…
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tôn thờ, yêu mến và muốn dùng lời kinh nguyện chuyển cầu cho tất cả mọi người trên thế giới, trên quê hương Việt Nam, trong gia đình huyết thống và Hội dòng luôn được bình an cùng cảm nghiệm có Chúa đồng hành trong mọi bước đi của đời sống. Tin tưởng Chúa luôn muốn mọi người được sống trong tình yêu, được chữa lành mọi tật bệnh cả về thể xác và tâm linh, như Chúa đã nói với người phong hủi“Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Xin Chúa thương chữa lành các bệnh nhân đang bị nhiễm Covid-19 và cho đại dịch sớm kết thúc để mọi người được hưởng cuộc sống an vui.
Được chiêm ngắm Chúa và cùng Chúa diễn tả mầu nhiệm Tình yêu tròn đầy trong sự kết hợp cuộc thương khó của Chúa nơi Thánh lễ và trong cuộc sống mỗi ngày là ân phúc, là phép lạ lớn lao mà từng ngày con được lãnh nhận. Xin cho chúng con biết sống mầu nhiệm tình yêu Chúa qua từng biến cố lớn nhỏ của ngày sống. Để trong tình yêu, với tình yêu và cho tình yêu Chúa - chúng con biết sống và diễn tả lòng thương xót ngang qua những điều nhỏ nhỏ, âm thầm của đời sống nhờ ý thức mỗi người là một viên gạch, là chất vữa keo gắn kết với nhau trong tình Chúa tình người làm cho cuộc sống này vui tươi hạnh phúc, cộng đoàn mà mình đang sống trở thành gia đình có Chúa, có khả năng trở nên nơi diễn tả lòng thương xót của Chúa ; Xin tình yêu và lòng thương xót Chúa biến đổi chúng con và thế giới để tất cả được sống trong sự bình an đích thực.
Đọc : Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca ( Lc 5,12-16)
Suy niệm:
“Đức Kitô Giêsu đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những con người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta” (Rm 5:8), “Chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8:36).Thánh Phaolô là nhân vật nổi tiếng, là chứng nhân sống động đã có một trải nghiêm sâu về lòng thương xót của Thiên Chúa, thư của ngài viết cho giáo đoàn Roma mời gọi mọi người chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa. Trước khi hoán cải, thánh nhân từng là người bách hại đạo. Thế nhưng, sau cú ngã ngựa trên đường đi Đamát (Cv 9:1-19), ngài đã trở nên một con người mới, cảm nhận rõ ràng tình Chúa yêu thương và không ngại làm chứng về điều đó. Và ngài còn sẵn sàng san sẻ lòng thương xót Chúa cho người khác: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhận hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3:12). Để cảm nhận lòng thương xót của Chúa, để được lòng thương xót Chúa chạm vào con tim hèn yếu của bản thân, chính thánh nhân đã cầu nguyện liên lỉ với Đấng ngài đụng chạm.
Trong thinh lặng cầu nguyện thánh nhân đã nhận ra con người hèn yếu, tội lỗi của mình. Cú ngã ngựa khi lòng đang sục sôi lửa nhiệt tình bắt bớ những người tín hữu, lòng thù oán của ngài đã được lòng thương xót Chúa đụng chạm, cảm hóa. Gương của thánh nhân cho ta hiểu rằng : những ai lãnh nhận lòng xót thương của Chúa đều trở nên một con người mới, đều được ơn hoán cải và canh tân đời sống để sống sao không lãng phí ân tình Chúa, không vô ơn trước tình yêu của Người.
Vâng, chắc chắn mỗi chúng ta cũng có một quá khứ không mấy tốt đẹp, hiện tại đầy thói xấu và tội lỗi; muốn đổi mới, canh tân hoán cải thật sự, chúng ta phải chạy đến với lòng thương xót Chúa trong khiêm tốn và tin tưởng thành khẩn kêu xin như người bệnh phong cùi “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch”. Một khi cảm nhận ơn Chúa thương xót từ trong sâu thẳm cõi lòng, chúng ta tin tưởng luôn có bàn tay đầy nhân ái của Chúa che chở gìn giữ chúng ta dọc suốt chặn đường cuộc sống. Cảm nhận được sự đụng chạm của tình yêu Thiên Chúa vào trong tim mình, chúng ta sẽ được biến đổi, biến đổi mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta như thánh Phaolô được Chúa Giêsu hiện ra trên đường Đamát mời gọi trở thành lợi khí của Người “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en. ( Cv 9,15 ).
Chúa thực hiện lời hứa cứu độ là sai Con Một của Người xuống thế cứu đời, “Thiên Chúa muốn mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ (1Tm 2, 4). Chúng ta được cứu độ, được giải thoát khỏi mọi xích xiềng tội lỗi nhờ ơn của Bí Tích Rửa tội ; chúng ta được mời gọi trở nên giống Chúa hơn, nên hoàn thiện qua quyết tâm sống đời thánh hiến, chúng ta sẽ ít phạm sai lầm, biết canh tân đổi mới đời sống đức tin, sống hạnh phúc với cam kết đời thánh hiến. Và một khi đã có kinh nghiệm sâu xa về lòng thương xót Chúa, tình yêu Chúa chạm vào con tim của mình chúng ta cũng sẽ trở thành người sống và thực hiện lòng thương xót dành cho anh chị em mình trong cuộc sống và trong sứ vụ.
Mỗi người có một cuộc đời để sống, một lý tưởng để theo đuổi và ít là một khuôn mẫu để mô phỏng. Là những người đi theo sát Đức Kitô trong đời thánh hiến, chúng ta xác tín rằng nếu lòng thương xót đã không nghĩ mình ngang hàng với Thiên Chúa đã đi ra khỏi mình để đến với con người, sống như con người và hiến tế cho con người, thì việc thực thi lòng thương xót chính là lối sống, là con đường dẫn con người với Chúa và Nước Trời. Chúa Giêsu cho thấy trong ngày chung thẩm, vị Thẩm Phán Chí Công sẽ dựa vào những việc người ta đã thực hiện hay không thực thi cho anh chị em mình, cho người nghèo khổ khi còn sống trên trần gian để xét xử muôn dân: “Ai thực thi lòng thương xót, người ấy vào Nước Trời và ngược lại, ai không yêu đồng loại sẽ bị hư mất đời đời”. Đây cũng chính là điều mà thánh Gioan Thánh giá đã khẳng định: “cuối cuộc đời bạn sẽ bị xét xử về tình yêu”. Tình yêu ở đây không phải chỉ là thứ tình cảm chung chung, trừu tượng nhưng là lòng trắc ẩn và thương xót dành cho mọi người nhất là những người nghèo, người bệnh hoạn, bị bỏ rơi...Việc thực thi lòng thương xót không chỉ là làm việc từ thiện bố thí nhưng còn đòi hỏi ở những nghĩa cử bác ái, tôn trọng…và chia sẻ với người nghèo không chỉ do lòng yêu thương thôi thúc nó còn là bổn phận mỗi người phải thực thi để cụ thể hoá ơn gọi của người theo Chúa.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, con cảm nhận được Chúa đã yêu con tình thương Chúa đang bao bọc con tháng ngày bình an. Xin cho con ánh mắt hiền từ của Chúa để không nghi ngờ kết án hay nói xấu bất cứ ai qua dáng vẻ bề ngoài của họ, xin giúp con cảm nhận được những nét đẹp trong tâm hồn của chị em bên cạnh và luôn sẵn sàng nâng đỡ họ.
Xin cho đôi tai con có bộ lọc tốt để biết nghe, phân định không nghe đi nói lại những điều không tốt, không loan truyền tin tức không tốt làm mất bình an cho người khác, cho cộng đoàn.
Xin cho miệng lưỡi con luôn nhân từ, biết cẩn mật cẩn ngôn để không nói xấu nhau, không nói lời đôi ba ý…; ngược lại biết dùng lời để an ủi và tha thứ , yêu thương, tạo niềm vui hạnh phúc cho mọi người.
Xin cho đôi tay con biết rộng mở sẵn sàng làm những việc lành việc tốt dù cho nó bị trầy sướt nức nẻ, chai cứng… đừng để tay con mềm mại, nhẵn nhịu mà không hề biết đến lao nhọc, khó khăn của chị em, của người khác…
Lạy Chúa xin cho con trái tim con luôn cảm nhận tình yêu và lòng nhân từ của Chúa trong mọi sự, nhờ đó sẽ dễ dàng thông cảm với những khổ đau của anh chị em bên cạnh, và tim con không từ chối bất cứ ai, luôn có thái độ dịu dàng và đúng đắn để yêu thương và phục vụ…Với những khổ đau của bản thân, xin cho con được giữ riêng trong sự kết hợp với đau khổ của Chúa. Lạy Chúa, xin cho lòng thương xót của Chúa luôn hiện diện trong con và trong anh chị em con luôn mãi. Amen