Chủ đề Mùa Chay 2022

Thứ ba - 01/02/2022 00:11 1.615 0
 
 
 
CÙNG VỚI ĐỨC KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH, NGƯỜI NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ
Sống “ HIỆP THÔNG -THAM GIA -SỨ VỤ” trong niềm vui


“Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6, 2b)

Một lần nữa, Chúa ban cho chúng ta thời gian thuận tiện để cử hành mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Con Thiên Chúa, cao điểm của đời sống người Kitô hữu và là đối tượng duy nhất của lòng trí người nữ tu Mến Thánh Giá. Cùng với Giáo hội, chúng ta được mời gọi sống tinh thần hiệp thông, tham gia trong sứ vụ với Đức Kitô qua sứ mạng của Hội dòngnơi các Giáo hội địa phương trong hoàn cảnh hiện tại của cuộc sống hôm nay. Xin cho chúng ta biết tận dụng thời gian quý giá của Mùa Chay Thánh này để xây dựng con người mình trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa, với tha nhân; nhờ đó làm cho cuộc sống luôn chứa chan niềm vui.


 
Tuần I: CÙNG CHÚA GIÊSU ĐI VÀO SA MẠC CỦA CÕI LÒNG MÌNH

“Suốt bốn mươi ngày, Người được đầy Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu cám dỗ.” (Lc 4, 2)

Mùa Chay, Giáo hội mời gọi chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu để nhận ra con người thật với những cám dỗ đang vây bủa: sống ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến tha nhân; lối sống hưởng thụ tiện nghi vật chất; đòi hỏi vô độ của thân xác, giác quan; thái độ cố chấp, cao ngạo, bất khoan nhượng; sống tầm thường và buông thả; thái độ im lặng trước sự thật vì sợ liên lụy; không muốn Chúa can thiệp vào đời sống và từ chối tha nhân.

Hãy làm cuộc hoán cải trở về với Thiên Chúa là Cha và với mọi người là anh em để canh tân đổi mới cuộc đời, can đảm đối diện với con người thật của mình và chiến thắng cám dỗ bằng các việc đạo đức truyền thống như: cầu nguyện, chay tịnh, hãm mình, khổ chế, hy sinh.

Theo gương Đấng Sáng lập Dòng “Chúng ta thông phần vào các đau khổ của Đức Kitô bằng việc chế ngự thân xác” ( x. Bts II,3) để thực hiện các cuộc hoán cải nội tâm thật hiệu quả theo như lòng nguyện ước. 

Thực hành: Cùng vào sa mạc với Chúa Giêsu để tìm lại chính mình bằng cách :
  • Dành nhiều thời gian thinh lặng để kết hợp với Chúa.
  • Thực hiện một việc khổ chế mà bấy lâu nay mình không để ý: cách ngồi, đi đứng…

Tuần II: HIỆP THÔNG ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI  NÊN GIỐNG  CHÚA

“Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê rô, Gioan và Giacôbê” (Lc 9,28)

Biến hình là biến cố quan trọng xảy ra trên núi Tabor. Nơi ấy, Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ “thân tín” của Ngài là Phêrô, Giacôbê và Gioan “nếm một chút, cảm nghiệm phần nào”niềm hoan lạc trong Nước Trời. Nhưng, để được chứng kiến vinh quang đó, Chúa không tạo ra một điểm hẹn đầy lãng mạn, hay ở chỗ trang nghiêm nơi nguyện đường mà phải cùng Chúa lên núi cao.

Lên núi cao, một phần nào đó Chúa giúp các ông nhận ra con đường các ông phải đi, các ông muốn chia sẻ, muốn hiệp thông với Chúa cần phải thay đổi, ra khỏi bản thân, di dời vị trí vốn đã quen thuộc của mình. Mặc khác, Ngài chỉ muốn tỏ vinh quang trên núi thánh.
Mỗi ngày, Chúa vẫn đang biến hình trong cuộc sống này. Qua vũ trụ, vạn vật, con người, nhất là những người ta có dịp gặp gỡ. Nhưng, để nhận ra vinh quang và khám phá vẻ đẹp của Ngài, mỗi chúng ta hãy tôn trọng chính mình và tha nhân vì: “ Ơn gọi của các con thật cao cả và các con đã chết đi cho thế gian” (Đc Lambert – Btt, 10). Để được ơn biến đổi và cảm nhận được vinh quang của Chúa dành cho mỗi người trong cuộc sống, chúng ta hãy:
  • Tập thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực lâu nay sang cách nghĩ tích cực, lạc quan hơn. Tập sống thật, không ảo tưởng về mình và một tương lai viễn vông.
  • Tập yêu thương, tôn trọng hết mọi người, kể cả những người khác quan điểm, sẵn sàng giúp đỡ chị em, không phân biệt đối xử.
Thực hành: Hiệp thông với Đức Kitô, vui tươi trong cầu nguyện và phục vụ bằng cách
  • Thực hiện mọi cử hành Phụng vụ và các giờ  thiêng liêng trong niềm vui vì được gặp Chúa.
  • Tìm dịp giúp đỡ chị em hoặc một ai đó mà mình ít có thiện cảm.

Tuần III : ĐỔI MỚI CÁCH NHÌN TIÊU CỰC VỀ CON NGƯỜI VÀ CUỘC ĐỜI

“Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”. (Lc 13,5)
Thử thách, đổ vỡ và cả những sa ngã…, tất cả như là những dấu chỉ mời gọi chúng ta ý thức đến thân phận mỏng manh yếu đuối của con người. Vì thế, mỗi người luôn phải biết sám hối để canh tân cuộc sống của mình. Đã bao lần chúng ta sống tiêu cực, thiếu phấn đấu để vượt qua con người yếu hèn của mình trước cám dỗ, thích phê bình, chỉ trích, tìm điểm yếu của tha nhân… đó là những sa ngã, thử thách của chính mình.

Thời gian ân phúc của Mùa Chay, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta tự nhìn lại mình. Nhìn các biến cố, sự kiện trong đời mà ý thức thân phận mỏng dòn, yếu đuối, thấp hèn để thực hiện một cuộc hoán cải thực sự trong tương quan với Chúa và với tha nhân, với các linh hồn ngay trong ơn gọi sống đời thánh hiến của mỗi cá nhân. Ý thức được sự mong manh của kiếp người, sẽ giúp mỗi người thường xuyên điều chỉnh cách nghĩ và lối sống, để loại ra khỏi cuộc đời mình kiểu sống vô tâm, vô trách nhiệm trong đời sống chung nơi cộng đoàn, gia đình, giáo xứ và xã hội. “Điều gì anh em muốn người khác làm cho mình thì hãy làm cho anh em như vậy”. Gieo yêu thương sẽ không bao giờ thua lỗ. Gieo yêu thương sẽ gặt hái hoa trái của tình yêu. Càng gieo yêu thương càng được đón nhận nhiều nghĩa cử yêu thương. Khi gieo yêu thương thì hận thù sẽ tan biến; bác ái sẽ nở hoa, công lý và hoà bình sẽ đơm bông. Người gieo yêu thương sẽ gặt hái được cây sự sống mang lại hạnh phúc trường sinh. 

Thực hành: Cùng với Đức Kitô nhìn chị em bằng ánh mắt yêu thương, nhìn mình bằng ánh nhìn thống hối qua việc:
  • Nhìn mình nghiêm khắc, nhìn người khác quảng đại.
  • Thường xuyên lặp lại câu Kinh Thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (x. Mt 5,48)
 
Tuần IV: NIỀM VUI KHI BIẾT MÌNH ĐƯỢC CHÚA YÊU.

"Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”. (Lc 15,31)

Bóng dáng của người cha xuất hiện trong trình thuật về dụ ngôn người cha nhân hậu là biểu tượng lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với con người. Không phải ai cũng có thể nhận biết mình được Chúa yêu; vì trong cuộc sống có thể họ chưa cảm nhận được người khác yêu mình và mình chưa yêu ai bao giờ !
Người con cả đã từ chối không tham dự vào ngày vui. Vì anh nghĩ rằng mình tốt lành. Theo một nghĩa nào đó, anh tốt lành vì trung thành làm việc, không phải là người tiêu xài hoang phí, một con người trung tín luôn ở trong nhà cha. Thế nhưng, anh là con người có một con tim ích kỷ, mà không biết. Ai không có khả năng tha thứ sẽ không có động lực để yêu thương. Anh cả đã để qua một bên những kinh nghiệm đẹp mà anh ta có thể sống, nó nằm ở trong tầm tay của anh ta, đó là cảm nghiệm được tình yêu của cha già dành cho, lãnh nhận niềm vui sâu xa của việc làm hòa với nhau trong gia đình.
Ở lại bên Chúa qua các cử hành phụng vụ và giữ thinh lặng nội tâm là việc làm cần thiết để cảm nghiệm sâu xa niềm vui của đứa con thảo hiền luôn nghe được lời thân thương của cha.
“Các con hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô, vì đã hiến thân trọn vẹn cho Người” (Đc. Lambert – Btt 4). Chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa, chúng ta được mời gọi nhìn lại tâm tình sống của mình đối với Chúa, đối với Hội dòng, cộng đoàn và gia đình. Biết đâu đó, tôi cũng là đứa con ích kỷ, lo nghĩ đến bản thân, vun vén tích lũy cho riêng mình, đòi quyền lợi, quên nghĩa vụ, hơn thua... Và đâu đó tôi cũng chỉ thấy người khác được ưu đãi, trọng vọng hơn mình để rồi so bì, bất mãn, được mất hơn thua…Tôi đang là đứa con thuộc loại nào trong gia đình của Chúa? Vì sao tôi trở nên người con như anh cả? Phải chăng vì lòng tôi đang bị đóng chặt và không nhận thấy, chẳng cảm nghiệm được tình Chúa, tình chị em dành cho mình?

Thực hành:  Cùng với Đức Kitô sống niềm vui vì được làm con Chúa, được thuộc về Chúa qua lời khấn dòng và thể hiện niềm vui bằng cách:
  • Cầu nguyện, xác tín và tập cảm nhận tình thương của Chúa nơi đời sống chung trong tình hiệp thông, bác ái của Đức Ki-tô.
  • Vui vẻ thực hiện việc bổn phận trong niềm vui và vì lòng yêu mến Chúa.

Tuần V :  ĐỔI MỚI CHÍNH MÌNH

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8,7)
Các thượng tế và kinh sư vì ghen tương, tranh giành quyền bính khi thấy “toàn dân đến với Chúa Giêsu”, họ gài bẫy để thách thức Chúa qua việc kết án người phụ nữ ngoại tình. Chúa Giêsu quá rõ ý đồ đó và Ngài đã giúp họ nhìn lại bản thân mình trước khi muốn lên án người khác Ngài bảo họ:“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. (Ga 8,7).
Khi ai đó ném đá tha nhân, họ tự cho mình là kẻ sạch tội và có quyền lên án kẻ có tội. Nhưng nếu khi ta khám phá ra mình cũng là tội nhân, ta không dám lên án nữa vì như thế cũng là tự lên án chính mình. Khám phá hay nhận ra bản thân là do biết nhìn tận bên trong tâm hồn mình. Có những cái gần mình nhất, mình lại khó thấy nhất. Đó là bản thân. Có những sự thật người ta tìm cách trốn chạy nhiều nhất là sự thật về chính mình. Sự thật ấy chỉ khám phá được khi nhìn vào tận bên trong. Nhìn vào bên trong là đi vào nội tâm để nhìn lại chính mình, soi gương tâm hồn. Nhìn lại cuộc sống, lời nói, việc làm mình đã làm, đã sống. Những ngày còn lại của Mùa Chay, Giáo hội luôn khuyên chúng ta hãy can đảm nhìn thẳng, nhìn rõ vào chính mình và xin ơn biến đổi. Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan. “Hãy học hỏi Chúa Kitô chịu đóng đinh, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến”(Đc. Lambert de la Motte).

Thực hành: Cùng với Đức Kitô Trong thinh lặng cầu nguyện, chúng ta thể hiện khát vọng được đổi mới chính mình qua việc:
  • Ý thức hơn trong các giờ Viếng Thánh Thể
  • Cố gắng không làm tổn thương người khác dù chỉ là một câu nói đùa.

Tuần Thánh:  CÙNG VỚI CHÚA GIÊSU SỐNG LỜI XIN VÂNG

“ Lạy cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42).

Hành trình của Chúa lên đồi Calve là một hành trình gian khổ. Đích điểm chỉ đạt tới sau khi ta sống tinh thần tự hủy, từ bỏ, không phải chỉ bỏ tiện nghi vật chất, người thân, mà cả chính bản thân mình.

Bước đi theo Chúa trong linh đạo Mến Thánh Giá là đón nhận tất cả trong xin vâng. Nói tiếng “Fiat” không phải là dễ bởi nó đòi chúng ta đi ngược lại với những khuynh hướng sống dễ dãi, thoải mái, giả dối, ích kỷ, bạo lực hận thù…để dám sống từ bỏ, hy sinh, trung thực, yêu thương, bao dung mà Tin Mừng mời gọi. Xin vâng trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh, kể cả trong những cùng cực đau đớn âm thầm  mà chỉ có Chúa mới hiểu. Cùng kết hợp hy sinh với cầu nguyện để “thân xác phục tùng tinh thần nhờ khổ chế, và tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện” (Đc. Lambert de la Motte).Đó là cách thức chúng ta hiệp thông, tham gia sứ vụ cùng với Giêsu, và hy vọng sẽ được cùng Phục Sinh với Ngài.

Thực hành: Cùng với Chúa Giêsu bước vào Tuần thánh, thời gian ân phúc mà Chúa ban để mở cửa tâm hồn chúng ta giúp mỗi người đi vào tương quan tình yêu với Ngài cách mật thiết hơn bằng cách :
  • Sống thinh lặng và tìm nhiều dịp hy sinh khổ chế để kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
  • Làm một việc bác ái cho người chị em mình không có thiện cảm.

THỰC HÀNH CHUNG:
  • Tùy sáng kiến mỗi cộng đoàn, dọn đài thánh giá để sống tâm tình Mùa Chay.
  • Củng cố đời sống thinh lặng nhất là thinh lặng nhặt, sau giờ kinh tối đến sau giờ điểm tâm sáng. Tập nói nhỏ tiếng và dùng ngôn từ tế nhị dễ thương
  • Mỗi chị em mỗi ngày dâng 1 hy sinh để cầu nguyện cho một người (có thể là người thân, người mình biết…) đang trong tình trạng tội lỗi được ơn trở về với Chúa trong Mùa Chay.
  • Mỗi sáng thức dậy và sau giờ kinh tối  hát điệp khúc bài : “Hãy trở về” (CPS trang 18).

 

Tác giả bài viết: vùng Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây