Đỉnh cao của lòng thương xót là “Tình yêu”

Thứ hai - 21/02/2022 18:51 1.334 0
 
Đỉnh cao của lòng thương xót là “Tình yêu”
 

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, Chúa đã chịu khổ hình thập giá, chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Trên thập giá, trái tim Chúa đã bị lưỡi đòng đâm thâu; máu cùng nước từ trái tim ấy tuôn chảy nguồn ơn cứu rỗi cho nhân loại. Chúng con xin được trầm mình vào trong đại dương lòng thương xót vô bờ của Chúa, để nhờ đó chúng con có thể hiểu, cảm thông với cuộc tử nạn đau thương mà Chúa đã trải qua. Xin ban cho chúng con sức mạnh ân sủng của Chúa, giúp chúng con can đảm và vững tin để vác thập giá theo Chúa mỗi ngày  .
Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn trung thành theo Chúa Kitô. Trước giờ tử nạn của Chúa Giêsu - khi các môn đệ bỏ trốn, thì chính Mẹ vẫn âm thầm bước theo chân Chúa. Mẹ đã chứng kiến con đường thập giá của Chúa, cũng như chứng kiến giây phút Chúa trút hơi thở cuối cùng. Xin Mẹ dẫn dắt chúng con qua từng chặng đường thập giá của hành trình cuộc sống chúng con với tình yêu lớn nhất dành cho Đức Giêsu Kitô và ơn cứu độ cho con người hôm nay.
Xin Chúa Thánh Thần ở lại với chúng con trong giờ này để cùng với Mẹ Maria, các thánh giúp chúng con cảm nhận sâu xa về lòng thương xót mà Chúa Cha dành cho chúng con qua thánh tử Giêsu và biết thực thi lòng thương xót trong những việc bé nhỏ của đời sống hằng ngày.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 13,31-33a.34-35)

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển. “Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.

Suy niệm:

Chúa Giêsu cho biết Chúa Cha làm vinh danh Con của Ngài khi Người Con được giương lên cao trên Thánh giá. “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người”. Chúa Giêsu xác tín rằng vì mang cả nhân tính lẫn thiên tính, cương vị của Con Người Giêsu được tôn vinh nơi cuộc khổ nạn và đỉnh điểm nơi sự phục sinh. Phục Sinh là dấu chỉ Người chiến thắng tội lỗi và sự chết cách vinh quang. Chính Người là hiện thân của “Thiên Chúa ở với loài người”, sách Khải Huyền cho biết: “Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ”. Giờ đây bắt đầu một sự mới mẻ và hoàn thiện của việc thực thi “giới răn mới”. Chúa Giêsu, Đấng không đến để bãi bỏ điều luật nhưng để kiện toàn. Việc Người kiện toàn tình yêu của giới răn cũ là “mến Chúa yêu người” giờ đây đòi hỏi cần phải được triển nở nơi tình bác ái huynh đệ: “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau". Yêu tha nhân như chính mình chưa đủ, còn phải yêu tha nhân theo gương Chúa Giêsu đã yêu. 

Chúa Giêsu thể hiện tình yêu như thế vì Người mô phỏng theo cách Chúa Cha yêu loài người, yêu đến cùng đến nỗi sẵn sàng trao ban Con Một. Thiên Chúa còn yêu thương con người ngay lúc con người còn là tội nhân. Chiêm ngắm thân thể đầy thương tích của Đức Giêsu trên thánh giá, càng làm cho chúng ta cảm sâu hơn về tình yêu tự hiến, tự hủy của Người dành cho loài người.

Tưởng nhớ những lời nói đầy lòng thương xót và tha thứ của Người khi đón nhận đau khổ tột cùng trên thánh giá dành cho những kẻ hạ nhục, kết án tử cho Ngài. "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23,34) lời này của Chúa Giêsu trên thánh giá là Lời sống. Lời sống được nói từ Thánh Giá cho ta thấy tình thương của Thiên Chúa còn lớn hơn tội lỗi biết bao nhiêu. 

Đức Giêsu biết rõ tại sao con người hành xử và phản ứng như vậy đối với Ngài, nên Ngài thông cảm và tha thứ với những yếu đuối của con người. Qua đó Chúa mong muốn chúng ta tập theo cách hành xử như Chúa, tập cho con tim mình có nhưng nhịp đập như Chúa, bao dung nhân hậu như Chúa, có cái nhìn như Chúa. Đó là tình yêu ân cần, tận tâm, vô vị lợi và sẵn sàng hiến mình. 
Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta đỉnh cao của lòng thương xót là tình yêu mà “Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”. (Ga 13,35). Lòng thương xót là nhân đức làm chúng ta có khả năng trân trọng người khác vì chính con người của họ. Điểm thiết yếu của lòng thương xót là sống kiên nhẫn với người khác trong khi phục vụ lợi ích của họ. Nó bắt đầu bằng việc khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn yêu kém của mình để không bao giờ dòm ngó, xét nét người khác, luôn có cái nhìn lành mạnh, tích cực về người khác…nhờ đó sẽ giải phóng chúng ta được hoàn toàn tự do để chấp nhận chính mình, để có thể hiện diện với người khác mà không phóng chiếu trên họ các ảo tưởng, dèm pha nhận xét theo suy đoán và cái nhìn hạn hẹp của chính chúng ta. Nếu chúng ta không có khả năng để trân trọng chính mình như món quà của Thiên Chúa, chúng ta sẽ không đủ sáng suốt, thông minh và thánh thiện để xét đoán người khác trước khi mang vác gánh nặng của họ để cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.
 
Thực thi “Lòng thương xót” giữa các Kitô hữu, giữa người sống đời thánh hiến với nhau cần được biểu lộ trong đời sống chung vì nơi đó chúng ta đang làm sống lại lòng thương xót của Thiên Chúa cách cụ thể. Thư của thánh Giacobê tông đồ khuyên “Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này’, còn với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc: ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao. Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu Đức Tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao? Thế mà anh em, anh em lại khinh dể người nghèo!” (Gc 2,2-6).
 
Trong đời sống chung, tôi thường có thái độ thế nào đối với anh chị em chung quanh hay đối xử thế nào đối với người mà ta không thích, không có thiện cảm và người đã có lầm làm cho mình bị tổn thương: dễ thương đáp trả sự dễ thương, thô lỗ cộc cằn đáp lại những lời nói cộc cằn thô lỗ, gây hấn đáp lại thái độ công kích? Tôi luôn có khả năng phản ứng tích cực, thái độ tràn đầy lòng nhân hậu xót thương ?
 
Tôi dễ bị tổn thương vì những lời nói thiếu tế nhị của người khác ? Tôi đã từng dùng lời phê bình chỉ trích, xoi mói người khác, ném đá giấu tay ? Và có khi thái độ nín thinh của tôi đã có thể làm người khác bị tổn thương rất nặng. Nín thinh cũng là một câu trả lời không tiếng nói nhưng lại nói rất nhiều điều. Câu trả lời này chứng tỏ rằng, chúng ta còn thiếu lòng nhân hậu xót thương.
 
Có lẽ chúng ta cần phải bắt đầu cầu nguyện cho những người làm tổn thương chúng ta. Trong lời cầu nguyện, trái tim bị tổn thương của chúng ta sẽ được xoa dịu, được chữa lành, được ủi an và sẽ trở nên hiền dịu hơn. Như vậy, trong cầu nguyện chúng ta sẽ tìm thấy lối vào cánh cửa lòng thương xót của Thiên Chúa. “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).
 
Lạy Chúa, chúng con là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương nhưng chúng con chưa thể sống lòng thương xót như Chúa đã xót thương chúng con. Chúng con muốn chiêm ngắm trái tim Chúa bị đâu thâu, đụng chạm đến các vết thương trên thân thể Chúa nhưng chúng con chưa sống lòng thương xót với nhau trong đời sống chung. Lạy Chúa Giêsu, chỉ có trái tim Chúa mới có thể chữa lành cho chúng con, chỉ có ánh nhìn của Chúa mới giải thoát khỏi sự cứng đầu và băng giá của con tim chúng con. Chúng con xin Chúa giúp chúng con cảm nhận được lòng nhân hậu của Chúa trong chính chúng con, để chúng con có thể hiểu rõ lời dạy về lòng thương xót của Chúa “Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”. (Ga 13,35) và luôn tập sống theo tinh thần này trong đời sống chúng con.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn hy vọng duy nhất của chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con cảm nghiệm được Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa qua việc chiêm ngắm Lòng Chúa Thương Xót của Chúa đang thể hiện từng ngày trên thánh giá. Nhờ sự mặc khải tình yêu vĩ đại của Chúa trên Thánh Gía và Lời hằng sống được ghi lại trong Phúc Âm. Xin Chúa giúp chúng con say yêu Chúa qua việc suy gẫm Lời Chúa và chiêm ngắm Chúa trên thánh giá để mỗi ngày biết để ý luyện tập thể hiện lòng thương xót nơi đời sống nhân bản hằng ngày.

Lạy Chúa Giêsu, lòng thương xót của Chúa như biển cả mênh mông không bao giờ vơi cạn, là nguồn hạnh phúc dạt dào dành cho những ai biết yêu mến và tìm đến để  đến kín múc và tín thác vào Chúa.

Lạy Chúa, chúng con xin tín thác vào Ngài ! Xin Chúa thương xót và cho chúng con được sống trọn vẹn trong trái tim thương xót của Chúa. Amen.

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây