Sống chủ đề Mùa Chay năm 2022 - Tuần II

Thứ bảy - 05/03/2022 06:45 2.683 0
 

 

“Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê rô, Gioan và Giacôbê” (Lc 9,28)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, chúng con tạ ơn Chúa về những ơn lành chúng con đã lãnh nhận do ân sủng Chúa ban nơi đời sống của chúng con cho đến giờ này. Những tục lệ, truyền thống tốt đẹp mà chúng con đang có là nhờ các bậc tiền nhân qua dòng thời gian đã chọn lọc, chắt chiu, gìn giữ, bảo tồn và truyền lại cho chúng con, chúng con xin tạ ơn Chúa và ghi ơn tiền nhân. 

Nhờ Ân Sủng của Chúa Thánh Thần, xin làm cho lòng biết ơn Chúa, tri ân tiền nhân của chúng con ngày càng sâu lắng qua đời sống yêu thương, hiệp nhất với nhau trong cộng đoàn. Nhờ cảm nghiệm hạnh phúc từ cuộc sống ngập tràn yêu thương và không ngừng đổi mới về ơn hiệp nhất mà mỗi người là một tác nhân không thể thiếu nơi đời sống chung. Xin cho mỗi người chúng con biết nhìn nhận phẩm giá và công lao của nhau và của người khác để luôn biết trân quý, yêu thương, khích lệ, sống tinh thần liên đới với nhau ; sẵn sàng chia sẻ cho nhau của cải tinh thần và vật chất cùng giúp nhau trung thành với giao ước thánh hiến hầu đạt tới sự trưởng thành toàn diện mà mỗi người hằng mong ước.

Xin Chúa cho chị em chúng con hiểu được ý nghĩa sâu xa của tinh thần hiệp thông, hiệp nhất với nhau trong khi thi hành sứ mạng của mỗi người để nhờ đời sống cầu nguyện thâm sâu và tích cực thực hành khổ chế chúng con sống linh đạo mến thánh giá trong niềm vui vì luôn xác tín “ Ơn gọi của các con thật cao cả và các con đã chết đi cho thế gian”( Đc Lambert – Btt, 10). Và hân hoan đón nhận thành quả Chúa ban nơi đời sống mục vụ tông đồ trong tinh thần liên đới với nhau để hy vọng mỗi người được ơn biến đổi, được chứng kiến vinh quang Thiên quốc ngang qua những công việc nhỏ bé âm thầm mỗi ngày.

Suy niệm:  

Lời Chúa trong Chúa nhật tuần II Mùa chay kể chuyện về cuộc biến hình của Chúa Giêsu:

Người đem Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao và tại đó, đã biến hình trước mặt các ông. Mặt Ngài chiếu sáng như mặt trời. Áo Ngài trở nên trắng tinh như tuyết. Rồi lại có Môisê và Elia hiện ra và trò chuyện với Ngài.
Trước cảnh tượng huy hoàng ấy, Phêrô đã thốt lên:
- Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy muốn, con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisê và một cho Elia.
Qua sự kiện biến hình được Thánh Kinh kể lại, cho chúng ta nhận ra tâm lý chung, khuynh hướng chung của con người, ở mọi nơi và trong mọi thời là ưa thích, hứng thú với những sự việc lạ lùng, khác thường,

Thực tế, Tin Mừng cho thấy dân làng Nadarét đã khâm phục sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, thế nhưng vì không thấy Ngài làm một phép lạ nào, nên họ đã tỏ ra bực bội tức tối và muốn xô Ngài xuống vực thẳm. “Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”. Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm” ( Lc 4,27-29)

Và, trong đoạn khác Kinh Thánh còn cho biết Dân Do Thái nhiều người đã muốn suy tôn Ngài lên làm vua, vì Ngài đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi sống họ trong hoang địa. Thế nhưng, sau khi nghe Chúa Giêsu nói về một thứ của ăn thiêng liêng là Mình và Máu Ngài, thì họ đã lấy làm chướng tai gai mắt, nên đã bỏ Ngài mà đi. Rồi cũng chính họ trước tòa án Philatô, khi nhìn thấy vóc dáng thiểu não và thân hình tiều tụy của Ngài, đã không ngần ngại kêu gào: Đóng đanh nó đi, đóng đanh nó vào thập giá.

Hêrôđê cũng vậy, ông ta muốn gặp Đức Giêsu chỉ vì tính hiếu kỳ, óc tò mò mong được xem Ngài biểu diễn những trò ngoạn mục. Thế nhưng, khi thấy Ngài giữ thái độ yên lặng, thì ông đã cười nhạo và khoác cho Ngài một chiếc áo trắng để nói lên rằng Ngài chỉ là một tên điên khùng, mà trao trả Ngài lại cho Philatô xét xử.

Thái độ của Phêrô trong cuộc biến hình cũng chắng khác gì. Trên đỉnh Tabôrê, ông đã say mê ngất ngây trước cảnh tượng huy hoàng và ánh vinh quang của Chúa Giêsu. Thế nhưng, khi nghe Ngài nói về cuộc thương khó sắp xảy ra thì ông bực bội và lên tiếng can ngăn“ Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”( Mt 16,21). Vì nói lên điều này khiến Đức Giêsu đã phải quở trách Ông nặng lời: “ Hỡi Satan, hãy xéo đi, vì ngươi chỉ biết những việc của người đời, mà chẳng biết chi đến những việc của Thiên Chúa ( Mt 16, 23)

Rồi cũng chính Phêrô trong sân nhà thầy cả thượng phẩm đã chối Chúa ba lần. Không hiểu lúc chối Chúa khi gặp khó khăn nguy hiểm như thế, ông có còn nhớ lúc Ngài vinh quang ở Tabôrê nữa hay không?

Từ những sự kiện vừa lượt lại trong Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy kế hoạch hành động của Thiên Chúa thật khác xa với cách thức suy nghĩ, hành động của loài người qua mọi thời đại đúng như lời Ngài đã nói:“ Tư tưởng và đường nẻo của Ta không giống với tư tưởng và đường nẻo của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường nẻo của Ta cũng cao hơn tư tưởng và đường nẻo của các ngươi bấy nhiêu. (Is 55,8). Thực vậy, đang khi con người tìm kiếm vinh quang và những việc lạ thường, siêu việt…thì Chúa lại dùng chính những cái nhỏ bé, tầm thường, hiểu lầm, trái ý, ngay cả những khổ đau, thất bại, và cái chết tủi nhục của mình để biểu lộ quyền năng, lòng thương xót mà cứu độ chúng ta.

Lịch sử đã chứng minh về sự thật này. Có ai tầm thường, nhỏ bé cho bằng Đavít, một cậu bé chăn chiên, thế mà Thiên Chúa đã dùng cậu này để thiết lập một triều đại mới, dẫn đưa dân Do Thái tới một thời đại huy hoàng và phồn vinh. Có ai khiêm nhường như Maria, một cô gái nhà quê âm thầm, đâu có học vị, tài cáng gì nhiều thế mà Thiên Chúa đã dùng Mẹ để khởi đầu cho chương trình cứu độ nhân loại.

Xét cho cùng, có ai trên đời thất bại cho bằng Chúa Giêsu: vì môn đệ phản bội, chịu nhục nhã bởi những người mình đã từng thi ân, tổn thương vì những người bạn mình tin tưởng bỏ rơi cho đến chịu khổ hình trên đường lên Canvê và đón nhận cái chết ê chề trên thập giá; thế mà Ngài lại dùng chính khổ đau, tủi nhục của thập giá để giải thoát nhân loại khỏi tộ lỗi và sự chết.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục nói với chúng ta qua những sự việc nhỏ bé, tầm thường và khiêm tốn như thế trong cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, điều quan trọng  là chúng ta có biết lắng nghe và thực thi ý định của Ngài được tỏ lộ qua những sự việc nhỏ bé, tầm thường và khiêm tốn ấy hay không?

Và, biến cố biến hình xảy ra trên núi Tabor. Nơi ấy, Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ ‘thân tín’ của Ngài “nếm một chút, cảm nghiệm phần nào” niềm hoan lạc trong Nước Trời. Nhưng, để được chứng kiến vinh quang đó Chúa không tạo ra một điểm hẹn đầy lãng mạn, hay ở chỗ trang nghiêm nơi nguyện đường mà phải cùng Chúa lên núi cao.

Lên núi cao, một phần nào đó Chúa giúp các ông nhận ra con đường phải đi, các ông muốn chia sẻ, muốn hiệp thông với Chúa cần phải thay đổi, ra khỏi bản thân, di dời vị trí vốn đã quen thuộc của mình. Mặc khác, Ngài chỉ muốn tỏ vinh quang trên núi thánh.

Mỗi ngày, Chúa vẫn đang biến hình trong cuộc sống này. Qua vũ trụ, vạn vật, con người, nhất là những người ta cùng chung sống, có dịp gặp gỡ, tiếp xúc trong tương quan cuộc sống. Nhưng, để nhận ra vinh quang và khám phá vẻ đẹp của Ngài, mỗi chúng ta hãy tôn  trọng tha nhân và chính mình vì: “ Ơn gọi của các con thật cao cả và các con đã chết đi cho thế gian” ( Đc Lambert – Btt, 10). Để được ơn biến đổi và cảm nhận được vinh quang của Chúa dành cho mỗi người trong cuộc sống, chúng ta hãy:
 
  • Tập thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực lâu nay sang cách nghĩ tích cực, lạc quan hơn. Tập sống thật không ảo tưởng: ảo tưởng về mình và một tương lai viễn vông.
  • Tập yêu thương, tôn trọng hết mọi người, kể cả những người khác quan điểm, sẵn sàng giúp đỡ chị em, không phân biệt đối xử, yêu thích và thực hiện trọn vẹn những công việc âm thầm, đơn điệu hằng ngày dưới ánh nhìn yêu thương của Chúa.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nhắc nhở chúng con “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25), đó là một đòi hỏi phải trả giá, phải đánh đổi trong hành trình theo Chúa. Đó là việc tìm kiếm vinh quang đời sau và có thể chịu thiệt thòi, mất mát nhiều thứ ở đời này. Nếu ai, vì vinh hoa, lợi lộc đời này mà bỏ bê việc bổn phận đối với Chúa, với tha nhân, hằng ngồi đó mà chờ mong, ước ao làm những việc hoành tráng, lớn lao hoặc bóp méo ý Chúa thành ý mình, cố gắng biến ý mình thành ý Chúa, có thể làm những chuyện trái với lương tâm để có của cải và sống xa hoa, nhàn hạ thì sẽ không được sự sống đời đời. Ngược lại, ai vui lòng hy sinh, quên mình, quảng đại chia sẻ thời giờ, sức lực, trí khôn cho việc giúp đỡ tha nhân và phụng thờ Thiên Chúa người đó sẽ được hưởng sự sống đời đời.

Lạy Chúa con biết rất rõ như thế, nhưng đó là thách đố đối với con vì theo Chúa phải đi vào con đường hẹp và khó khăn, con ít muốn đi vào con đường ấy. Xin Chúa giúp con yêu Chúa nhiều hơn để can đảm bỏ lại những gì không cần thiết cho đời sống của người môn đệ đi sau Chúa, quyết tâm thực hiện những đòi hỏi của Tin Mừng để đáng hưởng vinh quang bất diệt ở đời sau. “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Đó là lời tuyên xưng đức tin hùng hồn nhất mà chúng con tuyên xưng mỗi ngày. Xin Chúa cho con luôn can đảm bước theo Chúa, biết bỏ mình, vác thập giá trung thành đi theo Chúa. Amen

Thực hành: Hiệp thông với Đức Kitô vui tươi trong cầu nguyện và phục vụ bằng cách :
  • Thực hiện mọi cử hành Phụng vụ và các giờ  thiêng liêng trong niềm vui vì được gặp Chúa.
  • Tìm dịp giúp đỡ chị em hoặc một ai đó mà mình ít có thiện cảm.
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây