Sống chủ đề Mùa chay - Tuần Thánh

Thứ ba - 05/04/2022 22:20 920 0
 
 
 
CÙNG VỚI CHÚA GIÊSU SỐNG LỜI XIN VÂNG

“ Lạy cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42).

Lời nguyện mở đầu :
 
Lạy Chúa Giêsu, cám ơn Chúa đã cho toàn thể Hội thánh cùng Chúa đi qua 40 ngày Chay Thánh, mỗi người được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng ơn thánh từ Thánh lễ, bí tích Hòa giải, các việc đạo đức, việc bổn phận và những hy sinh nhỏ bé hằng ngày …Những việc thiêng liêng cũng như thể chất đã giúp chúng con cảm nhận tình yêu lớn lao Chúa dành cho mỗi chúng con trong suốt hành trình cuộc sống.Và đây chính là động lực đưa chúng con bước theo Chúa gần hơn trong những ngày Tuần Thánh: Tưởng niệm việc Chúa vào thành Giêrusalem để khởi đầu cho cuộc thương khó, ghi nhớ bữa Tiệc Thánh Thể mà Chúa đã thiết lập bằng Mình và Máu Chúa rồi đến cử hành đêm canh thức Vượt Qua…Chúa đã chấp nhận mục nát, chết đi để đem lại cho nhân loại sự sống mới, sự sống muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu, đối với chúng con những nữ tu Mến Thánh Giá, từng ngày phải cố gắng để đạt tới sự hiểu biết, cảm sâu giá trị của Thánh Giá mà Chúa đã hy sinh vì tình yêu vâng phục mà Chúa đã nêu gương. Chúa đã từng cảm thấy hoảng sợ trước chén đắng Cha trao, nhưng với tình yêu dành cho Cha và nhân loại Chúa đã thân thưa:“ Lạy cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42). Xin cho chúng con bước tới gần Chúa hơn bằng thái độ đón nhận tất cả mọi biến cố trong đời với lời “xin vâng”. Xin cho mỗi chị em chúng con thấm nhuần tinh thần sống của Đấng sáng lập dòng bằng phương thế thực tiễn là kết hợp hy sinh với cầu nguyện để “thân xác phục tùng tinh thần nhờ khổ chế, và tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện” (Đc. Lambert de la Motte), thực hiện được tinh thần này chúng con mới có thể theo Chúa cách vui tươi và quảng đại để thưa lời “xin vâng” trong sứ vụ của chúng con mỗi ngày.  

Suy Niệm:

Bước vào Tuần Thánh, tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ. Bầu khí Tuần Thánh trở nên trang trọng, linh thiêng mời gọi mỗi người sống trầm lặng hơn, ít nói với tạo vật để tưởng niệm cuộc thương khó của Con Thiên Chúa. Cách riêng, đối với người nữ tu Mến Thánh Giá, Tuần Thánh  mời gọi chúng ta sống tâm tình của những người bước theo Chúa Giêsu Kitô trên đường Thánh Giá vì tình yêu, gần hơn, sát hơn, quyết tâm cụ thể với một tâm hồn đổi mới để nên giống Ngài - Đấng Thánh, Chí Thánh; để thông phần với Ngài trong cuộc khổ nạn, để cảm sâu hơn tình yêu của Đấng Thánh vì nhân loại đã trút đến giọt máu cuối cùng, đã trao ban Thần Khí mà ban sự sống mới cho con người mọi thời. Chúa Giêsu đã sống thật gần với chúng ta, nên gương mẫu và dắt chúng ta theo Ngài bằng tinh thần sống lời “xin vâng” trong tin tưởng phó thác.   

Tinh thần vâng phục của Đức Kitô trong cuộc Khổ Nạn đã được Thánh Phaolô cảm nhận và diễn tả ngang qua các bài viết của ngài “Người…vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập thự” (Pl 2,8), “nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19), “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều nỗi đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9).
Sống đức “Vâng phục” là tinh thần chính yếu giúp chúng ta đi vào cuộc Khổ nạn với Chúa. Nhờ cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, sự vâng phục của chúng ta có ý nghĩa và đạt đến giá trị lớn lao.

Có người cảm thấy khó hiểu, tại sao Chúa Cha lại có thể hài lòng với cái chết thập giá của Con mình là Đức Giêsu Kitô. Thắc mắc ấy, thánh Bênađô đã trả lời chính xác như sau: “Không phải cái chết làm hài lòng, nhưng là ý muốn tự ý của người chết”. Không phải cái chết của Đức Kitô cứu chuộc ta, nhưng đúng hơn, chính là sự vâng phục của Ngài “cho tới chết “ khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ, con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền ( Dt 10,5-7).

Nơi Đức Giêsu, mọi lời nói, suy nghĩ và hành động của Người dù có ở trong tình trạng nào, thì cũng được xây dựng trên sự vâng phục. Thái độ này được thánh sử Gioan giới thiệu rất rõ ràng: Người đến là để chu toàn thánh ý của Thiên Chúa Cha (x. Ga 8,28-29); “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Đỉnh cao của sự vâng phục nơi Đức Giêsu được thánh Phaolô tóm lại trong cuộc thương khó của Người: “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá” (Pl 2,8; x. Rm 5,19)

Bước theo Chúa Giêsu, người môn đệ cũng phải đặt sự vâng phục lên hàng đầu và sống thái độ đó suốt cả cuộc đời. “Vâng phục thánh hiến là hiến dâng cho Thiên Chúa tựu do cá nhân, dấn thân theo Đức Kitô mẫu gương vâng phục, để nhờ Người và cùng với Người thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa Cha” ( x. CTPÂ, 18). Hành trình trở nên môn đệ Đức Giêsu không phải là một nghề nghiệp, nhưng đó là một ơn gọi, ơn gọi xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo....” (Mc 8,34). Để có thể hiểu biết yêu mến và đi theo Chúa Giêsu, chúng ta cần phải lắng nghe tiếng gọi với thái độ của niềm tin, bằng cả lý trí và con tim, tức là toàn bộ con người của mình. Theo Đức Giêsu, chúng ta sẽ trao phó toàn bộ quá khứ, hiện tại và tương lai của đời mình nơi Người.

Bước theo Chúa Giêsu là từng bước ra khỏi cái tôi ích kỷ, ra khỏi những cái tầm thường nơi con người, ra khỏi những gì là tham sân si... "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. (Lc 14,25), Người môn đệ bỏ mình là chấp nhận chết đi cái tôi của mình, để đón nhận sức sống mới nơi Đức Giêsu Kitô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20)

Vâng phục là chấp nhận từ bỏ chính mình để làm một “cuộc lội ngược dòng”, chấp nhận con đường của thập giá để đạt được vinh quang. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết như sau: con đường "chịu mất chính mình", là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình". Hành trình  theo Chúa Giêsu lên đồi Calve là một hành trình gian khổ. Đích điểm chỉ đạt tới sau khi ta sống tinh thần tự hủy, từ bỏ, không phải chỉ bỏ tiện nghi vật chất, người thân, mà cả chính bản thân mình.
Khi con người đang đề cao chủ nghĩa cá nhân, tự do thì dường như vâng phục không có chỗ để tồn tại.Vì thế người môn đệ Đức Giêsu cần phải biết luôn khiêm tốn và năng cầu nguyện, sẽ giúp sống vâng phục tốt hơn được. Khiêm tốn sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về chính bản thân mình và người khác, như thánh Phaolô đã nói: “Đừng đi quá mức khi đánh giá mình...” (Rm 12,3). Nhờ kiêm tốn chúng ta mới thấy được giới hạn của mình, mới cảm nhận tình yêu quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh" (1 Cr 4,7). Khi sống tinh thần khiêm tốn thực sự,  chúng ta sẽ thấy rõ, cảm nghiệm sâu xa về nguồn gốc và cùng đích của ơn gọi tận hiến mà chúng ta đang sống là ân ban nhưng không, xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình nhờ đó có thể giúp mỗi người sống tinh thần vâng phục cách vui tươi theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu.

Và để sống tinh thần vâng phục cách bền vững yếu tố căn bản trong đời sống người môn đệ là cầu nguyện. Khi cầu nguyện, người môn đệ sẽ lắng nghe - nhận biết và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Nhờ nên một với Đức Kitô người môn đệ sẽ dẽ dàng thưa tiếng “ Xin vâng” trong tình yêu, nhờ động lực là sự hướng dẫn đầy khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.

Chiêm ngắm gương vâng phục của Đức Giêsu cho chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của sự vâng phục trong đời sống người môn đệ Đức Giêsu. Có thể nói vâng phục chính là cánh cửa đưa chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân.Vâng phục chính là trung gian của các nhân đức khác và là điều kiện để trở thành người môn đệ Đức Giêsu.

Bước đi theo Chúa trong linh đạo Mến Thánh Giá là đón nhận tất cả mọi hoàn cảnh đời mình trong ‘xin vâng”. Nói tiếng “Fiat” không hề dễ dàng bởi nó đòi chúng ta đi ngược lại với những khuynh hướng, bản năng của con người: thích sống dễ dãi, ưa tìm thoải mái, giả dối, ích kỷ, bạo lực hận thù…để dám sống từ bỏ, hy sinh, trung thực, yêu thương, bao dung mà Tin Mừng mời gọi. Xin vâng trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh, kể cả trong những cùng cực đau đớn âm thầm mà chỉ có Chúa mới hiểu. Để đạt được tinh thần sống vâng phục trong tin yêu, vui tươi hạnh phúc chúng ta cùng tập sống tinh thần hy sinh khổ chế theo gương Đấng sáng lập và Tiền nhân của Hội dòng qua dòng thời gian. Đó còn là cách thức chúng ta hiệp thông, tham gia sứ vụ cùng với Giêsu, và hy vọng sẽ được cùng Phục Sinh với Ngài.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao nộp cả mạng sống mình và chịu đóng đinh, chịu chết trên thánh giá cho con, con đã nghe được tiếng Chúa và bước theo để làm môn đệ Chúa. Con vẫn biết muốn làm môn đệ Chúa phải chấp nhận từ bỏ minh - mà từ bỏ là một sự thách thức khó khăn, nhất là khi phải từ bỏ những điều thân thiết với bản thân. Từ bỏ để chấp nhận những lệnh truyền, thi hành những công tác mình không thích, sống với người mình không thiện cảm, ở những nơi thiếu thốn, bấp bênh… xin ban cho chúng con sự sáng suốt và can đảm trong sự vâng phục đầy tin yêu phó thác. Để mỗi khi muốn thoái thác trước đòi hỏi của sự vâng phục, xin cho con nhớ lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, 2014, để có thể chất vấn chính mình: “Chúa Giêsu có thực sự là tình yêu thứ nhất và cuối cùng, như chúng ta đã khấn, khi chúng ta đọc các lời khấn không? Chỉ khi nào là như thế, chúng ta mới có thể và phải yêu trong chân lý và lòng thương xót mọi người mà chúng ta gặp trên hành trình của chúng ta, để chúng ta hiểu từ Ngài rằng tình yêu là gì và phải yêu như thế nào; chúng ta sẽ biết yêu thương bởi vì chúng ta sẽ có chính con tim của Ngài.” Amen

Thực hành: Cùng với Chúa Giêsu bước vào Tuần thánh, thời gian ân phúc mà Chúa ban để mở cửa tâm hồn chúng ta giúp mỗi người đi vào tương quan tình yêu với Ngài cách mật thiết hơn bằng cách :
  • Sống thinh lặng và tìm nhiều dịp hy sinh khổ chế để kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
  • Làm một việc bác ái cho người chị em mình không có thiện cảm có ý cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây