Cái chết mang ơn cứu độ

Thứ hai - 11/04/2022 22:39 1.034 0
 
 

Cái chết mang ơn cứu độ

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến,

Nghi thức phụng vụ chiều Thứ năm Tuần thánh Giáo hội giúp chúng con tưởng niệm việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể và thiết lập chức Linh Mục Thượng Phẩm, để qua các linh mục, Chúa tiếp tục sự hiện diện luôn mãi với nhân loại trong mầu nhiệm Thánh Thể cho đến ngày Chúa lại đến trong vinh quang. Đồng thời trao gởi cho chúng con lời trăn trối cuối cùng “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng hãy rửa chân cho nhau”.
Và chúng con đã cùng nhau canh thức với Chúa trong đêm Vườn dầu, mỗi tâm hồn có những trải nghiệm, cảm nghiệm về tình thương của Chúa dành cho thật riêng biệt. Mỗi người đã nhận ra những phản bội của mình trước tình thương của Chúa nơi các lỗi lầm, thiếu sót cùng những quyết tâm thay đổi đời sống, cố gắng làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa Cha trong cuộc đời và nơi môi trường mình đang sống.

Sáng nay, trong bầu khí thinh lặng bao trùm: mọi người, mọi vật muốn im tiếng để tưởng niệm về những khổ hình Chúa đang chịu vì nhân loại. Chúng con muốn chiêm ngắm khuôn mặt bầm dập, đầy máu và dơ bẩn vì bụi đất của Chúa. Để nhận ra vẻ đẹp tuyệt hảo của tình yêu đang được giấu ẩn.“Chúa mang lấy trên mình sự nhơ bẩn, tội lỗi của chúng con và toàn thể nhân loại, để thanh tẩy chúng con trong máu Ngài với tình yêu lớn lao của Thiên Chúa.” 1

Xin cho chúng con xác tín “ Đức Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng con, để nhờ đó tình thương, lòng tốt của Thiên Chúa có thể chạm đến đời sống chúng con, biến đổi mọi thứ : thay da đổi thịt và cả máu huyết để chúng con có thể bước vào cuộc sống mới không thể hư hoại, tàn phai. Để một khi cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng con sẽ tiếp tục làm lan tỏa tình thương ấy cho những người thân yêu, cho tha nhân trong hành trình sứ vụ nhất là những ai khổ đau, nghèo nàn túng thiếu.

Suy niệm:

Để đạt đến sự sự hiểu biết, yêu mến và tuyên xưng Đức Giêsu Đấng công chính đã chết để mang ơn cứu độ nhân loại, chúng ta cùng ôn lại Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo về ý định cứu độ nhiệm mầu bằng cái chết của Người Tôi Tớ Công Chính nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ”  (Is 53,11). Trong lời tuyên xưng đức tin (1 Cr 15,3), Thánh Phaolô tuyên xưng rằng Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh. Cái chết của Đức Giêsu đã hoàn tất cách đặc biệt sấm ngôn về Người Tôi Tớ đau khổ. Chính vì điều này mà Thiên Chúa đã sai Người Con đến thế gian. Mục tiêu của sứ mệnh Chúa Giêsu: “Bởi vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21; số 430). Đức Kitô chết vì tội chúng ta ( x. GLHTCG số 601)

Thánh Phêrô đã trình bày niềm tin của các Tông Đồ vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa : “không phải bằng những của hư nát, bạc hay vàng mà anh em đã được mua chuộc khỏi cảnh sống phù phiếm tổ truyền của anh em, nhưng là nhờ máu châu báu của con chiên vô tật, vô tì, Đức Kitô, Đấng đã được tiền định từ trước tạo thiên lập địa, và đã tỏ hiện vào thời cánh chung vì anh em” (1 Pr 1,18-20). Tội của con người tiếp theo tội nguyên tổ, phải chịu hình phạt sự chết. Khi sai Con Một Người trong thân phận nô lệ, thân phận làm người sa đọa và phải chết vì tội, “Đấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã làm cho thành sự tội, ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa”(2 Cr 5,21)- (x.Sách GLHTCG số 602).
 
Đức Giêsu đã không bị trừng phạt như thể chính Ngài đã phạm tội. Nhưng trong tình yêu cứu độ kết hiệp Ngài với Chúa Cha, Ngài đã đảm nhận chúng ta, những người xa lìa Thiên Chúa vì tội lỗi, đến mức độ có thể nói nhân danh chúng ta trên thập giá : “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người bỏ tôi” (Mc 15,33) ; Tv 22,1). Khi cho Ngài liên đới với chúng ta là những tội nhân, “Thiên Chúa đã không tha Con Một Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy” (Rm 8,32) để chúng ta được giao hòa với Người nhờ sự chết Con của Người (Rm 5,10) - (x. Sách GLHTCG Số 603).

Cái chết trên thập giá của Đức Kitô là cớ vấp phạm cho người Dothái, và là sự điên rồ đối với dân ngoại (1 Cr 1,23), Nhưng đối với những kẻ được tuyển chọn, đó là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cr 1,24).
 
Theo Gioan, cái chết của Đức Kitô là cái chết tự nguyện, và vì lẽ đó mà Chúa Cha yêu mến Ngài (x. Ga 10,17-18). Chính sự vâng phục tự nguyện đem lại giá trị cho sự đau khổ và cái chết của Đức Kitô. Hơn nữa, tình yêu đến cùng của Ngài đối với Cha, mạc khải tình yêu đến cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại, bất chấp mọi giới hạn, cản trở do hận thù của loài người. Khi tình yêu đối với Chúa Cha bắt phải đương đầu với sự chết, Ngài vẫn tiếp tục vâng phục ; Ngài đã yêu đến cùng, nghĩa là đã bày tỏ đến cực điểm tình yêu của Ngài. Tình yêu của Ngài đã chiến thắng hận thù ; Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng cái chết ; trong chính cái chết, tình yêu đã thắng vượt để rồi sống lại, ân sủng phát xuất từ tình thương được biểu lộ liên lỉ, ngay cả trong cái chết.

Đức Giê-su đã dâng hy tế là chính cái chết của Ngài để cứu độ chúng ta. Trước Đức Giêsu, những hy lễ do các tư tế dâng tiến không có khả năng xóa bỏ tội lỗi. Hy tế của Đức Giêsu đã giải phóng chúng ta, một lần cho tất cả, khỏi quyền lực tội lỗi. Mỗi khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta nhớ lại và làm sống động cuộc Khổ Nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Nhờ được chia sẻ trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta khám phá ra con đường dẫn tới Thiên Chúa.

Linh đạo dòng mến thánh giá cũng đã dạy chúng ta như thế “ Người nữ tu Mến Thánh Giá tập trung vào mầu nhiệm thập giá cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã thí mạng sống mình vì tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Cha và nhân loại. ( x. Hc điều 4 )

Sống linh đạo Mến Thánh Giá, hằng ngày người nữ tu tưởng nhớ, suy niệm và tuyên xưng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta, phát huy tinh tần hy sinh và khao khát dồng hóa với Chúa Giêsu Kitô trong mầu nhiệm khổ nạn. Sống tinh thần Phúc Âm và nhiệt thành với sứ mạng cứu các linh hồn ( x. Btt8-9). Như thế, làm thế nào để chị em chúng ta có kinh nghiệm về hy tế cứu độ của Đức Giêsu đang diễn ra trong thực tại mỗi ngày chứ không phải một sự kiện trong quá khứ ? Hay chỉ là một nghi lễ để tưởng niệm?

Người Nữ tu Mến Thánh giá được mời gọi dâng hiến đời sống mình vì lợi ích của tha nhân, những người mình có trách nhiệm giáo dục, nuôi dưỡng ngang qua sứ vụ như thế nào?

Chúng ta có tận dụng mọi khoảnh khắc trong đời sống để hy sinh, khổ chế, chuyển cầu cho anh chị em được ơn cứu độ mà sứ mạng của Hội dòng mời gọi không?

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến,
Xin Chúa cho con lòng yêu mến Chúa thật và luôn xác tín rằng: Yêu Chúa không chỉ hệ tại ở lời hay ý đẹp, nơi những suy tư độc đáo, mến Chúa không chỉ ở danh nghĩa bên ngoài, những hình thức nơi tu phục, công việc phục vụ, mục vụ, những tổ chức qui mô rầm rộ …vì ơn cứu độ của Chúa không đến từ những nghi lễ nhưng đến trong sự thầm lặng, hy sinh, cầu nguyện, yêu thương, tha thứ và phục vụ. Ước gì chúng con không tìm cách uốn cong ý Chúa theo quan niệm riêng tư để khéo léo che đậy cái tôi đầy tham vọng, ích kỷ của mình. Xin giúp con biết sống và thể hiện niềm tin và lòng mến Chúa đích thực mỗi khi phải đối diện với sự dằng co nội tâm, đối diện với đòi hỏi bỏ mình, mỗi khi phải phân định để chọn Chúa hay chọn thế gian ...để nhờ đó chúng con bước theo Chúa cách can đảm, trung tín và bình an . Xin cho mỗi chúng con dám hủy mình ra không, dám liều lĩnh bước đi theo Chúa với những gì Chúa muốn. Xin giúp chúng con cố gắng sống tâm tình tận hiến mà Đấng đáng kính Hồng y Phanxicôxavie Nguyễn văn Thuận đã để lại trong Đường hy vọng “ Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và mời gọi người khác dâng hiến. Đó là các con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả, con giúp họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong Đức Kitô” ( ĐHV, số 611). Amen

[1] ĐGH Phanxicô, Bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật Thương Khó, 24/3/2013


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây