“Hãy học cùng ta, vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,29b)

Thứ ba - 21/06/2022 08:52 4.965 0
Thứ sáu Lễ Thánh Tâm
 


“Hãy học cùng ta, vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,29b)

Lời nguyện mở đầu :

Lạy Chúa Giêsu yêu mến,
Chiêm ngắm Chúa trên thánh giá, với những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn bị đâm thủng để cho máu cùng nước chảy ra, xin cho chúng con xác tín về tình thương nhưng không Chúa dành cho chúng con. Suy gẫm về tình yêu Chúa xin cho chúng con biết học với Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu khi ngài thổ lộ: “Tình yêu chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu”.
-Học yêu và đáp trả tình yêu bằng trái tim nhạy cảm để yêu thương, tha thứ trong đời sống chung.
-Học yêu và đáp trả tình yêu là không để trái tim mình bị thương tổn, hoặc làm tổn thương người khác vì những hành vi thiếu nhân bản, những cử chỉ lời nói thiếu lịch sự, tế nhị…
-Học yêu và đáp trả tình yêu khi dám chịu đau khổ khi bị khinh chê, bỏ rơi,
-Học yêu và đáp trả tình yêu khi không buông lời lên án chê bai, chỉ trích, can đảm đón nhận thái độ không được tôn trọng hoặc phải chịu thiệt thòi, bị đối xử không công bằng, khi người khác quên ơn, bội nghĩa….
-Học yêu và đáp trả tình yêu là quyết tâm tập luyện cho mình có được nhịp đập thương cảm, yêu như Chúa và các thánh, con tim mở ra để đón nhận tình yêu của Chúa và của người khác khi người khác có cách diễn tả tình yêu không như mình mong đợi.
-Học yêu và đáp trả tình yêu để nhìn thấy nhu cầu của cộng đoàn, của người khác mà sẵn sàng giúp đỡ, cộng tác, sẻ chia,

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,nếu mỗi người trong chúng con đã thực sự “học yêu và đáp trả tình yêu cùng Chúa”, thì cho đến hôm nay vết thương nơi trái tim của Chúa đã được chữa lành. Xin lấy khỏi chúng con quả tim chai đá và ban tặng quả tim biết yêu thương, để chúng con kín múc được tình yêu từ Thánh Tâm Chúa và mở ra cho mọi người. Lạy Trái Tim rất Thánh Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường xin uốn lòng chúng con nên giống như rất ThánhTrái Tim Chúa.

Suy niệm:

Hiền lành để tha nhân dễ gần ta và khiêm nhường để ta dễ gần tha nhân, tạo cơ hội cho ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta. Kẻ kiêu căng thường phân loại giai cấp để đối xử. Người khiêm nhường thì đối xử với mọi người như nhau.
Trước hiện trạng đời sống con người hôm nay đã để cho bạo lực lên ngôi, bên cạnh bạo lực vũ lực thì bạo lực truyền thông cũng không kém. Người ta chà đạp lên nhau, bêu xấu, hành hung nhau bẳng đủ mọi hình thức;

Hiền lành và khiêm nhường, dễ thương, nhường nhịn không mấy ai lưu tâm, không còn được đánh giá cao trong đời sống xã hội, tình trạng này đang bị ảnh hưởng đến  bên trong bức tường tu viện …Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy niệm về gương sống và lời dạy về đức hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu.

Học với Đức Giêsu lội người dòng đời bằng cách sống và thực hành đức hiền lành, khiêm nhường.

Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy con người về đời sống đức tin và siêu nhiên mà còn dạy cách sống nhân bản. Ai học và thực hành theo giáo huấn của Người sẽ trở thành con người dễ thương, dễ mến và sẽ thành công trong cuộc đời.

Con người ngày nay đang chạy theo mốt “khoe” cái gì cũng đưa lên mạng xã hội; thích chưng diện, phô trương, biểu diễn thì sự dịu dàng hiền lành trở nên vắng bóng; càng muốn chưng diện lôi kéo sự chú ý thì lại dùng những ngôn từ “lạ” cộc cằn, thô lỗ…thích  khoe khoang, thích thể hiện, tự phụ, cậy vào tài năng của mình và luôn muốn đề cao cái tôi thì làm sao có được sự hiền lành và khiêm nhường ?

Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính đặc biệt nơi con người Chúa Giêsu. Thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Phải chăng đó là một sự khiêm nhường tột cùng của vị Thiên Chúa làm người; hạ mình xuống rốt chót mọi người, lãnh nhận cái chết của tên tử tội bị đóng đinh thập giá.

Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện trở nên một người nghèo.Thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tội nhân. Đấng hằng sống, Người đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Người đã không ngừng cúi xuống để chạm đến những thân phận nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ.

Và một cử chỉ khiêm nhường không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hạ mình xuống tận cùng, không còn chỗ để cúi xuống sâu hơn được nữa.

Hiền lành - khiêm nhường đi song đôi với nhau. Hiền lành để tha nhân dễ gần chúng ta và khiêm nhường để ta dễ hòa đồng với tha nhân. Hiền lành – khiêm nhường tuy hai nhưng là một. Sống Hiền lành khiêm nhường giúp ta dễ dàng đến với tha nhân và tha nhân đến với ta. Kẻ kiêu căng thường phân loại bạn để chơi, phân biệt giai cấp để kết bạn, phân biệt sang hèn để đối xử… Người khiêm nhường thì đối xử với mọi người như nhau, ai nấy đều có phẩm giá và được tôn trọng. Người hiền lành ai cũng muốn tới gần. Kẻ gian ác kêu căng ai cũng tránh xa. Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường nên ai cũng có thể tiếp xúc với Ngài, và Ngài cũng có thể gặp gỡ trao đổi với mọi hạng người: từ em bé đến người già, người giàu đến kẻ hèn, người công chính đến tội lỗi,người trí thức đến người bần nông,

Hiền lành - khiêm nhường là bài học căn bản dẫn chúng ta vươn tới sự hoàn thiện, nhưng không dễ để thực hành. Ai trong chúng ta cũng có cái tôi to đùng, thích được người ta nể trọng, thích được đứng vào chỗ nhất, cái gì cũng muốn ưu tiên nhất. Chúng ta đang sở hữu nhiều thứ, biết nhiều thứ ngôn ngữ nhưng thứ ngôn ngữ có khả năng tuyệt vời để nhận được ơn mặc khải của Chúa, đó là tình thương thì còn lờ mờ không muốn hiểu. Thiên Chúa là tình thương và chỉ có ai yêu thương mới biết Thiên Chúa, còn ai không yêu thương thì không biết Ngài.

Chúng ta xét thấy đời sống cá nhân của mình bất an, cộng đoàn lủng củng nguyên nhân bởi đâu ?           

Thiếu đức khiêm nhường sẽ trở nên thiếu khôn ngoan.

Người kiêu căng thì tin vào mình cách thái quá, không còn biết lắng nghe người khác, sẽ trở nên mù quáng. Người khiêm nhường thì biết lắng nghe, biết chấp nhận cái hay, cái tốt của người khác, và sẽ trở nên khôn ngoan.

Thiếu đức khiêm nhường, thường dễ lỗi đức bác ái.

Bác ái là hạ mình xuống, tha thứ, nhịn nhục. Người thiếu đức khiêm nhường thì khó nhịn, “ người khác nói một thì mình đáp hai” “mắt đền mắt, răng đền răng” không có chuyện bỏ qua, không dễ dàng tha thứ, không thể nhịn nhục. Vì thế, thiếu đức khiêm nhường khó có đời sống chung bình an. Cộng đoàn trở nên bất hạnh nếu ở đây toàn là những con người kiêu căng; một cộng đoàn có nhiều người tích cực sống đức khiêm nhường thì mỗi thành viên dễ đoàn kết gắn bó với nhau. Thiếu khiêm nhường người ta sẽ có thái độ thích thì làm không thích thì thôi, không làm theo ý tập thể, tìm mọi lý lẻ, cắt nghĩa, quảng diễn khôn khéo để tập thể theo ý mình. Người khiêm nhường biết lắng nghe người có trách nhiệm, lắng nghe ý kiến chung, đóng góp ý kiến tích cực... Kinh nghiệm của Đấng đáng kính Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận được ghi lại trong ĐHV số 522 như sau: “ Không thể tránh căng thẳng, nhưng có thể giảm bớt căng thẳng được, trước hết Chúa không buộc con làm tất cả mọi sự. Thứ đến việc gì Chúa giao con làm, Chúa ban thời giờ và phương tiện. Nếu con với tất cả cố gắng và thiện chí, con không thực hiện được là Chúa không muốn. Tại sao căng thẳng, ngã lòng? Cứ bình an!”.

Sống căn tính đời thánh hiến theo Linh Đạo Mến Thánh Giá là thực hành khiêm nhường, hiền lành qua cung cánh “Sống giản dị, vui tươi, khiêm tốn, yêu thích trầm lặng, chuyên cần học hỏi, đảm đang công việc và quên mình phục vụ mọi người.” (HC. điều 5/2)

Lời nguyện kết :

Lạy Thánh Tâm Chúa Hiền lành và Khiêm nhường, xin cho chúng con biết yêu Chúa bằng tình yêu cảm ái trong ước muốn làm đẹp lòng Người; liên lỉ suy ngắm mầu nhiệm thập giá và tưởng nhớ Đấng chịu đóng đinh trong tâm trí, nơi trái tim và trong mọi hoạt động của ngày sống. Qua đó, chúng con được tiến sâu hơn nữa bằng tình yêu thực tiễn để hiến thân trọn vẹn cho Chúa và cho những người chúng con có trách nhiệm trong việc giáo dục, chăm sóc và làm gương sáng nơi đời sống thường ngày. Xin cho chị em chúng con luôn xác tín và dám dấn thân để mang trên mình cuộc thương khó của Đức Giêsu (2Cr 4,10), dám hoàn tất nơi thân xác những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội thánh (Cl 1,24).Xin thánh hiến tình yêu bé mọn của chúng con bằng trái tim của Đấng chịu đâm thâu trên thập giá, cho chúng con ơn sống hiền lành và khiêm nhường; để nhờ, qua cuộc sống nhân bản với sự kết hợp liên lỉ với Chúa bằng lời nguyện cầu và hy sinh âm thầm đời sống của chúng con được thánh hóa, ước mong nhiều tín hữu sống xa lìa Chúa được ơn hoán cải và lương dân được ơn đức tin. Amen


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây