Chứng tá của đời sống Cộng đoàn
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Giây phút đầu tiên của ngày sống mới chúng con đến với Chúa với tất cả niềm tri ân, tôn kính, mến yêu. Giờ này, chúng con muốn cùng nhau chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu Chúa đã dành riêng cho mỗi người, chúng con không thể dùng ngôn từ để diễn tả tình yêu Chúa dành cho, chúng con chỉ biết dâng hiến trọn con người và cuộc sống để tôn vinh, chúc tụng, cảm tạ Chúa. Đặc biệt, chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con cùng nhau chia sẻ ơn gọi Mến Thánh Giá trong nếp sống cộng đoàn. Nơi cộng đoàn chúng con cùng nhau sống mầu nhiệm vượt qua và thông phần với Chúa trong cuộc Khổ Nạn đồng thời cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh qua việc thực thi tình huynh đệ với nhau và sống đức ái với mọi người. Xin hiệp nhất chúng con trong Chúa và với nhau - nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để cuộc sống của chúng con phản chiếu, tỏa lan niềm vui Phục Sinh cho anh chị em chung quanh.
Suy gẫm:
“Không phải tôi, chính nàng và con rắn đã cho tôi ăn trái cây ấy” ( St 3,12), câu nói của Ađam cho thấy chính tội lỗi đã làm cho con người từ chối nhau. Mâu thuẫn giữa người với người luôn là điều không thể tránh khỏi.
Vậy cuộc sống chung trong cộng đoàn xem ra là một thách đố?
Và, ưu tư của người tu sĩ luôn làm thế nào để xây dựng cộng đoàn của mình thành gia đình đích thực, xây dựng gia đình thiêng liêng này chứa chan yêu thương và lan tỏa hy vọng.
Chúng ta cùng nhìn về cộng đoàn của các môn đệ Chúa Giêsu mỗi người mỗi tính: người nóng như lửa, kẻ cứng lòng tin, người khác bộc trực, người này mang đầy tham vọng địa vị, người khác nữa khoe khoang…sống chung trong cộng đoàn như thế, Chúa Giêsu đã từng khắc khoải, chính Ngài đã ngậm ngùi chia sẻ với các ông “ Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh em chưa biết Thầy ư?” và hậu quả của những trục trặc nơi cộng đoàn đầu tiên là gì? Người chối Chúa, kẻ bán Thầy, một số nữa quay gót về quê...
Cộng đoàn chúng ta đang sống cũng được qui tụ bởi nhiều người, nhiều cá tính, đến từ những vùng miền khác biệt, mỗi người có một quá khứ với nền giáo dục khác nhau…nhưng giữa những khác biệt ấy, chúng ta được qui tụ nhân danh Chúa Giêsu Kitô Tử Nạn và Phục Sinh. Cộng đoàn chúng ta là gia đình đích thực được bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi không dựa trên máu mủ, huyết thống nhưng dựa trên lòng tin. Vì thế, nếu không có đức tin, không có lòng yêu mến và sự hy sinh khổ chế trong đời sống thì quả thật sống cộng đoàn quả là thách đố.
Thế nhưng, Cộng đoàn cần đến sự đa dạng của các thành viên “không có sự chia rẽ trong thân thể, trái lại, các bộ phận đều lo lắng cho nhau” (1Cr 12,25). Điều tiên quyết là mỗi người cần phải đổi mới cách nhìn và lối sống để trở nên người đồng hành của nhau. Cụ thể, cần khiêm tốn chấp nhận chính mình và đón nhận người khác với tất cả con người của họ. Chấp nhận chính mình với những điểm yếu, khiếm khuyết và đón nhận điều tốt lành cũng như cái yếu đuối của chị em. “Sự hiệp nhất và đa dạng kết hợp với nhau thành sự phong phú. Mỗi người mang những gì Thiên Chúa đã ban cho riêng mình để làm cho người khác trở nên phong phú… cộng đoàn như một dàn nhạc trong đó tất cả cùng chơi chung với nhau trong sự hòa hợp nhưng âm sắc của mỗi nhạc cụ không bị xóa bỏ mà trái lại đặc tính riêng của từng nhạc cụ sẽ đạt đến mức tối đa” (ĐGH Phanxicô, Yết kiến chung, ngày 09/10/2013).
Ngạn ngữ Anh quốc có câu:“không ai là một hòn đảo. Thật vậy, Con người là một sinh vật có xã hội tính, con người sinh ra đâu chỉ sống cho mình nhưng còn là sống cùng, sống với người khác. Mọi việc cá nhân thực hiện đều có ảnh hưởng đến người khác. Nếu chỉ quan tâm đến chính mình sẽ khiến người sống đời thánh hiến trở nên trơ trọi, lạc lòi. Thái độ “quy ngã” sẽ làm giảm bớt sự cởi mở, đồng hành, tham gia với sinh hoạt chung của cộng đoàn. Thần học gia Karl Rahner trong tác phẩm Doctrine anh Life, đã nói: “không thể có cảm nghiệm về Thiên Chúa, nếu không được một cảm nghiệm về thế giới làm trung gian. Cái là trung gian cho cảm nghiệm về Thiên Chúa chủ yếu là liên hệ của con người với những con người khác”. Nhiều người chỉ biết chăm chú cho việc của riêng mình “việc ai người ấy làm”. Vì bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cá nhân, con người ngày nay trở nên ích kỷ, nhiều người sống trong cộng đoàn nhưng tinh thần hợp lực, hợp tác không có, nhà cộng đoàn như quán trọ; mỗi người chỉ lo chu toàn bổn phận riêng của mình, làm mọi việc chỉ đi tìm bản thân. Đây là mối đe dọa hàng đầu cho sự hiệp thông trong cộng đoàn. Do đó, mỗi thành viên cần phải quan tâm đến chị em của mình, đến cái chung nhất. Vì đời sống cộng đoàn đòi hỏi sự tương tác, tương quan; tương quan để cùng hỗ trợ, giúp đỡ cho nhau: “chúng ta liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 13,5).
Sống chung thành cộng đoàn là bản chất của đời tu. Người nữ tu Mến Thánh Giá sống giao ước tình yêu với Thiên Chúa trong cộng đoàn theo một bản luật. Từng thành viên trong các cộng đoàn cùng quy về một mục đích theo sát Đức Giêsu. Vì thế, nếu thiếu yêu thương, hiệp nhất trong cộng đoàn thì tự nhiên cộng đoàn sẽ đánh mất tính thuyết phục khi làm chứng tá cho tình yêu Chúa và sự sống động của Tin mừng. Do đó, mỗi thành viên trong cộng đoàn cần tích cực góp phần xây dựng đời sống cộng đoàn hiệp thông trong tình “tỉ muội”, “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cần phải phối hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa sứ vụ và cộng đoàn. Trách nhiệm của mỗi thành viên trong cộng đoàn là phải tích hợp tác, hợp lực để xây dựng bầu khí cộng đoàn trở nên đầm ấm, tràn ngập tình hiệp nhất yêu thương. Để xây dựng cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương thiết tưởng mỗi cá nhân cần hiện diện đích thực như những con người sống động, dấn thân với tất cả tâm hồn vào công việc và trách nhiệm chung trong cộng đoàn. Nếu không, người sống đời thánh hiến có nguy cơ : rất thành công trong công việc mục vụ nhưng lại mất đi căn tính của đời tu.
Thiên Chúa sẽ hài lòng khi thấy chúng ta sống tình liên đới với nhau, chia sẻ cho nhau những hồng ân Ngài ban cho mỗi người. Ngài muốn chúng ta chia sẻ với nhau bằng lòng thông cảm, tươi vui, khiêm tốn, quảng đại, với tâm hồn biết ơn, với ý hướng thành thật ngay lành, không mảy may lợi dụng, toan tính… Ngài không muốn chúng ta chia sẻ vì những hậu ý đen tối như: để thỏa mãn cái tôi tự tôn, khoe khoang, phô trương, khẳng định mình…chúng ta xin Chúa cho mình thực hành lời Thánh Phaolô: "Mỗi người trong anh em hãy cho đi, hãy chia sẻ với nhau tùy theo ý định tốt lành của lòng mình. Không cau có, không tính toán, không miễn cưỡng, vì khi chúng ta vui mừng trao ban thì Thiên Chúa mới nhận lời". ( x. 2Cr 9,7).
Lời nguyện kết :
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Khi cam kết sống lời khấn dòng theo linh đạo Mến Thánh Giá, và đời sống chung nơi cộng đoàn là con để cho mình hoàn toàn thuộc về Chúa, khi chúng con tuyên xưng sẽ tận tình phó thác đời sống con cho Hội dòng này cho đến chết là con công khai gắn kết đời con cho Chúa qua mọi biến cố thăng trầm của Hội dòng; con có bổn phận góp phần mình cho sự thánh thiện và phát triển của Hội dòng…Thế nhưng, nhiều lúc con chỉ biết phàn nàn, than thở, đứng ngoài cuộc trong các sự kiện lớn nhỏ để chê bai, chỉ trích; chưa dốc tâm, dốc sức, đóng góp khả năng làm cho đời sống cá nhân và cộng đoàn được thăng tiến.
Lạy Chúa, chỉ khi chúng con sống trọn vẹn cho Chúa với lòng sám hối thực sự, biết nhìn rõ mình và người khác… cùng khiêm tốn cộng tác với nhau trong mọi lãnh vực chúng con mới có khả năng canh tân đời sống và khi thực sự cảm nhận ơn gọi thánh hiến là hồng ân quý giá đến từ Thiên Chúa và sự cưu mang của Hội dòng, của tình liên đới với nhau trong cộng đoàn mới mong mình có khả năng làm chứng về sự hiện diện và quyền năng cứu độ của Chúa.
Lạy Chúa, xin biến đổi con và giúp chúng con sống cho Chúa, với Chúa và trong Chúa mỗi ngày. Amen