Ngày II, Tuần cửu nhật Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá – năm 2022

Thứ ba - 30/08/2022 08:45 1.139 0
 

 Ngày II, Tuần cửu nhật  Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá – năm 2022
 
Thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô trong đời sống khổ chế

“Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.” (Rm 6, 8)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con sống đến giây phút này, chúng con bước vào ngày thứ 2 trong tuần Cửu Nhật Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Chúa cho chúng con thêm cơ hội để tôn thờ, yêu mến và Tạ ơn Chúa. Hôm nay một lần nữa Hội dòng mời gọi chúng con, chiêm ngắm Chúa trên thánh giá để chia sẻ, thông phần với Chúa trong việc thực thi những hy sinh, khổ chế nơi cuộc sống đời thường.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con - những tâm hồn tự nguyện hiến dâng đời mình cho Chúa trong Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn cùng nhau chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu tự hiến của Chúa; Ngắm nhìn Chúa chịu treo trên thập giá, chúng con nhận ra Chúa đang nhìn chúng con với cái nhìn đầy yêu thương. Và trong thinh lặng mỗi người cảm nghiệm sâu xa lời khuyên của Thánh Phaolô “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.” (Rm 6, 8)

Nguyện xin Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng con được hiện diện thâm sâu bên Chúa trong Kinh nguyện và khơi lên trong chúng con ước muốn và thiện chí hiệp thông với Chúa Giêsu trong cuộc thương khó của Người theo gương đấng sáng lập dòng “Kết hợp hi sinh với cầu nguyện để “thân xác phục tùng tinh thần nhờ khổ chế, và tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện. (Đc. Lambert de la Motte)

Suy niệm

Đã nhiều lần chúng ta chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, chúng ta thường suy đến những cực hình Chúa phải chịu: nào là những đòn roi của bọn lính máu lạnh  quất vào thân thể Chúa; nào là hình ảnh một thân xác tím bầm, tàn hơi nhưng vẫn phải vác cây thập giá nặng lên đồi Golgotha; nào là vòng gai nhọn đóng trên đầu gây ra vết thương , nào là hình ảnh bị trói, bị khạc nhổ; và sau cùng của nỗi đau là chân tay Chúa bị đóng đinh vào thập giá và dựng lên giữa đất trời… sau đó chúng ca ngợi Ngài bằng những lời ngọt ngào vì yêu con, yêu nhân loại Chúa đã hy sinh chịu khổ hình, chịu chết và phục sinh để cứu độ mọi người. Có lẽ bài học này mỗi chúng ta đã thuộc nằm lòng nhưng chưa hiểu hết, chưa cảm thấu mối tình tinh nguyên của Người.
Giờ phút này chúng ta được mời gọi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa bằng con tim yêu mến thực sự để thấu cảm, để lắng nghe tiếng Chúa nói với mỗi người: ngoài những đớn đau nơi thân xác, Chúa đang mang nỗi đau tinh thần. Nỗi đau tinh thần là gì nếu không phải là :  
  • Kế hoạch bán Thầy bằng nụ hôn của tông đồ Giuđa người được Thầy và anh em tín nhiệm trao cho vai trò thủ quỹ: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh hãy bắt lấy” (Mt 16, 48).
  • Nỗi đau vì sự nhát đảm sợ bị liên lụy vì là môn đệ Chúa nơi vị tông đồ Phêrô đã từng quả quyết: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không. Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 14, 31). Và thực tế xảy ra, những lời chối Thầy rất quả quyết, càng lúc càng mạnh. Lần 1: “Tôi không biết cô nói gì”; lần 2: “Tôi không biết người ấy”; lần 3: “Tôi thề là không biết người ấy” (Mt 26, 70.72.74).
  • Và nỗi đau tột cùng khi Ngài thốt lên: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Chúa Giêsu đã qui hướng mọi sự về Cha, đã trao phó tất cả cho cha, và cuối cùng dâng trong tay Cha chính sự sống của mình, và qua đó trao ban sự sống trường sinh cho chúng ta. Rồi “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30).
Chia sẻ những nỗi đau nơi tâm hồn của Đức Kitô cho chúng ta hiểu được tâm tình hiếu thảo của Người đã đạt đến mức độ tối hảo trong việc làm vinh danh Cha. Tình của người con dành cho Cha và cho anh chị em của mình.  

Vì vâng ý Cha, Chúa Giêsu đã hủy mình ra không nơi cái chết đau thương trên thập giá. Ngài đã chết vì ta và cho ta. Còn chúng ta ? « Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người ».  Chết với Đức Kitô đòi hỏi một sự giã từ : giã từ tội lỗi, thói kiêu căng, tính ích kỷ, hận thù, ghét ghen, tham lam... Việc giã từ như thế không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng bắt buộc phải hy sinh, khổ chế, có khi phải trả giá bằng nước mắt.

Thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô trong đời sống khổ chế mời gọi người nữ tu Mến Thánh Giá cùng chết đi với Người. Con người đương thời sống trong xã hội đầy đủ tiện nghi, dư thừa vật chất nên không ai muốn nhắc đến « khổ chế, hy sinh, đau khổ », thậm chí tìm mọi cách để tránh né… Vậy mà tôi tự nguyện bước theo Đức Giêsu Kitô - một Đức Kitô chịu đau khổ đến tột cùng trên thập giá. Đâu là động lực để tôi sống khổ chế, hy sinh để chết đi chính mình ?

Theo Đức cha Lambert, khổ chế mang tính cách tự nguyện là nhằm thông phần thập giá Đức Kitô, bằng những đau đớn bên ngoài và tâm tình vâng phục bên trong đối với thánh ý Thiên Chúa. Theo đó, tình yêu dành riêng cho Đức Kitô chịu đóng đinh phải là một động lực phi thường thúc đẩy con tim hướng đến sự hy sinh tự nguyện và yêu mến. Càng đau khổ, Đức cha càng sống tinh thần khổ chế cách triệt để hơn trong sự thông phần với Chúa Giêsu trên thánh giá.1  


Đau khổ không thể không có, nó cần có để phong phú hóa đời sống bản thân và tha nhân. Sở dĩ Thiên Chúa để cho chúng ta chịu đau khổ cũng chỉ vì những điều tốt đẹp có thể phát xuất từ chính những đau khổ đó. Nỗi đau khổ có thể đưa chúng ta đến gần Ngài hơn. Qua đau khổ, chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh và tình yêu của Ngài, và là một cách Chúa cho chúng ta được hiệp thông trong chương trình cứu độ của Ngài. Bởi vậy, từ chối đau khổ là từ chối chính Chúa, Đấng đang hiện diện với chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Cho dù chúng ta không chấp nhận đi nữa thì đau khổ vẫn xảy ra theo qui luật tự nhiên, như một phương thế để làm triển nở đời sống. Chính vì không muốn đón nhận đau khổ nên ta mới thật sự đau khổ. Nhưng nếu chỉ đón nhận nó cách bất đắc dĩ, thì trái ngang và oan khiên vẫn còn đó. Khi không đón nhận nó với lòng yêu mến Chúa, đời sống chúng ta mới thật sự là nghiệt ngã và bế tắc.“Khi nêu cao giá trị của mỗi đau khổ như thể chúng là một trong vô số khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và khi kết hiệp những đau khổ ấy với đau khổ của Ngài, chúng ta ta mới bước vào sức năng động của đau khổ-yêu thương, để tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa, và tìm lại được trong chúng ta một sự hiện diện mới mẻ và sung mãn hơn của Thiên Chúa”[2]

Chúa Kitô chịu đóng đinh là niềm hy vọng của tất cả chúng ta. “Bởi vì, nếu chúng ta chịu đau khổ nhiều với Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ được chứa chan niềm an vui của Ngài” (2Cr 1, 5). Nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu, chúng ta hãy hân hoan phó thác cuộc đời mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa, với tất cả lòng tin tưởng, yêu mến. Chúng ta đón nhận thập giá của chính đời sống thánh hiến bằng cách cố gắng chu toàn bổn phận, các đòi hỏi của ba lời khấn, sống đời cầu nguyện liên lỉ, luyện tập cho mình có một nội tâm sâu sắc, sống chung cộng đoàn và công tác xã hội. Hiến Chương điều 63/1 đã dạy: “Khổ chế là thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô để cùng với Người tham dự vào đời sống mới. Con đường hoàn thiện phải ngang qua thập giá, không thể nào đạt được sự thánh thiện, nếu không từ bỏ con người cũ, chiến đấu nội tâm và tu luyện”.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, khi chiêm ngắm Chúa chịu đau khổ tột cùng nơi thân xác và tâm hồn để cứu độ chúng con, chúng con thấy bóng dáng Mẹ Maria đang thông phần tất cả với Chúa khi đứng cạnh Thánh Giá. Bóng dáng của người Mẹ kiên cường, can đảm, thanh khiết và xinh đẹp; nét đẹp của sự Hiệp Thông với Chúa Cha trong ân sủng, trong sự cộng tác với Chúa , Con của Mẹ vào mầu nhiệm cứu độ. Nếu tiếng xin vâng trong ngày truyền tin đã làm cho Mẹ cảm nhận được từng nhịp đập sự sống của Chúa nơi cung lòng Mẹ, thì hôm nay dưới chân thánh giá và bên mồ Chúa, nơi một thân xác bất động, tiếng xin vâng ấy đã thành toàn trong sự hiệp thông với niềm tin yêu- phó thác. Mẹ đã thinh lặng hiệp thông với Chúa trong sự đau khổ và lòng vị tha. Mẹ tha thứ cho những người đã đánh đập, ngược đãi và đóng đinh Chúa; Mẹ tha thứ cho các môn đệ đã phản bội, chạy trốn, Mẹ hiệp thông trọn vẹn vào lòng thương xót của Chúa để chờ ngày được Phục sinh.

Chúng con xin nương nhờ Mẹ, xin Mẹ giúp chúng con biết theo gương Mẹ, sống hiệp thông với cuộc thương khó của Chúa bằng việc vui lòng đón nhận những đau khổ trong tâm hồn và nơi thân xác tất yếu xảy đến trong đời thường hầu góp phần vào việc thánh hóa bản thân và xin ơn cứu rỗi các linh hồn. Amen.

 
  1. (x. Bản tin Hiệp Thông HĐGMVN, số 116, tr.112-125).
  2. Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, 2000, tr. 152.

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây