Ngày IV, Tuần Cửu Nhật Suy Tôn Thánh Giá 2022

Thứ bảy - 03/09/2022 20:18 1.258 0

Ngày IV, Tuần Cửu Nhật Suy Tôn Thánh Giá 2022
 
Thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô trong đời sống khiết tịnh

« Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. » (Mt 5, 8)

Lời nguyện mở đầu :

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa về hồng ân sự sống Chúa ban. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con sống đến giây phút này. Xin Chúa nhận lấy tâm tình thờ kính và ghi ơn của chúng con.

Cám ơn Chúa đã cho Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, làm đối tượng duy nhất của lòng chúng con, nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài- chúng con được mời gọi hiến tế chính mình để sống cho tình yêu và dám từ bỏ những tầm thường mỗi ngày để diễn tả tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Cha và cho con người trong thế giới hôm nay.

Nguyện xin tình yêu Chúa Thánh Thần tác động trên cuộc sống của chúng con nhất là trong giờ nguyện gẫm này, để nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng con bắt đầu ngày mới với tinh thần hiến tế trong niềm vui, bình an, với lòng khao khát Chúa thực sự để tiến sâu vào trong mối thân tình, gắn kết với Chúa trong mọi sự để được nhìn thấy Chúa giữa cuộc sống này.

Xin dâng ngày hôm nay cho Ba ngôi như một của lễ để hành trình sống của chúng con chan chứa tình yêu. Nhờ nỗ lực sống cho tình yêu và vì tình yêu trong ơn gọi Mến Thánh Giá đời sống của chúng con ngày càng trong sáng, thanh khiết và trọn vẹn dành cho Chúa hơn nhờ cảm nghiệm sâu xa lời chúc phúc, « Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. » (Mt 5, 8)


Suy niệm


Mở đầu bài huấn giáo, ngày 01/4/2020 Đức Thánh cha nói như sau :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta cùng đọc Mối Phúc thứ Sáu, hứa cho những người có tâm hồn thanh sạch được hưởng kiến Thiên Chúa.
Một thánh vịnh nói: “Tâm hồn con lập lại lời mời của Chúa: “Các người khác tìm thánh nhan Ta”. Lạy Chúa, con tìm kiếm thánh nhan Ngài. Xin đừng che giấu con thánh nhan Chúa” (27,8-9).
Ngôn ngữ này biểu lộ lòng khao khát một tương quan thân tình với Thiên Chúa, không có tính cách máy móc, mơ hồ, nhưng có tính chất bản thân, điều mà cả sách ông Gióp cũng diễn tả như dấu chỉ một tương quan chân thành: “Trước đây con chỉ được nghe nói về Chúa, nhưng giờ đây mắt con đã thấy Chúa” (G 42,5). Và bao nhiêu lần tôi nghĩ rằng đây là con đường sự sống, trong các tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta biết Thiên Chúa vì nghe nói, nhưng với kinh nghiệm, dần dần chúng ta tiến đến chỗ biết Chúa trực tiếp. Đó chính là sự trưởng thành trong Thánh Linh.

Đức Thánh cha đặt câu hỏi: Làm sao đi đến sự thân mật ấy? Ta có thể nghĩ đến các môn đệ làng Emmaus. Họ có Chúa Giêsu ở bên cạnh, “nhưng mắt họ bị cản ngăn không nhận ra Ngài” (Lc 24,16). Chúa sẽ mở mắt họ vào cuối hành trình, với cao điểm là việc bẻ bánh và được khởi đầu bằng một lời khiển trách: “Hỡi những người tối dạ và chậm tin tất cả những gì đã được các ngôn sứ báo trước!” (Lc 24,25). Nguồn gốc sự tối dạ của họ là: con tim họ u tối và chậm chạp.

Sự khôn ngoan của Mối Phúc này hệ tại điều này: để có thể chiêm ngắm, thì cần phải đi vào trong nội tâm chúng ta, và dành chỗ cho Thiên Chúa, vì như thánh Augustino đã nói: “Chúa ở sâu thẳm hơn cả nội tâm của tôi” (interior intimo meo: Confessioni, III, 6,11). Để thấy Thiên Chúa, không cần phải thay kiếng hoặc đổi vị trí quan sát, nhưng cần giải thoát con tim khỏi những lừa đảo của nó!

Một sự trưởng thành rất quan trọng, là khi chúng ta nhận thấy rằng kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta thường ẩn nấp trong tâm hồn chúng ta. Trận chiến cao thượng nhất là trận chiến chống lại những lường gạt trong nội tâm do các tội lỗi của chúng ta sinh ra. Vì tội lỗi thay đổi cái nhìn nội tâm, thay đổi sự đánh giá của chúng ta về sự vật, khiến ta nhìn các sự vật không trung thực.

Tâm hồn thanh khiết là gì?
Vì thế, điều quan trọng là hiểu “tâm hồn thanh khiết” là gì. Để hiểu điều này, cần nhớ rằng đối với Kinh thánh, con tim không phải chỉ hệ tại những tình cảm, nhưng là nơi thâm sâu nhất của con người, là không gian nội tâm trong đó con người thực là mình.
Chính Tin mừng theo thánh Matthêu đã nói: “Nếu ánh sáng ở trong ngươi là tăm tối, thì tăm tối sẽ lớn lao dường nào!” (6,23). “Ánh sáng” này là cái nhìn của con tim, là viễn tượng, là tổng hợp, là điểm từ đó ta đọc thực tại (Xc. Tông Huấn Evangelii gaudium, 143).
Nhưng “thanh khiết” có nghĩa là gì? Người có tâm hồn thanh khiết sống trước sự hiện diện của Chúa, bảo tồn trong tâm hồn mình những gì tương xứng tương quan với Chúa. Chỉ như thế họ mới có một cuộc sống nội tâm “nhất thống”, ngay thẳng, không quanh quéo, nhưng đơn sơ.

Đức Thánh cha giải thích rằng: Vì thế, con tim được thanh tẩy là kết quả của một tiến trình bao gồm sự giải thoát và từ bỏ. Có tâm hồn thanh khiết không phải là điều bẩm sinh, sinh ra đã được như vậy, nhưng phải số gắng sống nội tâm đơn sơ, học cách từ bỏ sự ác nơi bản thân, điều mà trong Kinh thánh được gọi là “sự cắt bì tâm hồn” (Xc. Dnl 10,16; 30,6; Ez 44,9; Gr 4,4).
Sự thanh tẩy nội tâm như thế bao hàm một sự nhìn nhận một phần con tim chúng ta còn ở dưới ảnh hưởng của sự ác, để học nghệ thuật luôn để cho mình được Thánh Linh dạy dỗ và hướng dẫn. Vì vậy, qua hành trình nội tâm như thế, chúng ta “thấy được Thiên Chúa”.

Trong sự hưởng kiến hạnh phúc ấy, có một chiều kích tương lai, mai hậu, như trong tất cả các Mối Phúc: đó là niềm vui Nước Trời mà chúng ta đang đi tới. Nhưng cũng có một chiều kích khác: thấy Thiên Chúa có nghĩa là hiểu những ý định quan phòng của Chúa trong những gì xảy ra cho chúng ta, nhìn nhận sự hiện diện của Chúa trong các bí tích, nơi anh chị em, nhất là nơi những người nghèo khổ, và nhận ra Chúa tại nơi Ngài tự biểu lộ (x. SGLHTCG 2519).

Mối phúc này phần nào cũng là kết quả của các Mối Phúc trước đó: Nếu chúng ta đã nghe biết sự khao khát điều thiện ở trong chúng ta và chúng ta ý thức mình sống bằng lòng thương xót, thì đó là khởi đầu một hành trình giải thoát kéo dài trọn đời và dẫn chúng ta đến trời cao. Đó là một công việc nghiêm túc và đặc biệt; đó là một công trình của Thiên Chúa nơi chúng ta - trong những thử thách và trong những thanh tẩy cuộc sống - đưa tới một niềm vui lớn, một an bình đích thực và sâu xa. Chúng ta đừng sợ, hãy mở các cánh cửa tâm hồn chúng ta cho Chúa Thánh Linh, vì Ngài sẽ thanh tẩy và dẫn chúng ta tiến bước trong hành trình tiến về niềm vui trọn vẹn.
Người có tâm hồn trong sạch luôn qui hướng về Chúa, luôn tìm kiếm Chúa, chỉ có một đối tượng duy nhất là Chúa Giêsu, và yêu mến một mình Ngài mà thôi. Người có tâm hồn trong sạch luôn để cho Chúa Kitô chiếm trọn tâm hồn, trí khôn và cả cuộc đời mình. Bởi vậy, người luôn giữ tâm hồn trong sạch là kết quả của một hành trình tự nguyện sống khổ chế và từ bỏ ; là một lối sống của sự hy sinh, và là chặng đường chiến đấu thầm lặng đầy thương tích. Trong đau thương ấy, người nữ tu Mến Thánh Giá cảm nhận niềm vui, niềm hạnh phúc vì được thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô. Tuy nhiên, chẳng dễ dàng gì đạt đến điều này, nếu không có một tình yêu gắn kết thân mật với Chúa Giêsu- đối tượng duy nhất của cuộc đời ta.


Theo giáo huấn của Đức Cha Lambert : Một tâm hồn khiết tịnh đích thực chỉ tìm thực hiện ý Chúa mà không tìm kiếm chính mình, không tìm kiếm khoái cảm nơi bất cứ đối tượng nào (x.CtkA 6).
Tôi có cố gắng tìm kiếm, nhận ra ý Chúa và vui lòng thực hiện qua mọi biến cố, sự kiện lớn nhỏ trong đời sống nhờ đó cảm nhận được niềm vui thiêng liêng Chúa dành cho hay đang tìm khoái cảm nơi loài thụ tạo nào khác ?

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, những trào lưu trong cuộc sống xã hội hiện tại, sống và giữ lời khấn khiết tịnh quả là một thách đố đối với con. Những nhu cầu cho đời sống vật chất khiến tâm hồn con không thể thanh khiết trọn vẹn cho Chúa mà nó đang bị lu mờ, tăm tối bởi nhiều thứ ngoài Chúa. Con vẫn biết, người có tâm hồn trong sạch luôn để cho Chúa chiếm trọn tâm hồn, trí khôn và cả cuộc đời mình. Người luôn giữ tâm hồn mình trong sạch là kết quả của một hành trình tự nguyện sống khổ chế và từ bỏ. Nhưng Chúa ơi, con được sinh ra, lớn lên, hấp thụ, hít thở bầu khí của chủ trương tự do cá nhân, thích sống dễ dãi hơn là cố gắng sống cho những giá trị của Tin Mừng, những đòi hỏi của đời thánh hiến mà con đã tự nguyện cam kết bước theo dường như không hợp với phong cách của đời sống hiện tại... Nhưng điều xã hội đang chạy theo, những điều con ham thích lại là điều không phù hợp với điều kiện theo Chúa. Con đường theo Chúa là “từ bỏ và vác Thập Giá”. Xin Chúa thức tỉnh tâm linh và thúc đẩy thân xác con tránh xa mọi tăm tối của cuộc sống hư ảo. Xin ban cho lòng con yêu Chúa thực tình để con không đi nước đôi, không có đối tượng thứ nhất mà chỉ có Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.

Thực hành

Sử dụng đúng mục đích các phương tiện truyền thông để tránh ảnh hưởng đến đời sống khiết tịnh.



 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây