Ngày I, Tuần cửu nhật Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá – năm 2022
Thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô trong đời sống chiêm niệm
“Lạy Cha, nếu Cha muốn xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý Con thể hiện, mà là ý Cha”. (Lc 22,42b)
Lời nguyện mở đầu :
Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, chúng con dâng lời chúc tụng, cảm tạ, tri ân tình thương mà Cha đã dành cho từng người trong chúng con. Chúng con được gọi Chúa là Cha nhờ ơn của Bí Tích Thánh Tẩy, được trở nên bạn thân thiết của Đức Giêsu nhờ lời khấn dòng trong ơn gọi thánh hiến. Chúng con cám ơn Cha đã quan phòng cho mọi sự thật tốt đẹp nơi hành trình truyền giáo của đức Cha Lambert de la Motte, khi đến quê hương đất nước chúng con, Người nhận ra ý định của Cha và thực hiện ước mơ mà từ lúc lên 9 tuổi đã được linh ứng. Từ đó, Hội dòng mến thánh giá, mang bản sắc Á Đông được thành lập để tiếp tục cuộc đời lữ thứ hy sinh của Đức Giêsu con Cha mà cứu độ nhân loại.
Chị em chúng con những thế hệ kế thừa gia sản quý giá của các bậc tiền bối từ khi Hội dòng được khai sinh tại An Chỉ cho đến lúc này, chúng con xin dâng lời cám ơn Cha về tất cả.
Hôm nay, cùng với từng thành viên trong đại gia đình dòng Mến Thánh Giá, chị em chúng con bắt đầu bước vào ngày đầu tiên trong tuần Cửu Nhật dọn lòng mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Xin Cha ban Chúa Thánh Thần trên chúng con, để nhờ ơn Ngài soi dẫn, mỗi chúng con chuẩn bị cho đại lễ Suy Tôn Thánh Gía thật sốt mến, thánh thiện với cả tâm trình tri ân sâu xa đối Cha và với đấng sáng lập dòng Đức Cha Phêrô Maria Lambert, quý bà, quý chị em của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, nhờ tình yêu và quyền năng từ Thập Giá mà Hội Thánh Chúa luôn bước đi trong bình an, dù phải vượt bao thử thách, khó khăn, có lúc bị lu mờ, mất dạng nhưng vẫn tồn tại và phát triển. Xin cho ánh sáng từ mầu nhiệm Thập Giá giúp mỗi chị em chúng con hiểu sâu hơn về tình yêu Chúa Cha yêu nhân loại, yêu từng người cho dù con người là ai và đang ở tình trạng nào. Xin giúp chúng con biết cùng với Chúa sống tâm tình con thảo với Thiên Chúa Cha qua tiếng xin vâng “Lạy Cha, nếu Cha muốn xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý Con thể hiện, mà là ý Cha”((Lc 22,42b), nhờ sống tinh thần “xin vâng” mỗi ngày chúng con trở nên một với Chúa Giêsu, nên một với nhau trong đời sống cộng đoàn mà chúng con đang bước đi. Để ngang qua đời sống tận hiến vui tươi hạnh phúc của chúng con, mọi người nhận biết, yêu mến, tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi, là khởi đầu và cùng đích của mọi loài mọi vật.
Suy niệm:
Ngày đầu tiên trong tuần cửu nhật mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá chúng ta được mời gọi theo gương cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu.
Khi đến Núi Cây Dầu, Tin Mừng Nhất Lãm kể về việc Chúa Giêsu đến đó để cầu nguyện. Nhưng lần này một điều khác lạ xảy ra: Người có vẻ như không muốn ở một mình. Thánh Marcô nói trong nhiều trường hợp Chúa Giêsu thường tránh những đám đông và các môn đệ của Người, và ở lại “một nơi thanh vắng “ (x. Mc 1:35). Tuy nhiên, trong vườn Cây Dầu, Người đã bảo Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan ở gần hơn với Người. Các ông là những môn đệ được mời gọi ở cùng Người trên núi Biến Hình (x. Mc 9:2-13). Sự gần gũi này của ba ông khi Người cầu nguyện trong vườn Cây Dầu là điều đáng kể. Ngay cả đêm đó, Chúa Giêsu sẽ cầu nguyện “một mình” với Chúa Cha, vì mối liên hệ của Người với Ngài là mối liên hệ duy nhất và đôc đáo: mối liên hệ của Con Một Chúa Cha. Thực ra, có thể nói rằng cả đêm ấy không ai có thể thực sự đến gần Chúa Con là Đấng đến với Chúa Cha trong căn tính độc nhất vô nhị của Người. Chúa Giêsu, dù đi “một mình” đến nơi mà Người đã dừng lại để cầu nguyện, Người muốn rằng ít ra là ba người trong các môn đệ ở gần đó, trong một mối liên hệ gần gũi hơn với Người. Đó là một sự gần gũi về không gian, một yêu cầu liên đới trong lúc Người cảm thấy cái chết đã gần, nhất là một sự gần gũi trong cầu nguyện, để một cách nào đó bày tỏ sự hiệp thông với Người, vào lúc Người chuẩn bị chu toàn thánh ý Chúa Cha cho đến cùng; còn là lời mời gọi các môn đệ đi theo Người trên đường Thập Giá. Ở đây Thánh Sử Marcô kể: “Người đem ông Phêrô, ông Giacôbê và ông Gioan đi với Người. Người bắt đầu cảm thấy đau buồn và lo sợ. Người bảo ba ông, ‘Linh hồn Thầy buồn rầu đến nỗi chết được. Các con hãy ở lại đây và tỉnh thức.’” (14,33-34).
“Đi xa hơn nữa, Người sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được” (Mc 14:35). Chúa Giêsu sấp mình xuống đất, là một tư thế cầu nguyện diễn tả sự vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa Cha, tin tưởng phó thác cho Chúa Cha. Sau đó Ngài van xin Chúa Cha, nếu có thể được, thì xin cho Con qua khỏi giờ này. Đó không chỉ là sự sợ hãi và thống khổ của một người trước khi chết, nhưng còn là một biến động nội tâm của một con người, Người là Con Thiên Chúa, Đấng thấy sức nặng của sự dữ khủng khiếp mà Người phải tự mình gánh lấy để thắng vượt nó, để tước đi quyền lực của nó, để nên gương cho các môn đệ và những ai bước theo Người.
Liên kết việc Chúa Giêsu phải một mình chiến đấu với nội tâm nơi Vườn Dầu bằng lời cầu nguyện với nhân vật nổi tiếng đã từng vật lộn với Thiên Chúa là Giacop. Tại sao Giacop vật lộn với Thiên Chúa? Theo Sách Sáng Thế, Giacop nói với vị thiên sứ: “Tôi sẽ không buông Ngài ra nếu Ngài không chúc phúc cho tôi” (32,27), tức là cho đến khi Giacop đạt được điều ông mong muốn. Giacop cũng nói với vị thiên sứ: “Xin cho tôi biết tên Ngài” (32,29) vì ông nghĩ rằng nếu ông biết Danh Chúa, ông sẽ mạnh mẽ hơn Esau là người anh ông sắp gặp. Thiên Chúa đã chúc phúc cho ông nhưng không mặc khải Danh Ngài.
Như thế, Giacop vật lộn, đấu tranh với Chúa là để Chúa phải chiều theo ý muốn của ông, còn Chúa Giêsu cầu nguyện (đấu tranh) là để ý chí nhân loại nơi Ngài quy phục thánh ý Thiên Chúa. Ngài phải đấu tranh vì “tinh thần thì nhanh nhẹn, nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mc 14,38).
Đối với người nữ tu Mến Thánh Giá, đấng sáng lập dòng Đức cha Lambert de la Mottet dạy “Kết hợp hi sinh với cầu nguyện để “thân xác phục tùng tinh thần nhờ khổ chế, và tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện”. Chúng ta thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô trong đời sống chiêm niệm không những đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mọi dính líu với bất kỳ thụ tạo nào, nhưng còn phải chết đi cho chính mình nữa, chấp nhận đặt mình trong tình trạng hoàn toàn nghèo khó và tinh thần trần trụi, từ bỏ con người tự nhiên và lý trí, không bao giờ được hành động theo bản tính tự nhiên hay theo lý trí phán đoán. Nhờ vậy, chúng ta được hưởng ánh sáng của Chúa để nhìn ngắm Chúa, kết hiệp với Chúa và biết việc ta phải làm theo ý muốn của Chúa” 1, nhưng thử hỏi chúng ta có thái độ và tinh thần nào khi cầu nguyện trong những lúc khó khăn, thử thách? Có lẽ chúng ta giống như Giacop, cầu nguyện để thuyết phục Chúa thay đổi ý muốn của Ngài hơn là cầu nguyện để chính chúng ta thay đổi và đón nhận thánh ý Thiên Chúa; chúng ta cầu nguyện để xin Chúa cất thánh giá khỏi mình hơn là để có sức vác thánh giá với Chúa. Ngược lại, chúng ta sẽ giống như Chúa Giêsu nếu trong những thử thách, chúng ta chấp nhận quy phục thánh ý Chúa. Kết quả của hai cách cầu nguyện sẽ rất khác nhau. Thiên Chúa đã không cho Tổ phụ Giacop biết Danh Ngài, nhưng Ngài đã ban cho Chúa Giêsu một Danh vượt trên mọi danh “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”(Philipphê 2,9-11)
Tại núi Ôliu, Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha cất chén đắng này xa con, nhưng Chúa Cha lại xin Ngài hãy uống cho trọn vì phần rỗi thế gian.
Chúa Giêsu đã cho đi, không chỉ là những giọt máu nhưng là tất cả con người của Ngài. Cuộc sống của chúng ta không thiếu những cơn thử thách nho nhỏ: một cơn bạo bệnh, sự hiểu lầm đến từ người thân, những trái ý, nỗi sợ hãi vì uy tín và danh dự bị đe dọa, buồn phiền vì không được đáp ứng những nhu cầu… Chúa Giêsu cũng đã từng bị phản bội, bị hiểu lầm, bị ghen ghét, chịu kết án cách bất công để cứu nhân loại khỏi án phạt đời đời. Trong tất cả những tình huống ấy, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kiên trì cầu nguyện. Trong Vườn Cây Dầu, Ngài muốn có các môn đệ thân tín bên cạnh để làm gì? Phải chăng để được nghe những lời an ủi? Không, Ngài muốn họ cùng cầu nguyện với Ngài: “Simon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao? Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,37-38)
Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã chết để đền tội, để chuộc tội, để gánh tội, để cứu độ con người. Người cho chúng ta được thông phần cuộc sống của Người “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy…“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.(x. Ga 14, 1-6).
Con người được dựng nên để sống và sống để yêu Chúa và thương mến nhau. Thiên Chúa là tình yêu nên đã sáng tạo muôn loài, đã tạo dựng và cứu chuộc con người. Nhập Thể và Cứu Chuộc là mầu nhiệm của tình yêu. Chúa Giêsu đã chấp nhận chén đau thương để đem lại tình yêu thương cho con người. Người đã biến đổi đau thương thành yêu thương qua cuộc khổ nạn (x.1Cr 15, 26 . 54; Dt 2, 14), để từ trong cái chết vì tình yêu, sự sống vươn lên tươi đẹp như một mùa lúa mới. (Ga 12, 24).
Trong tâm tình chuẩn bị mừng Lễ SUY TÔN THÁNH GIÁ TƯỚC HIỆU HỘI DÒNG, xin Chúa Thánh Thần giúp ta chiêm ngắm tình yêu vô bờ bến của Đức Giêsu đối với Chúa Cha và nhân loại bằng thái độ cầu nguyện thâm sâu trong nguyện đường và trong cuộc sống để sẵn sàng thông phần với mọi khổ đau mà Đức Giêsu đang phải tiếp tục mang vác vì con người trong thế giới hôm nay.
Lời nguyện kết:
Lạy Thiên Chúa nguồn mạch tình yêu và ơn thánh, cám ơn Chúa đã cho chúng con sống thân tình bên Chúa, quanh chúng con tràn ngập bầu khí của hân hoan niềm khát mong yêu Chúa, thuộc về Chúa nhưng con có thể mong đợi một cuộc sống dễ dàng, thoải mái khi Chúa đã sống một cuộc đời vâng phục ý Chúa Cha ngang qua những khó khăn thử thách của kiếp người ?
Lạy Chúa Giêsu là con yêu dấu của Chúa Cha đã vui lòng chịu đau khổ và bị đóng đinh cho con và vì con ! Xin cho con biết chọn làm việc, cầu nguyện, chịu đau khổ với Chúa. Chúa đã hy sinh đón nhận những trái ý, cực lòng, hiểu lầm, chống đối để dành tình yêu trọn vẹn cho con. Con xin chọn làm việc và chịu những đau khổ đời mình vì danh Chúa. Xin cho con luôn nhận ra sự vĩnh cửu trong những điều bé nhỏ thấp hèn trong ngày sống để quyết tâm sống cho tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu, chiến tranh tại Ukraine vẫn còn tiếp diễn, nó làm cho nhân loại thêm khổ đau đặc biệt là người dân Ukraine đang phải bỏ nhà cửa đất nước để tị nạn, cơ sở vật chất, nhà cửa của họ bị tàn phá khủng khiếp...chúng con thật khó chấp nhận bao đau thương mà con người đang phải đương đầu, chiến tranh đang rình rập gây mất hòa bình, an lành cho con người trên thế giới... Xin cho từng người trong nhân loại sức mạnh nội tâm để bước theo Chúa trong mọi biến cố đau thương của cuộc đời. Chúng con tin rằng, sức mạnh vũ khí có tối tân hủy diệt tàn phá đến mấy; nếu ai kiên trì theo Chúa, tin tưởng phó thác vào Chúa chắc chắc sẽ được ở với Chúa trong vinh quang. Amen.
Thực hành
Trung thành nguyện ngắm 30 phút mỗi ngày bằng con tim chân thành và yêu mến.
- (x. Tuyển tập bút tích- Di cảo của Đ.c Lambert de la Motte, số 10)