Ngày thứ 3, Tuần Cửu Nhật Suy Tôn Thánh Giá - 2022

Thứ sáu - 02/09/2022 07:25 936 0
 

Ngày thứ 3, Tuần Cửu Nhật Suy Tôn Thánh Giá - 2022
 
 
Thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô trong đời sống tông đồ

« Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ”. (1 Cr1, 23)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin Chúa đang hiện diện với chúng con nơi đây, vì Chúa đã nói“ Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa”. Với niềm xác tín đó, chúng con xin thờ lạy, chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa vì sự hiện diện thật cao cả này cùng muôn hồng ân Chúa đã thương ban cho chúng con. Chúa đã nâng đỡ, gìn giữ, bảo vệ chúng con được sống trong ân sủng Chúa, tất cả là nhờ tình yêu nhưng không của Chúa dành cho chúng con.

Nguyện xin Chúa ban Thánh Thần hướng dẫn, mở lòng chúng con đón nhận ơn của Thần Khí, để nhờ ơn soi dẫn của Ngài chúng con luôn bước theo Chúa Kitô chịu đóng đinh trong niềm vui, bình an và hy vọng. Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm sâu sắc về hành trình mình đang đi là hành trình của tình yêu, để mỗi người được ơn trung thành, kiên trì với sứ mạng của mình trong mỗi giây phút sống. Sứ mạng của người tông đồ thừa sai “ Người tông đồ là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Giêsu Kitô” ( ĐC Lambert – Ts 31). Và luôn an vui rao giảng về Đức Kitô chịu đóng đinh và sẵn sàng sống cái điên dại của Tin Mừng cho con người trong thời đại hôm nay.


Suy niệm

“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1, 22-23). Chính người Do thái, dân của Thiên Chúa, cũng không chấp nhận thập giá, vì coi đó là sự ô nhục, bị nguyền rủa, làm sao dân ngoại lại không cho là điên rồ?
Giáo Hội ngay từ thời kỳ đầu, vẫn tôn kính Thánh giá với hình Chúa bị đóng đinh, để cho mọi người thấy ý nghĩa cao cả của hy sinh vì yêu thương (Ga 15, 13-14) và ý nghĩa chuộc tội, đền tội thay cho cả nhân loại đáng bị phạt vì tội lỗi đã phạm, để luôn nhớ sự công bằng nhưng cũng một mực xót thương của Người khi “Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8, 3). Thân xác Đức Giêsu đã chịu mọi sự khốn trong cuộc khổ nạn, không phải vì Người đã phạm tội nhưng “tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá. Để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1 Pr 2, 24).
Ơn cứu độ đến từ Thập giá có Chúa Kitô chịu đóng đinh trở nên biểu tượng của Kitô giáo, của niềm tin và sự tuyên xưng lòng tin của người Công giáo vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chứ không phải như một vật trang sức! Nếu Đức Giêsu có sống lại từ trong cõi chết, trước tiên, Người phải chết thật. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Trước hết tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh; rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15, 3-4)
Cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là một cú sốc cho các môn đệ, dù họ đã được Đức Giêsu báo trước ba lần, đã in đậm trong ký ức; đến nỗi, sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã phải nhiều lần hiện ra với từng người, cho thấy những chứng tích cuộc khổ nạn còn in trên thân thể Người, thuyết phục họ bằng những chứng cứ trong Kinh thánh, ăn uống trước mặt họ và nhất là lặp lại những cử chỉ, lời nói khi lập phép Thánh Thể lúc thầy trò còn ở trong phòng Tiệc ly…
Thánh Phaolô viết: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Kitô bị đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Đó là Kerygma, là trọng tâm lời rao giảng, loan báo tin mừng của Giáo hội từ thời đầu đến mãi về sau của ơn cứu độ đến từ Đức Kitô đã chịu đóng đinh, đã chết và đã phục sinh. Trải qua chiều dài lịch sử với nhiều biến động, đức tin Kitô Giáo phần nào bị ảnh hưởng bởi những khuynh hướng, những chủ thuyết và trào lưu trong nền văn hoá của xã hội, tốt xấu lẫn lộn, vàng thau đan xen. Sự việc này đã để lại trong Giáo hội – Thân Thể Chúa Kitô những vết thâm tím, những mảng da bị rứt, những cơ phận bị tổn thương nghiêm trọng, như đã thấy qua những cuộc ly giáo và bội giáo, những dị giáo và trào lưu nghịch với đức tin qua mọi thời.
Mang lấy thập giá Chúa Kitô như một chứng từ cho những giá trị hy sinh và đau đớn của Đấng Chuộc Tội, thập giá ấy sẽ như một cuộc cách mạng, biến đổi cả một nền văn hoá phi thực, chỉ muốn cầu an hưởng phước, chỉ mong được như ý, hiệu quả trong tích tắc, uốn cong ý Chúa theo nhu cầu của mình…

Đức Kitô mà thánh Phaolô rao giảng không phải là một Đức Kitô được tô vẽ theo ý mình, nhưng là Đức Kitô chịu đóng đinh. Người Tông đồ rao giảng về Đức Kitô chịu đóng đinh là một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồ đối với dân ngoại ; nhưng đó là Kerygma, là trọng tâm lời rao giảng, lời loan báo Tin mừng của Giáo hội từ thời sơ khai và cho đến muôn đời.


Các thánh nói rằng, suy niệm về cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô là thực hành có ích nhất cho sự cứu rỗi của con người. Chính Chúa Giêsu đã chia sẻ với Thánh Faustina rằng Thánh nữ “làm vui lòng [Ngài] nhất khi [Thánh nữ] suy niệm về Cuộc Khổ nạn đau buồn [của Ngài],”[1] vì Ngài mong muốn Thánh nữ “hiểu biết sâu sắc hơn tình yêu cháy bỏng trong Trái tim [của Ngài] dành cho các linh hồn”mà chỉ có thể hiểu được khi suy gẫm về Cuộc Khổ nạn của Ngài. Tình yêu này dành cho các linh hồn đã làm tiêu hao chính con người của Chúa Kitô, vì Ngài đã chết bởi mọi sự tra tấn về trái tim, linh hồn, tâm trí và thể xác để cứu rỗi con người, dù biết rằng trong khi Ngài chịu đau khổ và chết cho tất cả mọi người và mở rộng ơn cứu độ cho tất cả mọi người, thì vẫn chì có ít người chấp nhận.
Khi suy gẫm về những đau khổ của Chúa Kitô, người Kitô hữu được kêu gọi để cảm thông với Đấng Mêsia Đau khổ, ghi nhớ những nỗi buồn này trong tâm trí, suy gẫm về chúng, và làm như vậy để đáp lại tình yêu vì tình yêu. Thánh Phaolô đã nhắc nhở, Chúa Kitô đau khổ cảm thông với sự yếu đuối của dân Ngài, vì Ngài hiểu thân phận con người và những đau khổ của họ, dù là thể xác, tâm linh hay tinh thần. Ngài đã ôm ấp, chịu đựng và thánh hoá những nỗi thống khổ này trong cuộc Khổ nạn của Ngài và trên thập giá. Đổi lại, những người theo Chúa Kitô phải ghi nhớ và cảm thông với Đấng Cứu Độ đau khổ của họ.

Thánh Phaolô Thánh Giá suy niệm: Bạn sẽ làm gì để đáp lại tình bạn như vậy? Chắc chắn rằng bạn sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để chữa lành những vết bầm tím mà Ngài lãnh nhận vì bạn. Vì vậy, chúng ta nên hành động hướng về Chúa Kitô: chúng ta phải chiêm ngưỡng Ngài bị nhấn chìm trong đại dương đau khổ để cứu chúng ta khỏi vực thẳm vĩnh cửu; hãy ngắm nhìn Ngài hoàn toàn bị phủ lấp bởi những vết thương và vết bầm tím để mua cho chúng ta sự sống đời đời. Rồi thì, chúng ta hãy làm cho nỗi đau của Ngài trở thành của riêng chúng ta, thông cảm với những nỗi đau buồn của Ngài, và dâng hiến cho Ngài tất cả tình cảm của chúng ta.2
Còn Đức Cha Lambert thì ngài chia sẻ thế này: Khí giới mà một nhà thừa sai phải có là nguyện ngắm và hãm mình… Một thừa sai Tông tòa là một hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô. Không thể trở thành thừa sai Tông tòa đích thực, nếu không là một hy lễ đau khổ xứng với bậc sống của mình3. Đức Cha còn dạy : “Người Kitô hữu nào không chịu đau khổ thì chỉ có cái vỏ của lòng đạo đức” (Đc. Lambert de la Motte)


Người nữ tu Mến Thánh Giá thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô trong đời sống tông đồ cũng phải chấp nhận chịu điên dại. Cái điên dại của thập giá, cái say mê cao thượng của những khổ chế hy sinh vì tình yêu nó sẽ cho ta đó có đủ năng lực và sức hấp dẫn để sống mối tương quan cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta dùng cơ hội gặp gỡ trong các hoạt động đời sống để giới thiệu Đức Kitô Đấng cứu thế cho anh chị em mình qua sự khiêm tốn, hiền dịu, nhã nhặn, lịch sự của chúng ta.

Lời nguyện kết:


Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa đã từng cầu nguyện với Chúa Cha Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”trong những giờ phút đau thương của đời người. Chúa biết  rõ cuộc khổ nạn của Chúa không phải là một biến cố ngẫu nhiên, cũng không chỉ là  quyết định của con người, mà là ý định của Thiên Chúa.
 
Qua cuộc khổ nạn đau thương và cái chết của Chúa trên Thánh Gía. Xin dạy chúng con hiểu rằng, Chúa Cha có chương trình thương yêu của Người dành cho mỗi người trong chúng con những gì ở chung quanh và cả những gì làm chúng con buồn phiền, khổ đau…Xin cho chúng con biết đọc ra ý Chúa, Ðấng yêu thương chúng con nơi tất cả. Để mọi biến cố, sự kện xảy ra trong đời sống luôn có ý nghĩa và ích lợi cho đời sống thiêng liêng và thể chất của chúng con. Cả những điều mà chúng con có thể hiểu được, hoặc là quá vô lý với mình trong lúc này…cả những điều xảy đến có thể làm con rơi vào nỗi sợ hãi cùng cực, lo âu đến chết được như Chúa đã kinh qua. Xin ban cho chúng con Tình yêu, niềm tin và lòng phó thác để chúng con có thể thân thưa: “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” trong cuộc sống mỗi ngày. Amen



Thực hành

Tập nhìn thấy hình ảnh của Chúa Giêsu nơi người khác và đón nhận họ như đón nhận chính Chúa.


1 .  Nhật ký của Thánh Faustina, §186.
2.  “Những bông hoa của Sự Thương khó: Sự Thương khó và Con đường nên Hoàn thiện.”
3. (x. Tuyển tập bút tích- Di cảo của Đ.c Lambert de la Motte, số 11 và 16).  

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây