Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá để nhận diện chính mình

Thứ ba - 27/09/2022 23:00 848 0
 
 
 
CHIÊM NGẮM ĐỨC GIÊSU TRÊN THÁNH GIÁ
ĐỂ NHẬN DIỆN CHÍNH MÌNH

LỜI NGUYỆN MỞ ĐẦU :
  
Lạy Thiên Chúa hằng hữu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con một đêm được an bình, mọi người trên trái đất cũng được bình an trong sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Một ngày mới lại bắt đầu Chúa đã đánh thức chúng con dậy để được tôn vinh Chúa tụng, ngợi khen, cám ơn Chúa.

 
Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần của niềm vui, của sự hiệp nhất xuống trên chúng con, để với hết tâm nguyện của người mang sứ mạng chuyển cầu cho con người trong thế giới. Chúng con xin dâng mọi ý nguyện riêng tư thầm kín của mỗi người cũng như những chương trình dự tính của Hội dòng, của cộng đoàn, của gia đình và những ai xin chúng con cầu nguyện và những người chúng con hứa cầu nguyện cho họ.Chúng con cũng xin dâng trọn cả con người đầy tội lỗi,yếu đuối ,cùng những tư tưởng xấu, đam mê trong chúng con.

 
Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót, chúng con hiệp thông với cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô làm của lễ hiến tế đẹp lòng Cha, hợp với  Thánh Lễ mọi người dâng lên hôm nay xin Chúa thương đến quý bà, các chị em và người thân của chúng con đang đau bệnh được Chúa thương nâng đỡ, chữa lành.

 
Với trọn lòng yêu mến, chúng con xin cùng với với Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và Thiên Thần Thiên Quốc để nhờ các Ngài trợ giúp chúng con nhận ra con người thật của mình, nhận ra những khiếm khuyết cần phải điều chỉnh, những điều tốt đẹp nên phát huy khi đối diện với hy tế Thập Giá, nhờ đó mỗi chúng con được lớn lên trong ân thánh mỗi ngày.



SUY NIỆM :

 “ Hỡi anh em, cùng nhau hãy bắt chước tôi, và hãy  nhìn vào người sống theo mẫu mực anh em gặp thấy nơi chúng tôi! Bởi chưng có lắm người, như nhiều lần tôi đã nói với anh em, và bây giờ tôi phải khóc lên mà nói nữa, là họ sống như thù địch với thập giá của Đức Kitô: đích cùng của họ tức là diệt vong ; họ lấy cái bụng làm Thiên Chúa, vinh quang đặt nơi điều đáng phải xấu hổ, họ chỉ biết nghĩ đến những điều dưới đất. Trái lại, nước quê ta là trời cao, tự đó sẽ đến vì cứu Chúa mà ta ngóng đợi, Chúa Giêsu Kitô. Ngài sẽ biến đổi thân các khốn hè của ta, sao nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Ngài, chiếu theo phép mầu làm Ngài có thể bắt cả vạn vật hàng phục Ngài”. ( Pl 3, 17-21)
 
Thập giá của Chúa Giêsu mang dấu ấn của  hy sinh, sự cứu chuộc trọn vẹn dành cho mọi tội nhân mà Thiên Chúa Cha đã hoàn tất bằng sự chết đau thương của người con duy nhất của Ngài là Đức Giêsu trên thánh giá. Người mang lấy những khổ đau trên thân thể mình mà đền tội cho nhân loại từ  tạo thiên cho đến tận thế. Sống nghịch thù với thập giá là lối sống ngược lại với ơn cứu độ, chối bỏ sự sống đời mà tình yêu lớn lao của Đức Giêsu dành cho ngang qua cuộc Khổ Nạn  và sự Phục Sinh của Người.

 
Chiêm ngắm Đức Giêsu trên Thánh Gía,chúng ta xin Chúa cho mỗi người nhận ra diện mạo thật của mình.Chúng ta có phải là những người mà Thánh Phaolô vừa nhắc đến trong thư gởi cho tín hữu Philipphê,

 
Thế nào là sống thù nghịch với thập giá ?

 
Sống thù nghịch với thập giá, nghịch với công trình cứu độ của Đức Kitô là:
  • Chỉ chú tâm đến những giá trị thuộc về đời này:  quan trọng đế cái ăn, cái mặc, làm sao để có thể tích trữ cho nhiều tài sản và cách hưởng thụ thế nào hợp thời, hợp mốt, làm sao cho có địa vị, quyền chức, sử dụng tất cả mọi phương tiện để người đời nhận xét là đẳng cấp…Họ  nghĩ rằng, cuộc đời hiện tại là duy nhất. Chúa là Đấng giàu lòng thương xót nên chẳng lo việc Chúa sẽ xét đoán, cứ hưởng thụ, sống tầm thường cũng chẳng sao, Chúa sẽ tha thứ hết…
  • Luôn tự hào mình là công dân Nước Trời, niềm tự hào có khi làm cho chúng ta không sống đúng với phẩm chất cao quý của mình mà tìm kiếm nhwunxg cái hư mất, không muốn mặc lấy tâm tình của Đức Kitô là từ bỏ, hy sinh và phục vụ trong yêu thương.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta có thể nhìn nhận lối sống xa lạc hoặc đối nghịch với Thập giá Đức Kitô nơi đời sống tâm linh và nhân cách của mình.Vì không mặc lấy tâm tình của Đức Kitô khiến những suy nghĩ và hành động mang ơn cứu độ có thể trở nên xa vời nơi cuộc sống của mỗi người.
 
Mỗi chúng ta cần nhận diện và xóa bỏ những điều có thể làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, xa lạ với anh chị em, dững dưng với vinh quang đích thực mà Đức Giê su mang lại cho mỗi người ngang qua cuộc thương khó của Người.

 Nhìn ngắm Đức Giêsu trên thánh giá chúng ta có thể nhận rõ mình đang sống như thù địch với thập giá của Đức Kitô ở những điểm nào?
  • Phải chăng Tôi là người kiêu căng :
Kinh nghiệm đời sống thiêng liêng cho ta nhận thấy,người tội lỗi có nhiều khả năng sám hối để trở lại hơn là những người cho rằng mình sống công chính,mình là người đàng hoàng không có khiếm khuyết, thiếu sót... Người kiêu căng là kẻ cho mình có đầy đủ, họ cảm thấy thỏa mãn, không còn phải khao khát, mong muốn điều nữa. Đây là lối sống của người Biệt phái mà Chúa Giêsu từng cảnh giác các môn đệ Ngài (x.Mt 16, 6).
   
Chỉ khi nào con người không còn tự hào về bản thân mình,con người mới có thể hạ mình xuống, khi hạ mình là lúc con người khởi đầu trên con đường hoán cải. Đừng đặt ra những lý do này, những yếu tố kia chi phối nhưng phải tự vấn lương tâm mình; đừng xét xem mình tốt lành đến đâu, nhưng là nghiệm lại mình tồi tệ tới mức độ nào; đừng viện nhiều theo lý lẽ, nhưng hãy lắng nghe tiếng thổn thức từ lòng mình để làm một cộc hoán cải thật sự.
  • Tôi còn là con người đầy ích kỷ:
Tính cách ích kỷ được bộc lộ thật rõ nét nơi con người anh trộm trộm dữ bị đóng đinh bên trái Đức Giêsu.Tính ích kỷ khiến anh không nhận ra mình trước cái chết đã cận kề còn ngang nhiên thách thức Chúa Giêsu: “Nếu ông là Đức Kitô, ông hãy giải thoát mình và giải thoát chúng tôi.” (Lc 23, 39). Mục đích của Đức Giêsu là đưa con người vào đường lối của Thiên Chúa, là biến đổi tình trạng tăm tối của bản thân thành nơi đầy ánh sáng, mở rộng trong trái tim con người với một tình yêu quảng đại, vị tha,xả kỷ chứ không để con người chạy theo ước vọng của mình.Mong ước được giải thoát của anh trộm dữ thật hàm hồ, không khả thi chút nào, bởi ước mong của anh không được cứu như thế không có trong chương trình của Thiên Chúa.Ngược lại, người cùng bị đóng đinh với anh bên phải Chúa Giêsu lại được giải thoát ngay trong phút chốc vì sự khiêm nhường của anh.
  
Người ích kỷ chỉ biết nhắm đến lợi ích riêng mình, bất chấp thiệt hại hay cảm tưởng của người xung quanh. Tham lam cũng bắt nguồn từ ích kỷ, vì muốn vơ hết về mình. Dối trá,lật lọng, tráo trở, thnah minh biện hộ cho đến khi một sự vật đen thành trắng, hoặc trắng thành đen... cũng bắt nguồn từ ích kỷ, vì miễn sao phần thắng về mình. Tự phụ, độc đoán, háo danh, hiếu thắng, coi thường và khinh rẻ người khác, chẳng qua cũng do ích kỷ, vì chỉ biết có mình thôi.

  
Nhìn từ chiều kích xã hội, tính ích kỷ không chỉ dừng lại ở đó, nó còn biến thái thành những tệ nạn xã hội: tham nhũng, bất công, tàn ác, độc đoán, trấn áp, bóc lột, v.v… Nó biến xã hội thành một bãi chiến trường đầy những mảnh đời bất hạnh. Chính ích kỷ dẫn đến nạn phân biệt giai cấp, kỳ thị chủng tộc, xung đột tôn giáo, thảm họa chiến tranh, tai ương khủng bố… Ích kỷ như bức tường ngăn cách, phân rẽ và hủy diệt mọi tương quan cuộc sống với nhau, với Chúa, với chính bản thân.  

 
 Nhìn từ chiều kích đời sống chung, ích kỷ nó cũng làm cho đời sống cộng đoàn mất đi giá trị thiêng liêng diễn tả niềm đích thực của ngày cánh chung,  được nhắc nhở nói theo kiểu nói của thánh Phaolo trên đời này, chúng ta không có thành trì vững chắc nào cả, bởi vì quê hương chúng ta là ở trên trời, (x. Pl 3,20). Tính ích kỷ cũng làm cho người tu sĩ giống như những người khác ngoài xã hội, người tu sĩ chẳng nhớ gì đến lời cam kết và tu phục mình khoác trên mình.

     
Người tu sĩ khi chiêm ngắm
Thập giá, suy niệm về cuộc khổ nạn của Người mà không để tình yêu Đức Kitô, thúc bách , giao hòa, tha thứ, nối kết với Ngài để được biến đổi thì những mầm mống và sự băng hoại của ích kỷ sẽ làm cho đời mình trở nên khô cứng và chẳng mang lại sự sống vĩnh cửu cho mình cũng như người khác.

 
Ngược lại, nếu người nào mở lòng ra, khiêm tốn ngước nhìn thập giá Chúa  và để cho tình yêu Đức Kitô chiếm hữu thì dòng máu cứu rỗi từ trái tim Chúa sẽ nhuộm thắm tâm hồn, và khơi nguồn sự sống mới. Chỉ khi thực sự đối diện với thập giá Đức Kitô, liên kết thực sự trong Ngài thì mọi mặt nạ, mọi phù phiếm, mọi ảo tưởng về bản thân mình mới có thể bong tróc và lột dần ra mà thôi.
  • Tôi là người có tính hay ghanh tỵ
Ganh tị là nguồn gốc của mọi phán đoán sai lầm, nhận xét mang màu xám tiêu cực, lạc lối dẫn con người đi đến góc cuối cùng của tăm tối. Nói hành, vu oa cáo vạ… đều do ganh tị mà ra. Ganh tị phủ nhận mọi công lý và yêu thương.
 
Chiêm ngắm cuộc khổ nạn của GiêSu, chúng ta thấy rõ bản chất ganh tỵ hiện rõ nơi khuôn mặt của những nhân vật như:Quan Tổng trấn Philatô ganh tị quyền lực của Chúa,Thầy thượng tế  Anna ganh tị sự vô tội của Chúa;Tòa án tối cao Caipha ganh tị sự đắc nhân tâm của Chúa; Vua  Hêrôđê ganh tị đức hạnh cao cả của Chúa; Các luật sĩ và phái Pharisêu ganh tị sự khôn ngoan của Chúa.Anh trộm bên trái cũng ganh tị với quyền lực của Chúa Giêsu. "Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Anh ta có vẻ bực bội vì Đức Giêsu không sử dụng quyền của Thiên Chúa để cứu anh ta.

  
Sự sai lầm của những đôi mắt, của những cõi lòng ganh tỵ khiến họ bị mù tối, tâm hồn bị đóng băng nên không thể nhận ra Chúa Giêsu là ai.Tất cả những người này họ đang ở cận kề bên Đức Giêsu, Đấng giải thoát họ khỏi trần gian tội lụy …Những người có tật ganh tị lúc nào cũng mong làm sao những ai có khả năng sự ưu việt hơn mình bị thế này thế kia, hay phải rủi ro, thất bại...

  
Đối diện với Thập giá Đức Kitô, Xin Chúa mở mắt để ta có một tầm nhìn mới, soi rọi vào hiện trạng tâm hồn để làm lộ ra những lệch lạc, mổ xẻ những ung nhọt gây bất ổn trong suy nghĩ, hành động nơi các sinh hoạt đời thường. Cả con người mình cần phải được khai sáng, chỉnh sửa để giúp chúng ta làm một cuộc đổi mới trong nội tâm.


LỜI NGUYỆN KẾT:

Lạy Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh, trong cộng đoàn những người sống thánh hiến của chúng con đây,tính ganh tị biến thành giả hình không phải không có, nó giống như sói đội lốt chiên, lúc này tay bắt mặt mừng nhưng không biết khi nào bị làm hại, nói xấu... Người ganh tị thì lòng đầy tham lam, muốn chiếm hữu điều nơi người khác có mà mình không có, muốn giống người khác cái này cái kia… Ganh tị đã làm cho tâm trí lu mờ, con tim xơ cứng. Chiêm ngắm Chúa trên thánh giá chúng con đã nhận ra con người thật của mình, không ít thì nhiều, không tính xấu này thì nết xấu kia. Xin vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa làm mềm lòng con, khai mở tâm trí con, biến đổi con để trong  tình yêu Chúa chúng con thực sự sống tâm tình của Mẹ Maria và Thánh Gioan luôn đi bên cạnh Chúa, sống trong Chúa và vì Chúa bằng tâm tình sống trung tín của người môn đệ thật dễ thương trong đời sống mỗi ngày.

 
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây