Chúa Giêsu trên thập giá mời gọi chúng ta nhận biết các dấu chỉ của thời đại
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Thiên Chúa Ba Ngôi,
Chúng con xin tôn vinh, chúc tụng tạ ơn Chúa đã dùng Lời Quyền Năng để sáng tạo vũ trụ, con người và vạn vật cho con người hưởng dùng. Cám ơn Chúa đã cho chúng con nhận biết Chúa nhờ ơn đức tin mà tiền nhân đã truyền lại. Chúa tiếp tục mặc khải cho chúng con về sức mạnh của Lời qua con yêu dấu là Đức Giêsu và các dấu chỉ của thời đại. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa sẽ tồn tại mãi mãi…Chúa đang nhắc nhở con về các biến cố đang xảy ra từng ngày trong đời sống mình nhưng con ít nhận ra.
Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho chúng con để khi suy niệm Lời Chúa, nhận ra tiếng Chúa qua Kinh thánh thì cũng đồng thời nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi các tạo vật. Từng biến cố Chúa cho xảy ra trong thế giới, nơi con người và vũ trụ đều là sứ điệp Chúa mời gọi con tích cực sống cho Chúa và cho con trong triều đại cánh chung.
Lạy Chúa, trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ này, chiêm ngắm Chúa trên Thánh giá xin cho con xác tín hơn về sức mạnh của Lời Chúa, về tình yêu Chúa dành cho qua những niềm vui, nỗi buồn cả những đau đớn nơi thân xác vì bệnh tật, vì trái gió trở trời; cả những vấp váp, yếu đuối trong đời sống. Lạy Chúa, con tin rằng tiếng Chúa tràn ngập yêu thương, bình an “Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến”.
Suy niệm:
Trong thời đại của chúng ta không thiếu các tai ương từ thiên nhiên, từ con người gây chiến tranh và bạo lực. Nhưng Lời Chúa là nền tảng ổn định cho cuộc sống chúng ta. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa sẽ tồn tại mãi mãi,“Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến”.
Hẳn chúng ta còn nhớ, suốt thời gian Covid-19 hoành hành, Dịch virus Covid-19 có phải là dấu chỉ của thời đại? cụm từ “dấu chỉ của thời đại” thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông và cả trong những bài suy niệm, suy tư của dân Công Giáo.
Hôm nay, một lần nữa Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi các dầu chỉ của thời đại.
Mở từng trang Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy biết bao dấu chỉ thời cuộc trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Đó có thể là những chiến thắng vẻ vang của dân Chúa trước quân xâm lăng. Cuộc xuất hành thành công dưới sự lãnh đạo của Môsê cũng là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Người. Khi cả dân quay về với Thiên Chúa, đó là dấu chỉ cho thấy họ thực sự ăn năn. Ngược lại, khi dân xa rời Thiên Chúa, thờ thần ngoại bang, đó là dấu chỉ cho thấy dân sắp rơi vào cảnh lầm than.
Đến thời Tân Ước Chúa Giêsu khuyên người ta cần nhận ra dấu chỉ của thời đại: “Bấy giờ, có những người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc lại gần Đức Giêsu, và để thử Người, thì xin Người cho thấy một dấu lạ từ trời. Người đáp: ‘Chiều đến, các ông nói: Ráng vàng thì nắng’, rồi sớm mai, các ông nói: ‘Ráng trắng thì mưa’. Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi.” (Mt 16,1–3).
Thiên Chúa luôn ở giữa dân Ngài nhưng ngược lại con người không muốn tìm kiếm Thiên Chúa, họ đang chạy theo những giá trị ảo. Từ khi Ông bà nguyên tổ muốn thay thế Thiên Chúa để tự định đoạt về điều lành, điều dữ: lấy mình làm khuôn mẫu, làm chủ vận mạng của mình và tự ý quyết định về chính mình (x. St 3, 3. 5). Từ chối phục tùng Đấng dựng nên mình, nên đã làm lệch lạc mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người… Vì thế, tội đã gây ra một sự rạn nứt giữa Thiên Chúa và con người. Sự rạn nứt đó còn lan ra cho cả con cháu (x. St 4, 8. 24).Tội làm cho con người đánh mất tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể được phục hồi nhờ vào lòng xót thương, khoan dung, nhân hậu của Ngài, Ngài luôn chờ đợi, mời gọi con người trở về qua các dấu chỉ của thời đại. Đức Phaolô VI viết: “Phải kích thích trong Giáo Hội sự chờ đợi trong sự tỉnh thức kiên trì đối với những dấu chỉ thời đại… xác nhận tất cả những sự vật và gìn giữ điều gì là tốt trong mọi thời, cũng như trong mọi hoàn cảnh.” Đòi hỏi đó không chỉ dành cho các nhà thần học, hoặc những chủ chăn của Giáo Hội; đó còn là lời mời dành cho mỗi giáo dân để biến dấu chỉ thời đại thành một khát vọng chân thành và thiết thực. (x. Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 14).
Trong hiện tại, dấu chỉ của dịch bệnh dường như dần lắng xuống, nhưng chiến tranh giữa các dân tộc vẫn còn nặc mùi khói súng, nạn di dân, nghèo đói…Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần chỉ cho chúng ta nhận ra dấu chỉ của thời đại. Chẳng hạn ngài nói: “Mỗi người chúng ta đều có tự do để phân định. Nhưng để có thể phân định được, chúng ta phải biết rõ điều gì đang diễn ra. Và Ngài đã chỉ ra cho mỗi người chìa khóa để nghe, hiểu được dấu chỉ của thời đại “ Trước hết là phải biết thinh lặng: hãy thinh lặng và quan sát. Sau đó, hãy suy tư và phản tỉnh.”
Điều tuyệt vời cho những ai nhận ra dấu chỉ của thời đại là: họ không hoang mang, hoảng sợ. Ngược lại họ xác tín: “Chính Tin Mừng là Lời của Chúa Giêsu đã làm thay đổi thế giới và tâm hồn chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi tín thác vào Lời của Chúa Kitô, để mở tâm hồn đón nhận Lòng thương xót của Chúa Cha và để cho bản thân mình được biến đổi nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần”.
Đối với những người sống đời thánh hiến theo linh đạo Mến Thánh Giá, chúng ta nhận ra dấu chỉ của thời đại dưới lăng kính nào? Trên Thập giá, Chúa Giêsu mời gọi mỗi chúng ta nhận biết chân dung Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Ngắm nhìn Thánh Giá trong thinh lặng sẽ thấy Chúa của chúng ta là ai ? Hãy để ánh mắt của Đức Giêsu trên thánh giá nhìn chúng ta, và chúng ta đón nhận ánh mắt của Ngài bằng tất cả tình yêu thương, tin tưởng để sống kiên trung với tiếng gọi của Chúa, nhạy bén nhận ra dấu chỉ thời đại để thật sự hoán cải. Ước gì mỗi người lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần đang nói với chúng ta trong mọi biến cố lớn nhỏ của ngày sống để sống gắn bó với Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô, Con Thiên Chúa, là Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi, là nguồn mạch của sự tự do mới. Chính cái chết và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài là niềm hy vọng của chúng ta và cả nhân loại giữa những tai ương của cuộc sống này.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu,
Ngắm nhìn Chúa trên thánh giá, con được Chúa mời gọi hãy tỉnh thức để đọc ra ý nghĩa của từng biến cố giữa cuộc sống con hôm nay. Mỗi biến cố xẩy đến là một dấu chỉ mời gọi con nhận ra sự hiện diện của Chúa, mỗi sự kiện lớn nhỏ đều ẩn chứa lời mời gọi của Ngài. Lúc thành công hay khi thất bại, lúc mạnh khỏe hay khi yếu đau, khi hoan lạc hay phiền muộn Chúa đều hiện diện để yêu thương, nâng đỡ chúng con, Chúa luôn muốn điều tốt nhất cho con. Xin Chúa cho con ơn sống chân thành cho Chúa và vì Chúa như lời Thánh Phaolô mô tả: “Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi” (1 Cr 7, 29-31). Xin Chúa cho con luôn nhớ rằng, cuộc sống của con hôm nay quyết định cho cuộc sống mai sau trong triều đại mới của Chúa. Sống tốt giây phút hiện tại, đó là cách bảo đảm cho cuộc sống đời sau. Tin tưởng vào cuộc sống mai sau sẽ là động lực thôi thúc con sống tốt phút giây hiện tại. Amen