Mở lòng đón Chúa

Thứ hai - 05/12/2022 21:02 972 0
 
Suy niệm Thứ sáu tuần 2 Mùa vọng

Mở lòng đón Chúa
 
Lời nguyện mở đầu:

Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng,
Cám ơn Cha đã an bài mọi sự cho nhân loại được sống trong trật tự, được hưởng nếm biết bao hồng ân Cha ban. Đặc biệt, Cha đã cho con được sống, được hiện hữu đến giây phút này.Con muốn thay thời cho muôn loài thụ tạo hát mừng, tôn vinh, chúc tụng, tri ân Cha trong giờ phút quý báu này.

Lạy Cha, để tiếp tục thi ân cho nhân loại qua công trình yêu thương, Cha đã cho Đức Giêsu hiến mạng sống cho nhân loại, Người đã chấp nhận thân phận con người nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể sống giữa loài người. Cho đến lúc cuối đời Người tự hiến để ở lại với nhân loại trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài đã chọn gọi các Tông đồ và môn đệ cùng trao cho họ sự khôn ngoan, sức mạnh của Thánh Thần để họ cống hiến cuộc đời tiếp tục sứ vụ của Người trong vai trò là các thừa tác viên linh mục,tu sĩ.

Chị em con cũng được Chúa mời gọi cho Chúa mượn đôi tay, đôi chân, khối óc và con tim để mang ơn thánh đến cho con người qua sứ mạng chuyển cầu và phục vụ theo Linh đạo Mến Thánh Giá. Xin Chúa cho con luôn tỉnh thức, cầu nguyện và sống sao cho đẹp lòng Chúa đừng như đám trẻ ham chơi nhưng lại không tuân thủ luật chơi.

Lạy Chúa Giêsu, Xin tha thứ cho những yếu đuối của con. Xin Mình và Máu Thánh Chúa tẩy rửa tâm hồn khỏi những ước muốn dẫn con đến phạm tội mà không hay biết. Xin cho con dám nhìn lại bản thân bởi không ít lần con đã hành động như những đứa trẻ, nhìn Chúa bằng đôi mắt phiến diện, ý Chúa bị uốn cong theo những điều con nghĩ tưởng, có khi con đã cố gắng giải thích tất cả để quyền lợi của mình được bảo vệ, con đã kết án tất cả dù đó là chân lý, là sự thật. Xin cho con biết vượt qua thành kiến hẹp hòi mà vươn lên khỏi những ràng buộc của quyền lợi cá nhân để rộng mở tâm hồn đón tiếp Chúa, vì Chúa đang đến trong từng giây phút qua các biến cố cuộc đời cũng như qua kỷ luật chung của Hội dòng, cộng đoàn.

Suy niệm:

Hôm nay, Đức Giêsu mượn câu chuyện về trò chơi của trẻ em Do thái, để khiển trách những kẻ thiếu lòng tin, sống buông thỏng theo thói đời. Ngài so sánh dân chúng thời đó như đám trẻ khó tính, khó nết, nay rầy mai khác, không sao làm vừa lòng họ được. Khi thấy thánh Gioan Tẩy giả không ăn không uống, thì họ cho là bị quỷ ám. Còn Đức Giêsu ăn uống như mọi người, thì họ bảo là mê ăn ham uống, làm bạn với kẻ tội lỗi! “Ông Gioan đến, không ăn không uống thì thiên hạ bảo: Ông ấy bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống thì thiên hạ nói: Đấy là kẻ mê ăn, chè chén” (Mt 11,18-19).Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa hủy bỏ chương trình cứu độ của Người. Người vẫn tiếp tục hoạt động cách khôn ngoan trên thế giới qua dòng thời gian.

Trò chơi của trẻ em Do thái: Các em thường được chia làm hai phe, một bên xướng câu tiểu khúc điệu vui hoặc điệu buồn, rồi bên kia đáp lại: Nếu xướng điệu ca buồn giả bộ đám ma, thì bè bên kia than khóc, đấm ngực rên xiết. Nếu bè bên này xướng ca vui giả vờ làm đám cưới thì phe bên kia vui hát nhảy múa hòa nhịp. Nếu hai bên xướng đáp hoà hợp như vậy thì trò chơi rất vui. Ở Việt Nam cũng có trò chơi “ thiêng đàng hỏa ngục hai phe” nhiều người chúng ta đã từng tải qua trong thời thơ ấu. Đâu  đó cũng đã từng trải qua những hành động khó tính, khó nết, lì lợm, kiêu ngạo... theo ý riêng trong cuộc chơi, khiến cuộc chơi mất vui, dẫn đến hờn giận phải giải tán, không chịu thua hoặc vì :“chúng tôi thổi sáo mà các anh không nhảy múa”...!

Qua Dụ ngôn trò chơi của trẻ em này, Lời Chúa muốn nói gì với chúng ta ? Đức Giêsu cho thấy, Người Do thái khước từ Gioan Tẩy giả, cũng như khước từ Đức Giêsu vì những lý do trái ngược nhau. Sự thật là vì họ không muốn nghe lời Đức Giêsu cũng như thánh Gioan Tẩy giả, mà ăn năn thống hối tội lỗi, trở về tin tưởng vào Chúa; cả hai vị đều đưa ra hai đường lối để giúp họ hoán cải: thánh Gioan vạch ra con đường khắc khổ hy sinh, còn Đức Giêsu lại đề nghị cách sống giản dị đơn sơ. Do đó, mỗi người chúng ta đều có thể dùng hai phương cách này mà cải thiện đời sống, đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Người Do thái cố chấp và chủ quan, họ bắt mọi người phải có cái nhìn và lối suy luận của họ. Họ là những người thiếu thiện chí, chỉ tìm cách bắt bẻ, lên án người khác. Cái xấu không phải là ở nơi người khác, nhưng là ở chính họ. Vì con mắt họ xấu, vì lòng họ không ngay chính, nên họ đoán xét mọi việc cách sai lạc.

Nhiều người sống đời thánh hiến hiện cũng đang có lối sống trái ngược như thế: họ là người tự nguyện bước theo Đức Giêsu với lời cam kết sống: nghèo khó, khiết tịnh vâng lời nhưng chỉ muốn Chúa theo ý họ chứ không bao giờ lưu tâm tìm hiểu ý Chúa, qua chương trình sống, luật lệ của Hội dòng, cộng đoàn và nỗ lực sống nhân cách cần có của người mang áo nhà tu. Lối sống hưởng thụ, ưa thích điều gì hợp với ý mình, tìm cách biện minh để Bề trên cũng phải theo ý mình, ưa thoải mái trong cách ăn mặc, tự do sử dụng tiền bạc, thời gian, còn cái gì không hợp với ý mình thì càm ràm, lên án, cho là quê mùa tụt hậu...
Có thể nói việc tuân thủ Kỷ luật làm nên nếp sống tu trì. Nếp sống tu trì không đương nhiên làm cho người tu sĩ trở nên hoàn thiện, mà chỉ là phương thế mà trên đó người tu sĩ xây dựng đời mình trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Việc tuân giữ kỷ luật đời tu, chúng ta sẽ được chính Thiên Chúa yêu mến như lời Chúa nói: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho kẻ ấy.” (Ga 14,21).

Dùng câu chuyện về những đứa trẻ chơi đùa, Đức Giêsu muốn lên án những người Do thái bởi thái độ tự cho mình là chuẩn mực và bắt người khác phải làm theo ý mình, mình là nhà mô phạm người khác phải rập theo. Ngoài ra, Người còn cảnh cáo, nhắc nhớ đừng va vào mối nguy hiểm của người Pharisêu: lấy công khó của việc sống kỷ cương trong nếp sống đời tu làm tòa án để phê bình, chỉ trích người khác. Như thế, Ngài đang muốn khẳnh định với mọi người: không có một người tu sĩ đạo đức nào lại coi thường nếp sống tu trì.

Đức Giêsu còn khẳng định giá trị thật của một người không tuỳ thuộc vào lời phê phán của người khác về người đó, nhưng tuỳ vào chính hành động, lối sống của người đó.“Nhưng đức Khôn ngoan được chứng minh bằng hành động. Hai nếp sống khác nhau giữa Gioan tẩy Giả và của Đức Giêsu đều phục vụ cho lời mời gọi hãy hoán cải để trở về với Thiên Chúa. Cả hai vị đều thực hiện những công việc của Thiên Chúa đầy khôn ngoan, công việc của Gioan mang sứ vụ tiền hô và công việc của Đức Giêsu trong sứ vụ cứu thế, cả hai đều thể hiện thánh ý của Thiên Chúa Cha.

Trong đời sống chung tôi thường cho mình đạo đức hơn người, tôi là người trung thành sống kỷ luật, tôi là người biết hy sinh đóng góp công sức cho việc chung, tôi là người có trách nhiệm trong việc này việc nọ nên tôi có quyền phê phán, nhận xét ...Vì vậy, tôi thường tự ái khi có ai đó làm phật ý mình, có ai nói sự thật về mình, khi bị hiểu nhầm, trái ý; tự ái sẽ làm tôi xa cách hoặc loại trừ người chị em... Những lần như thế, tôi rất sợ đối diện với sự thật, đặc biệt khi sự thật chống lại với mình. Biết mình sai, tôi vẫn cố chấp, vẫn quyết hơn thua, thay vì khiêm tốn đón nhận sự thật. Tôi đã cư xử y hệt như cách thiên hạ ngày xưa đối xử với Gioan và Đức Giêsu, để rồi xa dần Đấng “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Nếu cuộc sống tôi cứ mãi không đi vào con đường của Sự Thật và là Sự Sống nơi chính Đức Giêsu, nếu lòng tôi cứ cứng cõi, cố chấp, con tim cứ lập loạn nhịp như thế làm sao có thể mở rộng lòng để đón chờ Chúa đến ?

Tiếp tục suy tư và nỗ lực mở lòng đón chờ Chúa trong đời sống chung, chúng ta cùng suy nghĩ đoạn thư của ĐTC Biển Đức 16 gởi cho chủng sinh vào  Ngày 18-10-2010, được G. Trần Đức Anh OP chuyển ý như sau : “Trong cuộc sống chung đôi khi khó khăn, các bạn phải học quảng đại và bao dung không những trong việc chịu đựng lẫn nhau, nhưng cả trong việc làm cho nhau được thêm phong phú, làm sao để mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho mọi người, trong khi tất cả mọi người phục vụ cùng một Giáo Hội, cùng một Chúa”1

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến,
Hôm nay Chúa đã nhắc nhở con phải sống theo lề luật của Chúa, tuân thủ kỷ luật dòng với tinh thần của người sống đời thánh hiến thật sự. Vì sống đời thánh hiến nửa vời nên con dễ biện minh cho những việc làm sai trái của mình; viện cớ sống đức ái để rồi không tuân thủ kỷ luật chung của Hội dòng, cộng đoàn; tự nới lỏng kỷ luật bản thân để nó đang trở thành một thói quen! Thói quen phạm tội đã làm con trở thành bướng bỉnh, chai lì trước tiếng mời gọi của Chúa; bướng bỉnh để rồi coi thường luật lệ, con chẳng khác gì mấy đửa trẻ con.
Lạy Chúa, lòng con luôn muốn mở rộng để đón chờ Chúa đến, xin giúp con biết duy trì tinh thần đạo đức mà mỗi người đã được tiếp nhận từ thời thơ ấu và làm cho nó mỗi ngày đạt đến sự gắn kết sâu đậm hơn với Chúa trong các nỗ lực thực thi việc Cầu nguyện và sống những đòi hỏi của Tin Mừng. Xin cho con biết đọc ra những điều hay cái tốt nơi những nền văn hóa khác nhau mà chị em chúng con trong các vùng miền đang hiệp thông với nhau trong đời sống chung, tuy nó khác nhau cái bên ngoài nhưng rất giống nhau vì con tim của mỗi người vẫn như nhau. Nhờ những cái khác của mỗi người sẽ trở nên điều bổ túc cho nhau, làm cho cái khiếm khuyết trở nên tròn đầy. Xin đừng để những chè chén ham mê sự đời làm lòng con xa Chúa,xa nhau; đừng vì những nhận xét, phê phán, lên án lệch lạc thiếu khách quan của con làm cho đời sống thánh hiến trở nên nhàm chán, thiếu sức sống siêu nhiên. Xin mở lòng con khỏi những ích kỷ và qui về mình để để dàng đón nhận những góp ý, sẵn sàng hòa hợp với nhau trong mọi hoạt động của cuộc sống đời thường, có như thế chúng con không phải mong mỏi đợi chờ Chúa đến mà Chúa đang ở trong cộng đoàn và trong mỗi người. Amen 

 
 
  1.  (https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/10/19/thu-goi-cac-chung-sinh/
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây