“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”
Lời nguyện đầu:
Lạy Thiên Chúa Cha từ ái,
Chúng con cảm tạ Chúa về muôn hồng ân Chúa đã ban cho chúng con. Chúa đã yêu thương và nâng đỡ chúng con từng giây phút, đặt biệt đã gìn giữ chúng con đêm qua được bình an. Giờ đây xin dâng lên Chúa ngày sống mới với những vui buồn, cả con người yếu đuối thấp hèn, cả sự thờ ơ lạnh nhạt mà chúng con có thể dành cho Chúa trong ngày hôm nay.
Lạy Chúa, con là người đang đi theo sát Chúa trong đời thánh hiến. Con cần xác tín mình đang theo ai và người mình theo từ đâu đến. Đã nhiều lần con nghe về Chúa, con đã học hỏi về Chúa nhưng con chưa một lần gặp Chúa để trả lời câu hỏi đối với con Thầy là ai? Nhưng con tin rằng khi sống trong Ân Sủng là con đang hiệp thông với Chúa, khi con sống hiệp nhất yêu thương chan hòa với nhau trong nếp sống cộng đoàn là con đang nhìn thấy Chúa, con đang làm cho hình ảnh của Chúa được diễn tả cách rõ nét nhất, và chính trong nếp sống yêu thương ấy mỗi người sẽ tiếp tục khám phá ra khuôn mặt dịu hiền của Chúa. Xin Chúa giúp con đủ nghị lực và can đảm thực hiện điều này, để khuôn mặt xinh đẹp, đầy lòng thương xót của Chúa luôn sáng tỏ nơi đời sống thường ngày của con.
SUY NIỆM:
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? ( Lc 9, 18 – 20 ),“Con Người phải chị đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
Đang khi con người đi tìm giải thoát khỏi đau khổ ở cuộc đời này, Chúa Giêsu lại loan báo Con Người sẽ chịu nhiều đau khổ, bị bắt, chịu sỉ nhục, chịu chết sau cùng sẽ sống lại. Chẳng thể hiểu và chấp nhận được, Phêrô đã thưa với Chúa: “Làm sao có chuyện như thế được?”. Câu trả lời của Chúa Giêsu rất cương quyết: “ Hãy vác thập giá mình mà theo!”, Và để trở nên môn đệ Đức Giêsu cách đích thực, Ngài muốn những ai đi theo ngài phải xác tín về căn tính của Ngài:
“Đám đông nói Thầy là ai ?
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”
Các môn đệ đã trả lời cho Chúa Giêsu về cách đám đông đang nghĩ về Chúa. Ngài có thể là : “Ông Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ vĩ đại Êlia, hoặc là một ngôn sứ nào đó đã sống lại”. Những nhân vật ấy đã từng xuất hiện giữa dân và có ảnh hưởng đặt biệt quan trọng trên đám đông dân chúng đang chịu cảnh áp bức của đế quốc. Phải chăng đám đông dân chúng này đang chờ đợi nơi Chúa Giêsu, sẽ làm một cuộc cách mạng để giải phóng họ khỏi sự đô hộ? Kiểu như nhóm nhiệt thành chuyên xách động dân chúng chống lại đế quốc Rôma mà đứng đầu là Baraba, đang nổi lên nơi một vài địa phương?
Chúa Giêsu muốn biết các môn đệ, những người bạn thân tín nhất của mình đang nghĩ gì về Ngài : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Phêrô đã trả lời đúng, vì Chúa Giêsu quả là Đấng Kitô hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời. Đấng ấy được xức dầu để lên làm vua của dân tộc Israel. Nhưng có thể Phêrô ngộ nhận về khuôn mặt của Đấng Mêsia đó. Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia sẽ giải phóng dân Israel khỏi ách đế quốc Rôma, cũng không phải là người muốn lên làm vua trần thế. Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại. Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mang khuôn mặt của Người Tôi Trung đau khổ “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, […], bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta”(Is 53,4-6). “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu” (Is 53,10).
Phêrô và các môn đệ đi theo Đức Giêsu, nếu các ông biết rõ số phận bi đát đang chờ đợi Thầy như thế, thử hỏi các ông có còn muốn theo Ngài nữa không ?
Hôm nay Chúa Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Còn con, con bảo Thầy là ai?” Mỗi chúng ta sẽ trả lời như thế nào trước câu hỏi mà Ngài hỏi chúng ta trong từng chặng đường cuộc đời ?
Dự tu, Thanh Tuyển, Tiền Tập Sinh, Tập Sinh, Khấn Sinh con bảo Thầy là ai?
Tôi phải cần biết Ngài là ai đối với cuộc đời tôi, tôi sẽ không đi theo Đấng mà tôi không hề biết.
Dựa vào kinh nghiệm, trải nghiệm trong cuộc sống, chúng ta có thể khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu khác nhau trong từng giai đoạn của hành trình ơn gọi. Có lúc Ngài là Đấng ban phát bao ơn lành cho tôi. Có lúc Ngài là bạn đồng hành với tôi khi tôi gặp đau khổ, tuyệt vọng và bị bỏ rơi. Có lúc Ngài là vị ân nhân hào phóng sẵn sàng đáp ứng những gì tôi xin, có lúc là người Cha vô cùng nhân ái, nhưng cũng rất cương nghị khi tôi làm điều sai trái, có lúc Ngài là người tôi yêu nhất khi tôi phải quyết định, phân định, chọn lựa để sống cho Người cách triệt để hơn giữa muôn vàn chọn lựa dễ dãi, tầm thường trong đời sống thường ngày.
Những trải nghiệm, cảm nghiệm về Chúa Giêsu trong đời sống của chị, của tôi, của em thế nào?
Chúng ta có thể trả lời cách xác tín như thánh Phaolô: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt. Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu.” (Pl 3, 7-14).
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, xin giúp con yêu mến Chúa nhiều hơn, vì Chúa đã quá yêu con. Xin cho con biết mở rộng cõi lòng để đón nhận hồng ân Chúa và đến với mọi người xung quanh bằng tình yêu đơn hèn của mình. Xin Chúa cho con đừng chỉ xây đắp hạnh phúc cho riêng mình mà nên biết nghĩ đến hạnh phúc của người khác, của cộng đoàn, của gia đình Hội dòng trong tình yêu liên kết, vị tha và đón nhận nhau; mỗi người nỗ lực thăng tiến hoàn thiện bản thân… để không những con nhận ra nét đẹp nơi khuôn mặt của Chúa khi cùng nắm tay nhau xây dựng cộng đoàn mình hạnh phúc, bản thân hạnh phúc nhưng còn khám phá những nét đẹp đáng yêu khi con giơ tay ra giúp đỡ những người cô đơn túng thiếu… Họ là hình ảnh sống động của Chúa. Đồng thời, con cũng mang hình ảnh Chúa nơi cuộc đời mình khi biết chia sẻ cho người khác, khi tận tâm giúp đỡ ai đó dù họ là người mình chẳng thích. Chúa đang ẩn mình trong từng cử chỉ, từng lời nói, việc làm dù nhỏ bé thầm kín nhất của con. Xin Chúa giúp con đừng bao giờ làm cho khuôn mặt đáng yêu của Chúa bị biến dạng hay làm xấu đi khuôn mặt thánh thiện của Chúa. Nhưng mỗi ngày, xin giúp con tô đẹp thêm và làm sáng tỏ khuôn mặt của Chúa, là cách con giới thiệu Chúa cho anh chị em mình. Để thực hiện được điều này không gì khác hơn là xin cho con biết liên kết mật thiết với Chúa, kín múc từ nơi Chúa nguồn sức sống mới, để con làm cho tình yêu Chúa lớn lên trong tâm hồn và tỏa lan đến từng suy nghĩ và hành động của con. Amen
Thực hành : Vui nhận những hy sinh khó nhọc trong ngày cầu nguyện cho người tội lỗi được ơn hoán cải.