Suy Niệm Chủ đề Tuần 4 Mùa Vọng

Thứ ba - 13/12/2022 02:32 302 0
 
 
SUY NIỆM CHỦ ĐỀ TUẦN 4 MÙA VỌNG
(18/12/2022)
 
                                     
Chủ đề: Củng cố sự hiệp thông cộng đoàn bằng phương tiện truyền thông
Lời Chúa: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”(Ga. 15, 5)


Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba ngôi cực Thánh!
Trong giây phút linh thiêng của ngày sống mới chúng con xin hợp cùng chư thánh cảm tạ, ngợi khen, tôn vinh Chúa đã dành cho chúng con muôn phúc lành trong tuần sống qua.Vì yêu thương, Chúa đã Nhập Thể làm người để cứu độ chúng con; thế nhưng, nhiều lúc chúng con chưa ý thức được hồng ân cao cả đó, xin cho từng người trong gia đình nhân loại quyết tâm đổi mới đời sống để xứng đáng đón nhận những hồng ân lớn lao Chúa sẽ tiếp tục thương ban.
Chúng con cám ơn Chúa về sự phát triển của khoa học kỹ thuật nhất là phương tiện truyền thông, nó là quà tặng quý giá cho con người trong thời đại này nếu mỗi người  biết dùng để thông truyền vẻ đẹp của Thiên Chúa cho tha nhân. Nhìn vào những thực trạng đang xảy ra trên thế giới cũng như tại Việt Nam, chúng con lại cảm thấy lo lắng vì truyền thông đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt phải kể đến vấn đề mạng xã hội nó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những người sống đời thánh hiến.
Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần trên chúng con để mỗi người biết phân định và chọn lựa khi sử dụng những phương tiện Chúa ban cách trung thành và sáng tạo trong đời sống của mình. Xin cho chúng con can đảm lội ngược dòng để tìm lại tinh thần xông xáo dám nghĩ dám làm và sự thánh thiện của Đấng sáng lập, của tiền nhân để đáp trả tiếng mời gọi của Chúa khi dấn thân phục vụ cho con người trong thế giới ngày nay. Xin cho chúng con tràn ngập niềm vui và sự bình an ngay giữa những thách đố của cuộc sống, vì chúng con đã thuộc về Chúa, vì Chúa là niềm vui đích thực trong đời thánh hiến của chúng con. Xin cho chúng con biết tìm kiếm chân lý và sự thật nơi Chúa, đừng để mình bị lừa dối theo cách sống ảo mà mạng xã hội đang quảng bá khắp nơi.

Suy niệm:

Chúng ta đang sống thời điểm 50 năm sau Công Đồng Vatican II, cũng là 50 năm công bố sắc lệnh Inter Mirifica về các phương tiện truyền thông xã hội ( 04.12.1963). “Thánh Công Đồng mời gọi mọi người thiện chí, nhất là những người điều khiển các phương tiện trên, hãy chăm lo quy hướng chúng về mục tiêu duy nhất là giúp ích cho xã hội loài người, vì vận mệnh của xã hội nhân loại ngày càng lệ thuộc vào việc sử dụng đúng đắn những phương tiện này” (IM 24). Xin trích một đoạn từ Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về  Đời Tận Hiến, -- tông huấn Vita Consecrata,-- số 99, nói về sự hiện diện của người tận hiến trong lãnh vực truyền thông xã hội, như sau:
“Trong quá khứ, những người tận hiến đã biết đem mọi phương tiện có trong tay phục vụ việc loan báo Tin Mừng, đã biết khôn khéo ứng phó với những trở ngại, thì ngày nay, những người tận hiến cũng phải làm chứng cho Tin Mừng với những phương tiện truyền thông xã hội tân tiến. Nhờ những tiến bộ kỹ thuật đại tài, các phương tiện truyền thông có khả năng đạt tới tận những vùng xa xôi nhất trên mặt đất. Những người tận hiến, nhất là thuộc các tu hội có đặc sủng hoạt động trong lãnh vực này, lại càng phải đào luyện để hiểu biết vững vàng về ngôn ngữ đặc thù của các phương tiện truyền thông, để nói về Đức Ki-tô cách thuyết phục cho con người ngày nay, để diễn tả được "niềm vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay" (242) và để góp phần xây dựng một thế giới trong đó mọi người đều cảm nhận được họ là anh chị em với nhau, cùng đi trên con đường tiến đến Thiên Chúa.
Tuy vậy, cũng vẫn phải đề cao cảnh giác trước sự sử dụng lệch lạc những phương tiện truyền thông, nhất là vì khả năng thu hút phi thường. Không nên che dấu những vấn đề chúng đặt ra cho chính đời thánh hiến : thà nhìn thẳng vào vấn đề với óc phán đoán sáng suốt còn hơn (243). Lời giải đáp của Giáo Hội tiên vàn mang tính giáo dục : nó muốn giúp thấu đạt những lý luận ẩn tàng, và biết lượng giá tính chất luân lý của các chương trình, đồng thời cũng tạo cơ hội để luyện những tập quán tốt trong việc sử dụng chúng (244). Trong công tác giáo dục nhằm đào tạo những khán thính giả thành thạo và những chuyên viên về truyền thông, những người tận hiến được kêu mời làm chứng đặc biệt về tính cách tương đối của mọi thực tại thụ tạo. Nhờ vậy họ giúp anh chị em mình biết đánh giá các phương tiện truyền thông theo kế hoạch Thiên Chúa, và đồng thời không để cho mình bị ám ảnh bởi "bộ mặt thế gian này đang biến đi" (x. 1 Cr 7,31).
Phải khuyến khích mọi nỗ lực trong lãnh vực quan trọng và mới mẻ này để làm việc tông đồ, ngõ hầu Tin Mừng của Đức Ki-tô được loan báo bằng những phương tiện hiện đại. Các tu sĩ hãy sẵn sàng hợp tác bằng cách đầu tư sức lực, phương tiện và nhân sự, để thực hiện những dự án chung trong những lãnh vực khác nhau của truyền thông xã hội. Hơn nữa, những người tận hiến, và đặc biệt những thành viên của các tu hội đời, tuỳ theo nhu cầu mục vụ, nên nhiệt tình tham gia vào việc đào tạo về mặt tôn giáo cho những người phụ trách và nhân viên trong ngành truyền thông xã hội dù công hay tư. Nhờ vậy, sẽ vừa hạn chế được những tai hại do việc sử dụng lệch lạc những phương tiện truyền thông, vừa gia tăng phẩm chất các chương trình với nội dung biết tôn trọng luật lệ luân lý và giá trị nhân bản và Ki-tô giáo.1 Một nhiệm vụ quan trọng được giao phó cho đời sống thánh hiến, dưới ánh sáng của đạo lý về Giáo Hội xét như là hiệp thông đã được Công Đồng Va-ti-ca-nô II khẳng định. Những người tận hiến được yêu cầu trở thành thực sự những chuyên viên về hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông (94), như "những chứng nhân và những người kiến tạo kế hoạch hiệp thông, đỉnh cao của lịch sử nhân loại theo ý muốn của Thiên Chúa" (95).
Mẹ Giáo hội đang hy vọng và chờ đợi nơi chúng ta về đời sống chứng tá trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Người tận hiến giúp Giáo Hội thể hiện ngày một sâu xa hơn bản tính của mình là bí tích của "sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hợp nhất toàn thể nhân loại" (104), khi chiêm niệm tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa được Đức Kitô mạc khải cho chúng ta. Chính vì được nhận chìm trong mầu nhiệm đó, người tận hiến có khả năng yêu mến triệt để và phổ quát, có sức mạnh để tự chủ và kỷ luật cần thiết để khỏi bị nô lệ giác quan và bản năng…

Để củng cố tình hiệp thông trong cộng đoàn “truyền thông xây dựng cộng đoàn” không chỉ chú ý đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông “được hay không được” nhưng thiết nghĩ chúng ta cần “truyền thông giữa người với người” để phát triển cộng đoàn. Nếu mỗi thành phần “truyền thông” với nhau mỗi ngày càng đích thực hơn, thì cách hành xử của mỗi người sẽ càng ngày càng có tính cách xây dựng hơn, sẽ giúp cho mỗi thành viên trong cộng đoàn được trưởng thành hơn. Vì thế mỗi người cần phải biết “truyền thông” biết lắng nghe nhau trong đời sống chung nơi cộng đoàn. Người trên nghe người dưới, người dưới nghe người trên để công việc của cộng đoàn được hiệu quả hơn. Những yếu tố làm nên đời sống cộng đoàn cho phép các thành phần mang những cố gắng truyền thông lành mạnh tiến tới những mục tiêu chung của đời sống huynh đệ, vừa tận dụng năng lực và các phương tiện, ngõ hầu tất cả cùng dấn thân đề đạt đến các mục tiêu là sống đức ái trọn hảo.
Để trở thành những chuyên viên hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông (94), như "những chứng nhân và những người kiến tạo kế hoạch hiệp thông, đỉnh cao của lịch sử nhân loại theo ý muốn của Thiên Chúa" đã được Công Đồng Vaticanô II dạy. Chúng ta cùng học cách truyền thông trong cộng đoàn:
 
  • Tạo tương quan tích cực giữa lời nói ( thông tin) và thực tế đời sống, không nói lời đôi ba ý,
  • Học biết lắng nghe nhau,
  • Cần lưu ý đến rào cản của truyền thông: Rào cản của cảm xúc, rào cản của thái độ chủ quan giải thích thực tại theo ý riêng mình, ý thức quá mạnh về vai trò của mình, tuyệt đối hoá khía cạnh lý trí của những gì được nói ra làm ta bỏ quên khía cạnh tâm lý.
  • Tôn trọng những khác biệt trong các ý kiến, quan niệm…
  • Tạo mối giây yêu thương lẫn nhau, biết tôn trọng tự do và phẩm giá của người khác, quý trọng sản phẩm, công lao của người khác, cư xử thân thiện, sự sẵn sàng, chân thành và biết cho đi…
Như thế, để sống đời thánh hiến hạnh phúc và mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho chính bản thân và sứ vụ. Chúng ta cần nhận chìm mình trong mầu nhiệm Ba Ngôi. Sống mật thiết với Thiên Chúa để mỗi người can đảm bước đi trước mặt Chúa, với Thánh Giá của Chúa trên vai; xây dựng Cộng đoàn trong Bí Tích Thánh Thể  trung tâm và luôn tâm niệm : Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con: đồng thời luôn ý thức rằng : chủ thể thật của truyền thông không phải là TÔI, mà là CHÚNG TA, càng không phải là những phương tiện vô tri vô giác là  máy tính bảng - và các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, TikTok, điện thoại, Ipad, máy tính…nhưng là những con người bằng xương bằng thịt là chị là em của nhau trong gia đình cộng đoàn.  

Trong thông điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ám chỉ đến điều này khi nói: “Thư điện tử, tin nhắn, các mạng xã hội và trò chuyện trực tuyến (chat) cũng có thể là những hình thức truyền thông đầy tính nhân văn. Không phải công nghệ xác định truyền thông có xác thực hay không, mà là trái tim và khả năng của con người có biết sử dụng các phương tiện sẵn có một cách khôn ngoan hay không”.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã cho chúng con hiểu rõ hơn về giá trị của truyền thông xã hội, cũng là cơ hội để mỗi người nhận ra giá trị đích thực của đời sống thánh hiến trong cộng đoàn theo như Công Đồng Va-ti-ca-nô II khẳng định “Những người tận hiến được yêu cầu trở thành thực sự những chuyên viên về hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông”. Xin cho chúng con luôn sống vui, sống hạnh phúc trong ơn gọi của mình để thực sự trở thành chuyên viên về hiệp thông và sống linh đạo hiệp thông nơi cộng đoàn và trong sứ vụ. Xin đừng để những phương tiện là máy móc điện tử, những tin tức, thông tin làm chúng con quên đi bản chất, phẩm giá đời tu của mình. Xin giải thoát chúng con khỏi những thế lực do đam mê của cải và xung đột quyền lợi, tranh dành ảnh hưởng… nhưng là sống tình bác ái Chúa dạy. Xin cho chúng con xây dựng cộng đoàn mình với tình huynh đệ chân thành, mỗi phần tử đều có tinh thần đồng trách nhiệm đối với sự trung thành, trưởng thành của những người  khác. Mỗi người đóng góp cho bầu khí thanh bình của đời sống bằng: chia sẻ, cảm thông, sự hiểu biết và sự trợ giúp lẫn nhau, mỗi người lưu tâm đến những lúc chán nản, đau khổ, cô đơn hay những lúc thiếu sự động viên nơi những người khác; mỗi người sẵn  sàng nâng đỡ những ai gặp khó khăn và thử  thách trong cuộc sống để đời sống tu trì ngày càng trở nên ý nghĩa hơn. Amen

Thực hành:
  • Tôn trọng kỷ luật cộng đoàn về thời gian và không gian được ấn định cho lãnh vực truyền thông.
  • Hãy tâm niệm lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “INTERNET LÀ MÓN QUÀ TỪ THIÊN CHÚA”. (ĐTC Phanxicô).
  • Hát sau giờ kinh sáng và tối: Xin giữ con … DH4 – 141 (PK1 + ĐK)              
 
  1. (số 99, Vita Consecrata; cf. số 39, Huấn Thị Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô)
  2. (Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 – Năm 2019 – Thông tin và Giáo dục Salêdiêng Việt Nam” – Minh Đức chuyển ngữ)
 
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây