Suy niệm Chủ đề Tuần 3 Mùa vọng Năm A

Chủ nhật - 04/12/2022 20:59 789 0
 
 
SUY NIỆM CHỦ ĐỀ TUẦN 3  MÙA VỌNG NĂM A
(11/12/2022)
 
  • Chủ đề: Trong Giáo hội -Đức ái củng cố sự hiệp thông cộng đoàn
  • Lời Chúa:“Cứ dấu này mà mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng con cám ơn Cha về những ân huệ liêng liêng và vật chất mà Cha ban cho chúng con trong suốt hành trình dài cuộc sống.

Cám ơn Cha đã mời gọi và qui tụ chúng con thành cộng đoàn. Cộng đoàn của người nữ tu Mến Thánh Giá là gia đình đích thực có Đức Giêsu con Cha là trung tâm.

Với trọn tâm tình của người con hiếu thảo, chúng con tri ân Cha đã cho chúng con được tiếp tục sống thời gian ân phúc của Mùa vọng.

Tuần sống mới này, Mẹ Hội dòng muốn chúng con tiếp tục suy tư và nỗ lực dùng mọi phương tiện Cha ban để thực hiện lòng bác ái dành cho nhau và cho những người chung quanh, để tình bác ái sẽ là chất keo tuyệt hảo kết dính mỗi chúng con trong tình hiệp thông, hiệp nhất nơi cộng đoàn mà mình đang là thành viên.

Xin đổ ơn Thánh Thần giúp chúng con sống tinh thần huynh đệ với nhau theo ơn đặc sủng mà Đấng sáng lập dòng đã để lại cho người nữ tu mến Thánh giá  “ Yêu mến – Hy sinh - Phục Vụ” noi gương Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Giuse và các thánh. Xin làm cho chúng con nên thánh qua đời sống chung: mến Chúa yêu người, nên môn đệ thực sự của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh bằng lối sống thân thiện, yêu thương, khiêm nhường, giản dị, đơn sơ, quên mình phục vụ, hợp tác - chung tay thi hành sứ vụ tông đồ bằng những việc bác ái cụ thể… hầu giúp cho nhiều người được hưởng ơn cứu độ mà Ngôi Lời đã mang đến cho nhân loại.

Suy niệm:


Chúa Giêsu cho biết đâu là dấu hiệu để cho người đời nhận biết chúng ta là môn đệ của Ngài? “Cứ dấu này mà mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35),

Môn đệ chân chính là người thật sự yêu thương anh em mình. “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì nhờ điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đệ Ta”, dấu hiệu rõ ràng nhất cho biết ai là môn đệ chân chính của Chúa đó là người thực thi lòng thương xót.

Khuôn mẫu tình yêu chúng ta dành cho nhau, chính là tình yêu của Đức Giêsu dành cho nhân loại và cho từng người trong chúng ta, tình yêu Người đã hy sinh mạng sống. Đức Giêsu đã “yêu đến cùng”, Ngài mời gọi và cho chúng ta tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người khi ban Đặc Sủng này cho Dòng Mến Thánh. Sống Đặc Sủng Mến thánh Giá chúng ta được mời gọi đón nhận, hiểu biết và đạt đến sự dấn thân cho Người khi chiêm ngắm Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là “Đối Tượng Duy Nhất của lòng trí chúng ta”, “tình yêu tự hiến” mà chúng ta tưởng niệm và tái hiện lại mỗi ngày trong Thánh Lễ và trong ngày sống.

Đức Giêsu còn mở ra một chiều kích nữa của tương quan giữa Ngài và các môn đệ, đó là tương quan bạn hữu. Đức Giêsu chia sẻ cho bạn hữu của Ngài tất cả: niềm vui, hiểu biết và chính mạng sống của mình “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”

Ngài trao ban tất cả những gì mình có và những gì mình làm cho các bạn hữu của Ngài; Ngài chia sẻ trọn vẹn hữu thể của Ngài cho các bạn hữu. Đức Giêsu là Thầy và là Chúa đã tự hạ mình để trở thành bạn hữu của chúng ta, chính là để chúng ta cũng ước ao từ trong tim làm cho mình trở thành bạn hữu của nhau, trở thành chị em của nhau, trở thành người thân “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” của nhau, thay vì làm cho mình trở thành “đối thủ” hay “thù địch” của nhau.

Vậy, để sinh nhiều hoa trái thánh thiện, chúng ta phải trở nên môn đệ của Đức Giêsu; để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời Ngài là lương thực nuôi sống chúng ta. Và hoa trái mà Đức Giêsu mong đợi nơi đời sống người mô đệ chính là tình yêu: “ Chị em hãy yêu thương nhau.”

Và, dấu hiệu rõ ràng cho người khác biết chúng ta là môn đệ chân chính của Chúa đó là lòng bác ái. Để đạt được điều này, thiết tưởng mỗi người tu sĩ cần sống đúng căn tính đời tu của mình. Trung thành sống Lời Khấn và phát huy kỷ năng sống cộng đoàn. Nếu mỗi cá nhân người tu sĩ và cộng đoàn biết dùng những nguồn mạch thiêng liêng mà nuôi dưỡng sự hiệp nhất của mình, thì nó có khả năng thực hiện sự thông hiệp trong phạm vi thiêng liêng. Sống chung dưới một mái nhà, cùng ăn chung một bàn, cùng tham dự sứ mạng chung …đó mới chỉ là nền tảng vật chất của một sự hiệp thông tinh thần. Cả đến việc giữ vững một bầu khí hòa hợp, một sự hợp nhất tâm tình, cũng chưa phải là đủ. Sự thông “hiệp một lòng một trí” như Công Đồng Vaticano II nói đến (PC 15) còn đòi hỏi hơn nữa, đòi sự chia sẻ đời sống thiêng liêng. Bao lâu cộng đoàn tu sĩ chưa thực hiện được sự chia sẻ đó, nó vẫn chưa đạt được mức độ sống chung.
Bên cạnh việc chia sẻ đời sống thiêng liêng chúng ta còn được mời gọi liên đới trách nhiệm với nhau, chính tình liên đới này đòi hỏi chúng ta sống:

Yêu thương, khiêm tốn và bác ái trong cộng đoàn:“Anh em… đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức (Rm 12,3);  hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình, nhiệt thành không trễ nải…(Rm 12,9); “Đừng làm gì vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà mà coi người khác trọng hơn mình” (Pl 2,3)

Yêu thương thì nhẫn nhục bao dung:“Đức mến thì nhẫn nhục hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không vui mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. (ICor 13,4); (x.Col 3,12); (x.Ep 4, 29-32).

Yêu thương thì tha thứ, và yêu thương kẻ thù: Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Col 3,12-15), (x.Ep 4,32). Đỉnh cao của đức ái đối với tha nhân là yêu thương cả kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, và cầu nguyện cho người đã ngược đãi mình, nhờ đó chúng ta được trở nên con cái Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 6,43-48; Lc 6, 27-35).  


Sống tâm tình Mùa vọng là dịp thuận tiện thôi thúc chúng ta thay đổi đời sống trở về với Chúa và với nhau trong nếp sống cộng đoàn. Đây là cơ hội để một lần nữa ta quyết tâm thực hành Mến Chúa Yêu người cách cụ thể; cùng nhau thực hiện nguyên tắc vàng để củng cố tình hiệp nhất yêu thương: học chấp nhận người khác như họ là…, bởi vì cảm nhận về các giá trị của mỗi người rất khác nhau. Do đó, chúng ta phải tập kiềm chế chính mình khi đối diện với những cái “khác” mình, đồng thời mở rộng con tim và trí óc để giữ ý tứ với mọi người… Thực tế, chính nhờ người “khác” mà chúng ta thấy được vấn đề với nhiều mặt khác nhau. Khi đó chúng ta có cơ hội thoát ra khỏi lối suy nghĩ hẹp hòi và mở lòng đón nhận những phẩm chất của người khác[1].
Cùng nhau thao luyện thế nào để mỗi người trở thành khí cụ bình an, mỗi người đề phòng những “vũ khí” có khả năng tiêu diệt sự bình an, tình bác ái là: ganh tị, đua đòi, chống phá, dèm pha…,cùng mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa trong đời sống cộng đoàn và trong công tác tông đồ. Tình bằng hữu, tình bác ái huynh đệ thường bị xói mòn –rạn nứt do bị “ tấn công” bởi lời nói, cách nhìn thiếu khách quan về ngươi khác cũng như công việc họ làm, ở đây muốn nói đến vũ khí bất lợi cho đời sống cộng đoàn là “ đôi mắt và cái lưỡi”,
“Lời nói đổi trắng thay đen,
Thiên đàng, điạ ngục bon chen lối vào?
Trực ngôn tâm chẳng lao xao.
Giữ tâm thiền định biết bao an lành”
Và,
Chúng ta đang phàn nàn về một lối sống, một căn bệnh nguy hiểm “cha chung không ai khóc, “dửng dưng đang lan tràn nơi đời sống xã hội, nhưng đâu đó trong cộng đoàn tu trì cũng đã bị lây nhiễm…cần lắm chúng ta nên dùng liều thuốc quảng đại và siêu thoát để chữa lành những vết thương do lòng ham muốn vật chất, thích thống trị, trên trước và hưởng thụ,ích kỷ chỉ lo cho bản thân gây ra… Cùng nhau ta kích hoạt tinh thần “chung lưng đấu cật” để xây dựng cộng đoàn thành mái ấm yêu thương, thành môi trường hạnh phúc để thi thành sứ mạng Tông đồ và chắc chắn điều tốt lành sẽ đến là “Hữu xạ tự nhiên hương”

Hát: Xin ơn Hiệp Nhất

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Khi cam kết sống lời khấn dòng theo linh đạo Mến Thánh Giá, và đời sống chung nơi cộng đoàn là con để cho mình hoàn toàn thuộc về Chúa.  Khi chúng con tuyên xưng sẽ tận tình phó thác đời sống con cho Hội dòng này cho đến chết là con công khai gắn kết đời con cho Chúa qua mọi biến cố thăng trầm của Hội dòng; con có bổn phận góp phần mình cho sự thánh thiện và phát triển về thể chất của Hội dòng.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày con suy niệm để hiểu biết, yêu mến Chúa hơn và cảm nghiệm sâu xa về tinh thần liên đới với nhau cho sự  phát triển toàn diện về mọi mặt của Hội dòng nhưng những điều đó chỉ dừng lại ở trong suy nghĩ, suy niệm chứ chưa đi vào thực tế,thực hành. Xin cho mỗi cá nhân nỗ lực sống thánh thiện để củng cố tình yêu thương huynh đệ nơi đời sống cộng đoàn. Lạy Chúa, chỉ có tình yêu thương bác ái thực sự dành cho nhau của mỗi người trong chúng con Chúa mới có khả năng làm cho Hội dòng thăng tiến và bền vững giữa muôn ngàn thử thách của thời đại. Amen

Thực hành:
  • Chúng ta được Chúa mời gọi bước đi theo Người, sống chung với nhau trong một cộng đoàn là để chúng ta yêu mến nhau, đó là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Tôi đã sống thế nào?
  • Hãy mỉm cười với người con không ưa mỗi ngày ít nhất 5 lần.(Mẹ Têrêxa Calcutta)
  • Hát sau giờ kinh sáng và tối:Đâu có tình yêu thương … DH3-132 (ĐK+PK2)
 

[1] JACK PHILIP, Tôi muốn sống tự do; Sức mạnh của đức tin, đức cậy và đức mến; Chuyển ngữ, NGUYỄN NGỌC KÍNH, ofm; Tr 64-65
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây