Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá để sống mầu nhiệm tình yêu theo gương Đức Cha Lambert

Thứ ba - 10/01/2023 18:48 874 0

Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá
để sống mầu nhiệm tình yêu theo gương Đức Cha Lambert

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, ngay từ sớm mai này chúng con cảm nhận tình yêu Chúa luôn bao trùm đời sống chúng con và mọi người trên hoàn cầu. Đặc biệt, Chúa đã gìn giữ chúng con một đêm qua trong bình an, chúng con xin dâng lời cảm tạ chúc tụng, tri ân Chúa.

Xin ngọn lửa của tình yêu Ba Ngôi thắp sáng, khơi gợi tình yêu thương, lòng vị tha, khoan dung... cho con người trong thế giới này vì nhân loại đang đắm chìm trong tội lỗi và đau khổ. Xin Ngài giơ tay quyền lực và giàu lòng thương xót để cứu chữa thế giới chúng con đang quằn quại trong đau khổ vì chiến tranh, nghèo đói... Xin Chúa thắp sáng tình yêu nơi gia đình Giáo hội, trong từng mái ấm gia đình, nơi các cộng đoàn tu trì để chúng con mỗi ngày làm rạng danh Ba Ngôi qua từng biến cố của cuộc sống. Xin giúp chúng con biết sống mầu nhiệm tình yêu ngay trong cuộc sống này chứ không phải đợi đến đời sau.

Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh ! Xin giúp chúng con biết suy tôn Thánh Giá Chúa bằng cả cuộc sống mình. Xin giúp chúng con nhìn rõ chính mình, thấu hiểu tha nhân và sẵn sàng lắng nghe Chúa nói trong thinh lặng của cõi lòng để mỗi người thêm cảm nghiệm về con đường mình đang đi là hành trình hạnh phúc, hành trình tràn ngập tình yêu của sự hiến tế theo lời của đức cha Lambert Đấng sáng lập dòng MTG “Hỡi các nữ tu của cha, chắc hẳn các con thấy được rằng ơn gọi của mình cao trọng dường nào và các con đã chết đi đối với thế gian, nghĩa là đối với các giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để từ nay chỉ sống bằng những châm ngôn, những thực hành và bằng chính đời sống của Chúa Giêsu Kitô.”
[1]

SUY GẪM:

Lần mở lại những trang Kinh thánh chúng ta nhận thấy rằng tình yêu mạnh hơn sự chết và điều quan trọng hơn hết trên trần gian chính là tình yêu mà sách Diễm ca đã diễn tả : “Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên cánh tay anh. Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng.Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp. Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể.”( Dc 8,6-7). Còn đối với thánh Phaolô ngài nói về tình yêu như sau : “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” ( 1Cr 13, 4, 13).

Và... trải qua dòng lịch sử văn chương biết bao nhiêu tư tưởng, danh ngôn đã nói về tình yêu. Người ta nói về tình yêu, ca ngợi về tình yêu và sẽ chết cho tình yêu. Thế nhưng có mấy ai đã thực sự biết yêu, sống và chết cho tình yêu! Thật ra, nhà thơ Xuân Diệu, một trong những nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến cũng chỉ có thể định nghĩa tình yêu như thế này,
"Yêu là chết trong lòng một ít
Và mấy khi yêu mà lại được yêu!
Cho rất nhiều như chẳng nhận bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết!"


Đặc tính của tình yêu là hy sinh, sự hy sinh tuyệt đối, hy sinh đến hiến dâng mạng sống cho người mình yêu. Điều này đã được Đức Giêsu dạy các môn đệ và chính Ngài đã thực hiện trong hành trình đời sống “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (Ga 13, 12-13).

 Và , theo kinh nghiệm thiêng liêng của Đức Cha Lambert, Đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá, Tình yêu đòi hỏi hy sinh :
  • Chúng ta đã thấy gương các Thánh tử đạo và Thủ lãnh của các vị tử đạo là Đức Giêsu-Kitô, nơi Người, tình yêu đã chiến thắng sự chết.
  • Tình yêu của nhà thừa sai Tông tòa không bao giờ phai nhạt, bởi vì chất liệu được dùng đển nuôi dưỡng ngài không thể thiếu, hoặc ngài suy nghĩ về những ân huệ và lòng thương xót quá mức của Thiên Chúa dành cho mình hoặc ngài chú tâm đển sựu bội bạc vô ơn và bất toàn của mình mà Chúa không ngừng chịu dựng, đến nỗi ngài được đổi mới hoàn toàn cách dễ dàng trong tình yêu.  (x. Những Di Ngôn Trân Quý Của Đức Cha Lambert)
  • Ánh sáng ấy có hiệu lực dẫn tôi vào tình trạng được thôi thúc mãnh liệt dâng tiến, trao gửi và cống hiến thân xác tôi cho Chúa Giêsu Kitô, để Người dùng mà thực hành các việc đền tội, hãm mình, và Người có thế tiếp nối sự hy sinh lao nhọc hằng ngày trong một thân xác khổ cảm do chính Người mượn lấy. Phải xem khổ chế bên trong và bên ngoài như những tâm thế hiệu nghiệm (x. Những Di Ngôn Trân Quý Của Đức Cha Lambert).

Như thế, yêu là sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa để cảm nhận lòng thương xót vô biên của Người. Đồng thời sẵn lòng để cho Thiên Chúa sử dụng chúng ta theo ý của Người. Sẵn lòng cho Chúa mượn thân xác để tiếp tục hy sinh cho con người nơi sứ mạng mình được trao phó.

Nói cách khác, khi đã yêu thì tất cả những cái gì thuộc về ta và kể cả chính mình cũng được phó dâng trọn vẹn cho người mà ta yêu, để đem đến cho người ấy hạnh phúc và niềm vui chân chính. Yêu không phải là cưỡng chiếm, là chế ngự, mà là trao ban và dâng hiến.

Đức Giêsu, Chúa chúng ta đã sống và yêu trong suốt hành trình làm người.Tình yêu là lẽ sống của Ngài cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời tại thế, giờ phút tuyệt đỉnh trong sự thể hiện của tình yêu qua hành động hy sinh mạnh sống và danh dự cho người mình yêu, vì chính những người thân yêu nhất của Ngài đã phản bội hoặc xa lánh Ngài. Còn gì đau khổ hơn khi đã xả thân cho người mình yêu lại bị người mình yêu chối từ, bán rẻ. (x. Mt 27,3)
Những sự đau khổ và tuyệt đỉnh trong sự cô đơn của Chúa Giêsu chính là giây phút mà Ngài gọi tên Cha trên thánh giá “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Ai có thể cảm thông được tâm trạng của Chúa Giêsu lúc bấy giờ? Những người đã từng gắn bó với Ngài, theo chân Ngài trải qua khắp miền đất nước, đã từng chia xẻ vinh quang mấy hôm khi Ngài tiến vào kinh đô trên lưng một con lừa con với sự reo mừng, tung hô của dân chúng. Những người đã từng nhân danh Ngài chữa bệnh, làm phép lạ, trừ quỉ, họ đã tha thiết gọi Ngài bằng thầy và đã bao nhiêu lần thề non hẹn biển, nhất quyết đồng sống đồng chết với Ngài trong mọi nghịch cảnh giờ không thấy đâu ?
Trong đời sống tại thế, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã hoàn toàn vâng phụ theo thánh ý của Cha trên trời. Nhưng khi trao tình yêu bằng sự hy sinh của Ngài cho nhân loại Ngài đã nhận sự đau thương, tủi nhục trên cây thập tự khi nói thế này, "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác." (Ga 12, 24).

Mang danh hiệu Mến Thánh Giá, khi tuyên khấn chúng ta công khai nói với mọi người về quyết định nên giống Người hơn nữa trong từng ngày sống. Chúng ta có can đảm để Người mượn thân xác của mình để tiếp tục hy sinh cho phần rỗi anh chị em đồng loại? Chúng ta có yêu Chúa trên hết mọi sự và sẵn sàng dâng tiến, trao gửi và cống hiến thân xác cho Chúa Giêsu Kitô, để Người dùng mà thực hành các việc đền tội, hãm mình; đón nhận những lao nhọc vất vả, cô đơn với Đức Kitô chịu đóng đinh để trở thành hạt giống Tin Mừng cho cộng đoàn, cho sứ vụ không ?

Lời nguyện kết :

Lạy Chúa Cha từ ái, chúng con cám ơn Chúa đã khơi lên trong lòng Đấng sáng lập dòng của chúng con ơn Đặc Sủng Mến Thánh Giá “Yêu mến Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh và tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người”. Cám ơn Chúa đã quan phòng cho Hội dòng được khai sinh, tồn tại và phát triển.Vì bao hy sinh và công phúc của Đức Cha Lambert, xin Chúa thương chúc phúc lành trên đời sống của đại gia đình Mến Thánh Giá và cho tiến trình phong thánh cho đức cha được diễn tiến trong bình an, thuận lợi; nhờ đó giúp chúng con và các tín hữu luôn hân hoan kiên trì vác thập giá bước theo Đức Kitô, nhiệt tâm nối tiếp cuộc đời hy sinh phục vụ của Người, để thắp sáng niềm tin, làm lan tỏa tình thương yêu tha thứ giữa trần gian hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, ước gì việc chiêm ngắm, tưởng niệm về cuộc khổ nạn của Chúa mỗi ngày càng thôi thúc chúng con sống căn tính đời tu của mình cách mạnh dạn, trung tín,can đảm. Xin cho mỗi chị em chúng con đang ở lứa tuổi nào, sống đời thánh hiến bao lâu cũng luôn là những Tông đồ Thừa Sai kiên trì trong lời kinh chuyển cầu và nhiệt thành trong sứ vụ, bởi luôn ý thức: Điều Thiên Chúa hài lòng không phải con đã làm được nhiều việc nhưng là làm việc vì tình yêu. Xin cho chúng con cùng nhau kết nối một dây xích yêu thương giữa cộng đoàn, nơi sứ vụ và vòng quanh thế giới. Và cho chúng con thấm nhuần tinh thần của sáng lập dòng “Tài sản lớn nhất của con người không hệ tại nơi của cải bên ngoài, nhưng chính là những năng lực của tâm hồn mà Thiên Chúa đòi hỏi họ từ bỏ”. Amen

[1] Bức Tâm Thư, s.10.


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây