Để trở nên giống Chúa Giêsu.
“Tôi cùng chịu đóng đinh với Người vào thập giá” (Gl 2:19)
Lời nguyện đầu:
Lạy Chúa Giêsu là nguồn mạch tình yêu và sự sống, con tin thật Chúa đang ở đây với chúng con để bày tỏ tình yêu cứu độ mà Ba Ngôi muốn dành cho nhân loại.
Giờ này đây, chúng con xin được cùng muôn tạo vật hát mừng, tôn vinh và yêu mến Chúa. Cám ơn Chúa đã quy tụ chúng con thành gia đình đích thực, gia đình có Chúa là trung tâm. Lạy Chúa, tình yêu Chúa thật sâu lắng, khiêm nhường, tự hủy để ẩn thân nơi Bí tích Thánh Thể. Tự hiến, trao ban trên thánh giá để ban ơn ơn cứu độ cho chúng con. Với hết lòng tin yêu, chúng con xác tín Thánh Thể và Thánh Giá Chúa trở nên điểm tựa và đối tượng duy nhất cho tâm hồn chúng con.
Xin tình yêu của Chúa Thánh Linh đến soi dẫn, đồng hành giúp chúng con luôn sống tâm tình thuộc về Chúa, luôn nhận ra điều quan trọng nhất của đời thánh hiến là nên giống Chúa và muốn nên giống Người không có con đường nào khác ngoài việc cùng đóng đinh mình vào thập giá Chúa nơi những hy sinh khổ chế trong ngày.
Nguyện xin Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse cùng chư thánh giúp con sống gắn bó với Đức Giêsu cách mật thiết hơn trong giờ suy gẫm này và trong việc tưởng nhớ đến Chúa trong những khoảnh khắc sống của con hôm nay.
Suy niệm
Sau khi Chúa Giêsu bị người Samari từ khước cách phủ phàng thì một người thanh niên đến gặp và thân thưa với Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Lời xin của anh thanh niên này rất có giá trị đối với Chúa Giêsu trong lúc này, đây không phải là lúc Người được vẻ vang, được đón tiếp bằng những bữa tiệc linh đình, bằng những lời chào đón thân thương…
Trong bối cảnh Chúa bị từ khước, xua đuổi cách lạnh lùng, làm cho hai anh em ông Giacôbê nổi nóng muốn lấy lửa từ trời đến thiêu hủy dân thành. Có lẽ người thanh niên này cũng đã nhìn thấy giây phút Chúa bị từ khước và thái độ của hai môn đệ. Vậy mà, anh ta vẫn quyết tâm đến thưa với Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Điều này diễn tả thái độ dứt khoác của chàng thanh niên: “cho dù Thầy có đi đâu, bị từ khước thế nào, con đường theo Thầy có bi đát thế nào đi nữa thì tôi cũng theo Thầy”.
Trước lòng quảng đại của người thanh niên, Chúa Giêsu cho anh thấy rõ sứ mạng của Ngài: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.
Ngày hôm nay Chúa cũng không ngừng lặp lại điều đó với chúng ta những người sống đời thánh hiến.“Con chồn dù chạy suốt ngày cũng có hang để ẩn núp, chim trời bay suốt ngày cũng có tổ để nghỉ ngơi, nhưng Con Người và những kẻ theo Chúa không lấy một chỗ tựa đầu”.
Không chỗ tựa đầu được hiểu theo nghĩa vật chất là người không có nhà cửa, không của cải. Hiểu theo nghĩa xã hội: không có chỗ an toàn, là người không có chỗ đứng trong xã hội…Nếu xét về nghĩa thiêng liêng, đó là người không có tài năng, nhân đức nào để cậy dựa và theo nghĩa tâm linh là không lấy chính mình không một chỗ tựa cho mình.
Thái độ dứt khoát là yếu tố căn bản để trở nên môn đệ của Ngài. Theo Chúa là cần phải bỏ mọi sự, không lưỡng lự, không tiến thoái lưỡng nan, không chấp nhận nhập nhằng với những ràng buộc tình cảm, của cải vật chất hay tinh thần. Chúa nói với người thanh niên xin theo Người và mỗi chúng ta hôm nay. Muốn trở thành người thợ cày tốt thì người cầm cày phải cầm cày thật chắc và nhìn thẳng về phía trước để đi, nếu không thì đường cày sẽ cong queo, cày sẽ ngả nghiêng – luống cày sẽ không sâu xuống đất được. Để theo Chúa người môn đệ phải ưu tiên số một cho những đòi hỏi của Nước Trời. Phải từ bỏ tất cả quá khứ, quên đi dĩ vãng (x. 1 Pr 5,8-9), và nhắm thẳng vào tương lai để ta tiến bước.
“ Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”, Lời này Chúa nói với chàng thanh niên cách đây hơn 2000 năm, hôm nay Ngài cũng nói với chúng ta. Những ai muốn theo Ngài cần phải có một thái độ từ bỏ, dứt khoát tận căn; Ngài không chấp nhận bất cứ một thỏa hiệp nào...Thật thế, người sống đời thánh hiến chỉ thực sự đạt được ơn gọi của mình, khi sống trọn vẹn cho Thiên Chúa; chỉ thực sự hạnh phúc khi thuộc trọn về Chúa. Những việc làm, như hy sinh, hãm mình, khổ chế, chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị, nếu chúng được thực thi như một cố gắng dốc cạn chính mình để sống tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa, và đó cũng là mục đích cuộc đời người Kitô hữu.
Nhiều lúc chúng ta rơi vào ảo tưởng, tưởng rằng mình làm được việc này việc kia, mình có khả năng này, tài khéo kia...tất cả tự sức mình, do nổ lực từ bản thân mà không muốn nhìn nhận tất cả là do ân ban nhưng không của Thiên Chúa, kể cả kinh nghiệm của mình. Chúa ban cho chúng ta ơn này ơn khác không phải để ta tự mãn, nhưng là để ta biết dùng nó mà ca tụng Chúa và phục vụ tha nhân. Nếu cậy dựa vào sức riêng mình, chúng ta sẽ là người khốn khổ nhất mà thôi.
Một khi đã đi theo sát Đức Kitô, người sống đời thánh hiến được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Để nên giống Đức Kitô, thánh Phaolô đã kêu gọi anh chị em giáo đoàn Galata theo gương ngài “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu vào thập giá” (Gl 2:19).
Và thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã để lại cho người thánh hiến hôm nay được ghi lại trong Tông Huấn Vita Consecrata, số 23 thế này: “Chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi ơn gọi; nhờ ân sủng căn bản của Thánh Thần, việc Chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh là khởi điểm của mọi ân huệ, đặc biệt nhất là ơn sống đời thánh hiến”. Đối với những người thuộc Hội Mến Thánh Giá, nếu họ đi theo Con Thiên Chúa bằng sự từ bỏ chính mình, vác thập giá bản thân mà tiến bước trên đường Núi Sọ suốt cả cuộc đời, họ sẽ chu toàn thánh ý Thiên Chúa cách hoàn hảo theo đúng ơn gọi của mình. (Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 760).
Theo lời dạy của Đấng sáng lập dòng, chúng ta hãy có thái độ hoàn toàn dâng hiến, để trở nên giống Chúa Giêsu và mạnh dạn nói như thánh Phaolô “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá” (Gal 2:19). Để chúng ta không sống đời thánh hiến cách “lưỡng lự, lập lờ, chân trong chân ngoài, nhưng là sẵn sàng đóng đinh vào Thập Giá với Đức Kitô với những gì mình đã can đảm từ bỏ. Thật sự, đức tin không chỉ giúp chúng ta từng bước đón nhận những mạc khải về Chúa Kitô, chúng ta hiểu biết về con Người Giêsu trên lý thuyết – hãy xin Người cho đức tin của chúng ta thêm mạnh mẽ để có thể gắn bó mỗi ngày cách liên lỉ và mật thiết hơn với Chúa Kitô chịu đóng đinh.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, người đời coi của cải vật chất là nơi nương tựa, là phương tiện sống hạnh phúc và là chỗ dựa an toàn cho bản thân. Vì thế, họ thường tìm kiếm nó bằng mọi giá, thậm chí bán rẻ lương tâm Kitô hữu, bán rẻ nhân phẩm và ngay cả linh hồn mình. Và khi có được của cải, người ta dễ an tâm vì tưởng rằng nó sẽ là chỗ cậy dựa trong tương lai. Của cải làm lòng người khó lắng nghe Lời Chúa, khó thực hiện những đòi hỏi của Tin Mừng, vì thế dễ quên Chúa và dễ đánh mất Nước Trời.
Lạy Chúa, Chúa muốn con theo Chúa, hãy sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc nhỏ nhoi để được hạnh phúc đời đời, hãy đổi nơi nương tựa tạm bợ là khả năng trí tuệ, khả năng vật chất để tựa nương vào đá tảng vững bền là nơi Chúa. Thật hạnh phúc cho con biết bao khi ở trần gian mà biết bám víu vào Chúa. Được sống thanh thản bình an trong sự yêu thương bao bọc của Chúa hơn là có lắm tiền, nhiều của. Được biết bao hồng ân to lớn của cuộc sống mà con đang có, có giá trị gấp ngàn lần so với những gì mà con đã hy sinh từ bỏ.
Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã cho con giờ này để nhìn lại mối tương quan tình yêu của con với Chúa. Con yêu mến Chúa không phải để được điều này điều kia nhưng là với trọn tình thảo hiếu. Chúng con muốn thuộc trọn về Chúa, muốn yêu mến Chúa chỉ vì Chúa đáng yêu mến, tôn vinh và chúc tụng đến muôn đời. Hôm nay, một lần nữa xin Chúa cho con xác tín vào tình yêu từ Thập Giá. Xin giúp con không bao giờ được cậy dựa vào khả năng, công phúc của mình nhưng hoàn toàn tín thác cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Xin tình yêu và lòng thương xót Chúa cải hóa tâm hồn con, giúp con sống gắn bó mật thiết với cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa để thuộc về Chúa cách thanh khiết, trọn hảo hơn. Amen