Khi con gặp đau khổ Chúa ở đâu?

Thứ năm - 20/04/2023 01:05 867 0

Khi con gặp đau khổ Chúa ở đâu?

Lời nguyện đầu:

Lạy Chúa, khởi đầu một ngày mới chúng con dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn, thật diễm phúc khi chúng con đến bên Chúa để chiêm ngắm, kết hiệp và thân thưa với Chúa trong tình con thảo. Đặc biệt, chúng con đón nhận hồng ân cao cả là Chúa đã cứu độ chúng con bằng giá máu cứu độ của con yêu dấu Chúa là Đức Giêsu Kitô, đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Ngắm nhìn Thập giá Chúa, chúng con cảm sâu tình yêu Chúa dành cho chúng con, một tình yêu lớn hơn mọi tình yêu, một tình yêu mang sức mạnh cứu độ, một tình yêu có sức vượt qua mọi thử thách, gian nan. Một tình yêu có thể biến những thập giá trong đời thành những Thánh giá thật thánh thiện và hữu ích thiêng liêng cho nhiều linh hồn. Xin cho chúng con một lòng yêu mến thiết tha đối với Chúa, lòng tin mãnh liệt vào quyền năng cứu độ của Thập giá, và lòng cậy trông vững vàng vào ơn Chúa ban giúp chúng con đủ nội lực vươn lên trong cuộc sống để chúng con là những nữ tu Mến Thánh Giá chính danh, chứng tá sống động cho thế giới đang có nhiều biến động này.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần, nguồn ơn soi sáng giúp chúng con trong giờ nguyện gẫm này.

Suy niệm:

Một người đàn bà đạo đức kia phát hiện mình có khối u ở ngực nhưng lại không dám đến bệnh viện vì sợ mình không thể chịu nổi cơn đau khi giải phẫu. Đến khi khối u phát triển nhanh thì bà đâm hoảng mới chấp nhận cuộc phẩu thuật, hy vọng sống thêm được một thời gian. Bà có một cậu con trai trong tuổi thanh niên. Khác hẳn bà mẹ, cậu con trai này tỏ ra khô khan các việc đạo đức và đã bỏ đến nhà thờ từ khá lâu. Hôm ấy, trước khi vào phòng giải phẫu, bà mẹ yêu cầu bác sĩ cho phép con trai bà được đứng bên giúp bà thêm sức chịu đựng cơn đau trong lúc tiến hành ca mổ và yêu cầu của bà đã được bác sĩ chấp thuận. Thời đó, vì chưa có thuốc tê, nên bệnh nhân phải trải qua cơn đau khủng khiếp mỗi lần bị mổ xẻ. Nhưng bà mẹ này đã can đảm cắn răng chịu đựng. Đến khi con dao mổ đụng đến dây thần kinh thì bà mới oằn người lên và kêu to: "Chúa ơi con đau quá, xin thương cứu con !". Trước cảnh tượng mẹ bị đau đớn như vậy, anh con trai đã thốt ra những lời phàn nàn trách móc Chúa. Nghe vậy, bà mẹ liền nghiêm nét mặt và nói với con rằng: "Con hãy câm miệng lại ngay! Con có biết là con đang làm cho mẹ phải chịu đau đớn nhiều hơn mấy ông bác sĩ này hay không ? Vì con đã sỉ nhục chính Đấng đã ban sức mạnh và luôn nâng đỡ an ủi mẹ". Nói rồi, bà mở bàn tay ra cho con thấy một cây thánh giá nhỏ mà bà đã luôn nắm chặt từ đầu ca mổ đến giờ. Cây Thánh giá đó chính là thứ thuốc gây mê, làm dịu đi cơn đau khủng khiếp mà bà đã và đang phải chịu đựng.

Sau mấy tháng quằn quại trong đau đớn, bà mẹ đạo đức ấy đã an nghỉ trong Chúa. Trước lúc lâm chung, bà đã trao cây Thánh giá nhỏ cho con trai và dặn rằng: "Con ơi ! Hãy giữ lấy cây Thánh giá này. Đó là vật đã giúp mẹ chịu đựng được biết bao gian khổ trong cuộc đời mẹ. Hy vọng rằng nhờ cây Thánh giá này, con cũng sẽ tìm thấy niềm an ủi và cậy trông ơn Chúa giúp mỗi khi gặp gian nan thử thách sau này". Anh con trai rất xúc động trước đức tin và tình thương của mẹ dành cho mình. Từ ngày đó anh đã luôn đeo cây Thánh giá trên cổ, để nhắc nhở anh về người mẹ thân yêu. Từ đây cây Thánh giá đã trở thành vật hộ mệnh, giúp anh can đảm vượt qua sóng gió trong cuộc đời, giống như người mẹ thân yêu của anh.
  
Nói đến thập giá ai cũng hiểu đó là những khó khăn, đau khổ, thử thách, gánh nặng của thể xác và tinh thần ta gặp trên cuộc đời này. Ai cũng sợ đối diện với những khốn khổ thương đau. Cũng chẳng biết có thật lòng không hay chỉ là một công thức đã được mặc định sẵn khi ta vẫn hát: “Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài…”

Thánh giá hiện diện trong đời sống chúng ta bằng nhiều dạng và nhiều cách khác nhau. Thánh giá có thể là bệnh tật, nghèo đói, hoạn nạn, đau đớn, bị khinh khi, cô đơn hoặc bị hiểu lầm. Có khi do hoàn cảnh tự nhiên, có khi bởi người khác, và cũng có khi chính minh là Thánh giá cho người khác. Và khi đối diện với Thánh giá, tôi có thái độ thế nào? Cảm tạ Chúa và mau mắn đón nhận hay là than thở, càm ràm, than thân trách phận, giãy giụa, phản ứng…

Lạy Chúa, đối mặt với đau khổ, nghịch cảnh ai mà không sợ hãi. Chính Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani đã sợ đổ mồ hôi máu mà van xin với Chúa Cha: “Lạy Cha nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này”. Nhưng với lòng yêu mến vâng phục Thánh Ý Cha Ngài đã thưa lên: “Nhưng xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26, 39). Và Ngài đã uống cạn chén đắng qua cuộc tử nạn. Nhờ đó, toàn nhân loại được ơn cứu độ. Chỉ trong yêu mến và vâng phục Chúa mới đủ sức hoàn tất Thánh Ý Cha. Ngày nay có thể Chúa cũng trao cho chúng con những Thánh giá theo hình dạng và góc cạnh khác nhau: Thánh giá của bệnh tật, Thánh giá của công tác, trách nhiệm, Thánh giá của thời cuộc, Thánh giá của những thất bại trong sứ vụ tông đồ, Thánh giá của những va chạm, thương tổn, hiểu lầm trong đời sống chung, Thánh giá của những hoàn cảnh gia đình, tất cả đều có thể khiến chúng con chùn bước, chán nản, thất vọng và ngã quỵ trong cuộc sống nếu chúng con không biết đặt nơi nương tựa ở chính Chúa. Trong sách “Gương Chúa Giêsu” có lời: “Nếu con vui lòng vác Thánh giá, thì Thánh giá sẽ vác đỡ con”. 

Vâng, nếu ta khó chịu phàn nàn rên la khi gặp đau khổ thì quả là thập giá càng thêm nặng nề. Nhưng nếu ta biết nhìn lên mà kết hợp với đau khổ của Đức Kitô để Ngài cùng vác với ta, sức nặng thập giá trở nên nhẹ hơn, dễ vác hơn. Người ta kể lại thánh nữ Catharina khi gặp Thánh giá kêu khấn Chúa nhưng không thấy Người. Sau cơn đau khổ Chúa hiện đến, thánh nữ than thở: “Lúc con đau khổ Chúa ở đâu?” Chúa phán: “Khi ấy Cha ở trong con để giúp con có sức chịu đựng”. Khi gặp Thánh giá, ước chi chúng ta đừng bao giờ thở than, nhưng hãy cảm tạ Chúa về những thất bại, đau khổ, tổn thương, vì chúng thanh luyện chúng ta. Những nghịch cảnh như thế là những cơ hội giúp chúng ta đến gần Chúa hơn. Chúa mời gọi: “Nếu ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình và vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16, 24)

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa, Thập giá là một huyền nhiệm, Thập giá là ân huệ nhưng cũng là một cơ hội để thanh luyện chúng con nhưng là con người phải có ơn Chúa thì chúng con mới có thể hiểu, cảm mến và dễ dàng đón nhận cách mau mắn và trọn vẹn trong cuộc đời, để con có thể tự hào như ân huệ chứ không xót xa như một số phận. Thập giá cần thiết để mỗi chúng con thanh tẩy tâm hồn khỏi hệ lụy tội lỗi; Thập giá cao cả để kéo con lên khỏi thấp hèn, giải thoát con khỏi oán hận và kiêu căng, ích kỷ; nung nấu trong con trái tim nhân hậu và quảng đại. Xin cho chúng con biết nhìn ra những dấu chỉ xem ra là Thập giá trong cuộc đời chúng con là những Thập giá nở đầy hoa Phục Sinh và cho chúng con niềm hy vọng sẽ được ánh sáng Phục Sinh tỏa sáng từ Thập giá cuộc đời để dù cho cuộc đời con có gặp Thánh giá nào đi nữa, cũng xin cho con được bình tâm, bám víu vào Chúa để được Chúa hướng dẫn và sống trọn vẹn ân thánh Ngài. Amen


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây