Để đạt đến hoàn thiện phải ngang qua đường Thánh Gía
Lời nguyện mở đầu :
Lạy Thiên Chúa Ba ngôi cực Thánh! Những giây phút đầu tiên trong ngày sống mới chúng con xin hợp với chư thánh cảm tạ, ngợi khen, tôn vinh Chúa. Cùng với muôn loài thụ tạo hát mừng tình thương Chúa đã dành cho con người và mọi vật để phục vụ con người, giúp con người tìm đến chân lý và sự thật.
Đặc biệt, chúng con xin hợp tiếng- chung lòng với chị em trong toàn Hội dòng đang xum họp trước nhan Chúa, chiêm ngắm tình thương nhưng không Chúa dành cho mỗi người trong ơn gọi làm người và trong hành trình theo Đức Kitô trên con đường thánh giá. Chúng con cũng muốn tạ ơn Chúa thay cho những người chưa biết Chúa, những người phải vất vả làm việc cho xã hội có cơm bánh, những người thợ đang ngược xuôi trong các công ty, xí nghiệp để làm nên bao nhu yếu phẩm cho con người hưởng dùng. Những người lính phải ở ngoài biên cương, biển đảo để bảo vệ quê hương… Xin Chúa ban ơn phù trợ mọi người bằng lòng thương xót vô biên của Chúa. Cùng xin cho chị em chúng con ơn say mến Chúa, nỗ lực góp phần mình trong việc phục vụ con người và xã hội bằng những việc nhỏ bé của chúng con. Xin cho chúng con ý thức mình được mời gọi yêu mến Chúa hôm nay hơn hôm qua, đồng thời cũng luôn tự nhủ rằng: sự thánh thiện thật không có chỗ cho dể dãi; người yêu Chúa thật không thể chỉ muốn đi trên đường trải thảm êm ái, vừa ý, toại lòng trong mọi sự. Nhưng người thánh thiện thật là người biết nhận ra ý Chúa, vui nhận những gì mình có, nhẫn nại với những khó khăn thiếu thốn, bệnh tật, cả những bất ổn thường xuyên xảy ra trong cuộc sống, thông phần với cuộc vượt qua với Chúa, hầu mang ánh sáng và niềm vui phục sinh đến cho muôn người.
SUY NIỆM :
Ngày nay, người ta rất ngại dùng từ: khổ chế, hy sinh, bởi những tiến bộ khoa học đã giúp con người thoát khỏi nhọc nhằn, khó khăn về khía cạnh thể chất. Trong lãnh vực công nghiệp, nông nghiệp máy móc thay cho sức người, phương tiện giao thông di chuyển (tàu siêu tốc, máy bay…) nhanh chóng, mau lẹ thay cho ngựa, xe…ngay cả cái chết người ta cũng muốn chết “êm dịu”.v.v.
Vấn đề tinh thần thì sao ?
Phương tiện, tiện nghi đầy đủ, y khoa tối tân có thể kéo dài tuổi thọ và chết êm dịu nhưng sao con người vẫn cảm thấy khổ ?
“Đời là bể khổ” câu nói quen thuộc đối với nhiều người. Những điều không như ý, cái bất toàn, thiếu sót là hiện thân của đau khổ chúng ta gặp mỗi ngày. Khổ là một trong những chất liệu không thể thiếu làm nên cuộc sống, và chắc chắn là điều không ai có thể tránh né, loại trừ hoặc có sức mạnh để kháng nó được.
Vì vậy,
Đức Phật đã dạy các tín đồ của ngài muốn thoát khỏi khổ đau phải “diệt dục”. Mục tiêu của đạo Phật là đời sống an lạc và hạnh phúc chân thật chứ không phải là đời sống giàu hay nghèo. Chấp thủ và bám víu vào những gì mà bản chất chúng là vô thường, vô ngã thì chắc chắn sẽ gặt hái khổ đau. Lòng tham là đầu mối của các bám víu và vướng mắc, cho nên rũ bỏ đi lòng tham vô độ thì đời sống của ta và của người mới nhẹ nhàng, thanh thản, mới có hạnh phúc.(x.giacngo)
Đức Giê-su thì mời gọi “ Ai muốn theo Ta hãy vác Thập giá mình hằng ngày…”
Thánh giá hay Thập giá trong hiện tại là mốt, biểu tượng mà các bạn trẻ dùng làm đồ trang sức, kiểu thời trang ....Từ ngữ Thánh Gía, thập giá nghe rất bình thường. Bởi Thập giá được làm bằng vàng, bằng bạc, bằng inok hay bằng gỗ quý, Thập Gía được đeo trên thân thể như để khoe mẻ, giới thiệu mình là kẻ biết xài sang, đẳng cấp trong xã hội...
Thế nhưng,vào thời Chúa Giêsu, thập giá là một điều ghê tởm và sỉ nhục, vì nó dành riêng cho những ai mang án tử. Vì vậy, khi Chúa Giê-su loan báo cuộc khổ nạn, nói về cái chết của Ngài các môn đệ hoảng sợ.“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở”. (Mc 8,27-35). Phêrô không hiểu và can gián Ngài đừng đi vào con đường khổ nạn, đừng tới chỗ vác lấy thập giá, vì điều đó thật nguy hiểm, nó sẽ gây đau khổ và sẽ làm cho con người phải chết…
Chuyện ngày xưa thời các môn đệ, Thập giá không chỉ gợi lên một thân cây gỗ trần trụi, trên đó còn thấy hình ảnh của một người đang quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn, nhục nhã, lơ lửng giữa trời đất, lơ lửng giữa cái sống và cái chết. Người tử tù bị treo lên đó trước những cái nhìn thù ghét, khinh bỉ; trước những con mắt tò mò và dửng dưng. Chính vì thế mà các tông đồ rùng mình sợ hãi khi nghe Chúa Giêsu nói đến thập giá.
Đối với chúng ta những người tín hữu, những người tận hiến theo linh đạo Mến Thánh Gía. Thập giá Đức Kitô là gì đối với mỗi người?
Chúng ta theo Đức Kitô để giữ đạo, để giữ các lề luật, thực hành các nghi lễ? Chúng ta đến với Chúa như đến với một siêu nhân để cầu mong Ngài giải thoát chúng ta khỏi những đau khổ, cầu mong Ngài đáp ứng những nhu cầu vật chất mà mình đang cần. Đến với Chúa để mong Ngài làm phép lạ xua tan những đau khổ trong tâm hồn?
Lật lại những trang Tin Mừng, chúng ta thấy 3 lần Chúa Giê-su loan báo về cuộc thương khó và phục sinh của Ngài, nhưng các tông đồ vẫn không thể nào chấp nhận. Những tiên báo không mấy sáng sủa về con đường khổ nạn, cái chết đau thương trên thập giá là không chấp nhận được. Các Tông đồ chưa thể hiểu được Đức Giêsu phải trải qua gian khổ của đường Thập Gía mới đạt đến Phục Sinh vinh quang.
Để rồi, lần kia Đức Giê-su đã đưa các môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi, và ở đó Chúa cho các ông chứng kiến cuộc biến hình, chứng kiến vinh quang chói lòa trong sự có mặt của ông Môsê và ông Êlia.Mô-sê được Chúa dùng để công bố giao ước trên núi Sinai, còn Êlia được Chúa trao nhiệm vụ là tái lập giao ước Sinai.
Với các sự kiện đó, Chúa cho các tông đồ, các môn đệ và chúng ta hôm nay hiểu rõ hơn bên kia của đường dài lên núi sọ là gì? Bên trong những vết thương nơi thân thể Ngài là gì ? Sau cái chết tủi nhục trên thập giá của Ngài sẽ thế nào?
Cũng vậy, Đối với hai môn đệ trên đường đi Emmau, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã trách hai ông, khi các ông thất vọng và bỏ về quê, bởi vì các ông chỉ thấy mặt trước mà không thấy mặt sau của cây thập giá, Ngài nói: “Chẳng phải là Đức Kitô phải chịu đau khổ để vào trong vinh quang của Ngài sao?”
Đối với Tôma, Chúa cho ông xem chân tay và cạnh sườn sau khi đã Phục Sinh để nói với ông và cho chúng ta điều gì nếu không phải là, những vết thương trên thân thể không làm cho Ngài phải đau đớn triền miên. Những cái đinh nhọn kia không gắn chặt Ngài mãi trên Thánh Gía và tảng đó to chặn lấp cửa mồ không thể giữ Ngài mãi trong chốn nghĩa trang.
Qua đó, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đừng chỉ ngắm nhìn Thánh giá với lòng xót xa, tiếc nuối, ôm chặt lấy đau khổ, giữ khư khư thập giá trong buồn phiền, thất vọng… nhưng Ngài muốn chúng ta cùng vác thập giá đi theo sau Chúa, đi trên con đường Chúa đã đi; có vác thập giá đi theo Chúa, chúng ta mới có thể đạt được vinh quang mà chính Chúa đã chuẩn bị cho mỗi người chúng ta.
Người nữ tu Mến Thánh Gía còn một diễm phúc hơn nữa đó là : khi sống đặc sủng Mến Thánh Gía, chị em được tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người.
Như thế, khi sống mầu nhiệm Thánh Gía trong đời mình, người nữ tu giới thiệu, làm chứng con cho con người trong thế giới hôm nay về giá trị cao cả của Thập Gía. Không thể so sánh giữa những lao nhọc, đau khổ trần thế với hạnh phúc thiêng đàng nơi mà Đức Giêsu đã hứa cho những ai trung thành mà Thánh Phao Lô đã trải ghiệm, những đau khổ đời này không thể so sánh với vinh quang đời sau.
Đức Giêsu đã can đảm và sẵn sàng chấp nhận đau khổ: vì Ngài biết đau khổ chỉ tạm thời, và phải qua đau khổ mới đạt tới vinh quang. Đức Giê-su Chúa chúng đã đi bước trước và làm gương, Ngài chấp nhận mọi nghịch cảnh trong đời với lòng yêu mến, kiên nhẫn. Ngài không nổi loạn chống lại những trái ý, nhưng đã sẵn lòng vâng phục Chúa Cha trong mọi biến cố, sự kiện trong cuộc đời.
Ngài đang mời gọi chúng ta thông phần với Ngài trong cuộc sống hôm nay. Nhẫn nại, kiên trì đi với Ngài cho đến cuối đường Thập giá - ngang qua những bổn phận đời thường trong tinh thần cầu nguyện, khổ chế, hy sinh, sám hối, đền tội cho chính mình và cho anh chị em đồng loại. Điều này Đấng Sáng lập Lambert de la Motte được linh hứng, đã sống và truyền lại. Giáo Hội từ hơn 350 năm về trước công nhận, chúc lành và mong muốn được phổ biến khắp nơi con đường này. Rồi bao thế hệ chị em dòng mến thánh giá đã bước đi và hoàn thiện đời mình cách can đảm, thánh thiện. Gia sản này đã, đang lưu chảy trong đời sống Giáo Hội và đời sống chúng ta,
Trong thực tế, mỗi người có cố gắng hoàn thiện đời mình trong vui tươi, tin tưởng?
Chúng ta có tự nguyện thực hiện hoặc chấp nhận những hy sinh, khổ chế trước những trái ý, phiền lòng hằng ngày dù nhỏ mọn, âm thầm với mong muốn thể hiện lòng yêu mến dành cho Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, Đấng mình tuyên xưng là Đấng cứu độ trần gian ngang qua Thập Gía mỗi ngày mà Đấng Sáng Lập và các bậc tiền nhân đã nêu gương không ?
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, Chúa là gương mẫu thánh thiện đích thực của chúng con. Nhờ lời chuyển cầu của Đấng Sáng Lập dòng, Xin Chúa cho chị em chúng con mỗi ngày nên giống Chúa hơn.Yêu mến Chúa hơn, hiểu biết Chúa hơn để chúng con biết suy nghĩ và hành động như Chúa. Xin cho chúng con luôn hiểu rằng, điều tệ hại nhất không phải là đau khổ, không phải là bị ghen ghét, chối bỏ, thất bại, thua thiệt nhưng là tội lỗi…Xin cho chúng con nhận thấy bằng đôi mắt đức tin, điều quan trọng của đau khổ, thử thách là Chúa đã chịu đựng thay chúng con trong cuộc đời trần thế. Xin cho chúng con nhận ra sự tốt lành vĩnh cửu trong những nghịch cảnh của cuộc đời. Xin đừng để chúng con nhìn những nghịch cảnh, khổ đau, bệnh tật, buồn phiền như những cái gì đáng ghét, đáng trốn tránh.
Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng lòng tin cho chúng con để chúng con được ơn biến đổi, mà can đảm bước theo Chúa mỗi ngày và hoàn thiện đời mình ngang qua những trái ý, khổ đau…Nhờ đó, chúng con được tiến thẳng vào vinh quang Nước Trời. Amen.