Sống mùa chay 2023 - Tuần Thánh

Thứ hai - 27/03/2023 09:00 1.168 0

Sống mùa chay 2023 - Tuần Thánh
HIỆP THÔNG VỚI CHÚA VÀ VỚI NHAU, HÃY RỬA CHÂN CHO NHAU

 

“Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).


Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu, 40 ngày Chay Thánh dần trôi qua, chúng con đã được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng ơn thánh từ Thánh lễ, bí tích Hòa giải, các giờ Kinh Phụng vụ, các việc đạo đức, việc bổn phận và những hy sinh nhỏ bé hằng ngày... Những việc thiêng liêng đã phần nào giúp chúng con cảm nhận tình yêu lớn lao Chúa dành cho mỗi người trong đời sống thiêng liêng và nhân bản. Các cử hành của Phụng vụ sẽ dẫn chúng con theo sát Chúa hơn trong Tam Nhật Thánh: Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa bắt đầu với bữa Tiệc Thánh Thể mà Chúa đã thiết lập bằng Mình và Máu Chúa, những đau khổ tột cùng trong Vườn Dầu và cao điểm nơi đêm canh thức Vượt Qua…Chúa đã chiến thắng tất cả để đem lại cho nhân loại chúng con một sự sống mới, sự sống đời đời.
Chúa đã mời gọi chúng con sống ơn gọi Mến Thánh Giá, từng ngày suy niệm cuộc thương khó của Chúa để: hiểu biết, yêu mến, cảm sâu giá trị của Thánh Giá mà Chúa đã hy sinh vì tình yêu vâng phục Chúa Cha và trao ban cho nhân loại, đồng thời mời gọi chúng con bước theo.
Giờ suy gẫm này, chúng con được mời gọi chiêm ngắm gương khiêm nhường tuyệt hảo của Chúa qua cử chỉ đầy yêu thương trước khi lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa đã cúi xuống “ rửa chân cho môn đệ”. Chúa đã cởi bỏ mọi dấu chỉ sự cao cả của Con Thiên Chúa mà chuẩn bị hiến mạng sống mình trên thập giá. Và chính lúc này Chúa trao cho các môn đệ và cho chúng con hôm nay lời di chúc :“ Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.

Xin cho chúng con thấm nhuần bài học khiêm nhường phục vụ của Chúa để trong cuộc sống hàng ngày, chúng con biết thánh hóa tính kiêu căng, hay xét đoán, dửng dưng vô cảm của mình bằng lòng yêu mến dành cho Chúa qua tinh thần khiêm nhường, biết phục vụ chính mình trước khi muốn người khác phục vụ mình, và tiến thêm bước nữa là cúi xuống phục vụ anh chị em. Xin cho chúng con có đôi mắt sáng, con tim nhạy cảm để có thể nhìn thấy và động lòng trước những nhu cầu, những đau khổ của anh chị em mà cảm thông, trợ giúp. Xin cho chúng con có được con tim của Chúa để có thể sống như Chúa đã sống vì chúng con.

Suy niệm:

Trong buổi tối cuối bên các môn đệ, bữa tiệc ly trước khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Việc Rửa chân đã làm nỗi bậc ý nghĩa lớn của Bí tích Thánh Thể, đó là phục vụ. Thánh Thể là phương thế Chúa Giêsu chọn để thể hiện ý muốn phục vụ của Ngài. Để phục vụ, Ngài phải trả giá rất đắt. Để phục vụ, Ngài đã tự hiến làm lễ vật giao hoà, làm Chiên Vượt Qua chịu sát tế vì sự sống của thế giới. Để phục vụ, Ngài chấp nhận trở nên lương thực cho loài người sử dụng. Thiên Chúa đã trở nên phương thế phục vụ sự sống của con người. Vì “Ngài yêu thương chúng ta đến tận cùng”.

Để hiệp thông với Chúa và với nhau điều tiên quyết mỗi chúng ta hãy sống Thánh lễ mỗi ngày. Điều mà Đấng đáng kính Hồng y Phanxicôxavie đã để lại trong Đường Hy vọng “Thánh Thể làm cho ta hiệp nhất trong Nhiệm Thể. Dâng lễ mà không yêu thương là mâu thuẫn quái gở” ( ĐHV. Số 362)

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu thương như Ngài. Bởi vì, một khi đã đồng hoá mình với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta phải sống như Ngài. Nếu không yêu thương, không bỏ mình, không sẵn lòng phục vụ thì đó là dấu chứng chúng ta không sống Thánh Lễ. Từ chối hoặc không muốn phục vụ là chúng ta chưa muốn gặp Chúa Giêsu thật sự, chưa đón nhận Ngài, chưa thật lòng muốn nên giống Ngài. Trái lại, yêu thương phục vụ là dấu cho thấy sự sống của Chúa Giêsu Thánh Thể đang hoạt động trong ta, ta thực sự được Người biến đổi, chúng ta trở nên con người mới.“Người thánh là người tiếp tục sống Thánh Lễ suốt ngày.(ĐHV.350)

Để yêu thương và phục vụ cách cụ thể, Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ và mời gọi chúng ta hãy rửa chân cho nhau: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà con rửa chân cho anh em, thì anh em phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.

Ở đời, người ta dễ dàng quỳ xuống trước người quyền quý, sang trọng, vì họ hy vọng ở một sự ban bố lợi lộc. Người ta dễ dàng quỳ xuống trước một người đẹp để xin bố thí chút tình yêu. Và quỳ xuống trước một người thánh thiện để cầu mong một ân huệ. Tất cả những cái quỳ xuống đó là để van xin cho mình, để có lợi cho mình. Nhưng mấy ai quỳ xuống trước kẻ thù, quỳ xuống trước người ốm đau, bệnh tật, quỳ xuống rửa chân tay, thân mình lở loét của những người phong cùi!

Còn Chúa Giêsu, Ngài quỳ xuống trước tội nhân. Ngài muốn dạy điều gì ? Là Thiên Chúa, có khi Ngài còn thiếu thốn gì chăng? Là kẻ ban phát tình yêu, không lẽ Ngài lại thiếu thốn đến độ phải van xin? Không, Ngài không van xin gì cả. Quỳ xuống trước mặt con người chỉ vì Ngài quý trọng con người. Ngài yêu thương con người. Ngài muốn cho con người được sống và sống thật hạnh phúc. Khi con người biết sống cho người khác hạnh phúc là họ đã theo gương rửa chân của Thầy Giêsu. đây là bài học sống cho người Kitô hữu. Nơi Chúa Giêsu, tình yêu đã chiến thắng tội lỗi, đã vượt lên trên tội lỗi, để phục vụ đến độ hy sinh mạng sống mình cho chính tội nhân.

Động lực của việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ là vì “Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về Người và Người muốn yêu thương họ đến cùng” (x.Ga 13,1). Như thế, khi phục vụ nhau là chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể Chúa Kitô. Rất có thể chúng ta lầm tưởng mình đã và đang phục vụ nhau nhưng thực ra mình chỉ làm dịch vụ không hơn không kém. Ngoài ra xin đừng quên rằng đối tượng của sự phục vụ là con người mà nhiều khi chúng ta chỉ phục vụ chương trình, kế hoạch hay công trình nào đó của chúng ta mà không phải là con người. Đây là điều mà chính Hồng Y Raniero Cantalamessa đã nhắc nhủ giáo triều Rôma trong bài giảng thứ năm dịp tĩnh tâm mùa chay năm 2022.

Đối với Đức Cha Lambert, ngài đã để lại trong ký sự thế này: “Không ai có thể than phiền về điều mình không thể làm vinh danh Thiên Chúa, cũng không nói ân sủng Ngài ban quá ít, bởi vì người đó luôn có phương thế để bắt chước Chúa Giêsu-Kitô, bằng cách kết hợp với Người mỗi ngày, qua việc rước Mình Thánh Chúa, hoặc rước lễ thiêng liêng là việc có thể thực hiện liên tục”(Ký sự, AMEP, T. 121, tr.682)

Như thế, người sống đời thánh hiến theo linh đạo Mến Thánh Giá theo gương Chúa Kitô và đấng sáng lập sống tình yêu phục vụ tha nhân nhờ gắn kết đời mình với Thánh Thể Chúa, tình yêu chân thật, kiên nhẫn, hiền hòa, khiêm nhường phục vụ. Chính đều này sẽ trở nên chất kết dính, tạo nên những tia sáng phát quang tình hiệp thông, huynh đệ nơi đời sống người thánh hiến“ Thường ngày với bộ tu phục, hình ảnh thiên thần bác ái nơi con, nói lên sự hiện diện của Chúa. Nhưng khi con đi qua, cũng như bao người khác, với bộ áo như mọi người, không đồng phục, không huy hiệu làm sao con rao giảng, con làm chứng cho Chúa? Con đừng lo, dù có cải trang cách mấy, người ta sẽ nhận ra con là môn đệ Chúa, nếu con yêu thương anh em.
Ngược lại, nếu con không yêu thương thực sự, nếu con có hậu ý đen tối, dù có khoác mấy lớp tu phục, dù có phân trần khéo léo, họ vẫn hoài nghi.( ĐHV. 382)


Lời nguyện kết:
  
Lạy Chúa Giêsu ! Đã bao lần con nói yêu Chúa nhưng chưa thể hiện bằng hành động cụ thể; hành động cụ thể của lòng mến là biết tự phục vụ chính mình và nhạy bén để phục vụ người khác qua việc hăng hái cùng nhau hoàn thành công việc chung ... Có thể, con có thực hiện nhưng chỉ nhất thời, có khi còn biện minh để không tham gia việc này, sự kiện kia. Con chưa thật sự sống tâm tình của người tu đúng với bản chất của nó. Sống đời tu nhưng còn câu nệ nhiều thứ, mặc áo dòng mà tinh thần sống không phải người tu. Xin giúp con dám nhìn nhận sự thật về mình, dám sống như Chúa dù không cúi sâu để rửa chân cho người khác thì ít ra biết tôn trọng kỷ luật chung, không làm phiền người khác vì sự khua động, tôn trọng giờ tinh lặng, tôn trọng cái riêng tư, trật tự, đồ dùng mượn và trả đúng nơi ....

Lạy Chúa, con thường nói yêu Chúa trong giờ suy gẫm, trong giờ cầu nguyện chứ chưa mang vào thực hành trong đời thường. Xin Chúa tha thứ cho con. Tuần Thánh này là cơ hội cho con bắt đầu lại, bắt đầu để ý hơn trong việc dành tình yêu cho Chúa, cho nhau và cho những người nghèo đang sống quanh chúng con. Xin cho chúng con thực sự yêu thương nhau bằng nghĩa cử phục vụ nơi cuộc sống và trong công tác Tông đồ. Amen

Thực hành: Cùng với Chúa Giêsu bước vào Tuần Thánh, thời gian ân phúc mà Chúa ban để mở cửa tâm hồn hiệp thông với Thiên Chúa và chị em trong cộng đoàn bằng cách :
  • Sống thinh lặng và ăn chay hãm mình, hy sinh cầu nguyện với Chúa nhiều trong Tam Nhật Thánh.
  • Tha thứ cho người chị em, cầu nguyện và hy sinh cho chị em trong cộng đoàn bằng một việc cụ thể.
 
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây