Sống Mùa Chay 2023- Tuần II

Chủ nhật - 26/02/2023 19:49 303 0

SỐNG MÙA CHAY 2023 - Tuần II
HIỆP THÔNG VỚI CHÚA VÀ VỚI NHAU TRONG CỘNG ĐOÀN

"Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a" (Mt 17,4).

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa của con,
Con cám ơn Chúa về giây phút quý giá đây, vì nếu Chúa không phù trợ giữ gìn thì con không biết mình đang ở đâu trong thế gian này, con đang là người thế nào?
Nhận ra sự hiện hiện của Chúa, cảm nghiệm tình Chúa yêu để sống ơn gọi tận hiến đến hôm nay chính là ân huệ nhưng không của Chúa. Lạy Chúa, con xin cám ơn Người.
 
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, trong cuộc sống đời thường, Chúa dùng muôn vàn cách để tỏ lộ cho con vinh quang của Ngài, nhưng nhiều lúc con chẳng nhận ra. Xin Chúa ban cho con đôi mắt rộng mở, đôi tai biết lắng nghe và sống đời cầu nguyện thâm sâu để nhận ra sự hiện diện thật sự của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Bởi, nhiều khi con chỉ muốn ở mãi với Chúa trong vinh quang nơi sự kiện “Biến hình”, qua những thành công nho nhỏ, những cảm xúc nhất thời, những lời khen tặng vu vơ... nhưng để sống Linh đạo Mến Thánh Giá, Chúa muốn con tiếp tục lên Giêsusalem với những hy sinh khổ chế, trao hiến tất cả sau những cảm nhận tình yêu Chúa ngọt ngào nơi đời sống nội tâm. Xin cho mỗi chúng con nhận ra kế hoạch đầy yêu thương Chúa đã chuẩn bị cho mỗi người, để luôn sống tâm tình con thảo trong mọi sự kiện vui buồn cuộc sống, nhất là nơi đời sống chung trong cộng đoàn. Chúng con tin rằng, một khi mỗi cá nhân có được sự gắn kết với Chúa bằng đời sống nội tâm sâu sắc - chắc chắn sẽ là chất keo kết dính các thành viên khác trong cộng đoàn thành khối hiệp thông đích thực, mà lý tưởng đời sống thánh hiến phải vươn tới. Xin giúp con biết sống tâm tình tận hiến cho Chúa cách xác tín hơn theo tinh thần Linh đạo mến Thánh Giá mà chúng con đang bước đi.

Suy Niệm:

Khi Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết Ngài phải lên Giêrusalem để chịu thương khó và chịu chết, các môn đệ cảm thấy rúng động tâm hồn. Không lẽ cuộc đời của Thầy Giêsu lại kết thúc cách bi đát như thế? Đã bao lần họ mơ tưởng một ngày nào đó được ngồi bên tả- bên hữu vua Giêsu trong vương quốc vinh hiển của Ngài, lẽ nào giấc mộng vàng đó lại sớm tan thành mây khói? Nếu Chúa Giêsu mà còn phải chịu số phận oan nghiệt như thế thì số phận các ông rồi sẽ thế nào đây?

Không thể chấp một tương lai đen tối như thế, ông Phê-rô kéo riêng Chúa Giêsu ra và lên tiếng trách móc, tìm cách ngăn cản Ngài đừng chấp nhận con đường đau thương ấy (x. Mc 8, 32).

Để củng cố tinh thần các môn đệ trước thông tin chẳng mấy sáng sủa vừa loan báo; tám ngày sau, Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình lên núi cao để cầu nguyện. “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”. Bấy giờ tinh thần ba môn đệ hết sức phấn chấn "ông Phê-rô thưa với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông... Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!"

Nhờ chứng kiến sự vinh hiển của Chúa Giêsu trong giờ phút vinh quang của Ngài ở núi Tabo, ít là có môn đệ Gioan đã vững bước theo Chúa Giêsu đến cùng trên đường khổ nạn.

Đời người có mặt tối và mặt sáng, có mặt tốt và mặt xấu, có mặt phải và mặt trái, có lúc phấn khởi vui tươi cũng có những lúc ủ dột buồn phiền.

Cuộc đời Chúa Giêsu cũng có mặt sáng mặt tối. Mặt tối là đêm đen nơi vườn Dầu đau thương ảm đạm, mặt sáng là cuộc biến hình sáng láng trên núi Tabor. Nếu các môn đệ chỉ nhìn thấy mặt đen tối, mặt u ám của đêm vườn Dầu, lúc Chúa Giêsu bộc lộ nhân tính hèn yếu của mình, tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp tới đến nỗi phải đổ mồ hôi máu và phải tha thiết cầu khẩn với Chúa Cha xin cho khỏi uống chén đắng... mà không thấy được mặt sáng của Ngài trên núi Tabor thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng. Và biết đâu, các ông bỏ thầy hết, lấy ai làm chứng nhân cho biến cố phục sinh! Lấy ai loan báo Tin Mừng cứu độ?

Vì thế, Chúa Giêsu cho các ông thấy mặt sáng của đời Ngài trước, qua việc tỏ cho các ông thấy dung mạo sáng láng vinh hiển của Ngài, tỏ cho họ thấy Ngài là “Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha, Người được Thiên Chúa Cha tuyển chọn” để động viên tinh thần các ông khỏi sa sút, thất vọng trong đêm vườn Dầu sắp đến.

Đối với cuộc sống chung cũng thế. Mỗi người đều có mặt sáng và mặt tối, mặt tốt và mặt xấu, không ai hoàn toàn tốt, chẳng ai hoàn toàn xấu. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào mặt tối, khía cạnh xấu, cái không ưa không thích của mình về ai đó, mà quên đi mặt sáng, nhìn vào nhược điểm mà quên đi ưu điểm của họ, thì chúng ta sẽ thất vọng về nhiều người, có khi thất vọng về một nhóm, một cộng đoàn.

Sự kiện Chúa Giêsu tỏ cho ba môn đệ thân tín thấy cảnh vinh hiển của Ngài trên núi cao để chuẩn bị tinh thần cho các ông đón nhận mặt đen tối của đời Ngài trong đêm vườn Dầu và đường dài khổ nạn, cũng là bài học cho chúng ta trong tương quan với người khác và với nhau trong nếp sống cộng đoàn.

Thật sự, cộng đoàn không chỉ là tập hợp nhiều người như những cá thể riêng biệt nhưng là hiệp thông các ngôi vị, theo định nghĩa của Hiến chương điều 36 “ Cộng đoàn Mến Thánh Giá là gia đình đích thực bắt nguồn từ chính Thiên Chúa Ba Ngôi, được qui tụ nhanh danh Chúa Giêsu Kitô Tử Nạn và Phục Sinh”. Sự hiệp thông trong ngôi vị muốn nói đến tình thân ái, sự liên đới bền chặt như thể tuy là nhiều người nhưng họ trở thành một lòng một ý. Sự hiệp thông không phải là cào bằng, không phải là ai cũng giống như ai, một kiểu giống nhau đơn điệu như các sản phẩm được sản xuất. Mỗi người là một ngôi vị độc lập, một cá thể riêng biệt với những điểm đặc trưng riêng và bất khả thay thế. Nhưng họ không sống như một hòn đảo. Tính cá thể đi vào trong tính tập thể nhưng không bị mất hút hay hoà tan. Tính tập thể không những không làm phương hại gì đến tính cá vị nhưng còn làm cho nó thêm phong phú, đậm nét hơn.

Cộng đoàn Mến Thánh Giá trở nên gia đình đích thực vì nó không phải là sáng kiến sáng kiến của Đấng sáng lập dòng, sáng kiến của cá nhân dù người đó thánh thiện và tài giỏi đến cỡ nào, nhưng đây là công trình của Thiên Chúa, xuất phát từ kế hoạch của Thiên Chúa, lời kêu gọi của Ngài và được Ngài qui tụ. Như thế, việc thành lập, duy trì và thăng tiến cộng đoàn là công trình của Thần Khí với sự cộng tác của chúng ta. Cộng đoàn sẽ mất đi ý nghĩa và sức sống của nó khi quên đi đặc tính thiêng liêng này.

Nhìn vào sự phong phú của cộng đoàn, ta sẽ thấy ngay bàn tay hoạt động của Thiên Chúa. Nếu chẳng phải nhờ lý tưởng tận hiến, lòng yêu mến dành cho Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh thôi thúc, chẳng có lý do gì ta phải chung chia cuộc sống của mình với những người ta không quen biết, phải tuân giữ kỷ luật này nọ, phải thay đổi bản thân, sửa đổi tính xấu này, tật không tốt kia cho phù hợp với nếp sống chung. Nếu không nhờ ơn Thánh Thần thêm sức, ta sẽ chẳng thể nào chịu đựng được những con người rất khác biệt đối với ta, nếu không muốn nói là đối nghịch hoàn toàn, có khi làm ta tổn thương, mệt mỏi.

Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều cộng đoàn, hiệp hội được thành lập do nỗ lực của một vài người nào đấy, nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, nó đã không còn tiếp tục tồn tại được nữa. Sống với nhau vốn dĩ đã không phải là chuyện dễ dàng, sống với người mình không thích lại càng khó khăn hơn. Sống được với nhau, với những người mình không ưa, lại có thể cùng nhau thực thi chung một sứ mạng, trở thành chị em của nhau, sống “tình tỉ muội” đó chỉ có thể là công trình của Chúa.

Và, để hiệp thông với nhau trong nếp sống cộng đoàn:
  • Điều tiên quyết mỗi người cần phải hiệp thông với Chúa bằng đời sống cầu nguyện và gặp gỡ Chúa thật sự trong tâm hồn và trong cuộc sống.
  • Cùng nhau sống Luật dòng,
  •  Mỗi người: Cần mở rộng nhãn quan để thấy cái hay, điều tốt, sự khác biệt nơi mỗi chị em, và những người chúng ta gặp gỡ trong công tác mục vụ, phục vụ…,
Suy niệm việc Chúa Giêsu biến hình có giúp tôi thêm một lần cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong đời mình? Có bao giờ tôi cảm nhận, nghe được tiếng Chúa và việc Ngài đã tách riêng tôi ra khỏi mọi người và đàm thoại với tôi không?  Được ở trọn vẹn với Chúa trong giờ cầu nguyện mỗi ngày, tôi có cảm nhận được Ngài đang rạng rỡ vinh quang trước mặt tôi?
Tôi có kinh nghiệm được Chúa biến hình trước mặt chưa? Ngài vẫn biến hình trước mặt tôi mỗi ngày nhưng có thể tôi đã không nhận ra. Có thể Chúa Giêsu đã không biến hình rõ ràng như lời Kinh Thánh hôm nay nhưng: bằng một nụ cười đáng yêu của đứa trẻ bướng bỉnh mà tôi đã từng không thích, một lời thăm hỏi đơn sơ của đứa học trò nhỏ, lời nói dịu dàng của ai đó chia sẻ lo lắng...làm vơi đi căng thẳng, lao nhọc trong ngày? Một cảm nghiệm sâu lắng với Chúa khi đọc một quyển sách hay, nhìn ngắm một cảnh đẹp, một công trình lớn lao...sau giờ cầu nguyện hay sau những ngày tĩnh tâm?

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, biến đổi đời con Chúa ơi!
Mỗi lần con suy gẫm Lời Chúa, chiêm ngắm Chúa trên Thánh Giá, xin biến đổi con nên hiền lành và bao dung như Chúa. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con luôn ăn nói dịu dàng dễ nghe, xin biến đổi tai con luôn mở ra để lắng nghe, phân định và nhận ra điều tích cực nơi người khác...Lạy Chúa, xin làm cho khuôn mặt con nên tươi sáng nhờ biết kết hiệp thâm sâu với Chúa giữa cuộc sống đời thường.
Ước chi mọi người nhìn thấy tình thương bao dung của Chúa nơi nụ cười của chị em chúng con trong khi thi hành sứ vụ, phục vụ trong mọi lãnh vực cuộc sống.
Ước chi người khác nhìn thấy sự cảm thông của Chúa trong lời nói dịu dàng, cử chỉ tinh tế, lối sống giản dị, đơn sơ của chị em chúng con trong tương quan với nhau và với mọi người trong tương quan xã hội .
Ước chi người khác cảm nhận cộng đoàn của chúng con là gia đình đích thực, là thiêng đàng trần thế khi chúng con sống tình liên đới trách nhiệm với nhau, tôn trọng lẫn nhau dù có nhiều khác biệt về: tuổi tác, tính tình, trình độ, khả năng... luôn cùng giúp nhau đạt tới sự thánh thiện. Cùng xin Chúa kiên trì đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường cuộc sống để cùng Chúa và với nhau chúng con phục vụ cách quảng đại và nhiệt tình hơn trong các lãnh vực Tông đồ của Hội dòng, nhờ thế vinh quang Chúa được tỏa sáng ngay trong cuộc đời này.  Amen.

Thực hành:
- Người lớn tuổi, làm lớn: giúp người trẻ tuổi bằng lời động viên, chia sẻ kinh nghiệm cho người trẻ tuổi để họ nhận ra được lý tưởng của mình, lấy tình tỉ muội mà bàn bạc chia sẻ công việc với nhau.
- Người nhỏ tuổi thì biết vâng lời bề trên, luật Dòng, biết lắng nghe đối thoại, đón nhận nhau…tận tâm  phục vụ chị em trong cộng đoàn… đừng bao giờ đổ trách nhiệm cho nhau, đừng ngủ mê trong cơn mê chủ nghĩa “mặc kệ chị”.


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây