Thập giá là sự điên rồ đối với dân ngoại, là điều ô nhục đối với người Do Thái, còn đối với tôi?

Thứ tư - 29/03/2023 17:47 1.936 0
 

Lời nguyện đầu:

Lạy Thiên Chúa tình yêu! Hiệp với triều thần thánh trên trời, cùng với muôn tạo vật chúng con xin dâng lên Chúa lời chúc tụng, ca khen và cảm tạ tình yêu Chúa trong giây phút đầu tiên của một ngày mới này. Tự bao giờ, thứ sáu đã trở thành ngày  truyền thống chị em trong Hội dòng suy gẫm chung về tình yêu tự hiến của Đức Kitô chịu đóng đinh, đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Yếu tố này nhắc nhớ chúng con về bổn phận sống chung. Đời sống chúng con là một cuộc gặp gỡ để chia sẻ, để yêu thương và được yêu thương. Yếu tố nền tảng của gặp gỡ chung và trao ban không gì khác hơn là cộng đoàn cùng nhau chia sẻ trong cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện chung mỗi người sẽ khám phá chính mình, đồng thời cũng  khám phá chị em mình là ai, từ đó đi vào một cuộc gặp thâm sâu của tình huynh đệ, mà cuộc gặp gỡ thâm sâu chỉ có được khi cùng nhau cầu nguyện, nhờ cầu nguyện mà Đức Kitô hiện diện và cư ngụ giữa cộng đoàn như lời Thánh Phaolô Tông Đồ nói: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng cho Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.

Cùng nhau chiêm ngắm, suy niệm về tình yêu tự hiến mà Đức Kitô dành cho nhân loại, mỗi người sẽ cảm nếm về tình yêu Thiên Chúa dành cho mình và cho chị em ngang qua cuộc sống và hành trình huấn luyện của Chúa nơi cuộc đời mỗi người- để mỗi người càng thêm xác tín đối với tôi, Đức Kitô là ai? Mà dấn thân mang lấy thập giá đời mình theo Người dù cuộc sống còn đó những thăng trầm, mệt mỏi, khổ đau....

Xin Thánh Thần Chúa soi dẫn và làm mới lại những tư tưởng tích cực nơi tâm hồn, giúp chúng con hiểu biết và cảm nếm sâu xa tình yêu từ thập giá của Đức Kitô, Đấng chúng con chọn làm đối tượng duy nhất của đời mình. 


Suy niệm:  Lc 9, 23-26

Dọc trên các đường phố, khi đọc báo, xem truyền hình chúng ta thấy nhan nhản những tấm phích quảng cáo với bao lời hay, ý đẹp để giới thiệu các sản phẩm: nào là 3 trong 1, nào là ngon, bổ, rẻ; nào là tiện lợi, nhanh chóng; sản phẩm nào cũng là số 1 thế  giới, kéo dài tuổi thọ, trẻ đẹp vượt thời gian…và còn rất nhiều lời khác nhằm tạo ấn tượng, làm nổi bật sản phẩm họ muốn bán; họ sẵn sàng làm đủ cách hấp dẫn để thu hút thị hiếu khách hàng dành cho công ty, sảm phẩm của họ.

Đối với Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại, Ngài đến dẫn con người vào sự sống bất diệt, sự sống hạnh phúc vĩnh hằng...Ngài có một tư tưởng khác thường không quảng cáo thương hiệu, không tạo ấn tượng, thu hút những ai muốn theo Ngài bằng lời những lời ngon ngọt hoa mỹ. Ngài nói rất thật, không hứa hẹn cho ai theo Ngài sẽ đạt được những giá trị vật chất mà con người mong đợi. Ngài mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Một tư tưởng trái ngược với lối suy nghĩ, tìm kiếm và chọn lựa mà con người mọi thời vẫn ước mong.

Lời Chúa Giêsu hứa hẹn cho những ai tin và đi theo Ngài phải trải qua những thực tế thật của đời người, nó tiệm tiếngắn liền với thập giá như: dìm vào cái chết của Đức Kitô, chết cho tội lỗi, vác thập giá mình mà theo Chúa. Thật vậy, Ngài đã trở nên mẫu gương “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá” (Pl 2,8), thánh Phaolô cũng đã mời gọi các tín hữu hãy theo gương Đức Kitô là cùng chết đi với Người, điều mà thánh nhân đã ghi lại trong thư gửi cho giáo đoàn Roma: “Khi được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu là chúng ta được dìm vào cái chết của Người” (Rm 6,3). Xác tín như thế, thánh Phaolô cho biết Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy, họ đã mang dấu ấn của thập giá và gắn liền với cái chết với Đức Kitô trên thập giá. Ở trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, thánh giá với Kitô hữu sẽ không là thập giá của tử tội, nhưng là đòi hỏi họ chết đối với tội lỗi, để sống cho Thiên Chúa (Rm 6,10). Thế nhưng, lời mời các tín hữu vác thập giá theo Đức Giêsu hơn 2000 năm qua cũng đã từng bị nhiều giới, nhiều hạng người chối từ, điều mà thánh Phaolô đã thốt lên: “Thập giá là một sự điên rồ đối với dân ngoại, và là một điều ô nhục đối với người Do Thái” (x. 1Cr 1, 23).

Nếu thập giá nên cớ vấp phạm, hay là ô nhục cho người chưa có đức tin thì trái lại thập giá đã trở nên nguồn hy vọng và cứu độ cho các Kitô hữu. Vậy ẩn chứa trong thập giá là giá trị cứu độ và điều kiện tiên quyết mà Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải có để theo Người. Đi theo Chúa Giêsu Kitô, người Kitô hữu không chỉ từ bỏ những gì bản thân có: điều kiện sinh sống, ràng buộc gia đình, nhu cầu vật chất…nhưng phải đi xa hơn nữa, họ đón nhận, gieo mầm, và xây dựng tình yêu trong các mối tương quan của cuộc sống như Đức Giêsu đã thực hiện. Đó cũng là những chọn lựa mang giá trị vĩnh cửu của cuộc đời cũng như những gì phận người phải gắn bó và vác lấy. Con người giá trị ở cái mình là, chứ không ở chỗ những gì mình có bởi con người là hình ảnh Thiên Chúa (x. St 2,4-7). Ở đây Kinh Thánh cho biết giá trị con người là có tự do, ý chí, phẩm giá cao quý. Thánh Phêrô đã xác tín: con người được thông phần bản tính Thiên Chúa (x. 2 Pr 1,4). Chân nhận như thế, thánh nhân muốn cho biết giá trị, “cái là” con người ở chỗ thông phần bản tính Thiên Chúa. Sự hiệp thông khăng khít như một sự sống mà Chúa Giêsu đã phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành nho” (Ga 15,5a). Như vậy, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng giá trị cao cả “hình ảnh Thiên Chúa” của con người cũng có thể là sự hiệp thông trong “tình yêu Thiên Chúa”. Chúa Giêsu muốn người muôn đệ từ bỏ cái con người có, cái người ta chiếm hữu, hay những gì bên ngoài của thập giá; nhưng vác lấy, đón nhận, thủ đắc và dâng hiến đó là tình yêu Thiên Chúa đã trao tặng. Tình yêu mà “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu thương anh em như vậy” (Ga 15,10). Đó cũng là lời gọi mời liên lỉ, hãy vác lấy thập giá, mang lấy tình yêu Thiên Chúa mỗi ngày và sinh hoa trái yêu thương cho bản thân, gia đình, cộng đoàn và anh chị em nơi sứ vụ. Có như thế, thập giá của Kitô hữu trên hành trình hoàn tất phận người sẽ không còn nặng nề, đau khổ khiến họ chùn bước, buông xuôi nhưng sẽ là tin tưởng, hy vọng, và yêu mến. Thánh Giá là phương thế cứu độ con người:“Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người thì không bị tiêu diệt muôn đời” (Ga 3,14). Do đó, Thánh Giá trở nên niềm hy vọng tràn đầy cho con người. Đức Kitô đã đem lại ơn cứu độ muôn đời cho những ai tình nguyện đi theo Người. Đây là lời mời gọi hoàn toàn tự do. Chúa không bắt buộc ai, nhưng mời gọi mỗi người tự do lựa chọn để dấn thân cho lý tưởng thanh cao và giá trị toàn vẹn. Điều Chúa muốn mời gọi không phải chỉ quyết định một lần là đủ mà chính là một thái độ lựa chọn liên tục luôn mãi trong suốt cuộc đời mình. Đối với người tín hữu sống giữa đời là thế,

Còn chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Giá, càng chiêm ngắm Thánh Giá Chúa Giêsu càng phải làm cho ta cảm nhận tình yêu đến cùng Thiên Chúa dành cho nhân loại và từng người. Tình yêu Chúa càng trở nên trọn vẹn và mãi mãi không bao giờ thay đổi, và thể hiện niềm xác tín đó nơi đời sống của mình, đừng để những thói quen, sự an toàn làm cho chúng ta bị trói buộc trong những lo lắng cho bản thân, chỉ thấy bản thân bị thiệt thòi, thua kém mà hơn thua nhỏ nhặt với người khác trong cuộc sống đời thường mà quên đi lý tưởng cao đẹp của việc cho đi, của việc thánh hiến cho ơn cứu độ con người. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ những mong đợi của ngài nơi các tu sĩ, ngài đã nhắn nhủ thế này:Anh chị em tu sĩ…Hãy ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời… Anh chị em đừng khép lại trong chính mình, đừng để mình bị ngột ngạt với những chuyện lẩm cẩm trong nhà, đừng bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ… Anh chị em sẽ tìm thấy sự sống khi ban phát sự sống, tìm thấy hy vọng khi ban phát hy vọng, tìm thấy tình thương bằng cách yêu thương.” (x. tông thư, số II, 4)

Lạy Chúa Giêsu, khi con rời khỏi gia đình huyết thống để tháp nhập vào gia đình thiêng liêng nơi mái nhà Hội dòng, con đã tự nguyện để Chúa biến đổi, để mang một tên gọi, một thương hiệu mới là Mến Thánh Giá. Là người yêu mến và tình nguyện vác Thánh giá theo Chúa mỗi ngày, con không vác Thánh giá một mình nhưng cùng vác với Chúa, với chị em trong Hội dòng, Cộng đoàn. Thánh giá của mình là hy sinh chấp nhận những khiếm khuyết bất toàn đến từ bản thân. Những khó khăn, thử thách của cuộc đời do sự khốn cùng, yếu đuối, bất ổn của đời sống chung và sứ vụ. Nếu con thật lòng yêu mến Chúa và sẵn sàng bỏ mình một chút thì con đã không càm ràm về nhiều thứ. Dám ra khỏi cái ảo tưởng nơi bản thân để đón nhận sự thật về chính mình giữa những tạm bợ trong cuộc đời này. Dám ra khỏi những ý nghĩ tiêu cực và định kiến để đón nhận nhau và nhìn nhận mọi biến cố, sự kiện bằng sự hiện diện của Chúa. Dám ra khỏi sự giả hình, bỏ bớt cái tôi ích kỷ, quy về bản thân để đến với mọi người trong tâm tình xả kỷ, từ bi, khiêm tốn như Chúa Giêsu, dám can đảm thoát khỏi sự lười biếng an phận để nhiệt thành dấn thân vì tình yêu Chúa và quý trọng ơn gọi thì đời tu của con quả là cõi phúc.

Vì thế, con muốn dành giây phút ngắn ngủi này để một lần nữa tự hỏi mình, Đức Kitô là ai đối với tôi? Đâu là điều làm tôi bận tâm nhất trong ngày sống? Tôi đã làm gì để thể hiện tình yêu của mình dành cho Đức Kitô nơi đời sống thường nhật?

Lời nguyện kết:       
 
Lạy Chúa Giêsu, trong “Tam tự kinh” có câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Câu nói này
nhắc nhớ con trong hành trình luyện tập nhân bản, nơi mỗi con người đều có bản tính hiền lành, luôn hướng thiện. Nhưng liệu trong quá trình luyện tập để đạt đến sự trưởng thành, tu tâm dưỡng tính, con người có lưu tâm và phát huy được phẩm chất đó hay không. Hoặc mỗi người đã để cho bản năng thấp hèn trỗi vượt khiến nói dẫn mình đến nỗi sa đọa và làm những điều ngược với nhân tính. Và đi xa hơn trong đời sống Kitô hữu, người sống đời thánh hiến, để trả lời dứt khoát đối với bản thân về việc theo sát Chúa hơn mỗi ngày, con phải cầu nguyện liên lỉ, phải kết hiệp thâm sâu với Chúa từng phút giây con mới có khả năng đạt đến truỏng thành toàn diện, biết kiềm chế những gì là con người nơi con. Vì vậy, con phải làm thế nào để đạt đến sự trưởng thành toàn diện mà câu thành ngữ “Hữu xạ tự nhiên hương” nhắn gởi. Con cần liên tục tu tâm dưỡng tính, rèn đức, luyện tài cùng với ơn Chúa. Có Chúa trong tâm trí, trong con tim, tự nó sẽ làm chủ môi miệng và hành động của mình nơi đời thường. Có tình yêu Chúa chi phối con người tự nhiên của con sẽ được biến đổi. Cái tham sân si nơi con cũng được nhỏ lại. Có Chúa trong cuộc đời người theo Chúa, tự nhiên người khác sẽ nhận ra sự hiện diện của Người.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm nghiệm được tình yêu Chúa thật sự và sâu thẳm để con có thể gieo mầm yêu thương, xây dựng bản thân bằng sức mạnh của Chúa. Sẻ chia tình yêu Chúa từ đôi bàn tay, bờ vai, ánh mắt đến trái tim cho anh chị em, cùng với Chúa vác thánh giá tiến về đồi Canvê. Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh là Đấng cứu độ duy nhất hôm qua hôm nay và mãi mãi. Amen

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây