TÌNH YÊU LỚN NHẤT
DÀNH CHO ĐỨC GIÊSU KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH
Lời nguyện đầu:
Lạy Thiên Chúa là Cha nhân ái, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện giữa cộng đoàn chúng con đây. Cùng với chị em trong Hội dòng và những tâm hồn các tín hữu đang hướng về Cha trong những giờ phút đầu tiên của ngày sống mới. Chúng con xin dâng lên Cha lời ngợi khen, tôn vinh, cảm tạ tình thương yêu nhưng không Cha luôn dành cho từng người trong nhân loại. Giờ phút linh thiêng, trầm lặng của ngày mới, chúng con đến bên Cha để van xin sự bình an, khôn ngoan và sức mạnh.Chúng con đến đây để bày tỏ lòng tin yêu, phó thác hoàn toàn sự sống chúng con cho tình yêu Ba Ngôi. Cám ơn Cha đã dành cho chúng con tình yêu duy nhất và tuyệt đối nơi thánh tử Giêsu, Người là hình ảnh trung thực về Cha, người đến với chúng con để thông ban tình yêu, lòng thương xót Cha dành cho con người từ lúc khởi đầu vũ trụ. Cha biết loài người chúng con yếu mềm, bất tuân, hay thay đổi, thường làm mất lòng Cha nhưng Cha vẫn yêu thương và tha thứ. Đức Giêsu là hình ảnh là chứng tích Tình yêu lớn lao, tràn đầy và vĩnh cửu Cha dành cho con người mọi thời.
Giờ đây, trong tâm tình sám hối, cảm tạ chúng con xin được cùng với Mẹ Maria bước đi trong chân lý, tình yêu và sự thật, qua lời dạy của Chúa Giêsu với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần xin giúp chúng con mỗi ngày khám phá chân lý mà Cha đã mạc khải cách sâu sắc hơn.
Đọc tin Mừng: Ga 21, 15-19
Suy niệm:
Thánh Phêrô là một trong những môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, các biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời công khai của Người đều có sự hiện diện của thánh nhân. Thánh nhân nhiệt tình và mau mắn nhưng cũng dễ quỵ ngã và bất trung. Ba lần Phêrô tuyên xưng “yêu mến Chúa” cũng ba lần Phêrô chối Chúa trong hành trình khổ nạn. Thế mới hiểu “tinh thần thì mạnh mẽ nhưng xác thịt thì yếu đuối”(Mt 26, 41) là thế nào. Nhờ cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu dành cho ông sau những giây phút của phát ngôn vô tình bộc trực, thánh Phêrô được thêm sức mạnh để quay về với tình yêu và can đảm tuyên xưng “ Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến thầy!” và lòng yêu mến Thầy đã được Phêrô thể hiển cách cụ thể, chân thành, trung tín trong suốt hành trình của người tông đồ trưởng, yêu đến hiến dâng mạng sống và đón nhận cái chết giống như Thầy. Thánh Phê-rô bị đóng đinh quay đầu xuống đất trên thập giá hình chữ X. Theo truyền thống Giáo hội giải thích, bởi vì Ngài nói với những người xử tử là Ngài cảm thấy không xứng đáng để được đóng đinh giống Đức Chúa Giêsu Kitô.
Chọn sống đời thánh hiến, người tu sĩ tự nguyện đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng “tình yêu duy nhất cho Người” và bước theo Đức Giêsu Kitô cách mật thiết, gần gũi hơn. Trên hành trình tận hiến, người tu sĩ một cách tiệm tiến được mời gọi để nên giống Thầy Giêsu mỗi ngày một hơn. Để được như thế, người tu sĩ phải từ bỏ cuộc sống riêng tư để trọn đời khuôn mình theo chương trình của Thiên Chúa. Hy sinh nào cũng phải trả giá; và cái giá lớn nhất khi theo Thầy Chí Thánh là “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Một khi yêu Giêsu, người tu sĩ sẽ vác lấy thập giá trong niềm vui và an bình. Đây là tình yêu biện chứng của người tu sĩ: Tình yêu giúp họ sống niềm vui, niềm vui sẽ giúp tình yêu của họ được thăng hoa, triển nở. Tuy nhiên cũng như bao người khác, người tu sĩ cũng có thể phản bội, lỗi ước, quên thề đối với cam kết tình yêu mà mình muốn dành cho Người, và vì tình yêu Thiên Chúa quá cao cả và huyền nhiệm, mà con tim người tận hiến vẫn là con tim “ thịt mềm” dễ rung động bởi dòng máu của một thân xác mang bản năng phận người. Để sống tình yêu hoàn hảo, trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và con người đòi hỏi người tu phải chiến đấu liên lỉ, kiên trì và thanh luyện, thanh lọc khối óc con tim mình bằng một tình yêu lớn lao và suy nhất dành cho Đấng mà mình đã quyết tâm chọn lựa khi hằng tâm niệm Đức Giêsu Kitô là “ Đối tượng duy nhất” của lòng trí mình.
Tình yêu lớn nhất dành cho Đức Kitô chịu đóng đinh trong đời sống người nữ tu Mến Thánh Gía chính là nền tảng để họ sống đức khiết tịnh thanh thoát, vui tươi. Chính trong sự trưởng thành tình cảm mà người nữ tu Mến thánh Gía không bao giờ chạy trốn, sợ hãi, khinh thường phái tính, hay mặc cảm với người khác phái trong mọi giao tiếp, sinh hoạt của đời sống.
Đức Giêsu đã sống đến tận cùng phái tính của mình, khi “Ngôi lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Người đã đảm nhận thân xác của mình và đối xử nhân bản với hết mọi hạng người, từ những người đạo hạnh đến những cô gái điếm; từ những tín hữu đạo đức đến người phụ nữ Samari ngoại giáo. Tình yêu của Ngài dành cho tất cả mọi người bằng trái tim đầy nhân hậu và khoan dung. Đến độ những ai tiếp xúc với Ngài đều được ơn cảm hóa bởi tình yêu quảng đại, tích cực và linh thánh.
Sống tình thần tình yêu lớn nhất dành cho Đức Kitô chịu đóng đinh sẽ không bao giờ để chúng ta đối xử thiếu nhân bản với con người nhưng ngược lại, sẽ cư xử với mọi người lúc nào cũng nhân bản hơn, thân ái hơn, văn minh hơn.
Nhiều khi chúng ta bị thất bại trong đời sống, đổ vỡ trong những tương quan không phải vì đã cư xử nhân bản với người này kẻ nọ, nhưng vì đã không kiểm soát được bản thân, đã không tập cho mình sự điềm tỉnh, đã không có sẵn trong trái tim nguồn tình yêu của Đức Kitô.
Tình yêu của người sống đời khiết tịnh tận hiến không phải là sự dồn nén, che đậy…nhưng là sự tự do, thanh thản và bình an. Nhiều người trong chúng ta đã biết câu chuyện vị Hòa thượng cõng cô gái qua sông như thế nào? Sự thanh thoát của tình yêu, các tương quan nhân vị không nằm ở chỗ có đụng chạm đến cô gái hay không, nhưng là tâm mỗi người “ tỉnh hay động”.
Là người sống đời tận hiến, chúng ta được mời gọi sống tình yêu duy nhất dành cho Đấng mình yêu ngang qua những công tác mục vụ và phục vụ trong sứ mạng đa dạng của Hội dòng. Chúng ta có rất nhiều phương tiện hữu hiệu giúp mỗi người thanh thoát trong tình yêu, nhưng điều tiên quyết chúng ta không thể coi nhẹ là vai trò của cộng đoàn. Tình huynh đệ cộng đoàn, chấp nhận sống với và sống vì nhau là để cảm thông, chia sẻ và cùng góp phần làm cho mỗi người được thăng tiến toàn diện. Nếu trong cộng đoàn một thành viên nào đó không tìm được sự cảm thông, không tìm được sự lắng nghe, chia sẻ…và cũng có thể có ai đó không muốn tìm sự cảm thông, chia sẻ của chị em mình mà chỉ hướng ngoại, tìm an ủi từ ai đó ngoài cộng đoàn…đó là nguy cơ đánh mất căn tính của người tu sĩ. Thật vậy, Cộng đoàn là nơi tha thứ, chốn an vui …nơi nâng đỡ, an ủi, có thể vực dậy một người sa ngã, nhưng cũng có thể là nơi đẩy người chị em không vững chân, đang gặp thử thách, khủng hoảng xuống vực sâu. Cộng đoàn là nơi mỗi người được chữa lành bằng nhiều cách nhưng nơi đó cũng có thể là nơi làm cho trái tim ai đó tiếp tục cứ bị rỉ máu, tổn thương khó được chữa lành. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả mỗi thành viên trong cộng đoàn hãy lấp đầy nơi con tim, khối óc của mình tình yêu lớn nhất mà Đức Kitô đã dành cho mình và tình yêu thanh khiết của bản thân dành cho Người, cho chị em và cho phẩm giá con người mà mình có trách nhiệm phục vụ. Sống tình yêu chân thành, đơn sơ, quảng đại trong cộng đoàn là khi mỗi người cố gắng loại bỏ những thứ tình cảm tầm thường để mặc lấy tình cảm phi thường để xây dựng cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, có như thế cộng đoàn mới có thể là thuẫn đỡ, khiên che, nơi tha thứ, chốn an vui, nơi mỗi người thể hiện hết khả năng yêu thương mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn. Có như thế đời sống thánh hiến nơi cộng đoàn theo linh đạo Mến Thánh Giá sẽ trở nên máng chuyển thông ơn cứu độ cho con người ở mọi nơi, mọi thời.
Và, suy niệm sâu hơn nữa về tinh thần linh đạo, thì tình yêu duy nhất dành cho Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh sẽ làm cho đời sống người nữ tu Mến Thánh Giá trở nên đáng yêu, dịu dàng và thanh khiết hơn. Nơi đâu có tu sĩ, nơi ấy phải có được niềm vui, niềm vui của phục vụ và yêu thương, yêu một mình Thiên Chúa và diễn tả tình yêu ấy trong sứ mạng phục vụ con người nơi sứ vụ đa dạng mà Hội dòng đang dấn thân. Càng yêu các linh hồn, người nữ tu Mến thánh Giá càng quên mình, sẵn sàng dấn thân phục vụ, yêu thương, cho đi và san sẻ của cải tinh thần và vật chất. Và không hoàn cảnh nào bất lợi nào, sứ vụ có khó khăn đến đâu cũng không thể làm cho họ chùng bước, tháo lui vì họ yêu Chúa Giêsu và thương mến những con người mà Thiên Chúa gởi đến trong sứ vụ. Quả thế, tình yêu làm nên căn tính của người nữ tu Mến Thánh Giá. Một khi dành hết tình yêu cho Đức Kitô và say mê dành cho người nghèo, người nữ tu Mến Thánh Giá sống đời tu của mình thật hạnh phúc và triển nở nơi đời sống chung trong cộng đoàn và nơi sứ vụ.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu yêu mến,
Những giây phút suy gẫm, hồi tâm ngắn ngủi đã trôi qua, chúng con cảm ơn Chúa đã cho chúng con cảm nhận cách sâu xa về Tình yêu Thiên Chúa và lòng thương mến con người, tình yêu cần thiết cho chúng con biết mấy trong cuộc sống đời thường. Chúa còn cho mỗi người nhận ra cách sống của mình, cảm nghiệm, đo lường mức độ tình yêu chúng con dành cho Chúa và cho nhau. Chúng con hiểu thêm tại sao đời sống chúng con còn nhiều lủng củng, tại sao chúng con chưa hết mình cho cộng đoàn, tại sao chúng con còn ngại ngần không dám dấn thân hơn nữa cho sự thăng tiến của bản thân.
Chúa ơi, chúng con đã cảm nghiệm được Chúa yêu con vạn lần, ngàn lần Chúa đã tha thứ, xin giúp chúng con bắt đầu và bắt đầu lại;Vì muốn thăng tiến bản thân con, con không thể tự mình và cậy vào sức mình, tự mình con không thể thăng tiến toàn diện mà cần phải tương tác với người khác, với cộng đoàn cùng với ơn Chúa. Xin giúp con biết cầu nguyện trong thâm sâu để Chúa là sức mạnh, là tình yêu, là khôn ngoan nhờ đó con luôn tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết yêu dành cho Chúa và cho anh chị em chung quanh chút tình yêu mọn hèn của chúng con. Amen