“Thế là đã hoàn tất”

Thứ tư - 07/06/2023 08:36 479 0

 
“Thế là đã hoàn tất”
 
Lời nguyện mở đầu :

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tôn thờ thánh giá Chúa, chúng con tôn vinh mầu nhiệm  tình yêu nhưng không Chúa dành cho nhân loại và cho từng người trong chúng con. Chúng con không thể cảm nghiệm được tình yêu tự hiến của Chúa nếu không gắn chặt đời mình với cuộc khổ nạn đau thương và cái chết anh dũng của Ngài. Xin cho mỗi người nữ tu mang danh hiệu Mến Thánh Giá chúng con biết kết hiệp mật thiết giữa bản thân mỗi người với mầu nhiệm thập giá Chúa, chúng con mới có khả nếm trải được thế nào là tình yêu vĩnh cửu, thế nào là tình yêu cho đi, thế nào là tình yêu ơn giải thoát. Xin ban cho chúng con đức tin kiên vững, lòng cậy trông vững vàng và lòng mến yêu thật sự để trung thành bước đi theo Chúa trên đường thánh giá vì không có con đường nào khác dẫn tới Phục Sinh; muốn có vinh quang của sự sống vĩnh cửu tất nhiên phải qua con đường thập giá.
Xin Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria, cha thánh Giuse, chư thánh cùng đồng hành với chúng con trong giờ nguyện gẫm này.

Suy Gẫm :

“Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Ga 19,30)

Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi sự Chúa Cha trao phó cho Người, khi đón nhận thân phận con người, sống giữa thế gian để mạc khải tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại, đã rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, công bố năm hồng ân của Đức Chúa. Rồi Người chịu bách hại, đau khổ, chịu đánh đòn, chịu chết trên thập giá!

Đức Giêsu hoàn tất hành trình đời người cũng có nghĩa là Tình Yêu của Ngài đã đạt đến đỉnh vinh quang khi nói: “ Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Vì ở trên đỉnh của vinh quang tình yêu, nên mọi khổ đau đã chấm dứt; còn lại niềm hy vọng lớn lao,Thiên Chúa sẽ phục sinh Con của Ngài từ cõi chết. Và Người Tôi Trung của Thiên Chúa - là Con Thiên Chúa, là Chúa Giêsu Kitô đã trở thành nguồn ơn cứu độ tuôn tràn mãi mãi cho nhân loại.


“Thế là đã hoàn tất !”. Tiếng kêu cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thập giá cho thấy Ngài đã chết như một người chiến thắng sự chết, mở ra vinh quang sự sống cho tất cả những ai tin và bước theo Ngài. Thánh Gioan Thánh Giá quả quyết rằng: “Chính trong lúc cùng cực nhất, Chúa Kitô đã hoàn tất công trình kỳ diệu nhất…Công trình kỳ diệu ấy chính là sự hòa giải và kết hiệp nhân loại với Thiên Chúa bằng ơn thánh”[1]. Thật vậy, cái làm cho chúng ta nên cao cả không hệ tại dự kiện chúng ta là gì, mà hệ tại ơn thánh Ngài ban cho ta mà thôi.
Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi sự theo ý muốn của Chúa Cha trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại. Ngài đã làm tất cả những gì cần phải làm của một trái tim yêu thương đến tận cùng. Ngài đã hoàn tất để chúng ta bước vào sự khởi đầu của một đời sống mới.  Tuy nhiên một cách thiêng liêng vô hình, khi còn đó các linh hồn xa lạc đường lối Chúa, những con người chối bỏ Chúa, bắt bớ Hội Thánh, khi có ai đó xuyên tạc làm mất thanh danh lẫn nhau thì vẫn còn đó đồi Canvê loan máu; mỗi tội phạm, mỗi chai lì trong tật xấu, cố chấp, uốn cong ý Chúa thành ý mình thì vẫn có đó dấu đinh gắn chặt thân thể Người trên gỗ giá...
“Thế là đã hoàn tất !”. Tình yêu tột độ của Chúa Giêsu đã hoàn tất trên thánh giá thôi thúc chúng ta đón nhận và thực hành đời mình bằng niềm vui và hy vọng giữa những khổ đau, buồn phiền... như Ngài và trong Ngài. Chúng ta sống được điều này, nếu biết nhìn ra trong mọi đau khổ của bản thân và tha nhân có bóng dáng đau khổ của Chúa Giêsu. Mỗi khi gặp đau khổ, thử thách, hiểu lầm, trái ý ...., chúng ta không thể xua đuổi và tránh né, nhưng tiếp nhận mọi sự trong tình yêu và với tình yêu như thể chúng ta đang đón Chúa Giêsu. Điều này đòi hỏi chúng ta phải luyện tập thường xuyên bằng cầu nguyện, chiêm ngắm Đức Kitô trên thánh giá, liên lỉ kết hợp với Người. Có như thế tâm hồn, môi miệng chúng ta mới đầy tràn yêu thương dành cho Chúa và tha nhân, được như thế chúng ta mới đáp ứng những gì Thiên Chúa đòi hỏi trong giây phút hiện tại của mỗi người. Thực hiện được những đòi hỏi cao cả này,  tâm hồn chúng ta mới thật sự thông thoáng, mọi đau thương sẽ được lấp đầy bằng hương vị ngọt ngào của tình yêu, nhờ vậy sức sống mới từ nơi Chúa mới có khả năng lan tỏa nơi cuộc sống đời thường.“Khi nêu cao giá trị của mỗi đau khổ như thể chúng là một trong vô số khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và khi kết hiệp những đau khổ ấy với đau khổ của Ngài, chúng ta ta mới bước vào sức năng động của đau khổ-yêu thương, để tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa, và tìm lại được trong chúng ta một sự hiện diện mới mẻ và sung mãn hơn của Thiên Chúa”.[2]
Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm độc đáo về đau khổ: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Còn  Đức cha Lambert de la Motte đấng sáng lập dòng Mến thánh Giá đã cảm nhiệm thế này, “Người Kitô hữu nào không chịu đau khổ thì chỉ có cái vỏ của lòng đạo đức” (Đc. Lambert de la Motte)
Chúa Giêsu đã chết trên Thập giá, đã được chôn vùi và sống lại vinh quang để cho con người hiểu rằng: Thập giá mà mọi người đang vác trong đời mình: không phải Thập giá của hận thù, chia rẻ, chống đối, đày đọa và giết chết nhưng là Thập giá của tình yêu; không phải Thập giá của tên tử tội bị ruồng bỏ, bị kết án trong cô đơn, nhục nhã ...nhưng là Thập giá của người công chính, người yêu Chúa và cảm nhận được Chúa yêu. Đó là Thập giá của niềm vui và hạnh phúc, thập giá của tin yêu, hy vọng, vì được hiến thân cho người mình yêu. Chúa Kitô chịu đóng đinh là niềm hy vọng của tất cả loài người, là đối tượng duy nhất của lòng trí những người nữ tu Mến Thánh Giá “Bởi vì, nếu chúng ta chịu đau khổ nhiều với Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ được chứa chan niềm an vui của Ngài” (2Cr 1, 5).

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa đã cất tiếng kêu cuối cùng “Thế là đã hoàn tất” trên thập giá, không để diễn tả sự đau đớn tột cùng của người bị thất bại, người tội lỗi mất hết hy vọng, nhưng là lời cầu nguyện thân thương của người Con dâng hiến lên Cha, để thân thưa với Cha về tình yêu tự hiến mà Con dành cho Cha và nhân loại. Con đã hoàn tất ý định cứu độ Cha dành cho loài người, từ đây mầu nhiệm khổ nạn đã khép lại và mở lối vào mầu nhiệm giải thoát con người qua sự chết sẽ được thực hiện trong sự phục sinh. Xin cho chúng con biết hoàn toàn tín thác vào Chúa, biết sẵn sàng đón nhận những điều không vừa ý xảy ra trong đời sống như chút hy sinh làm của lễ dâng Chúa, đón nhận những đau khổ của phận người trong sự kết hợp với những thương tích của Chúa trên đường Thánh Giá - nhờ đó chúng con mới cảm nhận được niềm vui trong Ngài và cùng với Ngài con luôn thân thưa với Chúa Cha :“Lạy Cha, con xin phó thác mọi sự  trong tay Cha”.  Amen



[1] Gioan Thánh Giá, Salita del Monte Carmelo, in: Opere, Roma, 1979, pp. 92-93.
[2] Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, 2000, tr. 152.


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây