Chủ đề suy niệm tuần cửu nhật Mừng tước hiệu Suy Tôn Thánh Giá 2023

Thứ năm - 24/08/2023 21:27 846 0
 

Chủ đề suy niệm :
TUẦN CỬU NHẬT

 MỪNG TƯỚC HIỆU SUY TÔN THÁNH GIÁ NĂM 2023
THÁNH GIÁ – LỜI MỜI HY LỄ
TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

          Dẫn: Nói đến Thánh giá chúng ta có thể nghĩ ngay đến một hy lễ. Nói đến Cộng đoàn chúng ta có thể hiểu đến sự quy tụ của các thành viên để làm nên đời sống chung. Thật vậy, đời sống cộng đoàn là một sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho những ai muốn hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho Người, để minh họa lại sự sống Thần linh và tình yêu của Cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa[1]và minh họa cách sống động đức khôn ngoan muôn mặt của Người (x. Eph 3,10). Trong thế giới của một Cộng đoàn thánh hiến, thật lạ lùng khi những con người bình thường lại cùng nhau chia sẻ một lối sống rất phi thường. Thế giới ấy có xương sườn là Linh đạo của Đấng Sáng lập, có bộ khung là trật tự cấu trúc, có ba lời khuyên Phúc Âm làm nguyên lý, có các thành viên làm nên thịt da, có tình liên kết làm nên máu huyết và có Chúa Thánh Thần làm Nguồn Sống[2]. Vì cộng đoàn tu trì vừa mang tính thánh thiêng vừa chứa đựng những đặc thù trần thế nên không ngạc nhiên khi nó có sự pha trộn giữa những điểm sáng và điểm tối.

Vậy, chị em chúng ta hãy cùng nhau bước vào tuần Cửu nhật Suy tôn Thánh giá dựa trên Định hướng niên khóa 2023 – 2024, với chủ đề: THÁNH GIÁ – LỜI MỜI HY LỄ TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN để dọn lòng mừng Tước hiệu của Hội dòng, chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu trên Thánh giá, cùng với Người tiếp tục hân hoan hiến tế đời mình, thực sự Sống Hy Lễ Trong Cộng Đoàn qua từng bước gẫm suy theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Ngày thứ nhất (05/9/2023)
Sống hy lễ trong Cộng đoàn, chiêm ngắm gia đình đích thực từ Ba Ngôi Thiên Chúa.
 

          Lời Chúa:Ga 16, 12 – 15
          Suy: Đời sống của Ba Ngôi giúp chúng ta biết cách sống với người khác. Ba Ngôi sống tùy thuộc lẫn nhau. Cha đã sai Đức Giêsu đến với thế gian (Ga 3, 17). Khi rời bỏ thế gian, Đức Giêsu đã sai Thánh Thần đến (Ga 15, 26; 16, 7).
          Ba Ngôi sống cho nhau. Nếu Đức Giêsu đã tôn vinh Cha bằng cách vuông tròn việc Cha giao (Ga 17, 4), thì Thánh Thần cũng tôn vinh Đức Giêsu bằng việc loan báo, soi sáng, nhắc nhớ những lời Ngài dạy (Ga 16, 14). Chính Chúa Cha cũng tôn vinh Đức Giêsu qua phục sinh vinh hiển (Ga 17, 1).
          Ba Ngôi không tìm vinh quang cho mình, nhưng mở ra để chia sẻ. “Mọi sự của Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16, 15). “Tất cả những gì của Cha đều là của Con...” (Ga 17, 10). Cha là nguồn mạch trao cho Con tình yêu, sự sống, quyền năng, vinh quang. Và Con cũng chẳng giữ gì cho mình, Con chia sẻ cho các môn đệ. Chúa Con khiêm tốn chấp nhận ra đi, tuy phần việc còn dang dở. Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục làm cho hoàn tất công việc ấy.
          Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, xin ban ơn và giúp chúng con biết nhìn lên Ba Ngôi, học cách sống tùy thuộc lẫn nhau, sống cho nhau. Biết sống hy lễ Thập giá bằng cách nhận ra điều tốt, điều đẹp, biết tán dương, thán phục, biết nói lời dịu hiền, thân ái, thuận hòa, bình an, chia sẻ, cảm thông và cùng nâng đỡ nhau sống đúng Linh đạo Mến Thánh Giá mỗi ngày một hơn.
          Thực hành: Sống tình gia đình trong Cộng đoàn, lưu ý đến việc kính trên nhường dưới.
 
Ngày thứ hai (06/9/2023)
Sống hy lễ trong Cộng đoàn, chân nhậnBí tích Thánh Thể là trung tâm.
 

          Lời Chúa: Ga 6, 51 – 58
          Suy: Bí tích Thánh Thể là một lương thực, đồng thời cũng là lễ hy sinh. Đức Kitô tự nộp mình làm của lễ trong cuộc tử nạn trên Thập giá. Thánh Thể đồng hóa hy lễ ấy và tiếp nối cho đến mãi mãi.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ghi nhận: “Cộng đoàn của các con đã được tập hợp nhân danh Thánh Thể, thì tự nhiên là có Thánh Thể làm trung tâm, vì Thánh Thể là “bí tích của tình yêu, là dấu chỉ hợp nhất, là mối dây đức ái”. Cho nên thật là xứng hợp khi chúng con công khai tập họp tại một nguyện đường, nơi đó sự hiện diện của Thánh Thể biểu lộ và thực hiện sứ mạng chính yếu phải có của toàn thể gia đình tu trì, cũng như của tất cả cộng đoàn Kitô giáo... Ước chi những thử thách các con gặp trở nên cơ hội để các con chịu đựng với Chúa, và dâng lên Chúa Cha biết bao tai hoạ và đau khổ bất công đang xâu xé anh chị em chúng ta, và chỉ nhờ đức tin soi dẫn, chỉ có hy sinh của Đức Kitô mới có thể làm cho những đau khổ và tai hoạ ấy có một ý nghĩa”.[3]
          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hồng ân Thánh Thể Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu, xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận ân ban này với hết lòng cảm tạ tri ân. Xin Chúa cho chúng con biết sẵn sàng dâng hiến và từ bỏ những mau qua, những vui thú tạm thời để mua lấy kho tàng vĩnh cửu. Nhờ sống mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể và theo sát Chúa hơn trong tinh thần tự hủy, biết sống tinh thần từ bỏ như một hy lễ để chị em được Chúa gởi đến cho chúng con trong cộng đoàn sống vui và sống dồi dào.

          Thực hành: Liên lỉ nhớ và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong cả ngày sống.

Ngày thứ ba (07/9/2023)
Sống hy lễ trong Cộng đoàn, tuân giữ kỷ luật Dòng.

          Lời Chúa: Mt 5, 17 – 19
          Suy: Đức Giêsu đến thế gian không gạt bỏ luật Thiên Chúa được trao cho Môsê, nhưng Ngài giải thích luật ấy đúng với ý Thiên Chúa, vì chẳng ai biết rõ ý Chúa Cha bằng Chúa Con. Ngài mời chúng ta tuân giữ luật nghiêm túc theo cách mới mẻ, hoàn chỉnh và trưởng thành để không làm mất đi căn tính của một Kitô hữu,một tu sĩ nhưng kiện toàn tất cả nên giá trị cao quý hơn.
Cộng đoàn tu trì vừa mang tính thánh thiêng, vừa mang tính xã hội. Do đó, cộng đoàn vẫn phải có các luật lệ, quy định chung, nhằm duy trì sự hoạt động thống nhất và ổn định, để tạo sự bình an cho từng thành viên trong cộng đoàn. Có những luật được ghi cụ thể trong Hiến chương, Nội quy và những thông lệ truyền thống tốt đẹp của Hội dòng mời gọi các thành viên trong cộng đoàn cần phải tuân giữ. Tóm lại, luật lệ là cần thiết để có trật tự chung, để duy trì sự phát triển của cộng đoàn và công bằng với mọi người. Chúng ta tuân giữ kỷ luật Dòng để trở nên dấu chỉ của Nước Thiên Chúa nơi trần gian.
          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng Chúa đã yêu thương, chọn đích danh và thánh hiến mỗi chị em chúng con nơi gia đình cộng đoàn này. Xin ban thêm đức tin, lòng yêu mến để chúng con luôn sống trong sự hiện diện của Chúa, cùng nhau tuân giữ luật lệ cần có để thánh hóa bản thân, giúp nhau trung thành với ơn gọi, sống Linh đạo Mến Thánh Giá cách vui tươi,thanh thoát, nhẹ nhàng, cùng nhau thi hành sứ vụ chung cách trưởng thành, để đời sống thánh hiến của chúng con ngày càng trở nên hạnh phúctrong nếp sống cộng đoàn hơn.

Thực hành: Nhạy bén,mau mắn giữ các giờ sinh hoạt chung của Cộng đoàn.
 
 
Ngày thứ tư (08/9/2023)
Sống hy lễ trong Cộng đoàn, thực thi bác ái huynh đệ.
 

          Lời Chúa: Lc 10, 25 – 37
          Suy: Bác ái là một đòi hỏi của Kitô giáo, là yêu Thiên Chúa với tất cả trái tim, linh hồn, sức lực, trí khôn và yêu người thân cận như chính mình. Mọi sự đều bắt nguồn từ trái tim, không có sức thúc đẩy của con tim thì tay chân bất động. Người Samari nhân hậu trong Tin mừng Luca đã hành động: lấy dầu, rượu đổ lên vết thương, băng bó, đặt nạn nhân lên lưng lừa, đưa về quán trọ săn sóc, trả tiền cho chủ quán và hứa trở lại trả thêm nếu cần. Tất cả khởi đi từ lòng thương xót (Lc 10, 33).
Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi tương quan vì “không ai là một hòn đảo”. Trong Hiến chương điều 40 ghi nhận: “Chị em hãy yêu mến Cộng đoàn mình đang là thành viên, đem hết sức lực xây dựng Cộng đoàn trở thành một gia đình. Chị em cần tránh xa mọi lời chỉ trích trong hay ngoài Cộng đoàn, vì sẽ làm tổn thương đức ái và lòng tín nhiệm lẫn nhau”. Vậy tinh thần huynh đệ và việc thực thi bác ái làm nên sự hiện diện bí nhiệm của tình yêu Thiên Chúa, thôi thúc chúng ta yêu thương chị em mình đến nỗi nhận lấy những yếu đuối, khó khăn của nhau, sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của nhau, tha thứ và nâng đỡ nhau thăng tiến để làm tròn Đặc sủng và Linh đạo của Đấng Sáng lập đã vạch cho chúng ta bước đi trên con đường Thánh giá.
          Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, xin dạy chúng con có tâm hồn nhạy bén, sẵn sàng ra tay giúp đỡ chị em, đó là dấu chỉ thân cận Chúa đòi hỏi; xin giúpchúng con đừng chỉ mong đợi người khác tỏ ra thân cận với mình, trái lại tích cực tỏ ra thân cận với chị em bằng lời nói, việc làm cụ thể với tất cả con tim chân thành. Đó chính là thái độ bác ái huynh đệ để chúng con sống hy lễ trong Cộng đoàn.
          Thực hành: Âm thầm làm một việc bác ái cụ thể và không nói điều tiêu cực về chị em.
 
 
Ngày thứ năm (09/9/2023)
Sống hy lễ trong Cộng đoàn, liên đới tinh thần đồng trách nhiệm.
 

          Lời Chúa: Gl 6, 2 – 5
        Suy: Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Huấn thị Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn ghi nhận: “Trong một cộng đoàn huynh đệ chân chính, mỗi phần tử đều phải có tinh thần đồng trách nhiệm đối với sự trung thành của những người khác. Mỗi người đóng góp cho bầu khí thanh bình của đời sống chia sẻ, của sự hiểu biết và sự trợ giúp hỗ tương, mỗi người lưu tâm đến những lúc chán nản, đau khổ, cô đơn hay những lúc thiếu sự động viên nơi những người khác; mỗi người sẵn sàng nâng đỡ những ai bị buồn sầu vì những khó khăn và thử thách”.
Do đó, đời sống cộng đoàn cần có liên đới với nhau bằng lòng đón nhận người chị em là do Chúa gởi đến, sẵn sàng chia sẻ cho nhau về vật chất lẫn tinh thần, thành công không quy về mình hay thất bại không đổ lỗi cho người khác, nhằm giúp nhau đạt tới đời sống thánh thiện và trung thành sống giao ước thánh hiến với tinh thần đồng trách nhiệm.
          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi chúng con ý thức rằng Cộng đoàn là nơi để thánh hoá cá nhân theo nghĩa tích cực, là nơi để hoán cải dưới ánh sáng Tin Mừng, là nơi để lắng nghe Lời Chúa và đi tìm Thánh Ý Thiên Chúa, là nơi yêu thương và tha thứ, là nơi sống tình liên đới bằng tinh thần xả kỷ trong đời sống. Xin Chúa cho chúng con ơn say mê Thánh giá Chúa để chúng con sẵn lòng hy sinh, dấn thân xây dựng cộng đoàn thăng tiến bằng chính nỗ lực bản thân mỗi ngày trong tình liên đới và trách nhiệm.

          Thực hành: Sẵn sàng tham gia công việc chung với tinh thần trách nhiệm cao.

Ngày thứ sáu (10/9/2023)
Sống hy lễ trong Cộng đoàn, thi hành sứ vụ yêu thương, hiệp thông

          Lời Chúa: Mt 18, 19 – 20
          Suy: Sự hiệp thông là yếu tố cốt lõi trong đời sống cộng đoàn, nhất là đối với đời sống người nữ tu Mến Thánh Giá. Hiệp thông là sức sống, là chất keo để liên kết và làm phát triển cộng đoàn. Không thể có đời sống cộng đoàn đúng nghĩa nếu không có sự hiệp thông và việc sống chung. Thánh Phaolô ghi nhận:“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em phải có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14 – 15).
          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hiệp thông, hiệp hành được coi là nhịp đập đầu tiên của con tim cộng đoàn, làm cho cộng đoàn trở nên thân thể sống động của Đức Kitô. Trong một Hội dòng, một cộng đoàn sự liên kết, gắn bó rất cần thiết. Mỗi chúng con như thể là tay chân của nhau. Xin cho mỗi thành viên trong gia đình Hội dòng, Cộng đoàn chúng con luôn sống tình hiệp thông cách cụ thể bằng việc nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt cho nhau; nâng đỡ và giúp nhau nên thánh mỗi ngày.

          Thực hành: Làm một việc cụ thể để tỏ lòng yêu thương, hiệp nhất với người chị em không có thiện cảm với mình.
 
Ngày thứ bảy (11/9/2023)
Sống hy lễ trong Cộng đoàn, học theo gương Mẹ Maria
 

          Lời Chúa: Mc3, 31 – 35
          Suy: Đảo mắt nhìn những người đang lắng nghe Đức Giêsu và Ngài nói: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3, 35). Đức Giêsu muốn loan báo về gia đình của Ngài, một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều phương diện nhưng có một mẫu số chung, một điểm giống nhau là thi hành ý muốn Thiên Chúa trong cuộc sống. Khi thi hành thánh ý Thiên Chúa, chúng ta trở nên họ hàng với Đức Giêsu, người Anh Trưởng, luôn sống đẹp lòng Chúa Cha, có Mẹ Maria là người Mẹ tuyệt hảo suốt đời tín trung đã lắng nghe và sống theo ý Chúa qua tiếng “Fiat”, cũng có bao lớp người đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống mình trong đó có các bậc tiền nhân Mến Thánh Giá của chúng ta đã nỗ lực sống đời hy lễ vì Đấng chịu đóng đinh qua việc vâng phục thánh ý Chúa.
          Chính đức Vâng Phục chi phối toàn bộ đời sống thánh hiến của chúng ta. Đức vâng phục thể hiện tiếng Chúa trong Kinh Thánh, các điều răn, Hiến chương, Nội quy của Hội dòng. Thực thi đức vâng lời không phải lúc nào cũng dễ, có những gợi ý, những lệnh truyền xem ra đau chói một cõi lòng, khi thay đổi sứ vụ, hoặc điều gì không hợp sở thích… Vâng phục đòi hỏi phải hy sinh, chấp nhận mất mát, thua thiệt và khổ đau. Những lúc đó, hãy học theogươngsống của Mẹ Maria và khẩn khoản cầu xin Mẹ cho chúng ta được tháp nhập vào gia đình thiêng liêng của Mẹ bằng việc hy sinh, từ bỏ mỗi ngày vì lòng yêu mến Chúa.
          Cầu nguyện: Lạy Trưởng Tử Giêsu, xin giúpchúng con biết nhạy bén và can đảm thưa “Xin vâng” trong mọi tình huống với tinh thần hy sinh, khiêm tốn để mang lại hiệu quả trong khi thi hành sứ vụ Hội dòng giao phó, miễn sao đúng theo thánh ý Chúa.
          Lạy Mẹ Maria, được ở trong gia đình Giáo Hội, Hội dòng là niềm vui bất tận của mỗi chị em chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con từ nay biết lắng nghe và thực hiện ý Chúa với tâm tình đơn sơ phó thác như Mẹ. Nhờ Mẹ cầu thay và đồng hành, chúng con trung kiên sống trọn Thánh Ý Chúa để được Chúa đón nhận là chị, là em trong đại gia đình thiêng liêng của Chúa.
          Thực hành: Dâng một kinh Kính Mừng lên Mẹ Maria mỗi khi thấy trái ý, buồn phiền.
 
Ngày thứ tám (12/9/2023)
Sống hy lễ trong Cộng đoàn, dõi theo gương sáng cha thánh Giuse
 

          Lời Chúa: Mt 1, 18 – 24
          Suy: Trong giấc mộng giữa đêm khuya, Thiên Chúa đã mời thánh Giuse tham dự vào kế hoạch cứu rỗi nhân loại trong vai trò quan trọng là làm cha nuôi của Đức Giêsu.Nhờ sự tin tưởng và vâng phục thánh ý Thiên Chúa và tấm lòng của người cha là dám chịu trách nhiệm nơi thánh Giuse để Chúa Giêsu có chỗ đứng hợp pháp, đàng hoàng bước vào cuộc đời có một mái nhà, có cha, có mẹ, có tên, có tuổi trong thế giới này. Khi sứ thần báo mộng: Đừng ngại nhận Maria làm vợ, vì đứa trẻ được thụ thai trong lòng bà là do Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1, 24). Đó là tinh thần vâng phục tuyệt đối rất dịu hiền của thánh Giuse.
Tinh thần vâng phục của thánh Giuse, được thể hiện trong lời khấn vâng phục của người tu sĩ hôm nay. “Nhờ khấn giữ đức vâng lời, các tu sĩ tận hiến ý muốn của mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn hơn”[4]. Như vậy, đời sống vâng phục của thánh Giuse là sống cho Thiên Chúa, và hiến dâng cuộc đời cho tình yêu và đức ái trọn hảo, không so đo hơn thiệt. Chính nhờ sự tuân phục này đời sống của thánh Giuse thêm phong phú và hoàn thiện.
          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống, đã rao giảng và mời gọi các môn đệ bước theo Ngài để đạt đến sự trọn lành Phúc Âm. Chính thánh Giuse đã sống và tiên báo trước một lối sống theo các giá trị Tin Mừng. Là những môn đệ của Đức Kitô, cuộc sống chúng con phải trở hành dấu chỉ Nước Trời, dấu chỉ của niềm tin yêu và hy vọng. 
Nguyện xin Thánh Cả Giuse giúp chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Ước gì mỗi chúngconluôn noi gương thánh Giuse, biết đón nhận Chúa vào trong cuộc đời hiến dâng của chúng con qua việc tuân hành thánh ý Chúa, để nhờ đó, chúng con mới có khả năng gieo vãi niềm vui và sự an bình của Chúa cho anh chị em chung quanh chúng con.
          Thực hành: Tập sống điềm tĩnh, cầu nguyện lãnh hội ý Chúa trước khó khăncủa công việc.
 
Ngày thứ chín (13/9/2023)
Sống hy lễ trong Cộng đoàn, thấm nhuần Giáo huấn của Đấng Sáng lập

          Lời Chúa: 1 Cr 2, 1 – 5 
          Suy: Hầu hết các Dòng Mến Thánh Giá đang hiện diện dọc chiều dài bản đồ hình cong chữ S, với con số tu sĩ đông nhất Việt Nam. Giáo hội Việt Nam đã lớn mạnh với hàng triệu tín hữu, cùng hàng ngàn linh mục. Chính Đức cha Pierre Lambert đã đặt những viên gạch vững chắc cho ngôi nhà Giáo hội Việt Nam về tổ chức, nhân sự và hướng đi cụ thể... dù chỉ một lần đến Đàng Ngoài và hai lần thăm Đàng Trong trong thời gian ngắn ngủi.
Phát xuất từ kinh nghiệm thiêng liêng về lòng say yêu Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, Thánh giá Chúa Giêsu đã trở thành động lực chi phối mọi hoạt động từ xã hội đến Giáo hội, từ bên ngoài lẫn nội tâm của Đức cha Lambert. Ngài đã được Thiên Chúa chúc phúc để có được những thành quả kể trên. Đức cha đã tha thiết yêu mến Thánh giá và khát khao đồng hóa với Người trong mầu nhiệm Tử Nạn. Ngài muốn tiếp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Cứu Thế, và sẵn sàng cho Người mượn thân xác để tiếp tục hy sinh. Có lần ngài nói với các linh mục của mình: “Hãy học hỏi Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến”. Ngài ao ước có thật nhiều người hiểu biết và yêu mến Thánh giá, nên ngài khao khát các Giám mục, linh mục, nữ tu và giáo dân thuộc đủ mọi thành phần phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh giá Con Thiên Chúa. Hơn nữa, là để tái hiện sự đau đớn và ân sủng gắn liền với cuộc thương khó của Người” (Bts VI,1), bằng việc “chuyên chú suy gẫm cuộc thương khó và thông dự những nỗi khổ đau của Người hằng ngày trong suốt cuộc đời” (Ltk I,4)
          Cầu nguyện: Lạy Chúa Cha từ ái, Đấng Sáng lập của chúng con đã có trực giác thiêng liêng mãnh liệt khi chiêm ngắm Đức Kitô chịu đóng đinh, trực giác này thôi thúc Đức cha khát khao trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và cảm nghiệm sâu sắc về tâm tình mà thánh Phaolô đã trải nghiệm.“Tôi đã không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá” (1Cr 2,2). Và từ đó, suốt hành trình cuộc sống đức cha Lambert đã sống tình yêu thực tiễn dành cho Đức Kitô trong cầu nguyện với khổ chế, hăng say làm tông đồ và cả trong sự vâng phục.
Xin Cha ban Chúa Thánh Thần xuống trên chị em chúng con, để nhờ ơn Thánh Thần phù trợ chúng con cố gắng từng ngày theo kinh nghiệm sống của Đấng Sáng lập về lòng say yêu Thánh giá Con yêu dấu của Cha qua cuộc đời và sứ vụ của mỗi chúng con để ngày càng đạt đến sự hiểu biết, yêu mến Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh cách sâu đậm hơn.

          Thực hành: Ăn chay và tích cực cầu nguyện cho việc phong thánh của hai Đức cha Lambert và Pallu.

          Thực hành chung:
  • Dọn đài Thánh giá (nếu được)
  • Sau giờ suy gẫm và sau kinh tối, hát bài Thánh giá vinh quang:
ĐK: Cây Thánh giá dấu hiệu của vinh quang. Cây ân phúc mang sự sống thiên đàng, lý tưởng của đời con, đối tượng duy nhất lòng con. Xin cho con yêu mến phụng thờ, mang trên vai Thập giá mỗi ngày. Đời bao gian khó nhưng Thánh giá vinh dự đời con.
PK 1: Xin cho con luôn ấp yêu Thánh giá trong cuộc đời, biết quên mình yêu mến anh em. Rộng vòng tay đón lấy ai khổ đau nghèo hèn, trọn niềm tin mang Chúa đến tận mọi nơi.
  • Góp nhặt hy sinh cầu nguyện cho chị em trong Hội dòng tích cực sốngtinh thần của Định hướng niên khóa 2023 – 2024.
 

[1]Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Perfectae Caritatis, (28/10/1965), 1
[2]Phêrô Lê Hoàng Nam, S.J, Những Lợi Ích Của Đời Sống Cộng Đoàn, 2018, https://dongten.net/2018/05/24/nhung-loi-ich-cua-doi-song-cong-doan/
[3] ĐGH. Phaolô VI, Theo Chúa Kitô, Tông huấn Chứng tá Phúc âm (Evangelica testificatio), ngày 29.06.1971, số 47 – 48, tr. 71 – 72.
[4]Sắc lệnh về Canh tân thích nghi đời sống tu Dòng (Perfectae Caritatis), số 14

 

Tác giả bài viết: Cđ Nhà Mẹ

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây